Các Tín Hữu Việt Nam Còn Xa Lạ Với “Đàng Ánh Sáng”
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Trong Mùa Chay và thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu thường đi Đàng Thánh Giá. Điều này thật dễ hiểu và hợp lý vì khi ngắm Đàng Thánh Giá, chúng ta dừng lại tại một trong 14 nơi (chặng) khác nhau để cầu nguyện hay suy gẫm về những biến cố trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong Mùa Phục Sinh, tốt nhất, chúng ta nên ngừng đi Đàng Thánh Giá để chuyển sang đi Đàng Ánh Sáng (còn được gọi là Đường Ánh Sáng/ Các Chặng Ánh Sáng/ Các Chặng Phục Sinh), tức suy niệm về Mầu Nhiệm Phục Sinh cùng các biến cố sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Thực hành này vừa phù hợp với khung cảnh và bầu khí của Mùa Phục Sinh lại vừa đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ là việc đạo đức phải tùy thuộc vào phụng vụ, mô phỏng theo phụng vụ, tiếp nối phụng vụ, và bổ túc cho phụng vụ.
CÒN XA LẠ VỚI ĐÀNG ÁNH SÁNG
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tín hữu chỉ quen thuộc với Đàng Thánh Giá (Via crucis) hằng trăm năm qua, còn hầu như không biết đến Đàng Ánh Sáng (Via lucis). Bằng chứng là các nhà thờ và nhà nguyện đều có Các Chặng Thánh Giá hầu giúp các tín hữu dễ dàng thực hành lòng sùng kính đi Đàng Thánh Giá vốn có bề dày lịch sử lâu đời và lại rất cần thiết, nhưng hiếm thấy nơi nào có Các Chặng Ánh Sáng/ Các Chặng Phục Sinh. Nhiều giáo xứ đã có Đàng Thánh Giá trong thánh đường, vẫn làm thêm Đàng Thánh Giá chung quanh nhà thờ, lại còn xây dựng thêm Đàng Thánh Giá tại Đất Thánh nữa, nhưng không thấy Các Chặng Phục Sinh ở đâu cả. Cho đến nay, chỉ có hai tác giả của Việt Nam trình bày về Đường Ánh Sáng: đó là Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn với cuốn sách nhỏ mang tựa đề “Đường Ánh Sáng Theo Thánh Ignatio Loyola” (xem tại đây) và Lm. Phan Tấn Thành, OP với bản văn “Đường Ánh Sáng: Suy Ngắm 14 Chặng Đường Phục Sinh” (xem tại đây). Chúng ta có thói quen đi Đàng Thánh Giá suốt năm phụng vụ, đặc biệt là trong Mùa Chay và thứ Sáu Tuần Thánh, vừa như một hình thức cầu nguyện vừa như là cách huấn giáo về những khổ nạn Chúa Giêsu phải chịu, nhưng vì không biết hay không quan tâm, hiếm khi thấy ai thực hành đi Đàng Ánh Sáng, cả xứ đạo và cộng đoàn tu sĩ cũng vậy.
ĐÀNG ÁNH SÁNG LÀ GÌ?
Đàng Ánh Sáng hay còn gọi là Các Chặng Phục Sinh là một thực hành đạo đức bình dân trong đó chúng ta sẽ lần lượt chiêm ngắm và suy niệm về biến cố phục sinh của Chúa, những lần hiện ra của Ngài sau phục sinh và việc Chúa cử Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh như được ghi lại trong 4 Sách Tin Mừng và Sách Tông đồ Công vụ. Như vậy, Các Chặng Phục Sinh sẽ hoàn tất Các Chặng Thánh Giá.
HÌNH THÀNH NÊN ĐÀNG ÁNH SÁNG
Có những lý do sau đây góp phần hình thành nên thực hành đi Đàng Ánh Sáng ngày nay:
● Thứ nhất, lòng sùng mộ này được truyền cảm hứng khi người ta khám phá ra những lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu Côrintô được khắc ghi trên các bức tường cổ xưa tại hang toại đạo thánh Callisto ở Rôma. Câu này là: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15,3-8). Những lời trên đầy nhằm đáp lại một bản báo cáo cho biết rằng vài thành viên trong Hội Thánh đã phủ nhận mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.
