PHỤNG VỤ VÀ SỰ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG
Mùa Vọng, Thánh Thể, và Niềm Hy Vọng
Những người hâm mộ các đội thể thao, những người trẻ đang khát khao một tương quan đặc biệt, và những ai đang sống trong tình trạng bệnh tật và đau đớn, là những người hiểu rõ sức mạnh của niềm hy vọng. Đó là một trong những sức lực mạnh mẽ nhất trong đời sống. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng nhiều người trong thế giới chúng ta ngày nay sống thiếu niềm hy vọng. Những chuyên gia phân tích tin rằng đó là một yếu tố quyết định trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Thật sự nhiều người trong chúng ta đã mất đi niềm hy vọng!
Khởi đầu Mùa Vọng, mùa hy vọng và đợi trông diễn ra trong bối cảnh dân Is-ra-en đang khao khát mãnh liệt Đấng Mê-si-a, chúng ta có thể tự hỏi xem phải chăng Thánh Thể có thể biến đổi thực tại hiện nay và giúp phục hồi một cảm thức hy vọng không. Niềm hy vọng là một trong những nhân đức phản ảnh sâu xa nhất sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta và đào sâu sự kết hợp của chúng ta với Thiên Chúa.
Niềm hy vọng vào Đấng Mê-si-a của người Do Thái đã được rèn luyện trong đau khổ. Hẳn là không thể nghi ngờ về điều đó. Tình trạng của họ xét như là dân giao ước của Chúa đã không giúp họ thoát khỏi những khó khăn của thân phận con người. Họ đã phải sống trong tình trạng vô gia cư, giữa khí hậu sa mạc khắc nghiệt, phải rời xa quê cha đất tổ và đền thờ; những vị vua và những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ thì suy đồi; đất nước họ bị ngoại bang xâm chiếm, chiến tranh, v.v.
Niềm hy vọng bắt nguồn từ mối quan hệ gắn kết với Chúa và niềm tin rằng ngày Chúa hiển trị sẽ thay đổi mọi thứ và mở ra kỷ nguyên công lý, hòa bình, thánh thiện và phước lành dồi dào của Đấng cứu thế, chính là những điều làm dịu đi sự khắc nghiệt trong cuộc sống của họ.
Bằng lời nói và hành động của mình, các ngôn sứ đã giữ vững niềm hy vọng sống động. Họ có vai trò giải thích các biến cố hàng ngày dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa và giao ước của dân Is-ra-en, và kêu gọi dân quay trở lại sống trung thành khi họ chờ đợi Đấng Mê-si-a.
Những môn đệ đầu tiên bước theo Chúa Giê-su đã sống trong tinh thần hy vọng sâu xa. Họ không chỉ chấp nhận lời loan báo của Ngài về triều đại Thiên Chúa sắp đến và tin Ngài là Đức Ki-tô, họ còn tin rằng Chúa Phục sinh sẽ mau trở lại để khai mạc sự hiển trị của Thiên Chúa trên địa cầu này. Do đó, nơi môi miệng và tâm hồn họ luôn cất cao lời nguyện xin “Marana Tha! Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” Việc Ngài ngự đến trong vinh quang sẽ làm cho niềm hy vọng của họ được viên mãn. Niềm hy vọng và sự tin tưởng thấm nhuần đời sống và việc cử hành Thánh Thể của họ.
Trong mùa vọng này, Khi chúng ta tìm cách mang đến cho thế giới chung quanh ta một ý nghĩa mới của niềm hy vọng, làm thế nào để việc cử hành Thánh Thể làm phát sinh cách sống cụ thể của chúng ta và biến sự tuyệt vọng thành niềm hy vọng? Tôi đề nghị ba cách sau đây:
THÁNH THỂ TẠO NÊN CỘNG ĐOÀN
Chúng ta sống trong một thời đại mà những sự khác biệt giữa người với người (chẳng hạn, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị xã hội) được coi là mâu thuẫn với nhau không thể tránh khỏi và những sự chia rẽ bị khai thác vì những lý do chính trị hay ý thức hệ.
Ngược lại, Thánh Thể tạo nên sự hiệp nhất từ sự đa dạng. Thánh Thể loan báo và làm chứng cho chân lý cao cả rằng Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá cho tất cả mọi người vì tình yêu.
Tôi sẽ đưa ra một minh họa cho điều này. Cách nay nhiều tháng, tôi đã dâng Lễ Chúa Nhật tại một giáo xứ nhỏ đa văn hóa ở vùng Chicago. Đó thật là một sự kiện rất vui và là một kinh nghiệm thực sự về sự hiệp thông đa văn hóa. Sau đó tôi tự nghĩ rằng đó thật là một chứng từ của niềm hy vọng cho thế giới đổ vỡ của chúng ta!
THÁNH THỂ DẠY CHÚNG TA BIẾT CHIA SẺ
Trong câu truyện Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng mà được thuật lại nhiều nhất trong các sách Tin Mừng, một chi tiết quan trọng thường bị bỏ qua: đó là, Chúa Giê-su đã dùng mấy con cá và mấy bánh mì được người ta dâng tặng để làm thỏa mãn cơn đói của cả hàng ngàn người! Với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài có thể thực hiện phép lạ như thế chỉ bằng ước muốn của Ngài; thay vì làm như thế, với lòng biết ơn Ngài đã đón nhận một tặng phẩm nhỏ nhé để thực hiện một việc lớn lao. Phép lạ này có một âm hưởng của bí tích Thánh Thể. Trong việc chia sẻ quà tặng của chúng ta, dù là nhỏ bé khiêm tốn, Thiên Chúa có thể thực hiện những kỳ công.
Thánh Thể nhắc chúng ta rằng chúng ta là những người quản lý tất cả những gì chúng ta đã được trao ban. Niềm hy vọng lớn lên nơi tâm hồn mọi người khi họ được thúc đẩy chia sẻ một cách tự do và quảng đại với những người khác.
THÁNH THỂ MỜI GỌI LÒNG THƯƠNG XÓT
Các sách Tin Mừng nói rằng tâm hồn Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót khi thấy đám đông đến với Ngài. Ngài đã nhận ra những nhu cầu của họ. Lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Ngài hành động thay họ.
Tương tự như thế, Thánh Thể thúc đẩy chúng ta chạnh lòng thương đối với tha nhân. Chúng ta không còn nhìn họ như “người khác” khác biệt với chúng ta và không xứng đáng để chúng ta dành thời gian quan tâm đến họ. Chính sự nhận biết nhu cầu chung của chúng ta trước một Thiên Chúa đầy yêu thương và quan phòng tạo nên niềm hy vọng.
(Tác Giả: Anthony Schueller, SSS)
(Chuyển ngữ: Lm. Giu-se Đinh Đức Huỳnh, SSS)
Trích báo Emmanuel: Tháng 11 – Tháng 12, 2017. Trang 391-393.)