CHÚA Ở GẦN TA TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể
Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um. (Ga 6:48-59)
Thiên Chúa gần gũi ta trong mầu nhiệm Thánh Thể:
Trong bài giảng lễ Mình Máu Thánh Chúa, thánh Tôma Aquinô đã dựa vào một câu của sách Đệ nhị luật diễn tả niềm vui của Israel vì được Thiên Chúa tuyển chọn, được giao ước với Thiên Chúa: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? (Đnl 4, 7)
Thánh Tôma sung sướng nhận ra rằng câu nói ấy của sách Đệ nhị luật đã được thể hiện cách trọn vẹn và lạ lùng cho Giáo Hội là Israel mới. So sánh với việc Thiên Chúa trong Cựu Ước đã hạ mình ngỏ lời với Dân Israel qua ông Môsê và đã tỏ ra gần gũi với Dân, giờ đây chính Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, đã làm người để ở giữa loài người. Người gần chúng ta đến mức ở trên bàn tay của ta, ở trong trái tim của ta nơi mầu nhiệm Mình Máu Thánh. Thánh Tôma vui mừng vì giờ đây mới thực sự có một Dân Thiên Chúa, Dân sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến gần đến mức độ không thể gần hơn được nữa.
Gần gũi đến mức trở thành cớ vấp phạm:
Điều đáng lẽ ra là nguồn gốc của niềm vui, lại là viên đá vấp ngã, là nguyên do của khủng hoảng. Theo đoạn Tin mừng Gioan vừa trích dẫn, điều đó đã xảy ra từ khi Chúa Giêsu đề cập đến mầu nhiệm Thánh Thể. Có nhiều người đã xầm xì phản đối. Thái độ khó chịu ấy vẫn tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội, cho đến ngày hôm nay vẫn còn làm cho Giáo Hội bị tổn thương trầm trọng. Người ta khó chịu vì không muốn có một Thiên Chúa ở gần như thế, không muốn một Thiên Chúa nhỏ bé như thế, một Thiên Chúa hạ mình thấp hèn như thế! Nhiều người muốn có một Thiên Chúa vĩ đại, một Thiên Chúa ở xa.
Và nhiều người đã cố gắng minh chứng một sự gần gũi như thế giữa Thiên Chúa với con người là không thể được. Người thì dựa vào Kinh Thánh, người khác dựa vào triết học, người khác nữa dựa vào khoa học.
Dựa vào Kinh thánh, lời Chúa Giêsu nói Này là Mình thầy, Này là Máu Thầy có ý nghĩa gì? Phải chăng là một sự hiện diện thể lý? Hay lời đó của Chúa chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Bánh và rượu này là dấu chỉ Mình và Máu Thầy? Câu trả lời của Sách Thánh thật là rõ, và không còn có thể rõ hơn được nữa: “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình…vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. (Ga 6, 53. 55)
Khi có nhiều người do thái xầm xì phản đối, Chúa đã không giải thích hay điều chỉnh lại cho họ dễ chấp nhận hay trấn an họ: thịt tôi giống như của ăn, máu tôi giống như của uống. Nhưng Chúa còn khẳng định mạnh mẽ hơn: thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể là tin Thiên Chúa có thể xác. Và đây là đức tin chân thật, đức tin tròn đầy. Chúa đến với ta trong thân xác, Chúa hiện diện với ta bằng thân xác. Thánh Phaolô đã so sánh sự hiệp thông thánh thể với sự kết hợp giữa người nam và người nữ: “Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người”. (1 Cr 6, 16 – 17)
Sự hiện diện thực của Chúa là một quyền năng chiếm hữu chúng ta, lôi cuốn chúng ta vào trong Người. Thánh Agostino, dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề của thuyết tân Platon coi thường thân xác, thú nhận mình đã nghe một tiếng nói trong một dịp thị kiến: “Tôi là lương thực của những người trưởng thành; anh lớn lên và ăn tôi, mà không biến đổi tôi trở nên thịt của anh, trái lại anh sẽ được biến đổi thành tôi.” (Agostino, Confessiones VII, 10, 16). Chúa mới là trọng tâm, không phải chúng ta, khi chúng ta ăn Chúa, rước Chúa, chính Chúa thu hút chúng ta, làm cho chúng ta ra khỏi chính mình và đồng hoá với Chúa, nên một với Người, và nhờ Người mà nên một với nhau.
