Bài Giáo lý 4 – Thánh Lễ là Kinh Nguyện

BÀI GIÁO LÝ 4 CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ THÁNH LỄ – THÁNH LỄ LÀ KINH NGUYỆN

Thánh Lễ “là cuộc gặp gỡ của tình yêu với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, cùng Mình và Máu Chúa Giêsu”.

         Dưới đây là bản dịch bài giáo lý 4 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 15 tháng 11, 2017 tại Vatican. Hôm nay ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Ngài nói rằng “Thánh Lễ là kinh nguyện, hay đúng hơn, đó là kinh nguyện tinh túy, cao cả nhất, cao siêu nhất, và đồng thời “cụ thể” nhất, do đó chúng ta không được nói chuyện hay chụp hình trong Thánh Lễ, mà phải chú t6am vào cuộc gặp gỡ với Chúa để Người phục hồi chúng ta lại với ơn gọi ban đầu của chúng ta: là hình ảnh và giống Thiên Chúa.”

         Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

         Chúng ta hãy tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ. Để hiểu được vẻ đẹp của việc cử hành Thánh Lễ, tôi muốn bắt đầu bằng một khía cạnh rất đơn giản: Thánh Lễ là kinh nguyện, hay đúng hơn, đó là kinh nguyện tinh túy, cao cả nhất, cao siêu nhất, và đồng thời “cụ thể” nhất. Thật vậy, đó là cuộc gặp gỡ của tình yêu với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, cùng Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa.

         Nhưng trước hết chúng ta phải trả lời một câu hỏi. Kinh nguyện thật sự là gì? Trước nhất, đó là cuộc đối thoại, một mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Con người được tạo nên như một hữu thể trong mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa, họ chỉ thấy sự viên mãn trọn vẹn của mình trong cuộc gặp gỡ Đấng Tạo Dựng nên mình. Con đường sống là dẫn đến cuộc gặp gỡ dứt khoát với Chúa.

         Sách Sáng Thế Ký khẳng định rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, Đấng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một mối liên hệ hoàn hảo của tình yêu là sự hiệp nhất. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng tất cả chúng ta đều được tạo dựng để bước vào một mối liên hệ hoàn hảo của tình yêu, trong sự liên tục trao ban và đón nhận nhau để như thế tìm thấy sự viên mãn của mình.

         Khi ông Môsê, trước bụi gai đang cháy, nhận được ơn Thiên Chúa gọi, ông hỏi Danh Ngài là gì. Và Thiên Chúa đã trả lời như thế nào? “Ta là Đấng Ta Là” (Xh 3:14). Cụm từ này, theo nghĩa ban đầu của nó, diễn tả sự hiện diện và quý mến, và ngay sau đó Thiên Chúa nói thêm, “Chúa, Thiên Chúa của tổ phụ ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp” (câu 15 ). Theo cách này, Đức Kitô cũng vậy, khi Người gọi các môn đệ, mời gọi họ ở với Người. Do đó, đây là ân sủng lớn lao nhất: để có thể cảm nghiệm Thánh Lễ, Bí tích Thánh Thể, là khoảnh khắc đặc biệt để ở với Chúa Giêsu, và qua Người, với Thiên Chúa và anh em chúng ta.

         Cầu nguyện, giống như bất kỳ cuộc đối thoại chân thật nào, cũng có nghĩa là biết cách giữ im lặng – trong các cuộc đối thoại có những giây phút im lặng – trong im lặng cùng với Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi dự Thánh Lễ, có lẽ chúng ta đến trước năm phút và bắt đầu trò chuyện với người bên cạnh mình.  Nhưng đó không phải là giây phút để nói truyện: đó là giây phút để im lặng, để chuẩn bị cho cuộc đối thoại. Đó là giây phút để hồi tâm ngõ hầu chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Chúa Giêsu. Sự im lặng rất quan trọng. Hãy nhớ những gì tôi đã nói tuần trước: chúng ta không dự một buổi trình diễn, chúng ta sắp gặp gỡ Chúa, và sự im lặng chuẩn bị chúng ta và đi cùng chúng ta. Giữ im lặng cùng với Chúa Giêsu. Từ sự im lặng mầu nhiệm của Thiên Chúa nảy sinh ra Lời Ngài, là điều vang dội trong tâm hồn chúng ta. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng thật sự có thể “ở lại” với Chúa Cha và Người chứng tỏ điều này bằng kinh nguyện của Người. Các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện; các môn đệ, khi thấy mối liên hệ mật thiết này với Chúa Cha, cảm thấy muốn tham gia, và các ông xin Người, “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Chúng ta đã nghe điều này trong Bài Đọc Thứ Nhất, ở đầu buổi triều yết. Chúa Giêsu trả lời rằng điều đầu tiên cần thiết để cầu nguyện là có thể thưa “Lạy Cha”. Hãy coi chừng: nếu tôi không thể thưa “Lạy Cha” với Thiên Chúa thì tôi không thể cầu nguyện. Chúng ta phải học cách thưa, “Lạy Cha”, tức là đặt mình trong sự hiện diện của Ngài với lòng tin tưởng của con thảo. Nhưng để có thể học, thì cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng mình cần phải được hướng dẫn, và nói một cách đơn giản: “Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện.”

