(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)
9- KINH XIN CHÚA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON (KYRIE)
I. LỊCH SỬ
"Lạy Chúa! Xin thương xót" là lời tung hô (acclamation) dịch từ tiếng Hy Lạp (trong Bản Bảy Mươi - thế kỷ III trước Công nguyên), và là kiểu nói Kinh Thánh đã được sử dụng nhiều lần cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước (Tv 4,2; 6,3; 9,14; 40, 5.11; Mt 9,27; 15,22; 17,14; 20, 30-31; Mc 10,47; Lc 16,24; 17,13 v.v.). Những người ngoại giáo cổ thời cũng sử dụng để kêu cầu các thần linh của họ đến giúp đỡ như gặp thấy trong tác phẩm Iliad và Odysey của Homer.[1]
Đối với Kitô giáo, đây là một trong những lời kinh cổ nhất xuất hiện trong phụng vụ hồi thế kỷ IV tại Syria và Palestin.[2] Tuy không được các giáo phụ Hy Lạp thuộc thế kỷ IV (Eusebius, Athanasiô, Basil, Cyrilô thành Giêrusalem, Grêgôriô thành Nazianzus và Grêgôriô thành Nyssa) cũng như hai giáo phụ La tinh là Tertunianô và Cyprianô đề cập, nhưng ngay từ cuối thế kỷ IV, theo nhật ký hành hương của Egeria (Aetheriae Peregrinatio), Điệp khúc này được lặp lại sau các triệt của một Thánh vịnh và đi kèm với cuộc rước.[3] Bà Egeria mô tả rằng, tại Giêrusalem, khi thầy phó tế xướng các ý nguyện, cầu cho các nhu cầu khác nhau (cho Giáo Hội, cho hoàng đế, cho bệnh nhân...) thì một số bé trai đứng và luôn luôn lặp lại Điệp khúc “Kyrie eleison” (tiếng La tinh là Domine! Misere!) sau mỗi ý nguyện.[4]
Kinh Kyrie cũng được đọc sau phần Phụng vụ Lời Chúa (tức là sau bài Phúc Âm và dẫn giải của chủ tế), trước khi giải tán cho anh chị em dự tòng ra về (Messe des catéchumènes) vì họ không được tham dự Thánh lễ tín hữu (Messe des fidèles). Roma đã du nhập lời tung hô này từ Đông phương có lẽ từ thế kỷ V, và cũng như tại Đông phương, nó thường được đọc sau những bài Sách Thánh. Đức Gelasio (492-496) đã cho thay thế Lời nguyện Chung (Lời nguyện Tín hữu) cho Hội Thánh vào lúc kết thúc Phụng vụ Lời Chúa bằng việc đọc kinh cầu (litania) theo kiểu Đông phương với những lời đáp Hy Lạp của kinh này.[5]
Tác giả De Clerck khẳng định, từ ban đầu, Kyrie là ca khúc độc lập tương tự như kinh cầu được tìm thấy trong các nguồn phụng vụ Milan. Nhưng John Baldovin lại cho rằng chúng có nguồn gốc từ phụng vụ Byzantine vốn được sử dụng trong những cuộc rước Chặng viếng tại Constantinopoli. Nó cũng giống trường hợp kinh Ba Câu Tiền xướng và Trisagion [Hy Lạp] = Tersanctus [La-tinh] với Kyrie theo sau mỗi câu xướng mà vẫn còn được cất lên trong những cuộc rước phổ biến ở thành phố Constantinopoli. Nguồn gốc này chứng tỏ Kyrie không có liên hệ gì đến ăn năn và không cần thiết phải được coi như lời kinh thống hối.[6] Tại Gaul, Công đồng Vaison (529) xác nhận rằng Kyrie eleison là một thói quen đạo đức của Đông phương du nhập vào Roma và nhiều nơi ở Tây phương cũng như nước Ý, Công đồng đòi hỏi lặp đi lặp lại Kyrie trong "Kinh Sáng, các Thánh lễ và Kinh Chiều".[7] Đức Grêgôriô Cả (540-604) cho rằng chắc chắn phụng vụ Roma chứa đựng một số hình thức của Kyrie vào thế kỷ V.[8] Trong triều đại của mình (590-604), như một phần trong công cuộc cải cách, Đức Grêgôriô Cả đã đặt Kyrie một cách chắc chắn ở vị trí bắt đầu Thánh lễ (trước Gloria) như thấy xuất hiện trong cuốn Ordo Romanus I (OR I:52) và được hát bởi các giáo sĩ hay ca đoàn (schola) cũng như bởi các tín hữu.[9] Sở dĩ Kyrie chiếm vị trí này vì nó liên hệ với các kinh cầu đọc khi đi rước, đáng chú ý là kinh cầu các thánh.[10] Mặt khác, do muốn rút ngắn Thánh lễ, cho nên vào một số ngày nào đó (ngày thường) sẽ bỏ đi kinh cầu các thánh và các ý nguyện cầu và chỉ giữ lại Kyrie được hát xen kẽ với Christe (vốn không được biết đến trong nghi lễ Gallican và Đông phương) rồi đi thằng vào lời Tổng nguyện (Collecta). Cách đọc này trở nên thông dụng trong nhiều giờ phụng vụ.[11] Thậm chí kinh cầu rút vắn này trở thành một luật lệ. Số lần đọc Kyrie và Christe thay đổi tùy vùng. Tại Đông phương, người ta đọc 12 lần để dẫn vào giờ kinh Nhật tụng, 40 lần để kết thúc một số lời nguyện. Còn tại Tây phương, có lẽ từ thế kỷ VIII, sau mỗi câu xướng, phụng vụ ấn định giáo dân phải thưa lại 7 lần, 5 lần, 3 lần hoặc là 9 lần Kyrie eleison, chia làm 3 đợt, mỗi đợt 3 lần như thấy xuất hiện trong phụng vụ ở các quốc gia Frankish (các bộ tộc Đức xưa kia).[12] Điều này đã đặt nền tảng cho sự diễn dịch Ba Ngôi của lời tung hô: 3 lần cho Ngôi Cha, 3 lần cho Ngôi Con và 3 lần cho Ngôi Thánh Thần.[13]