● Thứ hai, đã có nhiều dân tộc đón nhận và thực hành việc đạo đức đi Đàng Ánh Sáng bằng cách suy niệm về những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo. Nghĩa là, thực hành chiêm ngắm và suy niệm Các Chặng Phục Sinh có thể đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử.
● Thứ ba, các tín hữu ngày nay không thỏa mãn với chặng kết của 14 Đàng Thánh Giá khi suy niệm về Mầu nhiệm Vượt qua. Theo đó, Mầu nhiệm Vượt qua đạt tới đỉnh cao với biến cố Chúa sống lại và Mầu nhiệm này không thể không có biến cố Chúa Phục Sinh: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1 Cr 15, 17–20). Nói cách khác, Mầu nhiệm Vượt qua là một thể thống nhất, trong đó bao gồm cả toàn bộ biến cố Chúa Kitô chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển. Vì thế, trong phụng vụ chính thức của Giáo Hội hiện nay, biến cố Chúa trỗi dậy từ cõi chết không bị tách rời, nhưng được đưa vào ngay cả thứ Sáu Tuần Thánh. Và đây cũng là lý do tại sao vào Năm Thánh 1975, Đức Phaolô VI đã phê chuẩn một bộ Các Chặng Thánh Giá mới với 15 chặng dựa sát trên bản văn Tin Mừng hơn: từ Bữa Tiệc Ly cho đến kết thúc là biến cố Chúa Kitô phục sinh, chặng thứ XV mang nội dung Chúa sống lại từ cõi chết.
● Thứ tư, trong 20 Mầu nhiệm kinh Mân côi, rõ ràng chúng ta có cả 5 mầu nhiệm mùa Thương (suy niệm về các biến cố Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, chịu đội mũ gai, vác cây thánh giá, và chịu chết trên cây thánh giá) lẫn 5 mầu nhiệm mùa Mừng (suy niệm về các biến cố Chúa Giêsu sống lại, lên trời, và cử Chúa Thánh Thần xuống);
● Thứ năm, bằng việc phát triển ý tưởng phối hợp những biến cố được khắc ghi ở hang toại đạo của thánh Callisto với các biến cố hậu phục sinh để tạo ra Các Chặng Phục Sinh, cha Sabino Palumbieri, giáo sư môn nhân chủng học tại Đại học Salêdiêng ở Rôma, được coi là người khởi xướng thực hành Đàng Ánh Sáng hiện nay. Vào mùa hè năm 1988, cha đã đề xuất việc tạo ra một hình thức thực hành đạo đức bình dân mới là đi Đàng Ánh Sáng theo mẫu của Các Chặng Thánh Giá, nhưng khác với Các Chặng Thánh Giá, các Chặng mới sẽ tập trung vào biến cố Chúa Phục Sinh và các sự kiện tiếp theo biến cố trọng đại này cho đến thời điểm Chúa Thánh Thần hiện xuống để giúp các tín hữu tham dự vào sự sống và niềm vui của Chúa Phục Sinh. Đàng Ánh Sáng như thế sẽ hướng chúng ta đến khía cạnh lạc quan tích cực và tràn đầy hy vọng trong câu chuyện cuộc đời của người Kitô hữu. Mặc dù không vắng mặt Các Chặng Thánh Giá, nghĩa là không ai tránh khỏi những đau khổ, buồn phiền và thử thách trong cuộc sống, nhưng đời người Kitô hữu không thể bị che khuất bởi sự nhấn mạnh quá đáng về đau khổ. Đúng hơn, đời sống của người Kitô hữu phải nhấn mạnh hơn đến niềm vui và ngập tràn hơn trong hy vọng, bình an và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh
Lòng sùng mộ Đàng Ánh Sáng đã được thừa nhận bởi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đồng thời được cử hành cách công khai và quy mô lần đầu tiên vào năm 1990, sau đó, ngày càng lan truyền rộng rãi hơn. Xuất hiện từ năm 1988, nhưng 3 năm sau, hình thức đạo đức này mới được ĐGH Gioan Phaolô II giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội nhân dịp thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991.
