(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

11- LỜI TỔNG NGUYỆN (Lời nguyện Nhập lễ) 

I. VĂN KIỆN 

Tiếp đến, vị tư tế mời giáo dân cầu nguyện; và mọi người cùng vị tư tế thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước Thánh nhan Chúa và có thể gợi lên trong tâm hồn các ước nguyện của mình. Rồi vị tư tế đọc lời nguyện, thường được gọi là lời "Tổng nguyện" diễn tả đặc tính của buổi lễ. Theo truyền thống cổ kính của Hội Thánh, lời nguyện thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần và câu kết mang nét Ba Ngôi, nghĩa là câu kết dài:

Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, thì đọc "Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời";

Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, nhưng câu cuối có nhắc đến Chúa Con, thì đọc: "Người hằng sống hằng trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời";

Nếu hướng về Chúa Con, thì đọc: "Người hằng sống hằng trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".

Giáo dân chung lòng hợp ý với lời nguyện, tung hô "Amen", để làm cho lời nguyện đó thành của mình (QCSL 54). 

- Trong bất cứ Thánh lễ nào, nếu không ghi chú cách khác, chỉ được đọc các lời nguyện của lễ đó. Trong các lễ nhớ các Thánh, vị tư tế đọc Lời nguyện Nhập lễ riêng hoặc, nếu không có, thì lấy trong phần Chung phù hợp. Các lời nguyện trên tiến lễ và Hiệp lễ, nếu không có riêng, thì lấy trong phần Chung hoặc trong ngày theo Mùa lúc đó. Trong những ngày trong mùa Quanh năm, ngoài những lời nguyện của Chúa nhật liền trước, có thể lấy hoặc những lời nguyện của Chúa nhật khác mùa Quanh năm, hoặc một trong những lời nguyện cho "các nhu cầu khác nhau", có ghi trong Sách lễ. Tuy nhiên, luôn luôn được phép chỉ lấy Lời nguyện Nhập lễ của các lễ ấy mà thôi. Bằng cách trên, người ta có nhiều bản văn để nuôi dưỡng kinh nguyện của tín hữu cách phong phú hơn. Tuy nhiên, trong những mùa chính trong năm, đã có sự thích ứng này rồi nhờ các lời nguyện riêng của mùa, có sẵn trong Sách lễ cho mỗi ngày (QCSL 363).

II. LỊCH SỬ 

Lời nguyện này có lịch sử lâu đời trước cả hai lời nguyện: Tiến Lễ và Hiệp lễ. Khi chưa hình thành Nghi thức Sám hối và Kinh Vinh danh, vị chủ tế trong những thế kỷ đầu thường bắt đầu cử hành Thánh lễ bằng một lời nguyện. Lời nguyện này vừa là lời nguyện để tập họp cộng đoàn vừa để dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa.

Giống như Ca Nhập lễ, người ta không biết chính xác thời gian nào Lời Tổng nguyện được đưa vào trong phụng vụ. Dường như từ thế kỷ IV, nhiều Đức Giám mục chủ tế thường ứng khẩu lời nguyện này để diễn tả sự hợp nhất của cộng đoàn phụng vụ, đồng thời hướng dân Chúa đến đặc tính riêng của từng Thánh lễ được cử hành. Vào thế kỷ IV, thánh Augustinô chỉ đơn giản khai mở phụng vụ bằng việc tiến vào Thánh đường và chào chúc mọi người.[1]

Cho đến giữa thế kỷ V, hầu như phụng vụ Thánh lễ được bắt đầu ngay bằng các Bài đọc. Lời nguyện Mở đầu Thánh lễ được cho là xuất hiện khoảng giữa thế kỷ VI khi một số lời nguyện như thế được soạn thảo và để lại trong cuốn Sacramentarium Leonianum hay Veronense vì những lời nguyện ứng khẩu thường không được ngắn gọn.[2] Sau đó, việc sưu tập những lời nguyện dùng trong Thánh lễ được đưa vào trong các cuốn Sacramentarium GelasianumSacramentarium Gregorianum. Chúng chứa đựng những Lời nguyện Mở đầu dùng cho các ngày lễ khác nhau như Chúa nhật, lễ kính và những dịp đặc biệt (vd: lời nguyện vào thời kỳ hạn hán).[3]

