Chủ đề 1/ A:
Suy Ngẫm Về Các Dụ Ngôn: Giới Thiệu
(Pondering the Parables: Introduction)
Tác giả: Bernard Camiré, SSS
(Trích Tạp Chí Emmanuel / Linh đạo Thánh Thể -
Tháng 3/Tháng 4, 2017- Trang: 113 - 115)
(Cha Bernard Camiré, Linh mục dòng Thánh Thể, là cha sở Nhà thờ Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta [Saint Jean Baptiste] ở Phía Đông vùng Thượng của Thành phố New York. Loạt bài này về những dụ ngôn của Chúa Giê-su ban đầu xuất hiện trong bản tin giáo xứ.)
Dụ ngôn là một phần không thể thiếu trong sứ vụ giảng dạy của Chúa Giê-su. Những câu chuyện của Người thu hút tâm trí và trái tim người nghe và tiết lộ ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống họ và quyền năng Chúa đang hoạt động trong và xung quanh họ.
Các dụ ngôn của Chúa Giê-su là những đoạn Kinh Thánh trong Tin Mừng mà chúng ta thường nghe công bố trong Thánh Lễ khi năm phụng vụ diễn ra. Ngoài ra, khi cá nhân chúng ta đọc Lời Chúa trong bốn Sách Tin Mừng, chúng ta cũng gặp lại những dụ ngôn — và đôi khi là liên tiếp.
Các dụ ngôn — những câu chuyện ngắn và hư cấu đưa ra một quan điểm đạo đức hoặc tôn giáo — có lẽ đã tác động đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Có thể chúng khơi dậy trí tưởng tượng của chúng ta, xác nhận một niềm tin của cá nhân hoặc khiến chúng ta suy ngẫm về một điểm cụ thể. Mặt khác, có lẽ chúng khiến chúng ta cảm thấy hơi hoang mang; và nếu đó là tác động của chúng, thì có lẽ chúng đã khơi dậy trong chúng ta ước muốn đào sâu hiểu biết về chúng và nắm bắt ý nghĩa của chúng một cách đầy đủ hơn. Có lẽ, vì lý do này hay lý do khác, ước muốn đó chưa bao giờ được thực hiện. Trong loạt bài này, tôi muốn khám phá phần hấp dẫn của Kinh thánh Tân Ước là các dụ ngôn của Chúa Giê-su, như một con đường dẫn đến sự hiểu biết sâu xa hơn về thông điệp của Người và như một nguồn lực giúp chúng ta sống theo Tin Mừng để chính mình được thăng tiến, triển nở.
Đặc Điểm Của Dụ Ngôn
Trước khi đi sâu vào dụ ngôn của Chúa Giê-su, chúng ta nên nói đôi lời về dụ ngôn như một phương tiện [diễn tả] trong văn học nói chung và trong Kinh thánh. Từ tiếng Anh ‘parable’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ‘parabolē’ có nghĩa gốc là đặt các sự vật cạnh nhau để so sánh.
Như chúng ta đã học Văn học Anh ở trường trung học, sự so sánh (the comparison) được chia thành hai loại chung: phép đối chiếu (the simile) và phép ẩn dụ (the metaphor). Trong phép đối chiếu, một vật được ví hoặc so sánh với một vật khác cùng loại để minh họa. Trong phép đối chiếu, chúng ta thường thấy từ “giống như” hoặc “như”; ví dụ, trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, chúng ta nghe Chúa Giê-su nói, “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi” (23, 27). Phương pháp mô tả đầy màu sắc này khá phổ biến trong lời nói hàng ngày của chúng ta.
Mặt khác, ẩn dụ là một phép đối chiếu cô đọng trong đó một vật được xác định hoặc ngang bằng với vật khác, hoặc các phẩm chất của vật này được quy trực tiếp cho vật khác. Ví dụ, trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mat-thêu 5, 13-14, chúng ta nghe Chúa Giê-su thốt lên: “Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Hình ảnh này mang tính văn chương hơn phép đối chiếu và thường được tìm thấy trong thơ ca.
