Cử Hành Thánh Thể và Tình Yêu Ba Ngôi

CỬ HÀNH THÁNH THỂ VÀ TÌNH YÊU BA NGÔI

 

I. Cử hành Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Cha:

Bình thường khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta chỉ nghĩ đến hy tế của Chúa Giêsu. Điều đó đúng, và đã được công đồng Trento định tín. Nhưng chưa đủ, vì cơ cấu của Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, là cơ cấu Ba Ngôi: Hội Thánh hướng về Chúa Cha như là Nguồn Suối đầu tiên của ơn cứu độ (a Patre) thực hiện nhờ Chúa Kitô (per Christum) trong Chúa Thánh Thần (in Spiritu). Hội Thánh dâng lên Chúa Cha (ad Patrem) hy tế Tạ ơn, cũng nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, cử hành Thánh Lễ mà không nghĩ tới Chúa Cha là một thiếu sót rất lớn trên bình diện thần học, phụng vụ và tu đức.

Cử hành bí tích Thánh Thể tiên vàn là cử hành Tình Yêu vô bờ bến của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, cử hành Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Cha, Đấng không những ban ơn Tha Tội cho chúng ta nhờ hy tế thập giá của Chúa Giêsu, mà còn muốn chia sẻ sự sống thần linh của mình cho chúng ta trong Mình và Máu Con Yêu Dấu của Người.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành việc Chúa Cha ban Con Một cho loài người chúng ta (Ga 3,16; Rm 8,32). Và là đón Chúa Kitô đến từ Chúa Cha, như là Hồng Ân, là Quà Tặng lớn nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta. Chúng ta đón nhận hồng ân đó mỗi ngày. Hằng ngày, Chúa Cha ban Đức Kitô cho chúng ta. Hằng ngày chúng ta đón nhận Ngài từ nơi Chúa Cha như Bánh bởi trời, Bánh sự sống, như lương thực thần linh nuôi dưỡng chúng ta. Chúa Cha là Mục Tử Hằng Hữu mỗi ngày chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta bằng của ăn quý giá nhất là Mình và Máu của Chúa Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài, để chúng ta nên một với Chúa Kitô và trở nên con cái của Ngài cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô

Cử hành bí tích Thánh Thể còn là dâng lên Chúa Cha Của Lễ Duy Nhất đẹp lòng Cha mọi đàng, là chính Chúa Kitô, Con Yêu Dấu của Cha. Chúng ta dâng lên Cha Hồng Ân mà Cha đã ban cho chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Ngài vừa là Hồng Ân, vừa là Của Lễ. Chính trong lúc dâng lên Cha Bánh sự sống và Chén cứu độ là Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên lễ vật vĩnh cữu muôn đời dâng hiến Cha cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô.

Cử hành bí tích Thánh Thể còn là cử hành Mầu Nhiệm Tân Ước Vĩnh Cữu mà Thiên Chúa Cha ký kết với Hội Thánh là Israel mới và là nhân loại mới, bằng Máu của Con Yêu Dấu Người, đã trở thành người anh em trong nhân loại chúng ta. Đó là cử hành Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa Cha, tình yêu bền bĩ vượt mọi trở ngại và bất trung từ phía nhân loại. Vì là cử hành Giao ước, cử hành bí tích Thánh Thể là tuyên thệ thuộc về Cha, là tuyên xưng Cha là Thiên Chúa Duy Nhất và chân thật, và Đức Giêsu- Kitô là Đấng Cha đã sai (Ga 17,3). Là tuyên bố chấp nhận Giao ước, sống Giao ước và thực hành Giao ước ký kết với Cha nhờ Máu của Đức Giêsu-Kitô. Chúng ta cử hành bí tích Giao ước Mới để trở nên Dân riêng của Thiên Chúa, Dân Thánh, Dân Tư Tế, Dân tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.

II. Cử hành Tình Yêu của Chúa Kitô:

Tình yêu cứu độ của Chúa Cha thể hiện nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Chính vì thế cử hành Thánh Lễ là cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, là tuyên xưng Tình Yêu của Chúa Kitô đối Thiên Chúa và đối với nhân loại.

Đức Giêsu Kitô là Đấng thi hành trọn vẹn hơn cả giới răn thứ nhất của Thiên Chúa: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của Đức Giêsu dành cho Thiên Chúa. Đó là lý do làm cho cuộc sống tại thế của Người luôn hướng tới Giờ Vượt Qua thế gian để trở về với Chúa Cha.

Đức Giêsu cũng là Đấng thi hành trọn vẹn hơn cả giới răn thứ hai: yêu mến tha nhân như chính mình. Giờ Vượt Qua là Giờ Tình Yêu Cứu Chuộc: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13).

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành cái chết hy tế thập giá của Đức Giêsu Kitô và sự Phục Sinh vinh hiển của Người.

Đức Giêsu đã đến trong xác phàm, Người phải chết đi theo kế hoạch Chúa Cha dự liệu, để có thể đến với nhân loại trong Thần Khí. Người ra đi về với Chúa Cha và Người đến với chúng ta trong Thần Khí, ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là cử hành việc Chúa Kitô đến với chúng ta trong Thần Khí, cử hành sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô ở giữa nhân loại, trong lòng Hội Thánh. Chúng ta vui mừng đón tiếp Người đến với chúng ta. Chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc và kết hiệp với Người. Người đến với chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua, để lôi kéo chúng ta đồng hành với Người. Người đưa chúng ta về cùng Chúa Cha và hướng chúng ta đến với tha nhân.

Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu tự hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì sự tự hiến ấy mà Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là ăn mừng chiến thắng của tình yêu Chúa Kitô, loan truyền việc Chúa chịu chết vì yêu thương, tuyên xưng việc Chúa sống lại vì sức mạnh tình yêu, và chờ đợi ngày Phục Sinh vinh quang của toàn thể nhân loại lúc Chúa lại đến.

III. Cử hành Công Việc của Chúa Thánh Thần:

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành công việc thần linh, thuộc lãnh vực Thần khí. Đó là công việc siêu nhiên lớn nhất, là mầu nhiệm thánh, là công việc của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.

Cả truyền thống Giáo hội đông phương coi Phụng Vụ và nhất là việc cử hành Thánh Lễ, vừa giống như Thi Ca của Chúa Thánh Thần, vừa là Lời Khẩn Nguyện lớn nhất của Giáo Hội xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần nhờ công nghiệp của Chúa Kitô.

Truyền thống Giáo Hội latinh, tuy không nhấn mạnh bằng, vẫn không ngừng lưu tâm đến vai trò của Chúa Thánh Thần. Theo thánh Agostino, sự hiến thánh bánh và rượu chỉ thực hiện được do sự can thiệp vô hình của Chúa Thánh Thần (De Trinitate 3,4-10). Thánh Tôma cũng viết: của uống thiêng liêng chỉ được hiến thánh bởi Chúa Thánh Thần, Biến Thể được gán cho Chúa Kitô với tư cách là Thượng Tế và là Của Lễ, được gán cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho Đức Kitô tự hiến (Sententiae IV).

Kinh nguyện Thánh Thể là Lời Cầu Nguyện của toàn thể Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần linh hoạt, cùng với Chúa Kitô, dâng lên Chúa Cha. Cử hành Phụng Vụ là tôn vinh Chúa Cha trong Thánh Thần và Chân Lý, là làm vinh danh Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần vừa là linh hồn của phụng Vụ, Đấng linh hoạt Phụng Vụ, vừa là môi sinh, là cảnh vực thần linh trong đó Phụng Vụ được cử hành.

Trong Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần kitô-hóa bánh và rượu, làm cho trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, làm cho Chúa Kitô hiện diện đích thực ở giữa chúng ta. Chúa Thánh Thần cũng kitô-hóa Giáo Hội qua mầu nhiệm Thánh Thể mà chúng ta cử hành. Chúa Thánh Thần là ơn thông hiệp, kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Bí tích Thánh Thể còn là của ăn nuôi dưỡng Giáo Hội, nuôi dưỡng từng người kitô- hữu. Thánh Thể là Bánh Sự Sống, là của ăn thần thiêng, là chính sự sống mà Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta. Giáo Hội latinh nhấn mạnh Mình và Máu Chúa Kitô là lương thực cho chúng ta. Chúa Kitô hiện diện dưới hình bánh và rượu nuôi dưỡng chúng ta. Nhưng ngay cả trong quan điểm này, vẫn có chỗ cho Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma, khi bàn đến việc rước Mình và Máu Thánh Chúa, lưu ý rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đức tin và lòng mến để chúng ta có thể kết hiệp với Chúa Kitô trong hiệp thông bí tích. Thánh nhân phân biệt 3 cách hiệp thông, 3 cách ăn (manducatio) khác nhau: có cách ăn vừa bí tích vừa thiêng liêng (manducatio sacramentalis et spiritualis); có cách ăn thuần túy bí tích (manducatio mere sacramentalis); có cách ăn thiêng liêng (manducatio spiritualis), muốn nên một với Chúa Kitô trong đức tin và lòng mến.

Thánh Agostino thì bảo Crede et manducasti: bạn hãy tin và như vậy là bạn đã ăn. Chúng ta chỉ có thể tin dưới tác động Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội đông phương không những nhấn mạnh đến Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà còn nhấn mạnh đến Thánh Thần trong Mình và Máu Thánh Chúa. Ngoài Ga 6, 53- 57, các giáo phụ còn nhắc tới Ga 6, 63 (Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì).

Vai trò Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Thể sống động và nổi bật trong một đoạn thánh thi của giáo phụ Ephrem:

Lửa và Thánh Thần trong Dạ của Mẹ Người,

Lửa và Thánh Thần trong Nước sông Giođan

Lửa và Thánh Thần trong bí tích rửa tội

Lửa và Thánh Thần trong Bánh và Chén

Theodore de Mopsueste có tư tưởng rất ngộ nghĩnh: Bánh và Rượu được xức dầu và trở nên Đức Kitô.

Trong nghi lễ Byzantin, trước khi linh mục chủ sự rước Mình và máu Thánh Chúa và phân phát cho dân, có nghi thức được gọi là Zeon: phó tế rót một chút nước nóng vào chén Máu Thánh. Còn trong nghi lễ Syriaque, khi trao Mình Thánh, linh mục đọc: Mình Thánh Chúa Kitô, Thần Khí, phương dược linh hồn và thân xác.

+ ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.