(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

7- HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI

I. LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA 

Trong nhiều thế kỷ, Thánh lễ Roma không có Nghi thức Thống hối nhưng bắt đầu ngay với các Bài đọc, nghĩa là khởi sự ở chính phần Phụng vụ Lời Chúa. Sách Didache (thế kỷ I) dạy rằng chúng ta phải xưng thú tội lỗi của mình trước khi bẻ bánh, nhưng không chỉ thị làm gì hay đọc kinh nào, có lẽ nó không phải là phần nghi thức bắt buộc và chỉ được thực hiện theo từng cá nhân.

Sau này, trong phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta thấy rõ khái niệm về sự sám hối khi thừa tác viên quỳ gối trước lúc công bố Lời Chúa. Phần sám hối này đã từng được sử dụng tại Đông phương trước thế kỷ VI, và được đưa sang Tây phương (trong phụng vụ Frankish) từ thời tiền Trung cổ (thế kỷ VI hoặc VII). Ban đầu, phần sám hối được thực hiện chỉ trong phòng thánh do lòng sốt sắng cá nhân của tư tế nhằm để chuẩn bị cho Thánh lễ sắp cử hành,[1] hay linh mục đọc những lời nguyện thống hối (apologiae) trên đường tiến tới Bàn thờ.[2] Đây cũng là một phần kinh nguyện riêng của Đức Giáo hoàng trong thế kỷ VII tại Roma như được đề cập trong cuốn Ordo Romanus I : Đức Giáo hoàng thinh lặng ở bàn quỳ; khi đứng lên, ngài ra hiệu cho ca đoàn bắt Gloria Patri để kết thúc bài Ca Nhập lễ. Từ thế kỷ thứ IX, trong các Thánh lễ ở vùng Franc người ta thêm vào nhiều lời nguyện riêng tư và đọc thầm của vị chủ tế, dần dần những lời nguyện này trở thành kinh Cáo mình (Confiteor) vào thế kỷ XI.[3] Người ta có thể tìm thấy Confiteor trong Micrologus của Berhold khoảng năm 1110.[4] Tập quán “cáo mình” được đưa vào Thánh lễ phát xuất từ việc xưng tội lẫn nhau hằng ngày của các thày tại các đan viện trong khi đọc kinh Thần Vụ và hầu như họ xưng tội mỗi ngày.[5] Do đó, vào cuối thời Trung cổ, người ta cử hành sám hối chung trước khi hát Ca Nhập lễ tại nhiều đan viện.[6]

Tiếp sau, Confiteor được sử dụng khắp hoàn vũ theo Nghi Thức Roma như được chỉ định trong Sách lễ của Đức Piô V (1570), phần sám hối được thực hiện tại chân Bàn thờ dưới dạng đối đáp giữa vị linh mục và những người phục vụ Bàn thờ (đại diện cho dân chúng). Kinh Cáo mình của Sách lễ 1570 không thay đổi từ đó cho đến năm 1970. Kinh này rất phức tạp, linh mục thú tội cùng Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, các thánh Micael, Gioan Tẩy giả, Phêrô và Phaolô, tất cả các thánh và cộng đoàn - thậm chí đề cập toàn bộ danh sách như thế hai lần và đấm ngực ba lần. Ban đầu, Sách lễ 1570 bao gồm hai lời nguyện sau kinh Cáo mình mà có thể gọi là những lời xá giải: 1] Giúp lễ nói lời xá giải cho linh mục; 2] Linh mục đọc lời xá giải cho những người giúp lễ. Nhưng sau đó, linh mục đọc một lời nguyện khác hẳn để đặc biệt cầu xin Thiên Chúa ban ân xá, xá giải và tha thứ tội lỗi. Trong Sách lễ cải cách sau này, chỉ còn giữ lại một lời nguyện dành riêng cho linh mục.[7]

Sau Công đồng Vatican II, khi duyệt lại Nghi thức Thánh lễ, các học giả tranh luận với nhau nhiều vấn đề: có nên giữ lại kinh Xin Chúa thương xót hay không? Có nên đặt Nghi thức Thống hối là thành phần của Thánh lễ không và phải đặt ở đâu trong Thánh lễ là hợp lý nhất?

