Chia Sẻ Tin Mừng - Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A

 

Chúng ta biết rằng Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu được viết tại An-ti-ô-ki-a xứ Si-ri, là nơi có cộng đoàn Ki-tô hữu rất đông đảo và trong số đó phần lớn là những người Do thái trở lại Ki-tô giáo. Và chúng ta cũng biết rằng tác giả Tin Mừng này là một người Do thái hoán cải và đi theo Chúa Giê-su, ông viết Tin Mừng này sau khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn khoảng 50 năm sau đó. Với những năm tháng bước theo Thầy Giê-su ông đã thấy và hiểu được gì về Lời dạy của Thầy cũng như thế giới xung quanh? Rồi thế giới mới mà Thầy Giê-su mời gọi có khác gì với thế giới tại thời điểm ông viết Tin Mừng này? Cái ác vẫn tiếp tục hiện diện trên thế giới, Chúa Giê-su đã đến để bắt đầu một thế giới mới, thế giới của tình yêu nhưng thế giới cũ vẫn tiếp tục phát triển, bên cạnh cái tốt và điều thiện vẫn có những cái ác vẫn phát triển và thậm chí còn phát triển rất mạnh mẽ. Và như vậy chúng ta có thể hình dung bối cảnh của cộng đoàn Ki-tô hữu lúc bấy giờ ở An-ti-ô-ki-a gặp những câu hỏi hóc búa đại loại như là: “Chúa Giê-su đã thiết lập Vương Quốc Tình Yêu nào nếu Ngài dường như đã thất bại trong việc khiến cái ác biến mất khỏi thế gian này mãi mãi?”

Không những thế, ngay trong chính cộng đoàn lúc bấy giờ, đời sống của các Ki-tô hữu cũng không phải thật sự là mẫu mực và sốt sáng, sau hơn 50 năm chắc chắn ít nhiều đã giảm sút về mặt đức tin cũng như lối sống ngoại giáo đã xuất hiện trở lại giữa các Ki-tô hữu.

Trước tình trạng đó, các Ki-tô hữu này cần một điều gì đó để củng cố. Những Ki-tô hữu gốc Do thái này chắc chắn thuộc nằm lòng những lời của ngôn sứ I-sai-a:

Dân của ngươi gồm toàn những người công chính, chúng sẽ được đất nước làm sở hữu đến muôn đời. Chúng sẽ là mầm non trong vườn cây của Ta, là công trình do tay Ta thực hiện để làm cho Ta được hiển vinh.” (Is 60,21)

Vì vậy, họ lý luận rằng ít nhất trong cộng đoàn Ki-tô hữu chỉ nên có những người công chính mà thôi. Nhưng rõ ràng ngay chính công đoàn của thánh Mát-thêu lúc bấy giờ, không phải tất cả thành viên đều là công chính. Vậy làm thế nào điều này có thể xảy ra? Cần đối xử thế nào với những người không sống theo cộng đoàn Ki-tô hữu? Đây cũng chính là những vấn nạn của chúng ta thời nay.

Cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên này đã nảy sinh hai chủ trương đối nghịch nhau, một bên theo khuynh hương “nghiêm khắc”, tức là cố gắng loại bỏ những người được coi là “không công chính” là những người đã không tuân theo các cam kết trong ngày chịu Bí Tích Thánh Tẩy, nghĩa là bị đuổi ra khỏi Giáo Hội. Chúng ta có thể liện hệ đến thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô khi thánh nhân đề cập đến những Ki-tô hữu sống vô luân đến mức ngay cả lương dân cũng không làm như vậy, và thánh nhân đã đặt vấn đề là tại sao chúng ta lại phải chịu đựng một người như vậy trong cộng đoàn? Và chúng ta thấy một đề nghị đuổi người này ra khỏi cộng đoàn để bản thân họ nhận thức hành vi của mình. Bên cạnh đó, một nhóm khác lập luận rằng cần phải “cảm thông hơn, kiên nhẫn hơn” với những người tội lỗi. Hai chủ trương này luôn đối kháng nhau trong nhiều thế kỷ của Giáo Hội, có lúc đấu tranh gay gắt thậm chí buộc tội nhau và xúc phạm lẫn nhau.

