Viễn Ảnh Thánh Thể Trong Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu

VIỄN ẢNH THÁNH THỂ TRONG TIN MỪNG THEO THÁNH MÁT-THÊU

(The Eucharistic Vision of Matthew’s Gospel)

Tác giả: Anthony J. Marshall, SSS.

(Trích Tạp Chí Emmanuel/

Linh Đạo Thánh Thể

Tháng 3 / Tháng 4, 2017. Trang: 90-92)

 

        (Cha Anthony J. Marshall, SSS, MDiv, MA, là Giám đốc ơn gọi của Dòng Thánh Thể tại Hoa Kỳ và là giảng viên thỉnh giảng của Chủng viện Borromeo, Wickliffe, Ohio, nơi ngài giảng dạy Tân Ước)

       “Tin Mừng theo thánh sử Mát-thêu miêu tả cái chết của Chúa Giê-su và việc tưởng niệm [cuộc Vượt Qua của Ngài] / Hy tế Thánh Thể, với một ý nghĩa đặc biệt.”

Dẫn Nhập

        Một trong những điều thú vị khi đọc mỗi Tin Mừng là bức chân dung khác nhau mà mỗi thánh sử phác họa về Chúa Giê-su Ki-tô. Hai tác giả tóm kết một gia phả độc đáo và câu chuyện thời thơ ấu thú vị (thánh sử Mát-thêu và Lu-ca), một tác giả khác tóm kết ngắn gọn và súc tích (thánh sử Mác-cô), và một tác giả khác nữa viết từ góc độ Ki-tô học từ trên cao (thánh sử Gio-an). Tại sao có những bức chân dung khác nhau về Chúa Giê-su Ki-tô?

       Mỗi thánh sử viết Tin Mừng có ý nhắm đến một cộng đồng cụ thể, cũng như một vị giảng sư thuyết giảng cho một cộng đoàn phụng vụ cụ thể. Theo Công đồng Va-ti-can II, điều này có nghĩa là: “Có những thánh sử đã chọn một số truyền thống trong nhiều truyền thống đã được truyền lại, hoặc bằng miệng hoặc đã được viết ra; những thánh sử theo truyền thống khác tóm tắt hoặc giải thích với sự chú ý đến hoàn cảnh của các giáo đoàn” mà họ gởi tới. (1) Mỗi tác giả đã dành thời gian để xem xét đối tượng của mình (tức là giáo đoàn cụ thể mà tác giả viết bản văn Tin Mừng gởi đến, chẳng hạn như giáo đoàn Rô-ma, An-ti-o-ki-a ở Sy-ri-a, v.v.) và sử dụng hoàn cảnh cụ thể đó như một lăng kính qua đó giáo đoàn có thể nhận biết Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Bối Cảnh Của Tin Mừng Theo Thánh Mát-thêu Và Thần Học Thánh Thể

       Trong phụng vụ Năm A, Giáo hội hướng đến Tin Mừng theo thánh sử Mát-thêu. Mặc dù bản văn Tin Mừng của ngài xuất hiện đầu tiên trong Tân Ước, hầu hết các học giả suy đoán rằng Tin Mừng cuối cùng được biên soạn vào khoảng năm 85, gần hai thập kỷ sau Tin Mừng theo thánh sử Mac-cô, được viết ngay trước năm 70 sau Công nguyên và sự sụp đổ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem dưới tay Đế chế Rô-ma. Rất có thể, cộng đồng mà thánh Mát-thêu viết bản văn Tin Mừng gởi tới là một cộng đồng Do Thái-Kitô giáo bị chia rẽ nằm ở An-ti-ô-ki-a, thủ đô của Sy-ri-a. (2)

       Vì tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, nên các thành viên của cộng đồng thánh Mat-thêu không còn được coi là người Do Thái trung thành nữa và có lẽ đã bị đuổi khỏi hội đường. Đây là thời điểm khủng hoảng đối với cộng đồng các môn đệ đầu tiên này, những người cần được hòa giải và chữa lành. Họ cũng cần khám phá ra bản sắc độc đáo của mình là những người theo Chúa Giê-su Ki-tô. Lưu ý rằng trong Công vụ Tông đồ, thánh sử Lu-ca nói với độc giả của mình rằng “chính tại An-ti-ô-ki-a, các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Ki-tô hữu” (Cv 11, 26). Bối cảnh này cùng với chính văn bản Tin Mừng giúp các học giả phân biệt được lăng kính thần học mà tác giả Tin Mừng đã tìm cách nhận biết Chúa Ki-tô, cuộc đời và sứ vụ của Người.