Hồi thế kỷ X-XVI, Kyrie được thêm thắt một loại cụm từ mà tiếng La tinh gọi là Tropus (bắt nguồn từ tiếng Hy lạp là Tropos) và được dệt nhạc thật hoa mỹ, phức tạp với nhiều nốt nhạc trên một vần khiến cho kinh Kyrie ngày càng dài ra cũng như mất dần ý nghĩa lời nguyện của cộng đoàn và chỉ thích hợp và dành riêng cho những người chuyên về âm nhạc thuộc ca đoàn. Chính vì đem Tropus vào kinh Kyrie mà các nhạc sĩ tha hồ sáng tác đến độ mỗi địa phương đều có hàng tá kinh Kyrie của riêng mình. Tời thời Đức Piô V, Sách lễ Roma 1570 cấm hẳn các Tropus này.[14]
Hiện nay, kinh Kyrie được thực hiện sau Hành động Thống hối (post actum paenitentialem). Nó là một bài Thánh ca (cantus) thuộc về cộng đồng cho nên "bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó", không còn là bài hát của riêng ca đoàn như thời Trung cổ nữa. Thường mỗi lời tung hô được hát hay đọc hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể lập lại nhiều lần. Khi kinh "Lạy Chúa, xin thương xót" được hát như là một thành phần của Nghi thức Thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng (QCSL 52).
II. Ý NGHĨA
Căn cứ vào Nghi thức Thánh lễ, Kyrie rõ ràng không thuộc vào phần "Hành động Thống hối". Trước kia và hiển nhiên là hiện nay, Kyrie là "những lời tung hô Chúa Kitô và kêu cầu lòng thương xót của Người" (QCSL 52) hơn là kêu gọi sự tha thứ.[15]
Trong các sách Tin Mừng, nhiều lời khấn van Kyrie eleison của những người khốn khổ rõ ràng hướng đến Đức Giêsu để xin Ngài chữa bệnh cho họ hay cho con cái họ: người mù ở Giêricô kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!" (Mc 10,48; Xc. Mt 9,27; 20,30-31); những người phong cùi kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13); người phụ nữ Canaan (Mt 15,22) và người cha của đứa bé bị kinh phong (Mt 17,14) cũng kêu xin như vậy. Từ khi ấn định phải đọc 9 lần và chia thành 3 đợt, người ta cho rằng Kyrie là lời tung hô dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa.[16]
Tuy nhiên, có những điểm dựa sau đây để phải đi đến kết luận: Kinh “xin Chúa thương xót chúng con” là lời tung hô dâng lên Chúa Kitô, quy về Chúa Kitô chứ không phải quy về Thiên Chúa Ba Ngôi: 1] Thứ nhất, bản Bảy Mươi [bản dịch Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp] đã dùng từ Kyrios để dịch từ YHWH, tức ám chỉ thanh danh Thiên Chúa trong Cựu Ước nhưng khi dùng từ Kyrios trong các thư Rm 10,9; 1Cr 12,3; và Pl 2,11, thánh Phaolô lại áp dụng cho Chúa Kitô và thần tính của ngài và rồi sau này Kitô hữu vẫn sử dụng từ Kyrios cho bất cứ ngôi vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa; 2] Thứ hai, mẫu thống hối III đều hướng tới Chúa Kitô và được gọi là công thức ca ngợi phẩm tính Chúa Kitô.[17]
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
(còn tiếp)
[1] Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 18.
[2] Ibid., loc. cit; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 30.
[3] Diary of Egeria 24:5, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 18.
[4] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 49.
[5] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 16.
[6] John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 121.
[7] Canon 3, CCL 148A:79, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 18.
[8] Trích lại trong John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 120.
[9] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 30.
[10] PL 77:955-958, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 18.
[11] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 49.
[12] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 16.
[13] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration, 122.
[14] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 50.
[15] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 19.
[16] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn : ĐCV thánh Giuse, 2001), 49.
[17] Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb, 18.