Chúng ta trở lại một chút lịch sử của Giáo Hội thời sơ khai để hiểu rõ hơn về bối cảnh của bài Tin Mừng Chúa Nhật XVI năm A này, tức là dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Có nghĩa là nhóm chủ trương khoan dung với những người tội lỗi đã viện dẫn dụ ngôn này hầu củng cố cho lập luận của mình. Vậy bên nào có lý và bên nào đúng hơn? Ngày hôm nay chúng ta có cơ hội để tìm hiểu lại ý nghĩa của dụ ngôn này để hiểu rõ hơn ai đã giải thích tốt câu chuyện dụ ngôn này của Chúa Giê-su.

Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe dụ ngôn này:

24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.

Chúng ta thấy ngay câu đầu tiên của dụ ngôn đã giới thiệu về một người gieo hạt giống tốt. Người gieo giống là ai? Chúng ta đọc lại các chương đầu trong sách Sáng Thế và biết rất rõ rằng sau khi Chúa tạo dựng nên thế giới này, chúng ta được nghe lặp lại bảy lần “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” tức là Thiên Chúa thấy những gì Ngài đã tạo dựng ra là tốt đẹp. Như vậy tại sao vẫn có sự dữ hiện diện? Bất hạnh, đau khổ, chết chóc bắt nguồn từ đâu? Và chúng ta có thể mường tượng ra giữa cuộc tranh luận trong cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên này có một vấn nạn vô cùng hóc búa đối với các Ki-tô hữu lúc bấy giờ: “Nếu thật sự hiện hữu một vị Thiên Chúa đã làm nên mọi sự đều tốt đẹp thì sự dữ và cái ác xuất phát từ đâu?”. Người gieo giống ở đây chúng ta có thể hiểu là Chúa Giê-su và cũng có thể hiểu rằng Chúa Giê-su chính là hạt giống tốt, Ngài từ Trời xuống thế gian ở giữa một thế giới xấu xa, thế giới của sự ích kỷ mà từ đó chiến tranh và bạo lực tràn lan. Chính từ đây mà hạt giống tốt là Chúa Giê-su đã nảy mầm để khởi đầu một nhân loại tốt đẹp triển nở, đó là một nơi hoà bình, hiệp nhất, yêu thương, còn chiến tranh, bất công, bạo lực sẽ biến mất. Nhưng tại sao cho đến bây giờ sau hơn 2000 năm chúng ta dường như vẫn chưa thấy những hoa trái từ hạt giống tốt lành đó.

Nhân vật thứ hai trong dụ ngôn này là “kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” Kẻ thù này là ai? Và tại sao Chúa không ngăn cản kẻ thù này đến huỷ hoại những công trình tốt đẹp do chính tay Ngài tạo dựng ra. Chúng ta không thể hiểu rằng kẻ thù này là ma quỷ do con người tưởng tượng ra mỗi khi gặp phải sự dữ trong cuộc đời. Câu trên chỉ nhằm muốn nói lên một điều rất quan trọng mà đôi khi chúng ta lãng quên khi gặp đau khổ triền miên, đó là Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ và cái ác. Cái ác đến từ chính thụ tạo.

Nhân vật thứ ba là cỏ lùng. Chúng ta thấy một điều thú vị là trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su đã khéo chọn một hình ảnh rất phù hợp để đại diện cho mặt tiêu cực đang hiện diện trong mỗi con người. Cỏ lùng chúng ta thấy cây của nó trông rất giống cây lúa, điều này khiến người nông dân rất dễ nhầm lẫn với cây lúa và chỉ đến mùa gặt thì chúng mới thật sự lộ rõ bản chất vì chúng cũng có sinh hạt, nhưng là hạt đen không nuôi sự sống con người và không phải hạt lúa vàng. Điều đó muốn nói lên rằng, hoa trái của cỏ lùng không ăn được tức là sự chết, ngược lại, hạt lúa mì là sự sống.