       Cha Eu-gene La-Ver-di-ere quá cố thuộc dòng Thánh Thể và là học giả Kinh thánh, trong cuốn sách của ngài có tên là ‘Bí tích Thánh Thể trong Tân Ước và Giáo hội Sơ khai’, đưa ra giả thuyết rằng Tin Mừng theo thánh Mát-thêu đã tìm cách kết nối Bí tích Thánh Thể với sự tha thứ tội lỗi một cách độc đáo: “Đối với thánh sử Mát-thêu, ‘sự tha thứ tội lỗi’ là mục đích chính của Bí tích Thánh Thể.” (3) Điều này được thấy rõ nhất khi chúng ta so sánh trình thuật Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (26, 26-30) với trình thuật Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô (14, 22-26) hoặc thánh Lu-ca (22, 14-20)

        Cộng đồng của thánh Mát-thêu là một cộng đồng các môn đệ rất cần được hòa giải và chữa lành

       Thánh sử Mat-thêu thuật lại rằng trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giê-su “cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (26, 27-28). Cả thánh sử Mac-cô và thánh Lu-ca, những tác giả tường thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể giống với tường thuật của thánh Phao-lô (xem 1 Cor 11, 23-26), đều không liên kết Bí tích Thánh Thể — cụ thể là chén và việc đổ máu của Chúa Ki-tô — với sự tha thứ tội lỗi. Thánh sử Mat-thêu là người duy nhất đề cập về mặt này. Chúa Giê-su đã hiến dâng mạng sống của mình như một của lễ để tha thứ tội lỗi. “Đối với thánh sử Mat-thêu, Bí tích Thánh Thể, giống như cuộc khổ nạn, là một biến cố hy tế, được tượng trưng trên hết bằng chén, nhưng hoàn toàn khác với các hy tế khác. Hiến tế của Chúa Giê-su là một hành động thương xót của chính Ngài thay cho nhiều người.” (4)

Kết Luận: Thánh Thể Và Sự Tha Thứ Tội Lỗi

       Trong nỗ lực mang lại sự hòa giải cho một cộng đồng Do Thái-Kitô giáo chia rẽ ở An-ti-o-ki-a, và qua đó củng cố căn tính Ki-tô giáo độc nhất của họ, thánh sử Mát-thêu, trong thần học Thánh Thể của mình, đã nhấn mạnh đến Hy lễ của Chúa Giê-su thay mặt cho nhiều người “để tha thứ tội lỗi”. Trong suy tư về giáo lý Thánh Thể, Giáo Hội kết nối Thánh Thể với sự tha thứ tội lỗi: “Vì lý do này, Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Chúa Ki-tô mà không đồng thời thanh tẩy chúng ta khỏi những tội lỗi trong quá khứ và bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi trong tương lai.” (5) Điều này dẫn đến một sứ mệnh! Khi các tín hữu gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Ki-tô phục sinh, đặc biệt là khi họ tụ họp để tôn thờ Thiên Chúa, họ được mời gọi chia sẻ lòng thương xót với nhau.

       Cộng đồng của thánh sử Mát-thêu, giống như những người Ki-tô hữu ngày nay, cần đến bài học quan trọng này. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thường chỉ ra rằng tự bản chất, Thánh Thể là phương dược chữa lành: “Mặc dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, Thánh Thể không phải là giải thưởng dành cho những người hoàn hảo mà là một phương dược hiệu nghiệm và lương thực cho những người yếu đuối. Những xác tín này mang lại những kết quả mục vụ mà chúng ta được mời gọi cần phải xem xét một cách thật khôn ngoan. Thông thường, chúng ta hành động như những người thẩm phán/trọng tài phán quyết về ân sủng hơn là người tạo điều kiện cho ân sủng phát triển. Nhưng Giáo hội không phải là trạm thu phí; đó là nhà của Chúa Cha, nơi có chỗ cho mọi người, cùng với tất cả các vấn đề của họ.” (6)

       Trong năm phụng vụ mới này, trong đó Tin Mừng theo thánh Mat-thêu được công bố với sự nhấn mạnh vào Bí tích Thánh Thể và mối liên hệ của nó với sự tha thứ tội lỗi, các tín hữu nên thận trọng suy ngẫm về những đòi hỏi mục vụ mà thần học Thánh thể theo Tin Mừng thánh sử Mat-thêu đề nghị ngày nay, như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã mời gọi. Sự suy ngẫm như vậy không làm giảm đi lòng sám hối và bí tích hòa giải! Trên thực tế, thần học Thánh Thể sâu xa mà Tin mừng theo thánh Mat-thêu truyền đạt thách đố các Ki-tô hữu một lần nữa tập trung vào tội lỗi và sự dữ — của cả cá nhân và tập thể — và do đó tìm kiếm sự hòa giải trong Chúa Ki-tô với Thiên Chúa và với người lân cận của mình. Tòa giải tội là một bước cần thiết trong quá trình hối cải hoặc biến đổi đang diễn ra này. Cũng vậy, việc cử hành Thánh Thể cách tôn kính và xứng đáng, được dâng lên “cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28) và để tưởng nhớ đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng duy nhất là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu, cũng thách đố các tín hữu như thế.

Ghi chú:


 

(1) Second Vatican Council, dogmatic constitution Dei Verbum, (18 November 1965), 19.

(2) Raymond E. Brown and John P. Meier, Antioch and Rome: New Testament Cradles of Catholic Christianity, (Ramsey, NJ: Paulist Press, 1983), 22.

(3) Eugene LaVerdiere, The Eucharist in the New Testament and the Early Church, (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1996), 66.

(4) LaVerdiere, 7

(5) Catechism of the Catholic Church, 1393; cf., ibid., 139

(6) Francis, apostolic exhortation Evangelii Gaudium, (24 November 2013), 47.

(Chuyển ngữ: Lm. Giu-se Đinh Đức Huỳnh, SSS)

 

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.