Nhóm Nghiên Cứu số 10 ưa thích bản văn kinh Cáo mình từng được các tu sĩ Đaminh sử dụng hơn vì chúng đơn giản hóa danh sách các thánh. Nhờ thế, bản văn kinh Cáo mình được sửa đổi sau này chỉ đề cập đến Thiên Chúa và Đức Mẹ, không còn nêu tên các thánh mà chỉ nói chung trong một cụm từ là "các thiên thần và các thánh". Họ cũng đề nghị chuyển Nghi thức Thống hối ra giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong phần Tiến lễ, trước phần Hiệp lễ hay thậm chí tùy theo Hội đồng Giám mục địa phương quyết định.[8]

Sau nhiều bàn thảo, Giáo Hội đã quyết định rằng Nghi thức Thống hối là một thành phần của Hy lễ Tạ ơn và được đặt làm một trong những nghi thức khởi đầu của Thánh lễ. Quyết định này vừa dựa vào Kinh Thánh vừa dựa vào truyền thống của Giáo Hội. Trong Mt 5,23-23, Chúa Giêsu kêu gọi hãy hòa giải trước khi đến dâng của lễ. Hơn nữa, tài liệu Didache ghi rằng vào Ngày của Chúa, các tín hữu đã quy tụ lại với nhau để cử hành Nghi lễ Bẻ bánh và cảm tạ Thiên Chúa "sau khi họ xưng thú tội lỗi"[9] để hiến lễ dâng tiến được tinh tuyền.[10]

Ngày nay đã cử hành thống hối được đơn giản hóa để đưa vào phần đầu lễ chung cho cả linh mục và giáo dân:

- Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của Bí tích thống hối...(QCSL số 51)

- Sau Nghi thức Sám hối, là luôn luôn đến kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’, trừ khi đã dùng kinh này trong Nghi thức Sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó. Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi kinh ‘Lạy Chúa, xin thương xót’ được dùng như là phần của Nghi thức Thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng (QCSL số 52).

Hành động Thống hối hay tâm tình thống hối dường như đi liền với thân phận con người. Trong Kinh Thánh, có thể đọc thấy nhiều bản văn diễn tả lòng hối hận, ăn năn... của hối nhân và cả hạnh phúc của họ khi được Thiên Chúa nhân lành tha thứ:

- Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà. Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt. Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa," và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con (Tv 32,1-5).

- Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã  phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 51,3-4).

- Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng... CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm (Tv 103, 1-5; 8-10).   

- Trong đoạn văn Lc 7,36-50 tường thuật Chúa Giêsu tham dự bữa tiệc ở nhà ông Simon. Trong khi Simon có những suy nghĩ ngặt nghèo về việc tại sao vị Ngôn sứ Giêsu lại để cho một người phụ nữ tội lỗi đụng chạm vào mình, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về những người mắc nợ được chủ tha cho, rồi ngài kết luận: "Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội? “Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”;

Từ ít là một vài đoạn văn Kinh Thánh trích dẫn ở trên, Hành động Thống hối được nhìn không chỉ là việc cá nhân hay cộng đồng thừa nhận tội lỗi và thiếu sót của mình, nhưng là sự thừa nhận trước một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và hay tha thứ.[11] Vì thế, Nghi thức Thống hối phản ánh nhu cầu của con người cần đến ân sủng của Chúa qua người con của Ngài là Đức Kitô Giêsu trong Thánh lễ đang cử hành.[12] Bởi vì bất cứ khi nào Cựu Ước đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, phía thị nhân luôn ý thức về sự bất xứng và tội lỗi của mình. Họ sấp mặt xuống đất và che khuất khuôn mặt mình đi. Trong Tân Ước cũng tương tự như vậy, thị nhân tuyên bố sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện và mặc khải chính Ngài cho con người. Không ai đến gần Chúa Thánh Thần mà lại dám tự hào hay cho mình là công chính và hẳn các tín hữu không quên lời sau đây của thánh Gioan: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.9 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính."(1Ga 1,8-9)[13]

