BÀI GIÁO LÝ THỨ 12 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ THÁNH LỄ: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA PHẦN III – KINH TIN KÍNH VÀ LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
“Được toàn thể cộng đồng đọc, Tín Biểu bày tỏ lời đáp trả chung cho những gì đã nghe từ Lời Chúa…”
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý 12 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 7 tháng 2, 2018 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Tin Kính là Lời Nguyện Tín Hữu[1] trong Phụng Vụ Lời Chúa: “Tín Biểu… nhắc nhở chúng ta rằng các Bí Tích chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đức tin của Hội Thánh…” và trong Lời Nguyện Tín Hữu: “dân chúng, thực thi chức tư tế khi rửa tội của họ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho việc cứu rỗi mọi người”.
[Lời chào mừng người bệnh ở Đại Sảnh Phaolô VI: Cảm ơn sự viếng thăm của anh chị em. Tôi ban phép lành cho tất cả mọi người. Tôi sẽ ra quảng trường và các anh chị em có thể theo dõi buổi triều yết ở quảng trường tại đây. Từ quảng trường họ sẽ thấy anh chị em, eh! Anh chị em sẽ thấy quảng trường và quảng trường sẽ thấy anh chị em. Và điều này thật đẹp. Chúng ta hãy đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Mẹ.
Sau khi đọc Kinh Kính Mừng và Phép Lành: Và cầu nguyện cho tôi! Đừng quên, eh! Nghe cho tốt. Hẹn gặp lại anh chị em].
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đạp, ngay cả khi thời tiết hơi xấu. Nhưng nếu linh hồn hân hoan thì luôn luôn là một ngày tốt. Vì vậy, chúc anh chị em một buổi sáng tốt! Buổi triều yết hôm nay gồm có hai nhóm: một nhóm nhỏ bệnh nhân đang ở trong sảnh đường, vì thời tiết, và chúng ta đang ở đây. Nhưng chúng ta thấy họ và họ cũng thấy chúng ta trên màn ảnh lớn. Chúng ta hãy chào đón họ bằng một tràng pháo tay.
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Việc lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh, được kéo dài trong bài giảng, đáp lại điều gì? Nó đáp lại một quyền: quyền thiêng liêng của Dân Thiên Chúa để nhận được cách dồi dào kho tàng Lời Chúa (xem Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc, 45). Khi đi dự Thánh lễ, mỗi người trong chúng ta có quyền nhận được cách dồi dào Lời Chúa được đọc hoàn chỉnh, được nói và rồi, được giải thích trong bài giảng. Đó là một quyền! Và khi Lời Chúa không được đọc cách hoàn chỉnh, không được các Phó Tế, Linh Mục hay Giám Mục giảng với lòng nhiệt thành, thì làm mất quyền của các tín hữu. Chúng ta có quyền lắng nghe Lời Chúa. Chúa nói với mọi người, các Mục Tử và các tín hữu. Ngài gõ cửa tâm hồn của những người tham dự Thánh Lễ, mỗi người trong điều kiện sống, tuổi tác và tình trạng của mình. Chúa an ủi, mời gọi, làm nảy sinh các mầm của đời sống mới và được hòa giải. Và Ngài làm điều này qua Lời Ngài. Lời Ngài gõ cửa tâm hồn và thay đổi các tâm hồn!
Vì thế, sau bài giảng, một thời gian im lặng cho phép hạt giống đã nhận được lắng đọng trong linh hồn, ngõ hầu phát sinh ra quyết tâm gắn bó với những gì mà Chúa Thánh Thần đã gợi ý cho mỗi người. Sự im lặng sau bài giảng, một phút im lặng tuyệt vời phải được thực hiện ở đó và mọi người đều phải suy nghĩ về điều mình đã nghe.
Sau phút im lặng này, Thánh Lễ tiếp tục như thế nào? Đáp trả của cá nhân về đức tin là một phần của việc tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, được diễn tả trong “Kinh Tin Kính”. Tất cả chúng ta đều đọc “Kinh Tin Kính” trong Thánh Lễ. Được toàn thể cộng đồng đọc, Tín Biểu bày tỏ lời đáp trả chung cho những gì đã nghe từ Lời Chúa (x GGLCG, 185-197). Có một mối dây liên kết sống còn giữa việc lắng nghe và đức tin. Chúng kết hợp với nhau. Thật ra, đức tin này không nảy sinh từ sự tưởng tượng của trí óc con người, nhưng, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “đến từ điều đã được nghe, và điều được nghe đến từ lời rao giảng về Ðức Kitô.” (Rm 10:17). Vì vậy, đức tin được nuôi dưỡng nhờ lắng nghe và dẫn đến Bí tích. Do đó, việc đọc “Kinh Tin Kính” làm cho cộng đoàn phụng vụ “quay lại việc suy niệm và tuyên xưng các mầu nhiệm cao cả của đức tin, trước việc cử hành của họ trong Thánh Thể” (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Roma (GIRM), 67).