Diễn tiến bấy giờ cũng gần như hiện nay: cuộc Rước Nhập lễ; chủ tế chào dân chúng; mời gọi cầu nguyện, chẳng hạn "chúng ta hãy cầu nguyện"; cuối cùng, vị chủ tế tổng kết và kết thúc lời nguyện của tất cả mọi người; dân chúng đáp lại "Amen". Chỉ thiếu yếu tố thinh lặng trong giây lát sau phần tư tế mời gọi cầu nguyện (oremus).[4]

Tại Gaul, tức trong phụng vụ Gallican của thế kỷ VII -IX, lời nguyện này được biết dưới cái tên là collecta do động từ colligere (thu góp), nghĩa là vị tư tế "thu thập hay tổng góp" tất cả những ý nguyện của tín hữu thành một mà dâng lên Thiên Chúa vì ngài chủ toạ buổi họp phụng vụ cầu nguyện thay cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa và hành động nhân danh Đức Kitô. Còn trong các tài liệu phụng vụ sau Công đồng Vatican II, thường gọi là Lời nguyện Đầu lễ. 

Các bản văn về Lời Tổng nguyện trong nghi lễ Roma có văn phong trau chuốt, sáng sủa, súc tích cũng như chất chứa nội dung thiêng liêng và thần học cho nên được gọi là "viên đá quý về ngữ học". Tính chất duy nhất của Lời Tổng nguyện bị lu mờ khi loại bỏ thời gian dành cho cầu nguyện chung trong thinh lặng và do người ta thêm vào dần dần những lời nguyện khác nhằm kính nhớ các vị thánh hay đề cập đến những thỉnh cầu đặc biệt. Chẳng hạn, trong Sách lễ 1570, thường có hơn một Lời Tổng nguyện; Thánh lễ theo năm phụng vụ và có tưởng nhớ vị thánh của ngày, lại có kèm với một nghi lễ khác như cử hành Bí tích Hôn phối, số các lời nguyện được thêm vào có thể gia tăng lên tới 7.[5]  

Lời Tổng nguyện được một số tác giả cho là vết tích của những lời nguyện đọc tại Nhà thờ tập họp (ecclesia collecta) trong các lễ Chặng viếng. Vào lúc các tín hữu quy tụ để đi rước, một lời nguyện sẽ được cầu xin tại nơi tụ tập (oratio ad collectam). Nghi lễ đọc kinh ấy như sau: một vị giáo sĩ bảo dân quỳ cầu nguyện âm thầm bằng cách mời gọi: "Chúng ta hãy quỳ gối", tức thì mọi người quỳ xuống và âm thầm cầu nguyện riêng tư. Đoạn một giáo sĩ khác bảo: "Hãy trỗi dậy", dân chúng đứng lên, bấy giờ chủ tế mới đọc "Lời Tổng nguyện". Khi Đức Giáo hoàng hay vị linh mục tới Nhà thờ được chỉ định, ngài sẽ đọc một Lời nguyện Mở đầu hay lời nguyện “tổng góp” khác. Khi tập tục cầu 2 lời “tổng nguyện" và rước kiệu đến Nhà thờ để dâng lễ mất đi, Lời nguyện Mở đầu được gọi là Tổng Nguyện.[6]

Trong cuộc cải cách phụng vụ sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã nỗ lực phục hồi một vài yếu tố thuộc về chức năng độc nhất của Lời Tổng nguyện xa xưa [vốn là một trong 3 "lời nguyện thuộc chủ tế" trong Thánh lễ] tức là dành một thời gian cho mọi người thing lặng nêu ra ý nguyện của mình và giới hạn con số Lời Tổng nguyện, chấm dứt việc có thêm nữa những thỉnh nguyện hay tưởng nhớ các thánh theo sau. [7]

Theo truyền thống Roma cổ xưa, Lời nguyện Nhập lễ hướng tới Chúa Cha qua trung gian của Đức Giêsu Kitô - vị Thượng Tế và Đấng Bào Chữa của các tín hữu - và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền thần học chống lại lạc thuyết Ariô cũng như do phụng vụ Gaul, nên từ thế kỷ X đã thấy xuất hiện những Lời Tổng nguyện hướng tới Chúa Kitô. Hiện nay cũng vậy, Lời nguyện Nhập lễ có thể kêu cầu trực tiếp với Chúa Kitô (vd: lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô...). 