Trong câu “kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” vẫn còn một chi tiết khá quan trọng cần lưu ý, đó là trong bản văn gốc từ “cỏ lùng” được dùng ở dạng danh từ số nhiều và “lúa” dùng ở dạng danh từ số ít. Như vậy chúng ta hiểu như thế nào ngụ ý này của tác giả? Chúng ta có thể hiểu rằng có rất nhiều hình thức bên ngoài của sự dữ mà ban đầu thoạt nhìn rất đẹp vây quanh chúng ta là những cây lúa đơn độc. Tức là chúng ta cần rất cẩn thận trước rất nhiều hình thức của cái xấu được ẩn bên trong vỏ bọc xinh đẹp, thậm chí có nhiều người thay vì trồng lúa thì lại vun xới cẩn thận cho cây cỏ lùng vì không có khả năng nhận diện ra đó là cỏ lùng, đến cuối cùng khi thu hoạch thì thay vì là hoa trái tốt lành, họ nhận được nhưng kết quả xấu xa và sự dữ. Như vậy thách đố đặt ra cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta ngày hôm nay là làm sao có thể phận định và nhận diện được lúa tốt giữa muôn vàn cây cỏ lùng độc hại. Chúng ta có thể đưa ra hai ví dụ:

Thứ nhất, giữa lòng đạo đức thực sự và đạo đức giả khác nhau ở chỗ, lòng đạo đức thực sự luôn thôi thúc chúng ta phục vụ Chúa và tha nhân một cách tự nhiên ngay cả khi đòi buộc chúng ta hy sinh và từ bỏ.

Thứ hai là chân lý thực sự và cái được coi là chân lý khác nhau ở chỗ cái được coi là chân lý mặc dù ai cũng nói, ai cũng nghĩ, ai cũng làm nhưng thực chất lại là lừa dối, lý luận hão huyền hầu phục vụ cho những tư tưởng thống trị và tham lam…

Nên nhớ rằng cái ác không xuất hiện ngay lập tức, thoạt đầu có vẻ rất tốt, nó có vẻ đẹp khiến chúng ta dễ dàng sa ngã. Chúng ta tiếp tục nói đến một khía cạnh nữa đó là “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” tức là kẻ ác hành động đang khi người gieo giống đi ngủ. Cỏ lùng, sự dữ bén rễ khi tất cả con người đang ngủ, ở đây có thể nói rằng, chính khoảnh khắc lương tâm và niềm tin của con người đang ngủ say thì sự dữ lại tấn công mạnh bạo nhất. Do đó điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần tỉnh táo, không được ngủ quên. Ví dụ về khía cạnh luân lý, chúng ta thấy có những đề nghị thoạt đầu có vẻ hợp lý và khôn ngoan nhưng rồi sau đó lại trở nên cái ác và toàn những sự xấu xa.

Bây giờ chúng ta cùng lắng nghe câu hỏi mà người đầy tớ hỏi ông chủ:

27Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.

Ở đoạn này chúng ta thấy xuất hiện thêm nhân vật mới là những người đầy tớ, có thể nói họ là những đầy tớ rất nhiệt thành và siêng năng. Nghĩa là họ quan tâm đến vụ mùa, đến những mối nguy bên cạnh cây lúa, nói cách khác họ muốn xây dựng thế giới mới ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng như vậy, chúng ta là những người muốn có một Giáo Hội toả sáng với vẻ đẹp của Tin Mừng và đồng thời lại đau đớn khi thấy cỏ lùng mọc lên chính trong Giáo Hội. Ngoài lòng nhiệt thành của các đầy tớ, chúng ta có thể thấy thêm một chi tiết nữa khi họ quay sang hỏi ông chủ, dường như họ nghi ngờ rằng hạt giống không tốt và vì vậy họ đã chất vấn và quy trách nhiệm cho ông chủ. Chẳng lẽ nào Đấng Tạo Hoá là thủ phạm? Chẳng phải Thiên Chúa đã làm cho thế giới đau khổ, bất hạnh và chết chóc? Hay nếu người gieo giống là Chúa Giê-su Ki-tô và hạt giống là Tin Mừng thì liệu trong Giáo Hội vẫn còn có cỏ lùng hay không?

Ông chủ đã trả lời như thế nào? Ông đã trả lời cách khoan thai: “Kẻ thù đã làm đó!”. Nghĩa là không phải Chúa tạo ra cỏ lùng, chúng ta có thể hiểu rằng đây là một phần của con người, tức là một mặt tốt nơi con người dẫn đến sự sống và mặt trái là kẻ thù của sự sống, là cỏ lùng. Đó là sự thật không thể chối cải bởi vì bản chất của con người là giới hạn, bất toàn, chúng ta sinh ra là như vậy.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Thiên Chúa không tạo ra con người không có cỏ lùng? Ngài hoàn toàn có thể làm được, vấn đề nằm ở chúng ta, chúng ta thì không làm được như Ngài. Và có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng Thiên Chúa muốn dựng nên một nhân loại hoàn toàn tốt lành và Ngài rất mực yêu thương con người. Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định chắc chắn điều này dựa vào cuộc sống của A-đam và E-và ở vườn E-đen trước khi ông bà phạm tội được kể lại rất chi tiết trong các chương đầu của sách Sáng Thế.