Tín Biểu nối kết Bí tích Thánh Thể với Bí tich Rửa Tội, đã nhận được “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, và nhắc nhở chúng ta rằng các Bí tích chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng đức tin của Hội Thánh.
Sau đó, việc đáp lại Lời Chúa được nhận bằng đức tin được diễn tả trong lời nguyện chung, gọi là Lời Nguyện Phổ Quát, bởi vì nó bao gồm các nhu cầu của Hội Thánh và thế giới (xem GIRM, 69-71; Dẫn Nhập vào Sách Bài Đọc, 30-31). Nó cũng được gọi là Lời Nguyện Tín Hữu.
Các Nghị Phụ của Công Đồng Vaticanô II muốn phục hồi lời nguyện này sau bài Tin Mừng và bài giảng, đặc biệt là vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, ngõ hầu “với sự tham gia của dân chúng, lời nguyện được dâng lên để cầu cho Hội Thánh, cho những người cai trị chúng ta, cho những người có các nhu cầu khác nhau, cho mọi người và cho phần rỗi của toàn thế giới “(Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 53;. X. 1Tm 2,1-2). Do đó, dưới sự hướng dẫn của linh mục, người mở đầu và kết thúc, “dân chúng, thực thi chức tư tế khi rửa tội của họ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho việc cứu rỗi mọi người” (QCSL, 69). Và sau từng ý chỉ, được Phó Tế hay một người đọc đề nghị, cộng đồng hợp lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con.”
Thực ra, chúng ta hãy nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn xin điều gì, các con cũng sẽ nhận được” (Ga 15:7). “Tuy nhiên, chúng ta không tin điều này, bởi vì chúng ta yếu lòng tin”. Nhưng nếu chúng ta có đức tin – như Chúa Giêsu nói – giống một hạt cải, chúng ta sẽ nhận được mọi sự. “Hãy xin bất cứ điều gì các con muốn, và sẽ được ban cho các con”. Và trong giây phút Cầu Nguyện Phổ Quát này sau Kinh Tin Kính, lúc dành để cầu xin Chúa cho những điều quan trọng nhất trong Thánh Lễ, những điều chúng ta cần, những điều chúng ta muốn. “Nó sẽ được ban cho các con”; bằng cách này hay cách khác, nhưng “Nó sẽ được ban cho các con”. Chúa nói: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Người mà Chúa đã nói những lời này – mọi sự đều có thể đối với những người tin – đã trả lời thế nào? Ông thưa: “Lạy Chúa, con tin. Xin giúp đức tin bé nhỏ của con”. Chúng ta cũng có thể nói, “Lạy Chúa, con tin. Xin giúp đức tin bé nhỏ của con”. Và chúng ta phải cầu nguyện những lời này với tinh thần đức tin: “Lạy Chúa, con tin. Xin giúp đức tin bé nhỏ của con”. Các ước muốn theo lý lẽ thế trần không bay lên được đến Thiên Đàng, cũng như các lời cầu xin chỉ quy về mình sẽ chẳng được nghe (x. Gc 4:2-3). Những ý chỉ mà các tín hữu được mời cầu nguyện phải nói lên các nhu cầu cụ thể của cộng đồng Hội Thánh và thế giới, tránh sử dụng các công thức thông thường và thiển cận. Lời nguyện “phổ quát”, là lời nguyện kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa, khuyến khích chúng ta nhận cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc tất cả con cái của Ngài, làm cái nhìn của mình.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn:http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180214_udienza-generale.html
[1] “Lời Nguyện Tín Hữu” là dịch từ tiếng Latinh “orationis fidelium”. Chữ “fidelium” là của “tín hữu”, bao gồm tất cả mọi người tin, chứ không phải chỉ “giáo dân” là những người không có chức thánh.