THÁNH THỂ

THÁNH THỂ

(Tác giả: Peter J. Riga)

(Peter Riga là một luật sư làm việc ở Houseton, Taxes. Ngài cũng là thần học gia, thường xuyên đóng góp bài chia sẻ cho báo Emmanuel.)

 

       Cách thức tạ ơn duy nhất thực sự  làm vui lòng Chúa mà chúng ta có thể làm là tạ ơn Ngài qua cử hành Thánh Thể, nơi đó chúng ta có thể kết hợp với ngôi vị Chúa Kitô mà chúng ta đón nhận khi Rước Lễ.

 

       Bí tích Thánh Thể là một trong những điều mầu nhiệm nhất. Tên của bí tích Thánh Thể xuất phát từ một ngôn ngữ của những người man rợ; nhưng nó lại có ý nghĩa là chúng ta tin rằng một miếng bánh mì trở nên thân mình ai đó. Và người này không ai khác chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết 2000 năm trước. Làm sao chúng ta có thể hiểu được điều này?

LỜI TẠ ƠN

       Hạn từ “the Eucharist” (Thánh Thể) được dịch chuyển từ một từ Hy Lạp sang tiếng Anh mà động từ của nó chỉ có nghĩa là “bày tỏ lòng biết ơn; cám ơn”. Thánh Thể là một lời cám ơn. Nhưng chúng ta cám ơn ai và vì sao cám ơn? Chúng ta cám ơn Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo dựng trời đất. Kinh Thánh diễn tả Ngài là Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đấng làm cho mặt trời chiếu soi trên người tốt cũng như kẻ xấu, và cũng cho mưa rơi trên người công chính và kẻ ác nhân. Chúng ta tạ ơn Ngài, Đấng mà chúng ta diễn tả là một vị Thiên Chúa yêu thương con người vô hạn, nhưng ngược lại cũng là Đấng ít được con người yêu mến và là Đấng mời gọi con người không ngừng yêu mến Ngài bởi vì Ngài chính là Tình yêu, trong sáng và giản dị. Tuy vậy, người ta ít khi lắng nghe Lời Ngài.

       Người Cha đầy lòng yêu thương này đã sai Đức Giê-su Con Ngài đến để tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương lớn lao của Ngài và lôi kéo tất cả đến với Ngài. Chính Đức Giê-su đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa đích thực là Đấng nào bởi vì Ngài vẫn hằng ở với Thiên Chúa từ muôn thưở. Chính Ngài đã tạo ra dòng máu tuôn chảy trong huyết mạch chúng ta, và dòng máu đó cũng đến từ nơi Ngài nên chúng ta tạ ơn Ngài: là Đấng Sáng Tạo, Sự sống, Đấng Hằng hữu, và là Đấng nâng đỡ chúng ta trong mọi giây phút hiện hữu của cuộc đời chúng ta. Trên hết chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Đức Giê-su Con Ngài đã đến sống giữa chúng ta như một con người, chết như mọi người trong chúng ta, đối diện với sự đau đớn khủng khiếp của thập giá, và là Đấng, vào sáng Phục Sinh, đã chỗi dậy từ cõi chết, mang đến cho chúng ta một bảo chứng về một sự sống mới trong chính Chúa Ba Ngôi. Ngài bao bọc yêu thương chúng ta vì Ngài là Tình yêu tuyệt đối.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠ ƠN THIÊN CHÚA?

       Cám ơn thường là nói lời cảm tạ, nhưng nó cũng là dấu hiệu của niềm vui vì được tặng một món quà. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể cảm tạ Thiên Chúa Đấng đã trao tặng chúng ta mọi thứ? Những gì chúng ta có thể trao cho Ngài không phải là những gì Ngài đã trao ban cho chúng ta sao? Những gì chúng ta có thể sử dụng, hoặc dâng cho Đấng sáng tạo muôn vật? Có cách cụ thể nào để đến với Ngài không? Đây là cách mà  chính Chúa Giê-su đã can thiệp và đưa ra cho chúng ta phương thế để tạ ơn Cha của Người:

       “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em.” Rồi Ngài cầm lấy chén rượu, dâng lời chúc tụng và trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả anh em, hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén Máu Thầy, đổ ra cho muôn người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Thật lạ lùng.