Vậy cỏ lùng trong mỗi con người là gì? Chúng ta biết rất rõ, đó là tính kiêu căng, muốn thống trị người khác, những đam mê truỵ lạc, nhất là tham vọng gắn bó với tiền của khiến chúng ta thờ ơ với người nghèo, thậm chí đàn áp và bốc lột kẻ yếu thế và nghèo đói. Đây chính là những cỏ lùng làm mất nhân tính của con người, đó là kẻ thù của sự sống con người, bởi ban đầu Chúa tạo dựng sự sống trên mặt đất vốn dĩ là tốt lành.

Chúng ta đi tiếp đến câu hỏi thứ hai khi những người hầu tiếp tục hỏi ông chủ: phải làm gì với cỏ lùng này? họ đưa ra đề nghị với tư cách, chúng ta hiểu rằng, là những người không chấp nhận sự hiện diện của cỏ lùng mà xoá bỏ hết ngay tức khắc. Có thể thấy đây là những người xem ra cố chấp và cuồng tín. Đối với họ, cỏ lùng như là một thứ gì đó ô nhục và ghê tỡm của nhân loại nên nhất thiết phải nhổ lên và đốt cháy ngay.

Chúng ta hãy tập trung vào cách cư xử của ông chủ. Ông sẽ làm gì? Đây là thông điệp chính của dụ ngôn này: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Cỏ lùng cùng với lúa tốt chính là hai phần cấu thành nên con người, do đó nếu con người không thể kiểm soát được phần cỏ lùng trong chính họ thì họ sẽ trở nên hung hăng cả với chính bản thân mình và với người khác. Lúa tốt và cỏ lùng cần phải cùng nhau lớn lên, tức là ý muốn của Chúa Giê-su trong dụ ngôn này là rất rõ ràng, đó là Ngài không đoạn tuyệt với tội nhân. Chúa Giê-su chấp nhận một cộng đoàn mà nơi đó có những con người có cả lúa tốt và cỏ lùng bên trong họ, cộng đoàn Ki-tô hữu luôn có cả ánh sáng và bóng tối. Và đây là thông điệp quan trọng đối với Giáo Hội hôm nay: Giáo Hội bao gồm người tốt cũng như kẻ xấu, các thánh cũng như tội nhân, những người mắc sai lầm chính là những người hơn ai hết cần được yêu thương nhiều hơn, những người yếu đuối và đau khổ là những người hơn ai hết cần được nâng đỡ.

Vậy nếu ai đó chất vấn chúng ta rằng: “Khi nhìn vào những đổ vỡ và những bê bối của Giáo Hội thì tôi không còn muốn biết về Giáo Hội nữa chăng?”, chúng ta sẽ trả lời làm sao? Tại sao lại hơn thua với những người anh em có đầy cỏ lùng trong khi còn biết bao nhiều người anh em khác với đầy vẻ đẹp của Tin Mừng.

Chúng ta đến phần kết của dụ ngôn: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng theo ý muốn của Chúa Giê-su? Có lẽ bao lâu nay chúng ta vẫn đinh ninh, mùa gặt là vào ngày tận thế khi con người thoát khỏi những người xấu là những thứ cỏ lùng đó là thứ sẽ bị đem đốt đi, tức là kẻ xấu vào ngày tận thế sẽ bị đày xuống hoả ngục. Nhưng nên cẩn trọng với lý luận này, bởi kể cả những kẻ xấu này cũng đều là con cái Thiên Chúa, bên trong họ chắc chắn có rất nhiều cỏ lùng nhưng đồng thời vẫn có những hạt lúa tốt chứ đâu chỉ toàn cỏ lùng. Vậy lời kết dụ ngôn này của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì?

