CHƯƠNG 7
THÁNH THỂ LÀ DẤU CHỈ VÀ NGUYÊN LÝ HIỆP NHẤT
65- Sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Ki-tô cần thiết và quan trọng thế nào?
- Sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Ki-tô rất cần thiết và quan trọng, vì đó là chính sự sống còn của Hội Thánh, như lời Chúa Ki-tô phán: “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại”[1].
- Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa Ki-tô cũng rất cần thiết và quan trọng đối với sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô giữa trần gian, vì sự hiệp nhất ấy đòi hỏi tình bác ái, và do đó sự hiệp nhất là dấu chỉ của tình bác ái, chính nhờ dấu chỉ bác ái ấy mà thế gian nhận biết những ai là môn đệ của Chúa Ki-tô: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”[2].
66- Chúa Giê-su đã làm gì để tạo sự hiệp nhất giữa các môn đệ?
Chúa đã hoạt động, cầu nguyện và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, để làm dấu chỉ và nguyên lý hiệp nhất cho các môn đệ của Người.
67- Chúa Giê-su đã hoạt động thế nào để đem lại sự hiệp nhất giữa các môn đệ Người?
Trong cuộc sống công khai, Chúa đã rong ruổi khắp nơi, để tìm kiếm và dẫn đưa mọi người về một đoàn chiên duy nhất: “Tôi còn những chiên khác không thuộc về ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”[3].
68- Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ thế nào?
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho các Tông Đồ: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”[4].
Người cũng cầu nguyện cho các môn đệ thuộc mọi thời đại: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” [5].
69- Thánh Thể là dấu chỉ hiệp nhất thế nào?
a- Trước hết, cũng như tấm bánh làm thành Thánh Thể được cấu tạo bởi nhiều hạt lúa miến thế nào, thì chúng ta cũng được liên kết lại nên một như vậy. Đó là hình ảnh và dấu chỉ về sự hiệp nhất giữa các tín hữu như Thánh Xi-pri-a-nô (Cypriano) diễn tả: “Khi Chúa cầm bánh được cấu tạo bởi muôn ngàn hạt lúa miến và gọi đó là Mình Người, chính là Người muốn ám chỉ về sự hiệp nhất của dân chúng mà Người mang lấy nơi Thân Mình Người. Và khi cầm chén rượu được làm thành bởi muôn ngàn trái nho và gọi đó là Máu Người… Người cũng muốn ám chỉ đoàn chiên của ta được liên kết lại và hòa tan trong một cộng đoàn”[6].
b- Thánh Thể còn là dấu chỉ hiệp nhất giữa các tín hữu, vì đó là Mình Thánh Chúa, và hết thảy chúng ta được qui tụ lại thành một thân thể duy nhất mà Chúa Giê-su là Đầu: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”[7].
c- Thánh Thể cũng là dấu chỉ hiệp nhất, vì chỉ có một tấm Bánh mà hết thảy chúng ta cùng ăn, cùng dâng lên Cha trên trời và cùng nhau tôn thờ.
70- Thánh Thể là nguyên lý hiệp nhất giữa các tín hữu thế nào?
Thánh Thể là nguyên lý hiệp nhất giữa các tín hữu, vì Thánh Thể:
a- qui tụ mọi người lại thành cộng đoàn;
b- qui tụ mọi tín hữu thành một thân thể duy nhất;
c- nuôi dưỡng và khích lệ sự hiệp nhất giữa các tín hữu.
71- Thánh Thể qui tụ các tín hữu thành cộng đoàn thế nào?
Nhờ cuộc cử hành Thánh Thể, mà mọi thành phần dân Chúa qui tụ lại thành một cộng đoàn hữu hình. Như vậy, nhờ cuộc cử hành Thánh Thể mà cộng đoàn được thành hình: “Vào ngày gọi là Ngày Mặt Trời, mọi người dù ở thành thị hay thôn quê đều qui tụ lại một nơi. Rồi người ta đọc “Hồi Ký” của các Tông Đồ hay sách các ngôn sứ dài ngắn tùy theo thời gian cho phép… Tiếp đến, mọi người đứng dậy cầu nguyện. Rồi như đã nói trước đây, sau khi chấm dứt lời nguyện, người ta mang bánh và rượu lên. Vị chủ tọa cầu nguyện và tạ ơn. Kết thúc lời nguyện, mọi người thưa “Amen”! Sau đó Thánh Thể được phân phát cho mọi người để chia sẻ. . . .”[8].
Cuộc cử hành Thánh Thể không những qui tụ dân chúng lại thành một cộng đoàn hữu hình, mà còn liên kết họ lại thành một tâm hồn trong tình bác ái huynh đệ như sách Công Vụ các Tông Đồ thuật lại: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến”[9].