         Đây là điểm thứ nhất: khiêm tốn, nhìn nhận mình là con cái, để nghỉ ngơi trong Chúa Cha, để tín thác nơi Ngài. Để vào Nước Trời chúng ta phải làm cho mình nhỏ bé như trẻ nhỏ. Theo nghĩa là trẻ nhỏ biết cách tin tưởng, chúng biết rằng có một ai đó sẽ lo cho chúng, về những gì chúng sẽ ăn, những gì chúng sẽ mặc và vân vân (c. Mt 6: 25-32). Đây là thái độ đầu tiên: tín thác và tin tưởng, như trẻ em đối với cha mẹ; biết rằng Thiên Chúa nhớ đến anh chị em và chăm sóc anh chị em, anh chị em, tôi, tất cả mọi người.

         Thiên hướng thứ hai, một lần nữa điển hình của trẻ em, là để cho mình ngạc nhiên. Trẻ em luôn hỏi cả nghìn câu hỏi vì chúng muốn tìm hiểu thế giới; chúng thậm chí còn thắc mắc về những điều nhỏ nhặt, bởi vì mọi sự đều mới mẻ đối với chúng. Để vào Nước Trời, chúng ta phải để cho mình ngạc nhiên. Trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa, trong cầu nguyện – tôi hỏi – chúng ta có cho phép mình bị kinh ngạc, hay chúng ta nghĩ rằng mình đang nói lời cầu nguyện ấy với Thiên Chúa như con vẹt? Không, cầu nguyện là tin tưởng và mở lòng ra để kinh ngạc. Chúng ta có để cho Thiên Chúa, Đấng luôn là Thiên Chúa của ngạc nhiên, làm cho chúng ta kinh ngạc không? Bởi vì cuộc gặp gỡ với Chúa luôn là một cuộc gặp gỡ sống động, không phải là một chuyến viếng thăm viện bảo tàng. Đó là một cuộc gặp gỡ sống động, và chúng ta đi dự Thánh Lễ, chứ không đến một viện bảo tàng. Chúng ta hãy đi đến một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa.

         Tin Mừng nói về một ông Nicodemô (Ga 3: 1-21), một bậc lão thành, một một người có thẩm quyền ở Israel, đi đến gặp Chúa Giêsu; và Chúa nói với ông về sự cần thiết phải “sinh lại” (xem câu 3). Nhưng nó có nghĩa gì? Một người có thể “tái sinh” được không? Để trở lại ngõ hầu thưởng thức hương vị, niềm vui, sự kỳ diệu của cuộc sống, là điều có khả thi không, ngay cả khi phải đối diện với rất nhiều thảm cảnh? Đây là một câu hỏi cơ bản về đức tin của chúng ta, và đây là ước muốn của mọi tín hữu thật sự: ước muốn được tái sinh, niềm vui được làm lại từ đầu. Chúng ta có ước muốn này không? Có phải mỗi người trong chúng ta đều muốn được tái sanh, được gặp Chúa không? Anh chị em có ước muốn này không? Thật vậy, chúng ta có thể dễ dàng bị đi lạc bởi vì, như hậu quả của nhiều hoạt động, của nhiều dự án sẽ được thực hiện, chúng ta còn lại ít thời gian và chúng ta mất cái nhìn về điều gì là cơ bản: cuộc sống của tâm hồn chúng ta, cuộc sống tinh thần của chúng ta, cuộc sống của chúng ta một là cuộc gặp gỡ với Chúa trong kinh nguyện.

         Thật ra, Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng cách cho chúng ta thấy rằng Người yêu thương chúng ta ngay cả trong sự yếu đuối của chúng ta. “Chúa Giêsu Kitô … là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những chỉ chúng ta mà còn tội lỗi của toàn thế giới” (1 Ga 2: 2).  Hồng ân này, một nguồn an ủi đích thực – nhưng Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta – đây là sự an ủi thật, đây là một món quà được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, đây là tiệc cưới mà Phu Quân gặp sự mỏng dòn của chúng ta. Tôi có thể nói rằng khi tôi rước Lễ trong Thánh Lễ, Chúa có gặp sự yếu đuối của tôi không? Vâng! Chúng ta có thể nói điều ấy vì nó là sự thật! Chúa gặp sự mỏng dòn của chúng ta để phục hồi chúng ta lại với ơn gọi ban đầu của chúng ta: là hình ảnh và giống Thiên Chúa. Đây là môi trường của Bí Tích Thánh Thể, đây là kinh  nguyện.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn:http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2017/documents/papa-francesco_20171115_udienza-generale.html

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.