Chúng ta thấy hình ảnh mùa gặt luôn luôn là biểu tượng của niềm vui, không phải là nỗi buồn. Điều xảy ra ở mùa gặt đó là cỏ lùng sẽ bị đốt đi, tức là cuối cùng phần tốt đẹp của con người sẽ được giữ lại như lúa tốt được đem vào kho. Trong vương quốc Thiên Chúa không bao giờ có cỏ lùng, mặc dầu thế giới chúng ta đang sống có thể còn có cỏ lùng, và đây chính là lời loan báo của niềm vui Tin Mừng rằng chính tình yêu của Thiên Chúa sẽ thiêu đốt cỏ lùng, hạt lúa tốt đẹp sẽ được vào Nước Chúa, và cần hiểu rằng hạt lúa tốt đẹp đó hiện diện nơi tất cả những người con cái của Thiên Chúa, không loại trừ một ai.

Tiếp theo thánh Mát-thêu trình bày tiếp cho chúng ta thêm hai dụ ngôn nữa:

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

Nước Thiên Chúa không nằm ở những hình thức và hào nhoáng bên ngoài. Hạt giống tốt đẹp và sinh hoa trái chính trong lòng mỗi người, không phô trương, không ồn ào, trái lại luôn ẩn mình và trong im lặng, khiêm nhu. Chúa Giê-su đã làm nỗi bật thông điệp này bằng việc thêm hai dụ ngôn, dụ ngôn về hạt cải, là một loại hạt giống cực kỳ nhỏ nhưng từ đó sẽ mọc lên một cây to lớn. Chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh hạt cải bé nhỏ cần phải ẩn mình trong lớp đất sâu mới có thể nảy mầm và lớn mạnh, ngược lại nếu nó lộ ra bên ngoài, như hình ảnh của một hạt giống ở ngoài đất khô trơ trọi thì chắc chắn chẳng nảy mầm và tươi tốt được. Cũng như dụ ngôn thứ hai về nắm men được vùi vào ba thúng bột, tức là nắm men nhỏ đó cần phải được ẩn mình bên trong khối lượng lớn bột mới có thể làm chúng dậy men, ngược lại nếu nắm men này để lộ ra ngoài, chắc chắn ba thúng một kia sẽ không thể dậy men được.

Như vậy, Chúa Giê-su đã trình bày cho chúng ta sự tương phản giữa sự hào nhoáng hão huyền mà con người cứ mong đợi so với sự cao cả và lớn lao của Nước thiên Chúa không phải từ vẻ bên ngoài. Chúng ta hãy đọc lại trong chương 17 của sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ở đây Ê-dê-ki-en đã trình bày cho chúng ta về một vương quốc Thiên Chúa với hình ảnh của một cây tuyết tùng to lớn, hùng vỹ được Thiên Chúa trồng trên đỉnh núi, và ngoại hình của vương quốc này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhưng Chúa Giê-su thì không trình bày Nước Thiên như vậy, nhưng như một hạt cải bé nhỏ được vùi lấp vào trong lòng đất và sinh ra một điều thật to lớn mà không ai ngờ tới, vậy hạt cải này là cái gì?

Đó chính là hạt giống Lời Chúa, ban đầu xem ra là một điều nhỏ nhặt, có vẻ chỉ là một Lời rất mong manh yếu đuối, hơn thế nữa lại được nói ra từ một người đàn ông nghèo, con của bác thợ mộc và không có tiếng tăm gì so với các kinh sư và những nhà thông luật.

Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói: “Chúng tôi chứa đựng kho tàng của Thiên Chúa trong những chiếc bình sành”, với sự yếu đuối của thân phận con người, nhưng hạt giống này tự nó có một vẻ đẹp, có khả năng làm cho bất cứ ai đón nhận nó có thể tỏa sáng.

Dụ ngôn khác, dụ ngôn về nắm men, vẫn cho thấy sự tiềm ẩn của thứ men này, nó làm dậy lên “ba thúng bột”, một khối lượng lớn. Và hình ảnh này khiến chúng ta có thể liên tưởng đến số lượng các Ki-tô hữu thời kỳ đầu tăng lên rất nhiều mặc cho sự bách hại khắc nghiệt của đế quốc Rôma.