III. CẤU TRÚC[8] 

Lời nguyện gồm 4 yếu tố:

1] Lời kêu cầu (anaclesis). Thường hướng lên Chúa Cha, kèm theo vài thuộc từ như: toàn năng, hằng hữu, giàu lòng xót thương; đôi khi cũng trực tiếp kêu cầu Chúa Giêsu, nhưng đó chỉ là khuynh hướng mới thêm vào sau này.[9]

2] Nêu lên một yếu tố tưởng niệm (Anamnesis): nhắc đến chủ đề của buổi lễ (mầu nhiệm cứu độ) được cử hành hoặc công đức của vị thánh được kính nhớ.

3] Cầu xin (epiclesis). Từ việc tưởng nhớ hồng ân trong quá khứ, chuyển sang chỗ xin ơn trong hiện tại, với động từ "nài xin" hoặc "xin ban cho" (da nobis, qiuaesumus), và diễn tả điều muốn xin. Đối tượng của lời cầu thường bày tỏ sâu sắc về ngày lễ, về mùa lễ, về mầu nhiệm mừng kính hoặc nhân đức nổi bật của vị thánh (ĐHTT 64) cũng như xin Thiên Chúa ban ơn cứu độ, ơn tha tội, trợ giúp tín hữu để có thể chiến thắng hiểm nguy, sửa chữa sai lầm…[10]

4] Vinh Chúc (doxologia). Lời Tổng nguyện kết thúc bằng công thức tam vị: "Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa (Chủ Tể) chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Linh, đến muôn đời" bởi vì chỉ có Chúa Kitô là trung gian duy nhất, là vị Tư Tế hằng sống làm Đấng Trung Gian chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha. Sở dĩ chúng ta dám chắc về hiệu lực của lời kinh phụng vụ là vì có Chúa Kitô đang cầu nguyện với chúng ta. Như vậy là theo truyền thống cổ kính: lời nguyện thường hướng tới Chúa Cha qua trung gian của Đức Giêsu Kitô và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần, nhưng lời nguyện cũng có thể hướng tới Chúa Con (QCSL 54). Câu kết được kéo dài nhằm để tuyên xưng thần tính của Chúa Con, chống lại sai lầm của Ariô cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một trung gian tầm thường, kém Chúa Cha. [11] 

 IV. Ý NGHĨA CHUNG 

Có hai ý kiến sau:

1] Dẫn nhập vào buổi lễ

Lời nguyện Nhập lễ vừa kết thúc phần Nghi thức Đầu lễ, vừa khơi dậy tâm tình cầu nguyện của cộng đoàn hợp nhất với nhau trong Đức Kitô nhằm chuẩn bị tinh thần mọi người tham dự Thánh lễ cách xứng đáng. Vì thế, Lời Nguyện Nhập Lễ diễn tả đặc tính của buổi lễ (QCSL 54). Cũng giống như Nghi thức Đầu lễ có cuộc Rước Nhập lễ được kết thúc bằng Lời nguyện Nhập lễ thì phần Chuẩn bị Lễ vật (có cuộc Rước Dâng lễ vật) cũng được kết thúc bằng Lời nguyện Tiến lễ và phần Phụng vụ Thánh Thể với cuộc Rước Hiệp lễ được cũng kết thúc bằng Lời nguyện Hiệp lễ. 

2] Dẫn nhập vào các Bài đọc

Lời nguyện Nhập lễ không kết thúc phần Nghi thức Đầu lễ cho bằng là mở đầu cho Phụng vụ Lời Chúa, vì thế nội dung lời nguyện này thường bao gồm ý chính của các Bài đọc Sách Thánh. 

Ngoài ra, theo Vincenzo Raffa ghi nhận, từ ban đầu Lời nguyện Đầu lễ còn có hai chức năng nữa, đó là: 1] Kết thúc kinh cầu trước đó; 2] Kết thúc Thánh vịnh Ca Nhập lễ.[12]   

V. DIỄN TIẾN VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪNG YẾU TỐ

1] Chủ tế mời gọi cộng đoàn hợp ý cầu nguyện bằng cách chắp tay và nói: "Chúng ta dâng lời cầu nguyện" (oremus). Oremus là một cụm từ rất cổ xưa, thậm chí có căn gốc trong kinh nguyện Do Thái tiền Kitô giáo và thuộc về bản văn phụng vụ trong Ordo Romanus I nhằm loan báo mục đích của những gì tiếp theo sau.[13] Cụm từ "chúng ta hãy" bao hàm tất cả mầu nhiệm dân Thiên Chúa, về chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác. Vì thế câu "Chúng ta dâng lời cầu nguyện" hàm ý: Thứ nhất,  linh mục chủ tế, nhờ chức tư tế thừa tác của mình, không những đại diện cho Hội Thánh thánh mời gọi các tín hữu cầu nguyện, mà còn đại diện cho toàn dân để dâng lên Thiên Chúa các lời cầu nguyện cùng những ý nguyện thầm kín của từng người; Thứ hai, các tín hữu dùng lời cầu nguyện của mình để thi hành chức tư tế họ đã nhận được trong Bí tích Thánh tẩy, tức là cùng với Đức Giêsu Kitô hiến tế, dâng lên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô cầu nguyện với Chúa Cha.[14]