Tuy nhiên, Hành động Thống hối trong Thánh lễ, theo tác giả A.G Martimort và J. Gelineau, không phải là cuộc "duyệt xét lương tâm" và "liệt kê tội lỗi đã phạm", Nghi thức Thống hối đầu lễ không nhất thiết có bản chất sám hối,[14] nhưng trên hết, là chúc tụng, tung hô lòng nhân hậu của Chúa, tuyên xưng và diễn tả đức tin của tín hữu vào mầu nhiệm tình thương vô biên của Chúa (confessio laudis) và nói lên lời cảm tạ tri ân trước ơn tha thứ của Ngài vì Ngài là Đấng nhân hậu, yêu thương và là nguồn mạch mọi sự hòa giải cũng như chữa lành.[15] Điều này giống như một hơi thở mà cuộc đời dao động của các tín hữu rất cần đến khi bắt đầu cử hành Thánh lễ.[16]   

II. Cử hành 

Sách lễ Roma hiện nay đưa ra 3 công thức sám hối và có thể dùng thay đổi lẫn nhau: 

        A. Công thức thứ I (Confiteor Deo) 

Gồm kinh Thú tội (kinh Cáo mình) + kinh Thương xót.

Lời đầu tiên của kinh Thú tội là: "Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh (chị) em..." phản ánh một cách tỏ tường chiều kích xã hội của tội lỗi: xúc phạm đến bất kỳ ai là làm tổn thương cả Nhiệm thể Chúa Kitô.[17] Cộng đoàn tụ họp dâng Thánh lễ không những xin ơn tha thứ trong tư cách là những cá nhân, mà còn xin với tư cách cộng đoàn; mọi người tham dự liên đới với nhau, vì ai cũng cần ơn tha thứ.[18]

Câu "tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu sót..." cho thấy vấn đề của người Kitô hữu không chỉ là không làm điều xấu mà còn vì chưa làm điều tốt, không chỉ chưa tỏ lòng xót thương người khác mà còn chưa thực thi những gì Tin Mừng  mời gọi là "trở nên muối đất và ánh sáng cho trần gian".[19]   

Các tín hữu đấm ngực khi đang khi đọc những lời "lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng" (mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa) như gợi lại những lời trong Tin Mừng  Luca: "Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13).[20] Đức Bênêđictô viết rằng:

Cử chỉ này không chỉ về người nào khác, nhưng chỉ đến chính mình là kẻ có tội, vẫn là một cử chỉ cầu nguyện có ý nghĩa...Khi nói mea culpa, chúng ta trở về với chính mình, tới cửa nhà chúng ta, và vì thế chúng ta có thể kêu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, các thánh và những người đang quy tụ chung quanh, những người chúng ta đã xúc phạm tới họ.[21]

Lời kinh Thú tội kết thúc bằng những lời: "Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh (chị) em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta", nghĩa là, các thành viên của cộng đoàn  ý thức mình đang đứng không chỉ trước nhan thánh Chúa và bên nhau mà còn trước cả triều thần thiên quốc cùng với Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh, như thể trong ngày phán xét cuối cùng, họ được mời tới dự tiệc cưới của Con Chiên.[22] Không những thế, các tín hữu tin cậy vào tình hiệp thông giữa họ với Đức Maria, các thánh - những vị đã nên hoàn thiện, đã "giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7,14) - với các thiên thần, luôn vui mừng ca hát khi người tội lỗi ăn năn hoán cải (Lc 15,7), và với những người anh chị em khác.[23] Họ là một chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô, nên khẩn xin các vị ấy chuyển cầu cho mình cũng như cho toàn thể vũ trụ này đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn lòng thứ tha mọi yếu đuối và tội lỗi của từng người trong Đức Kitô.[24] Cầu nguyện cho nhau là làm theo hướng dẫn của thánh Giacôbê: "Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực" (Gc 5,16). 