Bây giờ chúng ta hãy nghe cách Mát-thêu dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng để tạo nên những chỉ dẫn mục vụ cho cộng đoàn của ngài:

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Chúng ta nhận thấy dường như ở đoạn Tin Mừng vừa nghe có ý đồng tình với những kẻ cố chấp muốn loại bỏ những kẻ được xem là cỏ lùng, “Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người”. Rồi chúng ta lại nghe thấy có cả lò lửa để trừng phạt những kẻ đó. Những hình ảnh này nói với chúng ta điều gì? Chúng ta biết rằng những hình ảnh: lò lửa, khóc lóc, nghiến răng, mùa gặt, thiên thần, ác quỷ… mang tính chất khải huyền. Sở dĩ thánh Mát-thêu đưa ra những hình ảnh này là bởi vì ngài viết cho đối tượng độc giả gồm những người Do thái lúc bấy giờ trở lại Ki-tô giáo trong cộng đoàn của ngài. Và chi tiết về các hình ảnh khải huyền là hết sức quan trọng giúp chúng ta không hiểu sai về đoạn Tin Mừng này, thậm chí dẫn đến những sai lầm nghiệm trọng trong mục vụ và truyền giáo. Chúng ta hãy để ý đến câu: “Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” ”, đây không chỉ đơn thuần là một sự nài xin được giải thích dụ ngôn này, bởi đối với những người Do thái này, các hình ảnh khải huyền là quá quen thuộc và họ dư khả năng hiểu được ngụ ý mà Chúa Giê-su muốn nói trong dụ ngôn này, vậy vấn đề nằm ở đâu? Chúng ta biết rằng nguyên ngữ động từ “giải thích” được dùng ở thể mệnh lệnh, và như vậy ở đây không đơn thuần là một lời nài xin cho bằng là một lời chất vấn, “hãy giải thích cho chúng tôi dụ ngôn cỏ lùng trong đám ruộng này”. Họ không đồng ý rằng bên cạnh hạt giống tốt lại còn có cỏ lùng, có vẻ như họ là những người thuộc vào hạng công chính trong cộng đoàn của những người công chính, họ nhận thấy bản thân xứng đáng được chọn vào hàng ngủ này là xứng đáng và không thể chấp nhận, thậm chí là bực dọc, chống đối đến nỗi tranh cãi và yêu cầu được “giải thích” rõ ràng, tức là giọng điệu của người không đồng ý. Đây chính là thông điệp quan trọng của phần thứ hai trong đoạn Tin Mừng này.

Chúa Giê-su đã giải nghĩa 7 hình ảnh trong dụ ngôn: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. ”. Vậy chúng ta hiểu phần cuối của bài Tin Mừng này là gì? Trước tiên cần phân biệt hai vương quốc để hiểu điều Chúa muốn nói với chúng ta: vương quốc của con người, tức là vương quốc mà Thiên Chúa tạo ra cho chúng ta trong lịch sử nhân loại và trong vương quốc này có cả sự hiện diện của cỏ lùng, của sự gian ác, bất công, bạo lực, tràn đầy tội lỗi và chính những điều xấu xa này tạo nên nên một phần “cỏ lùng” trong chúng ta; bên cạnh đó còn có một vương quốc khác chính là vương quốc của Thiên Chúa Cha. Và Chúa Giê-su nói tiếp điều sẽ xảy ra cho vương quốc của con người: “Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ”. Các thiên sứ hay thiên thần theo truyền thống Kinh Thánh đó là tất cả những người làm trung gian mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người, là trung gian của Lời Đức Chúa, do đó các ngôn sứ cũng nói Lời của Đức Chúa cho dân nên cũng được gọi là các thiên thần, cả các tông đồ và môn đệ của Chúa Giê-su cũng được gọi là thiên thần vì ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, nói rộng ra là tất cả những ai làm trung gian Lời của Chúa Giê-su, Lời có sức mạnh thiêu đốt cỏ lùng và tất cả những mặt trái, mặt xấu hiện diện trong tâm hồn con người. Chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của thánh Phê-rô khi ông ngăn cản con đường Chúa Giê-su và không muốn Thầy mình đi theo con đường mà Thiên Chúa Cha muốn Ngài đi. Chúa Giê-su đã trách: “Sa-tan lui ra đằng sau thầy!”, tức là thiên thần phải là những người cảm kết loại bỏ tất cả mọi thứ ngăn cản con người gắn bó với Thiên Chúa.

Như vậy chúng ta có thể hiểu thông điệp của bài Tin Mừng này rằng, chính mỗi người chúng ta ngày hôm nay cũng đang được mời gọi trở thành thiên thần của Chúa Giê-su, tức là những người muốn đóng góp và xây dựng vương quốc không còn cỏ lùng không phải theo cách loại trừ của thế gian nhưng là theo cách của Chúa Giê-su. Đó không phải là việc loại bỏ những người bên trong họ có cỏ lùng, chắc chắn không phải như vậy! Đó là việc loại bỏ cỏ lùng, loại bỏ tất cả những điều gian ác và tội lỗi bên trong con người đó hầu xây dựng một nhân loại tốt đẹp và một thế giới mới, thế giới của tình yêu.