2] Thinh lặng trong giây lát (parumper silent). Thing lặng vào lúc này là yếu tố hoàn toàn mới của Thánh lễ theo Vatican II. Đây không phải là việc tùy nghi nhưng là một đòi buộc (OM 9; QCSL 54), bởi vì: a] Mặc dù Lời Tổng nguyện là lời nguyện thuộc chủ tế, nghĩa là chỉ do một mình chủ tế xướng (đọc), nhưng lại không phải là lời nguyện của riêng chủ tế mà là của cộng đoàn. Bởi thế, nếu bỏ không thinh lặng vào lúc này thì sẽ làm vuột mất sự cân bằng tinh tế giữa tác vụ của tư tế và tác vụ của toàn thể dân chúng;[15] b] Sự thinh lặng nhằm mục đích để mỗi người hồi tâm lại, ý thức rằng mình đang hiện diện trước nhan Chúa, để hướng lòng về Chúa và âm thầm gợi lên trong tâm hồn mình các ý nguyện riêng trước khi vị chủ tế gom lại thành một bó duy nhất, thành một lời ‘tổng nguyện’, một lời cầu nguyện ‘tổng hợp’ mà dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần (QCSL 45). Mỗi người tham dự giống như một lời kinh thuộc về Lời Tổng nguyện này.[16] Giây phút đó, các tín hữu mang theo mình trọn vẹn cuộc sống cá nhân và gia đình của họ để trình lên Chúa những vui mừng sầu khổ, những hy vọng khát mong của toàn thể Giáo Hội và của cả nhân loại (ĐHTT 64). Với sự thinh lặng này, cộng đồng tín hữu tham dự Thánh lễ không phải là một đám đông hỗn loạn nhưng là cộng đoàn đức tin được Thiên Chúa kêu mời và quy tụ, là Dân Chúa, là gia đình của Thiên Chúa hay Hội Thánh của Chúa đang nên như cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem "một lòng một ý" với nhau.[17]  

3] Lời nguyện: thường bao gồm việc tung hô Chúa (nói lên một phẩm tính, một phương diện của mầu nhiệm Thiên Chúa), trình bày lý do của lời nguyện, ý xin cho cộng đoàn và công thức kết thúc mang nét Ba Ngôi. Cộng đoàn đứng thinh lặng và hiệp thông với chủ tế dang tay đọc Lời Tổng nguyện. Cử điệu dang tay và giơ lên cao là thái độ cầu nguyện cả chung lẫn riêng mà các Kitô hữu ban đầu thường xuyên thực hiện. Họ lấy lại cử chỉ này của người Do Thái (x. Xh 9,29, 33; Tv 28, 2; 63, 5; 88, 10; 1V 8, 38) đồng thời mặc cho nó một ý nghĩa mới: tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô dang hai tay trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại (NLGM 104), Ngài đang cầu nguyện cùng với các tín hữu cũng như van xin Thiên Chúa và chuyển cầu cho họ trước mặt Chúa Cha như là Vị Thượng Tế.[18] Cử chỉ này luôn luôn được chủ tế sử dụng không những trong Lời Tổng nguyện mà trong tất cả những lời nguyện thuộc về chủ tế trong Thánh lễ (như Lời nguyện Tiến lễ, Lời nguyện Hiệp lễ, Kinh Tạ Ơn), cũng như lời nguyện sau kinh Lạy Cha nhằm nói lên chức vị linh mục chủ tế là đại diện cho toàn dân dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa vì chỉ mình ngài mới dang tay đọc những lời cầu nguyện này. Cử điệu dang tay cũng là cử điệu cầu nguyện của tất cả những Kitô hữu trong các thế kỷ đầu như được thấy qua các hình ảnh và các bản văn để lại nhằm diễn tả: i/ Hy vọng lời kinh được đem lên tới Chúa; ii/ Lòng kính sợ Thiên Chúa khi cầu nguyện.