Các hình thức minh họa phức tạp hơn mà chúng ta tìm thấy trong dụ ngôn (the parable) và phúng dụ (the allegory) thực sự là sự mở rộng của các hình ảnh cơ bản. Dụ ngôn là một phép so sánh/đối chiếu được phát triển trong đó câu chuyện, mặc dù hư cấu, nhưng lại đúng với cuộc sống, phân biệt dụ ngôn với ngụ ngôn (the fable). Phúng dụ là phép ẩn dụ được phát triển kéo dài thành một câu chuyện liên tục. Về mặt lý tưởng, dụ ngôn khác biệt với phúng dụ. Trong dụ ngôn, các chi tiết và nhân vật không có ý nghĩa ẩn giấu, điều quan trọng là bài học của câu chuyện. Nhưng trên thực tế, như một số dụ ngôn trong các Tin Mừng chứng minh, các đặc điểm của phúng dụ thường hiện diện trong một dụ ngôn.
Chúa Giê-Su, Người Kể Chuyện
Chúa Giê-su là một bậc thầy kể chuyện, biết cách sử dụng các minh họa từ cuộc sống hàng ngày để thu hút sự chú ý của người nghe. Cảnh ngoài trời của nghề nông và chăn cừu, cảnh trong nhà ở những ngôi nhà một phòng đơn sơ, những người lao động và thương gia tại nơi làm việc, trẻ em ở chợ, động vật hoang dã và trong nhà, đèn và bầu da đựng rượu, mùa gặt, cánh đồng, cây cối và hoa — tất cả đều được miêu tả trong những câu chuyện dụ ngôn được kể lại một cách sống động và đầy màu sắc.
Chúa Giê-su đã khéo sử dụng các kỹ thuật kể chuyện. Một trong số kỹ thuật đó là “quy tắc ba”, theo đó, thông thường sẽ có ba nhân vật với điểm minh họa nằm ở nhân vật thứ ba. Ví dụ, chúng ta thấy điều này trong dụ ngôn về ba người hầu được giao phó các nén bạc (Mt 25, 14-30), và ba cá nhân đi ngang qua người đàn ông bị rơi vào tay bọn cướp (Lc 10, 30-36).
Một kỹ thuật khác là diễn từ trực tiếp; các nhân vật nói to với chính mình để người nghe có thể tìm ra những gì trong tâm trí họ. Chúng ta có một ví dụ về điều này trong dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc (Lc 12, 16-21) và người Pha-ri-siêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14).
Mục Đích Của Dụ Ngôn
Cuối cùng, chúng ta có thể hỏi: Mục đích của dụ ngôn của Chúa Giê-su là gì? Một câu hỏi khá đơn giản, nhưng lại hàm chứa một số sự phức tạp và cho phép nhiều câu trả lời có thể có. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc diễn giải, do các giai đoạn truyền tải và sự thích nghi, điều chỉnh theo ngữ cảnh mà các dụ ngôn đã trải qua (xem Mt 13,1-23).
Đối với câu hỏi ban đầu của chúng ta, chúng ta có thể trả lời đơn giản rằng Chúa Giê-su đã sử dụng các dụ ngôn để làm cho thông điệp của Người hấp dẫn hơn và tạo điều kiện để hiểu biết. Nếu đôi khi, các dụ ngôn cụ thể khiến các cá nhân không hiểu, mù quáng trong tâm trí và trái tim (Mc 4,1-12), thì đó là vì những cá nhân này đã từ chối thách đố đầy cam go của họ hơn là vì trí tuệ của họ không thể hiểu được.
Với bối cảnh khá ngắn gọn này, trong những suy ngẫm tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào các dụ ngôn được thuật lại trong các Tin Mừng theo các thánh sử Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca. Chúng tôi hy vọng rằng trí tuệ chúng ta sẽ được khai sáng hơn và tinh thần được giàu có, phong phú hơn khi suy ngẫm về các dụ ngôn của Chúa Giê-su.
(Chuyển ngữ: Lm. Giu-se Đinh Đức Huỳnh, SSS)