Ý nghĩa sự hiện diện thực của Chúa trong thân xác Phục Sinh:
Điều khó hiểu là làm thế nào một thân xác có thể hiện diện trong nhiều bánh thánh khác nhau, mà vẫn là thân xác ấy, bất kể thời gian hay nơi chốn? Khó hiểu vì tất cả chúng ta đang sống trong thế giới của sự chết, còn Chúa thì đã Phục Sinh, nên thế giới của Người là thế giới Phục Sinh. Chúng ta có thể cố gắng ra khỏi chính mình, hướng tâm trí chúng ta đến thế giới của sự Phục Sinh, nhưng thế giới ấy vẫn khác với thế giới chúng ta, là thực tại mà chúng ta không nắm bắt được. Thế giới ấy ở bên kia sự chết. Chúng ta chỉ có thể đến gần trong đức tin, vì Chúa từ thế giới Phục Sinh ấy đến đón chúng ta.
Chúng ta cố gắng suy nghĩ dựa vào ngôn ngữ của kinh thánh. Theo ngôn ngữ của kinh thánh, thân xác không chỉ là phần vật chất đối ngược với phần tinh thần, mà là cả con người, là một toàn thể tinh thần và thể xác không tách rời. Khi Chúa Giêsu nói “Ceci est mon corps”, có nghĩa là đây là tất cả con người của tôi hiện diện trong thân xác của tôi (Này là Mình thầy hiến tế vì anh em). Đối với mỗi người chúng ta, thân xác vừa là một giới hạn, vừa là một nhịp cầu.
Thân xác giới hạn và phân cách. Thân xác tôi không thể cùng một lúc ở nhiều nơi. Nơi nào thân xác tôi chiếm hữu, không có chỗ cho một thân xác khác. Thân xác phân cách người này với người kia, làm cho người này ở ngoài người kia. Thân xác che đậy cái bên trong của tha nhân và của chính mình. Tôi không thể nào nhìn được nội tâm của người khác, và ngay cả chính nội tâm của tôi. Nhưng thân xác còn là một nhịp cầu. Nhờ thân xác mà chúng ta có thể gặp gỡ nhau và tiếp xúc với ngoại giới. Nhờ thân xác mà chúng ta có thể thấy nhau, nhìn nhau, xích lại gần nhau, đối thoại với nhau, biết nhau. Thân xác cho ta biết tha nhân là ai và là gì. Thân xác của tôi làm cho tha nhân có thể thiết lập tương quan với tôi.
Vì thân xác có hai mặt đối ngược, vừa phân cách vừa hiệp thông, tôi có thể sống trong thân xác theo hai phương hướng khác nhau. Cách sống ích kỷ phân cách tôi khỏi những người khác, làm cho tôi xa lạ với người khác, không thể gặp gỡ hay thông cảm với người khác. Tôi cô lập tôi ở trong thân xác. Nhưng tôi có thể có một cách sống hoàn toàn khác, đó là cách sống yêu thương, cởi mở hướng về tha nhân, bấy giờ thân xác không cô lập tôi, nhưng lại là nhịp cầu cho tôi. Tôi sống trong một thế giới mở, và con người tôi không ngừng được giải thoát để gặp gỡ tha nhân và tự hiến cho tha nhân.
Trong thế giới Phục Sinh, vì đã vượt qua thế gian, khía cạnh giới hạn hay phân cách của thân xác không còn nữa, chỉ còn lại khía cạnh gặp gỡ và hiệp thông. Đức Kitô Phục Sinh trong thân xác không còn bị giới hạn nào phân cách nữa, nhưng có thể tự hiến trọn vẹn, cởi mở trọn vẹn. Chính vì lý do đó mà trong diễn từ Bánh Sự Sống của Tin mừng Gioan, Chúa nối kết bí tích Thánh Thể với sự Phục Sinh. Rước Chúa là hiệp thông với Người và nhờ Người vượt qua mọi giới hạn, bước vào thế giới mở rộng cùng với Người, nhờ đó có khả thể Phục Sinh (Ga 6, 54).
Rước lễ không chỉ là rước một miếng bánh, một miếng thân thể của Chúa, mà là chính Chúa, Đấng Phục Sinh, Đấng tự hiến cho chúng ta trên thập giá. Rước lễ không chỉ là một nghi thức. Rước lễ vừa là hiệp thông bí tích, vừa là hiệp thông thiêng liêng. Chúng ta tiếp xúc với một ngôi vị, gặp gỡ một ngôi vị. Chúng ta gặp gỡ Chúa, đón tiếp Chúa, gần gũi Chúa, gắn bó và nên một với Chúa. Chúa là Thiên Chúa và là con người, nên rước lễ không những là đón tiếp, là gặp gỡ, là yêu thương, mà còn là thờ lạy.
Giám Mục Phaolô BÙI VĂN ĐỌC