4] Cộng đoàn thưa: “Amen” . Từ "Amen" vừa có nghĩa là "ước mong được như vậy" (Gr 28,6), "Xin hãy xảy ra như ý Chúa muốn"; vừa có nghĩa là "đồng thanh chấp nhận với những lời chủ tế - đại diện cộng đoàn - vừa dâng lên Thiên Chúa, cũng như xác nhận lời nguyện của tư tế cũng chính là ý nguyện của mình như chữ ký của họ vào tài liệu cầu nguyện vậy và họ nguyện sẽ trung thành với tất cả lòng yêu mến."[19] Có lẽ vì vậy, ý thức về lời đáp Amen trong Giáo Hội thời sơ khai sống động hơn ngày nay rất nhiều đến độ giáo phụ Giêrônimô đã báo cáo rằng lời thưa Amen trong các Vương cung Thánh đường ở Roma vang dội qua khoảng không nghe như tiếng sấm thiên đình. Khi đáp lại Amen, những người tham dự thi hành chức năng đã được ủy nhiệm cho họ, chức tư tế cộng đồng của tín hữu.[20] 

Không phải chỉ ở chỗ này, nhưng nhiều lần trong Thánh lễ, các tín hữu tham dự cũng đáp "Amen" : a/ Sau những lời nguyện linh mục dâng lên Thiên Chúa nhân danh cộng đoàn Dân Chúa và những người đang hiện diện; b/ Trước khi tiếp nhận Thánh Thể.

Tiếng "Amen" là từ ngữ thông dụng trong lời nguyện của Kitô giáo, Do Thái giáo lẫn Hồi giáo. Trong Cựu Ước, dân Thiên Chúa thường dùng chữ "Amen" vào cuối những lời nguyện của họ như được lặp đi lặp lại để kết thúc 4 trong 5 tập Thánh vịnh (Tv 40, 14; 71,19; 88,53; 105,48). Trong Tân Ước, người ta gặp thấy từ "Amen" ở cuối các kinh nguyện. Chính Đức Giêsu cũng dùng từ này không chỉ trong lúc cầu nguyện mà cả lúc giảng dạy cho dân chúng. “Amen; Amen – quả thật, quả thật, tôi bảo thật anh em…” (x. Mt 6, 2. 5. 16; Ga 5, 19). Sau này, Hội Thánh cũng chấm dứt các kinh nguyện của mình bằng "Amen" (GLCG 1060).

 “Amen” là tiếng Hipri, có cùng gốc với từ "tin", biểu thị sự vững bền, sự tin cậy được, sự trung tín. Vì thế, từ "Amen" có thể nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với con người và sự tin cậy của con người đối với Thiên Chúa (GLCG 1061).  Quả vậy, Ngôn sứ Isaia gọi Thiên Chúa là "Thiên Chúa của Amen", nghĩa là Thiên Chúa trung tín với lời hứa (Is 65, 16). Cũng theo nghĩa ấy, sách Khải huyền viết: "Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Lao-đi-ki-a: Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật...(Kh 3,14). Vì vậy, khi thừa tác viên trao Thánh Thể nói "Mình (Máu) Chúa Kitô",  người sắp lãnh nhận đáp "Amen", có nghĩa là: Vâng, con tin Chúa đến với con dưới hình bánh (rượu này). Con chắc chắn tin như vậy.[21]

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp) 


[1] John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 122.

[2] Xc. Vogel, Medieval Liturgy, 38-45, trích lại trong John Baldovin, op. cit., loc. cit.

[3] John Baldovin, op. cit., loc. cit.

[4] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 20.

[5] Ibid., loc. cit.

[6] Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 150. 

[7] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 20.

[8] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 151. 

[9] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 44-46.

[10] Ibid., loc. cit.

[11] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 44-46

[12] Raffa, "Liturgia Eucaristia", 289, trích lại trong John Baldovin, "History of the Latin Text and Rite", 123. 

[13] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 23.

[14] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 25.

[15] Dominic E. Serra, "Theology of the Latin Text and Rite", 131.

[16] Adolf Adam, The Eucharist Celebration - the Source and Summit of Faith, 30.

[17] Ibid., loc. cit.   

[18] Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 153. 

[19] Jean - Yves Garneau, sss, Discovering Eucharist - According to A Ritual Approach, trans. Conrad Goulet,sss (Makati: St. Paul Publications, 1991), 51-52.

[20] Adolf Adam, The Eucharist Celebration - the Source and Summit of Faith, 32. 

[21] Jean - Yves Garneau, sss, Discovering Eucharist - According to A Ritual Approach, 51-52

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.