Cuối cùng chúng ta nói đến một hình ảnh rất quan trọng nữa đó là “lửa” trong câu: “rồi quăng chúng vào lò lửa”. Chúng ta hãy tìm hiểu một chút về hình ảnh lửa này ngang qua ngôn ngữ của thánh Phao-lô. Trong chương ba, thư thứ nhất gủi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân viết có đoạn như thế này:

13Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. 14Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. 15Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa

Tức là chúng ta hiểu lửa được dùng để thử nghiệm và loại bỏ hết tất cả những gì là xấu xa mà chúng ta biết đó là cỏ lùng. Còn trong Tin Mừng chúng ta thấy chỉ duy nhất một hình ảnh về lửa, đó chính là ngọn lửa Thánh Linh, ngọn lửa của Tình Yêu Thiên Chúa, ngoài ra không có gì khác hơn nữa. Như vậy, chúng ta có thể hiểu thông điệp của bài Tin Mừng này rằng tất cả những công việc của chúng ta hầu xây dựng thế giới này vào mùa gặt, tức là ngày sau hết sẽ phải chịu thử thách bởi cuộc gặp gỡ với lửa Thánh Linh của Chúa. Chúng ta biết rằng các Ki-tô hữu sau những thế kỷ đầu tiên hết sức sốt sáng, ngoan đạo và rồi đã có dấu hiệu buông thả, không còn coi trọng các cam kết khi chịu phép Thánh Tẩy. Do đó, thông điệp bài Tin Mừng này như một lời cảnh báo rằng, tất cả những công việc xây dựng của mỗi người đều phải chịu thử thách bằng lửa, tất cả con người chắc chắn phải trải qua ngọn lửa hầu thiêu đốt hết cỏ lùng, nghĩa là mọi điều không được thúc đẩy bởi Thánh Thần của Thiên Chúa đều được xem là cỏ lùng, và chắc chắn phải bị loại bỏ. Đến mùa gặt, ngày tận thế, tất cả những điều gian ác và xấu xa bên trong tâm hồn mỗi người sẽ bị thiêu tốt, và tất nhiên phần lúa tốt trong mỗi người chúng ta chắc chắn được giữ lại, và có lẽ chúng ta cũng cần thừa nhận một điều rằng rất nhiều công việc mà chúng ta làm ở đời này dường như được gợi hứng và được hướng dẫn bởi cỏ lùng, những điều này chắc chắn bị thiêu huỷ. Tình trạng thanh luyện chắc chắn sẽ rất đau đớn và khắc nghiệt, nhưng với niềm tin Ki-tô giáo chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa không huỷ diệt con người nhưng là thiêu huỷ sự dữ hiện diện bên trong con người, bởi mỗi người là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.

Đoạn cuối của bài Tin Mừng cho chúng ta thấy tia sáng hy vọng tràn trề, “43Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” Chúng ta cần luôn chắc chắn rằng, sự thanh luyện trong lửa Thánh Linh nhắc nhở chúng ta vai trò của người môn đệ chân chính của Chúa Giê-su Ki-tô là trở thành thiên thần của Thiên Chúa ra đi thanh tẩy những điều được gọi là cỏ lùng, tức là điều gian ác và tội lỗi hầu tạo ra một vương quốc tươi đẹp của lúa tốt. Những người con cái của Chúa sẽ chỉ còn lại điều tốt đẹp như những hạt giống tốt, đó gọi là những người công chính được chiếu sáng trong Nước Thiên Chúa Cha. Đây hẳn là một thông điệp của niềm vui và niềm hy vọng tràn trề cho mỗi người môn đệ bước theo Chúa, không phải là con cái Thiên Chúa bị ném vào lò lửa nhưng là cỏ lùng hiện diện trong mỗi người. Cuộc gặp gỡ cuối cùng của con người với ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa bùng cháy thiêu đốt mọi sự dữ thế gian và mỗi người đều đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúc quý ông bà và anh chị em luôn bình an và vui tươi trong tư cách là con cái của Thiên Chúa.

Lm. Phaolô Nguyễn Hồ Hữu Thành, SSS

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.