72- Thánh Thể qui tụ các tín hữu thành một thân thể thế nào?
Nhờ tham dự vào Thánh Thể, mọi người được chia sẻ cùng một sự sống của Chúa Ki-tô: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”[10].
Cũng nhờ tham dự vào cùng một sự sống của Chúa Ki-tô, các tín hữu được trở thành những chi thể của nhau và của một thân thể duy nhất mà Chúa Ki-tô là Đầu: “Bởi vì chỉ có một Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”[11].
73- Thánh Thể nuôi dưỡng và khích lệ sự hiệp nhất giữa các tín hữu thế nào?
Thánh Thể luôn mời gọi và khích lệ các tín hữu kết hiệp mật thiết với Chúa, và nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, họ được liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Vì thế, Thánh Thể luôn nuôi dưỡng, làm tăng trưởng và phát sinh hoa trái trong đời sống cộng đoàn, tức đời sống hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau.
74- Thánh Thể đòi hỏi ta phải làm gì để xây dựng hiệp nhất?
Để xây dựng hiệp nhất, Thánh Thể mời gọi ta:
a- Kết hiệp mật thiết với Chúa mỗi ngày một hơn.
b- Cầu xin ơn hiệp nhất.
c- Sống hiệp nhất với nhau.
75- Tại sao Thánh Thể liên kết ta với Chúa, lại hiệp nhất ta lại với nhau?
Vì Chúa Giê-su là nguồn sống, là Đầu của Thân Mình Mầu Nhiệm, nên chỉ khi nào kết hiệp mật thiết với Chúa, người ta mới thực sự hiệp nhất với nhau được: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” [12].
76- Tại sao Thánh Thể đòi hỏi ta phải cầu xin ơn hiệp nhất?
Vì hiệp nhất là một ơn huệ của Thiên Chúa, mà trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Ki-tô đã đặc biệt cầu xin cho các môn đệ của Người, nên mỗi cuộc cử hành Thánh Thể đều nhắc nhở ta phải cầu xin như Chúa Ki-tô đã cầu nguyện: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”[13].
Bởi thế, khi cử hành Thánh Thể, ta phải luôn hiệp với toàn thể Hội Thánh mà cầu xin ơn hiệp nhất cho những người cùng tham dự vào Tiệc Thánh của Chúa: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Ki-tô” [14](Kinh Nguyện Thánh Thể II).
77- Tại sao Thánh Thể đòi hỏi ta phải sống hiệp nhất?
Một trong những lý do thiết lập Thánh Thể là để trở nên nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu. Vì thế, không những ta chỉ cử hành Thánh Thể mà thôi, nhưng còn phải sống Mầu Nhiệm này nữa, và một trong những đòi hỏi và hiệu quả của Thánh Thể là sự hiệp nhất. Vì thế Thánh Thể luôn đòi hỏi ta phải sống hiệp nhất với nhau.
78- Ta phải sống hiệp nhất thế nào?
Sống hiệp nhất là:
a- Phải loại bỏ những gì gây chia rẽ trong cuộc sống chung, như: ghen ghét, ganh tị, bất công, kỳ thị, lăng nhục, gây tổn thương, hiềm thù, nghi kỵ, báo thù…
b- Phải loại bỏ thái độ thờ ơ, lãnh đạm trước những nhu cầu của người khác, tánh ích kỷ, trốn tránh trách nhiệm đối với cộng đoàn.
c- Phải cổ võ những gì kiến tạo hiệp nhất và hòa thuận, như: tương trợ lẫn nhau, sống công bình, liên đới, hòa thuận, tha thứ…
d- Không được lạm dụng những đặc ân và tài năng riêng để phục vụ và thỏa mãn những tham vọng ích kỷ cá nhân, nhưng phải xử dụng chúng để phục vụ công ích, vì chúng ta là chi thể của nhau, nên các đặc ân Chúa ban cho cá nhân là để phục vụ những chi thể khác và toàn thân như lời Thánh Phao-lô quả quyết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”[15].
[1] Mt.12:25
[2] Ga.13:35
[3] Ga.10:16
[4] Ga.17:11
[5]Ga.17:20-23
[6] Thơ gởi Magnus, #6
[7] 1Cr.10:17
[8] Apology I, 67
[9] Cv.2:44-47
[10] Ga.6:56
[11] 1Cr.10:17
[12] 1Cr.10:16-17
[13] Ga.17:11
[14] Kinh Nguyện Thánh Thể II
[15] 1Cr.12:4-7