Từ “Thánh Thể” Có Ý Nghĩa Gì?

TỪ “THÁNH THỂ” CÓ Ý NGHĨA GÌ?

       Một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trong đạo Công Giáo là “Thánh Thể”. Chúng ta thường nghe đến từ “Thánh Thể” trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật và người Công giáo thường xuyên sử dụng từ này. Vậy từ “Thánh Thể” có ý nghĩa gì?

       Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đưa ra định nghĩa ngắn gọn về từ này như sau:

       Sự phong phú vô tận của Bí tích Thánh Thể trong “Thánh Lễ” được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau mà người ta dành cho bí tích này. Mỗi một tên gọi đều gợi lên một số phương diện. Người ta gọi Bí tích Thánh Thể là: Lễ Tạ Ơn, bởi vì đây chính là hành động cảm tạ Thiên Chúa. Các từ tiếng Hy Lạp eucharistein (Lc 22,19; 1Cr 11,24) và eulogein (Mt 26,26; Mc 14,22) nhắc lại những lời chúc tụng của dân Do Thái – nhất là trong bữa ăn – để tung hô các kỳ công của Thiên Chúa: tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa (GLCG số: 1328).

Thánh Thể trong Kinh Thánh

       Trong bản Phúc Âm gốc bằng tiếng Hy Lạp, Chúa Giêsu đã sử dụng một từ tương tự khi cử hành Bữa Tiệc Ly.

       Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau ... Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn [εὐχαριστήσας - eucharistēsas], Người bẻ ra và trao cho các ông. (Lc 22:18-19)

       Về cơ bản, từ “eucharist” (tiếng Việt thường gọi là “Thánh Thể”) có nghĩa là “tạ ơn”, nhưng trong bối cảnh Do Thái, từ này được hiểu cụ thể là dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa.

       Vào thời kỳ đầu, từ này được sử dụng để chỉ toàn bộ Bí tích Thánh Thể, thường được  gọi là Thánh Lễ, qua đó người Công giáo cử hành mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa trên thập giá. Thậm chí, còn có một tài liệu cổ xưa tên là Didache, được cho là có niên đại từ thời các thánh Tông đồ, cũng sử dụng từ này trong cùng bối cảnh.

       Bản Didache hướng dẫn cách cử hành Bí tích Thánh Thể như sau:

       Lời cầu nguyện trên chén rượu: “Chúng con dâng lời tạ ơn Cha, vì cây nho thánh của Đavít, tôi tớ Cha, mà Cha đã tỏ lộ cho chúng con qua Đức Giêsu, tôi tớ của Cha. Vinh quang thuộc về Cha muôn đời”.

       Lời cầu nguyện trên bánh: “Chúng con tạ ơn Cha, lạy Cha chúng con, vì sự sống và sự hiểu biết mà Cha đã tỏ lộ cho chúng con qua Đức Giêsu, tôi tớ của Cha. Vinh quang thuộc về Cha muôn đời”... Chỉ những người đã chịu phép Rửa tội nhân danh Thiên Chúa mới được tham dự Bí tích Thánh Thể này.

       Ngoài việc dùng để ám chỉ toàn bộ nghi thức cử hành Bí tích Thánh Thể, từ này còn được sử dụng một cách cụ thể hơn để chỉ bánh và rượu đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu.

       Vì vậy, từ “Thánh Thể” là một từ mang nhiều nghĩa với các chiều kích khác nhau, nhưng tất cả đều quy hướng về nhu cầu cơ bản của con người: Tạ ơn Thiên Chúa.

Nguồn: https://aleteia.org

Chuyển ngữ: Thầy Phêrô Hoàng Văn Tuân, SSS.

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.