HUẤN QUYỀN CỦA HỘI THÁNH
Tài liệu của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích mang tên “Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ” nói về Đàng Ánh Sáng như sau (số 153):
Trong những năm gần đây, có một việc đạo đức, gọi là “Đàng Ánh Sáng” (Via lucis) được phổ biến ở nhiều nơi. Lấy mẫu từ Đàng Thánh Giá, trong Đàng Ánh Sáng các tín hữu được mời bước theo một hành trình lần lượt nhìn lại các lần Chúa hiện ra từ khi Người sống lại cho đến khi lên trời. Qua những lần Chúa hiện ra như thế, và trong cả viễn cảnh Chúa quang lâm sau này, Chúa đã bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ, trong khi các ngài chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần mà Người đã hứa ban hiện xuống (x. Ga 14,26; 16,13-15; Lc 24, 29), để củng cố đức tin của các ngài, hoàn thành các lời Người giảng dạy về Nước Trời, và sau cùng, định hình cơ cấu bí tích và phẩm trật của Giáo Hội.
Việc đạo đức đi Đàng Ánh Sáng giúp giáo dân nhớ lại biến cố trung tâm của đức tin – sự Phục Sinh của Đức Kitô – và địa vị làm môn đệ của mình, mà bí tích Rửa Tội đã đưa họ từ đêm tối của tội lỗi đến ánh sáng của ân sủng (x. Cl 1,13; Ep 5,8).
Qua nhiều thế kỷ, Đàng Thánh Giá, vốn giúp cho các tín hữu tham dự vào biến cố khởi đầu của mầu nhiệm Phục Sinh – cuộc Thương Khó – đã góp phần vào việc định hình những khía cạnh khác nhau của nội dung cuộc thương khó ấu trong cảm thức của giáo dân, Ở thời đại chúng ta, cũng tương tự như thế, Đàng Ánh Sáng cũng giúp hiện tại hóa nơi các tín hữu thời điểm thứ hai hết sức trọng yếu của cuộc Vượt Qua của Chúa, là sự Phục Sinh, với điều kiện việc đạo đức này diễn ra theo đúng với nội dung Tin Mừng.
Người ta thường nói “qua thập giá tới ánh sáng”. Đàng Ánh Sáng thật sự có thể trở nên một bài sư phạm tuyệt hảo về đức tin. Thực vậy, Đàng Ánh Sáng lấy ẩn dụ là một con đường phải đi, giúp các tín hữu hiểu rõ hơn hành trình thiêng liêng, khởi đi từ nhận thức về thực tại đau khổ, mà theo ý định của Thiên Chúa, thực tại này không phải là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời con người, và tiến đến niềm hy vọng được đạt tới mục đích đích thực mỗi người theo đuổi: sự giải thoát, niềm vui, bình an, vốn là những giá trị chủ yếu của Phục Sinh.
Sau cùng, trong một xã hội thường được mang dấu ấn của lo âu và hư vô, tiêu biểu cho “nền văn hóa sự chết”, Đàng Ánh Sáng, ngược lại, làm nên một kích thích tố hiệu quả giúp xây dựng “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là nền văn hóa biết đón nhận những trông đợi của hy vọng và các xác quyết của đức tin.”
DANH SÁCH CÁC CHẶNG PHỤC SINH
Kể từ năm 2007, người ta thấy danh sách Các Chặng Phục Sinh không thống nhất trên toàn cầu, cũng như không có thẩm quyền nào trong Giáo Hội tìm cách áp đặt một danh sách dứt khoát cả. Kết quả là một số nhà thờ đã xây dựng Các Chặng Phục Sinh theo sơ đồ và ý định riêng không trùng với những nơi khác. Điều này cũng tương tự như lịch sử hình thành nên danh sách Các Chặng Thánh Giá, nghĩa là Đàng Thánh Giá chỉ đạt được hình thức chính thức và thống nhất như hiện nay sau nhiều thế kỷ trước những thực hành khác nhau ở các địa phương khác nhau. Thật vậy, từ ban đầu, con số Các Chặng Thánh Giá tại Giêrusalem ít hơn 14 và thay đổi theo vùng cũng như theo thời gian, có thể là 11, 12, 19, 25, 37 hay 43 Chặng riêng rẽ; thậm chí ngay tại một nơi, con số cũng không chính xác như nhau. Truyền thống 14 Chặng có lẽ phát xuất từ Louvain (năm 1505), rồi tại Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ XVII, đặc biệt trong các cộng đoàn Dòng Phanxicô. Hình thức 14 Chặng Thánh Giá được chọn lựa và thiết lập một cách vững chắc và chính thức vào thế kỷ XVIII bởi Đức Clêmentê XII (năm 1731).
