Cầu nguyện trước Thánh Thể theo Tin Mừng CN 22 Thường Niên A

Chúa nhật 22 thường niên A

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 16,21-27

Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.

GIẰNG CO

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay, chúng con mới hiểu được một phần nào việc Chúa: “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô”

Vì trong bài Tin Mừng này đã bộc lộ chất người cuả Phêrô, nói thế mà không phải thế! Vừa mới tuyên xưng đó, nhưng rồi ngay sau đó lại không tin tưởng vào Chúa, khi Chúa ngỏ ý là Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Chỉ vì ông chưa nhận ra được lý do tại sao Chúa nhất quyết lên Giêrusalem trong lúc này?

Chắc chắn ông không thể quên vào thế kỷ thứ 10 trước Công Nguyên, vua Đavít đã lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành Thánh nhưng đời ông chưa thực hiện được. Kế nghiệp cha, Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh thờ kính Chúa nguy nga, lộng lẫy.

Sau đó, dân Israel đã đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: "Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng" (Tv 83, 2-3).

Chính vì, Phêrô đã không hiểu rõ về ý định cao cả của Đức Giêsu, cho nên  ông đã bộc lộ rõ con người của mình!  Sở dĩ có điều này vì Phêrô không còn nhớ Lời Chúa khen ngợi trước đó,  để chỉ còn lại sự suy nghĩ của ông, cũng như của mọi người: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! ”

Chỉ khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Chúa cho tới khi chịu chết, sống lại, với ơn Chúa Thánh Thần cho các ông, lúc đó các ông mới nhận ra tầm quan trọng của sứ điệp Chúa mời gọi "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. "

Biết rõ tâm tư của Phêrô, cho nên Chúa Giêsu đã nói một mạnh mẽ, không nhượng bộ với Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”

Với sự quyết liệt này đã làm cho Phêrô dần dần vượt qua sự giằng co nơi con người của ngài để nhận ra con đường mà Chúa phải đi cũng như chính bản thân mình phải đi là như thế nào.

Việc “Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51), là một quyết định đắn đo và nghiêm túc, cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu, bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát. Giêrusalem giờ đây là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, là nơi những người đang âm mưu quyết tâm bắt Đức Giêsu để loại trừ.

Nếu Chúa muốn được sống yên thân, thì chỉ cần Ngài đừng lên thành đô ấy, và giới hạn hoạt động của mình ở Galilê. Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ không khác gì là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy!

Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi mà Chúa Cha muốn Ngài đến: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33). Vì chính tại nơi này mở ra một Giêrusalem mới bền vững muôn đời thay thế cho Giêrusalem trần gian mà khi đến trần gian này Ngài phải thực hiện để ơn cứu độ được đến với muôn người. Việc biến đổi này được Đức Giêsu thực hiện bằng sự hiến mình chịu chết vì vâng phục, và sau đó, cũng tại chính nơi đây, Ngài được phục sinh và rước lên trời vinh hiển (c. 51).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đời con người dù muốn hay không muốn thì cũng kết thúc ở Giêrusalem hay nơi núi sọ. Kết thúc bất kể ở nơi nào thì cũng vậy thôi, phải có sự hy sinh, sự đánh đổi. Vì vậy, nếu mỗi người chúng con mạnh mẽ vượt qua sự giằng co giữa con đường trần gian với con đường theo Chúa, thì con sẽ được Chúa ban thưởng ân phúc cho người tôi tớ trung thành, còn nếu cứ ở lại trong sự giằng co ấy thì chẳng có được bất cứ một điều gì tốt lành, mà lại còn lãnh nhận thêm án phạt do chính mình gây ra!

Nói thì nói vậy thôi, chúng con vẫn hay xét rằng, bước theo Đức Giê-su là chuyện đương nhiên của những người kitô hữu, dễ rồi..... lên Giêrusalem, lên tới đâu cũng được. Nhưng để tới đó mà phải vác thánh giá thì có lẽ chúng con phải suy nghĩ hay sẽ mạnh mẽ tìm cách từ chối như thánh Phêrô ngày xưa! Bởi vì chúng con thích những gì theo ý mình, ngại chấp nhận đánh đổi, không muốn phải vác thánh giá khổ đau, nặng nề, vì đời con người có là bao mà phải chịu khổ đến thế !!!

Vì vậy, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giữa những suy nghĩ và tầm nhìn hạn hẹp của con người... Xin Chúa soi sáng, mở trí để chúng con luôn một lòng một dạ mà vâng theo thánh ý Chúa cho đến cùng, như Chúa đã nhấn mạnh “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”.

Thiên Quang sss

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.