        B. Công thức thứ II (Miserere nostri) 

Công thức này là một cuộc đối đáp giữa linh mục và giáo dân để giúp nhau ý thức về tình trạng phạm đến Chúa, nên ngưỡng vọng tình thương cứu độ của Người là Đức Giêsu. Chúng gồm hai câu nài xin lòng thương xót của Chúa:

- Lạy Chúa, xin thương xót chúng con

+ Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.

- Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con

+ Và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

Câu thứ nhất trích từ sách Br 3,2: "Lạy Đức Chúa, xin lắng nghe, xin thương xót, vì chúng con đã phạm tội trước nhan Ngài"  (cũng như từ ý của Gr 14,20) và câu thứ hai lấy từ Thánh vịnh: "Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con" (Tv 85,8) (cũng như lấy ý từ Tv 123,3). Ở đây, chúng ta không chỉ đơn giản xin Chúa dủ lòng thương mà còn xin ơn cứu độ của Ngài, hy vọng nhận được sự cứu độ đời đời. Quả thật, Chúa Giêsu xuống trần gian không phải chỉ để tha thứ tội lỗi chúng ta nhưng còn "dẫn đưa chúng ta, với những tội lỗi đã được tha thứ, đến cuộc sống muôn đời" (OM 4). 

        C. Công thức thứ III (Qui missus es) 

Thường được gọi là công thúc ca ngợi hay hành vi tung hô (QCSL 52) phẩm tính của Đức Kitô. Nó được trình bày dưới hình thức Kinh Cầu hướng trọn về Chúa Kitô, vào hành động và kêu cầu tình lân ái của Ngài:

- Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối.

+ Xin thương xót chúng con.

- Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi.

+ Xin thương xót chúng con.

- Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con.

+ Xin thương xót chúng con. 

Nếu dùng công thức thứ I và II thì đọc kinh Thương xót.

Nếu dùng công thức III, sẽ bỏ kinh Thương xót (QCSL 52).

Tuy nhiên có thể thay thế Nghi thức Sám hối bằng:

1] Nghi thức làm phép và rảy nước Thánh trong các lễ Chúa nhật;

2] Các cuộc rước kiệu trọng thể như như lễ Tro hay kiệu nến ngày 02 - 02 và kiệu lá trong lễ Lá;

3] Đọc Giờ kinh Phụng vụ phối hợp với Thánh lễ (x. GKPV 94);

4] Những lời kêu cầu lên Chúa Kitô rồi cộng đoàn đáp lại bằng một Điệp khúc nói lên lòng thương xót của Ngài;

5] Một bài Thánh ca nói lên lòng từ bi lân tuất của Thiên Chúa và Đức Kitô.

Công thức xá giải kết thúc hành vi thống hối do vị chủ tế đọc: "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời"  (OM 4) không phải là xá giải hối nhân lãnh nhận trong Bí tích Hòa giải (x. QCSL 51) mà chỉ là xá giải nghi thức được biểu lộ trong Hành động Thống hối của Thánh lễ[25] cũng như diễn tả lòng ước mong Thiên Chúa sẽ đem đến ơn tha thứ và sự sống trường sinh cho tất cả những ai tham dự mầu nhiệm thánh với thái dộ khiêm nhường,[26] cho nên không cần phải làm Dấu Thánh giá vào lúc này và nó cũng không miễn trừ các hối nhân mắc tội nặng phải đi xưng tội trước khi rước lễ. Tuy nhiên, dù bản chất của những lời "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời" không phải là xá giải Bí tích nhưng rõ ràng OM 4 vẫn nói đó là những lời xá giải, nghĩa là nó phải mang lại hiệu quả cứu độ và xá giải. Bởi thế, chắc chắn tội nhẹ có thể được tha thứ.[27] Theo như Enrico Mazza, nếu một người thực lòng ăn năn tội và muốn quay về với Chúa và nếu toàn thể cộng đoàn cùng cả triều thần thiên quốc khẩn cầu Thiên Chúa thứ tha, lẽ nào lại không có chuyện gì xảy ra.[28]