Về số lượng Các Chặng Ánh Sáng, nhằm nhấn mạnh đến tính bổ túc và cân đối giữa Các Chặng Thánh Giá và Các Chặng Phục Sinh, mặc dù Kinh Thánh chỉ kể ra 7-8 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, người ta đã đồng thuận với nhau là chia nhỏ những lần hiện ra để tạo ra phiên bản 14 Chặng Phục Sinh tương ứng với 14 Chặng Thánh Giá theo truyền thống. Dầu có thể tồn tại những phiên bản khác biệt ở cấp địa phương về danh sách Các Chặng Phục Sinh, dường như danh sách sau đây ngày càng được công nhận (có thể xem hình ảnh 14 Chặng Đàng Phục Sinh tại “Stations of the Resurrection with Pictures – Via Lucis” ):
1) Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (Mt 28, 5b-6a)
2) Các môn đệ tìm thấy ngôi mộ trống (Ga 20,8)
3) Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Mácđala (Ga 20, 14b-18)
4) Chúa Giêsu hiện ra trên đường đi Emmaus (Lc 24, 15. 25-27)
5) Nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh (Lc 24, 29-32)
6) Chúa Giêsu hiện ra với cộng đoàn các môn đệ tại Giêrusalem (Lc 24, 38-40)
7) Chúa Giêsu ban cho các môn đệ bình an và quyền tha tội (Ga 20, 19b. 20b-23)
8) Chúa Giêsu củng cố đức tin của Tôma (Ga 20, 24-29)
9) Chúa Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria (Ga 21, 10-12)
10) Chúa Giêsu tha thứ cho Phêrô và trao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Ngài (Ga 21, 15. 17b. 19b)
11) Chúa Giêsu sai các môn đệ đi đến với muôn dân (Mt 28, 19-20)
12) Chúa Giêsu lên trời (Mc 16, 19-20)
13) Đức Maria và các môn đệ canh thức cầu nguyện tại lầu trên (Cv 1, 13a. 14)
14) Chúa Phục sinh phái Thánh Thần đến các môn đệ (Cv 2,1-6)
THAY LỜI KẾT
Với những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi ước mong rằng:
● Thứ nhất, ngoài Các Chặng Thánh Giá, nếu thuận tiện, các giáo xứ, tu viện và nhất là các trung tâm hành hương, nên xây dựng Các Chặng Phục Sinh;
● Thứ hai, khuyến khích các họa sĩ và nghệ sĩ, dựa vào các đoạn Tin Mừng của từng Chặng Phục Sinh [nêu trên] để sáng tạo những tác phẩm [hội họa, điêu khắc…] giúp cho việc thiết kế và xây dựng Đàng Ánh Sáng được dễ dàng và mang tính nghệ thuật;
● Thứ ba, phổ biến bản văn “Đường Ánh Sáng Theo Thánh Ignatio Loyola” của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và “Đường Ánh Sáng: Suy Ngắm 14 Chặng Đường Phục Sinh” của Lm. Phan Tấn Thành, OP cũng như biên soạn /dịch thuật và xuất bản những bản văn khác giúp cho các tín hữu thuận tiện sử dụng trong việc ngắm Đàng Ánh Sáng;
● Thứ tư, cổ võ việc đi Đàng Ánh Sáng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh và những ngày khác trong suốt 50 ngày của Mùa Phục Sinh. Còn trong các Mùa khác ngoài Mùa Chay, đi Đàng Ánh Sáng vào một ngày trong tuần theo sau ngày đi Đàng Thánh Giá để tạo sự quân bình trong đời sống. Có thể đi Đàng Ánh Sáng bất cứ khi nào cần ơn trợ lực của Đấng Phục sinh, cần niềm vui, bình an, hy vọng và tình yêu của Ngài; cũng đi Đàng Ánh Sáng mỗi khi nhận được thành công, may mắn, ân phúc như một lời tạ ơn Chúa.