TỪNG BƯỚC HỌC HỎI

       Trong tất cả những Bản văn Ki-tô giáo cổ xưa nhất, chúng ta nhận ra rằng các môn đệ Đức Giê-su đã vâng lời Thầy mình để thực hiện theo nghi thức Thầy  chỉ dạy; họ họp nhau chia sẻ Bánh và Chén rượu. Sách Công Vụ Tông Đồ, các thư của Thánh Phao-lô, và đời sống của các Ki-tô hữu tiên khởi làm chứng cho niềm tin này, một niềm tin được các vị Tiến sỹ và thần học gia trong những thế kỷ đầu cử hành; họ là những “Giáo phụ của Giáo Hội”. Những Ki-tô hữu đã sống và cử hành Thánh Thể. Họ dành nhiều thời gian suy gẫm về Thánh Thể, tìm cách hiểu và suy tư sâu xa về thực tại siêu việt này vốn là trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu. Cộng đoàn tín hữu đã hội họp nhau vào mỗi Chủ Nhật để cùng nhau cử hành thực tại siêu việt này.

TỪ HY TẾ ĐẾN TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA

       Trên thực tế, Thiên Chúa không mong muốn quà tặng hay những hy sinh của chúng ta, những thứ mà nhiều tín hữu dâng lên nhằm kéo ân sủng của Chúa xuống trên họ (trên thực tế, người ta có thể thấy điều này trong các tôn giáo, thậm chí đến độ hiến tế con người). Xuyên suốt Cựu Ước Chúa đã tỏ cho biết: "Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn hy tế." Điều mà Thiên Chúa mong muốn, tìm kiếm và cũng là cách tốt nhất để tạ ơn Thiên Chúa, là yêu thương như Chúa thương yêu, thương xót như Chúa xót thương; nói tóm lại, là nên giống Chúa. Trở nên giống Thiên Chúa trong tất cả đời sống chúng ta.

       Cảm tạ Thiên Chúa bằng cách chúng ta trao ban chính mình cho người khác như Ngài đã làm cho chúng ta. Nhưng cần nhớ rằng: cách yêu thương này đến độ cho đi bản thân, hy sinh chính mình. Yêu thương như thế không phải là một lần, nhưng liên tục suốt cuộc đời chúng ta, và trong tất cả đời sống chúng ta. Chúng ta cần phải biết chúng ta đang tiến tới trên con đường [yêu thương] nào? Cảm tạ Chúa là chấp nhận trở nên (ít là một chút) giống Ngài. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm tháng của đời ta, dù cuộc đời ngắn ngủi hay lâu dài, phải trở nên giống Ngài hơn.

MỘT SỰ BIẾN ĐỔI THẬT MẦU NHIỆM

       Trở nên giống Thiên Chúa để cảm tạ Ngài?  Điều gì có thể gây ngạc nhiên hơn điều đó? Để đạt mục đích đó, chúng ta có thể cố gắng thay đổi đời sống và biến đổi hành động chúng ta, nói tóm lại là cố gắng nên giống Thiên Chúa nhờ ân sủng Ngài ban. Nhưng chúng ta không đủ sức mạnh để đạt được điều đó. Thực ra, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta một con đường khác khiến chúng ta rất ngạc nhiên, nhưng rất chắc chắn, đó là: sống như Thiên Chúa sống, có nghĩa là, nhờ Ngài và trong Ngài, nuôi dưỡng chính mình bằng Thánh Thể Chúa. “Mình Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Ta sẽ sống nhờ Ta.” Do đó, từng bước chúng ta sẽ trở nên Đức Ki-tô khác nhờ chia sẻ vào Mình Máu Thánh Chúa, đến độ chúng ta có thể cùng với Thánh Phao-lô nói rằng: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.” Bằng cách này chúng ta thực sự trở nên lời tạ ơn của con người dâng lên Đấng Tạo Hóa, bởi vì chúng ta là những Ki-tô khác, trong Chúa Ki-tô người Con duy nhất của Thiên Chúa.