Sự tha thứ có liên quan đến bản chất đền tội của tất cả những hành vi tích cực như cầu nguyện, hy sinh, sùng kính, và thờ phụng. Việc tham dự Thánh lễ là hình thức đền tội cao nhất và là sự chuyển cầu hiệu quả nhất người ta có thể thi hành, nghĩa là tội nhẹ có thể được tha trong Thánh lễ. Nhưng điều này lại không đúng với tội trọng bởi vì tình trạng ân sủng không có nơi tâm hồn những ai đã phạm tội nặng và tình trạng sống trong ân sủng là cần thiết để lên rước lễ cũng như đón nhận một cách dồi dào lợi ích từ những phúc lành khác của Thánh lễ. Tội trọng đòi buộc tội nhân phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải mới được tha thứ, tức là nếu một người ý thức mình phạm tội nặng, họ phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải trước khi lên Hiệp lễ. Do vậy, David Coffey cho rằng "cũng như Thánh lễ không bao giờ thay thế cho Bí tích Rửa tội, mặc dầu hoàn thành Bí tích ấy, vì thế Thánh lễ không bao gờ thay thế cho Bí tích Hòa giải, mặc dầu cũng hoàn thành Bí tích ấy...".[29]

Tuy vậy, tội nhân không bị đoạn tuyệt với tất cả những ân sủng do việc tham dự Thánh lễ mang lại. Chẳng hạn, họ có thể nhận được ân sủng đánh động sám hối trở về từ việc lắng nghe Lời Chúa, từ bài giảng, từ một lời nguyện hoặc là có thể đạt được sự hiểu biết sâu xa về tình trạng linh hồn của mình, về lòng thương xót của Chúa và vì thế can đảm tìm đến sự tha thứ. 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp)


 

[1] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration,  118.

[2] Xc. John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 121.  

[3] Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, Giải Đáp Các Vấn Nạn Về Phụng Vụ (Hà Nội : nxb. Tôn Giáo, 2001), tập 1, 47-48.

[4] PL 101:979A, trích lại trong John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 121.

[5] Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, Giải Đáp Các Vấn Nạn Về Phụng Vụ, 48.

[6] Ibid., 145-146.

[7] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 12-13.

[8] Ibid.

[9] Didache 14:1.

[10] Xc. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 13.

[11] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 28.

[12] x. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (NJ : Paulist Press, 1999), 46-48.

[13] Adolf Adam, Die Eucharistiefeier: Quelle und Gipfel des Glaubens, trans. Robert C. Schultz, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faitht (Minnesota: A Pueblo Book, The Liturgical Press, Collegeville, 1994), 23.

[14] x. J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ (Nxb Đồng Nai, 1992), tập II, 154.

[15] CHTL 145; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 14.

[16] x. J. Gélineau, op. cit., tập II, loc. cit.

[17] Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, 23.

[18] ĐHTT 63.

[19] Adolf Adam, op. cit., 24.

[20] John D. Laurance (ed),  The Sacrment of the Eucharist, 106-107.

[21] Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, 207.

[22] Xc. John D. Laurance (ed),  The Sacrment of the Eucharist, 107.

[23] ĐHTT 63.

[24] John D. Laurance (ed),  The Sacrment of the Eucharist, 107.

[25] Xc. John D. Laurance (ed),  The Sacrment of the Eucharist, 107.

[26] Xc. Dominic E. Serra, "Theology of the Latin Text and Rite"  trng Foley (ed), A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Minesota:  The Liturgical Press, 2011), 130.

[27] John D. Laurance (ed),  The Sacrment of the Eucharist, 107.

[28] Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist: the Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation, trans. Matthew J. O'Connell (Minnesota: The Liturgy Press, 1998), 264. 

[29] David Coffey, The Sacrament of Reconciliation (Minnesota: The Liturgy Press, 2001), 63-64.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.