CÙNG NHAU VÀ CHUNG NHAU

       Thánh Lễ - một hạn từ để chỉ việc cử hành phụng vụ Thánh Thể - nhớ lại và hiện tại hóa ở đây và lúc này sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô đã được thực hiện một lần trên đồi Can-vê. Việc cử hành đó được lập lại ở đây và lúc này đã được thực hiện trên đồi Can-vê vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. (Đúng hơn có thể nói rằng phụng vụ Thánh Lễ làm cho chúng ta hiện diện, tham dự vào mầu nhiệm trên đồi Can-vê). Điều đó có nghĩa là cử hành Thánh Thể không chỉ là dịp các Linh mục đọc lời của Chúa Giê-su: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy.” Ngày hôm nay, những lời này chẳng có nghĩa lý gì nếu họ không được sống chung và hiệp thông trong tâm điểm của Thánh Lễ, làm cho chúng ta trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng nhau trở nên thân mình Đức Ki-tô vì được Thánh Thể nuôi dưỡng và làm cho nên một. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta mong muốn tiến lên trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta cần phải tham dự cử hành Thánh Thể và chấp nhận những điều mà thực sự chúng ta chẳng hiểu trọn vẹn.

PHẢI CHĂNG THÁNH THỂ CHỈ DÀNH CHO MỘT AI ĐÓ?

       Không phải thế! Thánh Thể được cử hành trong cộng đồng, vào mỗi Chúa Nhật và ngay cả mỗi ngày. Chúng ta được nuôi dưỡng trong chính thân mình mà làm cho chúng ta nên một thân mình với Đức Ki-tô. Chúng ta thường mang Thánh Thể đến cho bệnh nhân, những người bị tước mất sự tiếp xúc với cộng đoàn, để mà họ có thể vui mừng hiệp thông với toàn thể thân mình Đức Ki-tô.

       Nhiều người ngoại giáo tố cáo chúng ta ăn thịt đồng loại. Không hề như thế. Chúng ta không nên quên rằng thân mình Đức Ki-tô hiện diện nơi bí tích Thánh Thể không phải là thân mình mang xác thịt trần gian mà Đức Giê-su đã có trên trần thế, nhưng là “thân thể vinh quang của Ngài, thân mình đã được phục sinh giữa những người chết. “Mình Thánh Chúa Ki-tô” không phải là thân xác mà Đức Giê-su đã có trên trần thế, nhưng là thân thể vinh quang của Ngài sau khi phục sinh, hiện diện mọi nơi – như Thiên Chúa hiện diện mọi nơi. Tình yêu không tìm kiếm sự hòa nhập mà là sự đồng hóa trong mầu nhiệm biến thể của Chúa Ki-tô. Đây là một tấm bánh lạ lùng: nó biến đổi chúng ta hơn là chúng ta biến đổi nó, không như tấm bánh tự nhiên.

KẾT LUẬN

       Thân thể phục sinh của Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể bằng cách khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đấng là Thánh Thần của Chúa Kitô mà xung quanh Ngài, thân thể Chúa Kitô được quy tụ, tất cả đều hiệp nhất với Chúa Kitô và với nhau trong mọi sự. Chúng ta nhận ra tất cả những điều này chỉ bằng đức tin. Mỗi ngày sống chúng ta được Mình và Máu Chúa Ki-tô phục sinh nâng đỡ, gìn giữ. Chúng ta được dưỡng nuôi, được kết hợp, trở thành thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, được hiệp nhất với Chúa Kitô mỗi khi chúng ta cử hành mầu nhiệm này. Vì vậy Chúa Cha có thể nhìn đến và yêu thương chúng ta như Ngài yêu thương Con yêu dấu của Ngài, bởi vì chúng ta được kết hợp và nên một thân mình với người Con yêu dấu đấy. Càng tham dự Thánh Thể một cách yêu thương, chúng ta càng trở nên một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô. Bằng cách này chúng ta được Chúa Cha đặc biệt yêu thương – bởi vì trong Thân Mình Chúa Ki-tô chúng ta đã trở nên những con cái trong người Con duy nhất của Ngài. Đây là điều chúng ta có thể dâng lên như lời tạ ơn đẹp lòng Thiên Chúa.

(Chuyển ngữ: Lm. Giu-se Đinh Đức Huỳnh, SSS)

(“Thánh Thể” - Trích Sách Báo Emmanuel: Tháng 3 – Tháng 4, 2013. Trang: 148-151.)

 

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.