Chầu Thánh Thể - Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B

TÂM TÌNH THỜ LẠY

           Người dẫn: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã nhận lời Thiên Chúa Cha, xuống thế làm người - nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria - chịu khổ hình và sống lại để cứu độ chúng con. Chúa đã nên “Bánh Hằng Sống” nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế.

          Lạy Chúa Giêsu, hiệp cùng với Mẹ Maria - Mẹ là người diễm phúc nhất trong số những người nữ - vì Mẹ đã tin rằng: “Lời Chúa phán với Mẹ sẽ được thực hiện”. Mẹ đã nêu gương cho chúng con trong việc lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa. Mẹ được tràn đầy ơn phước vì Mẹ đã chân thành cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa bằng hai tiếng “xin vâng”. Bởi qua hai tiếng “xin vâng” ấy, Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Mẹ - Thiên Chúa đến viếng thăm, đồng hành và ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại - Để nói lời “xin vâng” đó thật không dễ một chút nào; đã bao lần chúng con cảm thấy ngã lòng khi cuộc đời gặp quá nhiều đau khổ và bất hạnh; cũng không ít lần trong đời chúng con hờn trách Chúa, nghi ngờ vào tình yêu thương, sự quan phòng của Chúa.

          Lạy Chúa, Chúa luôn muốn chúng con “đáp lại” bằng sự tự do của lòng mình. Nêu gương Mẹ Maria, là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng con trong việc “đáp lại” Thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đã thưa lời “xin vâng” với sự tự do và tự nguyện của lòng mình, trong khi đó Mẹ chưa hiểu được điều Thiên Chúa muốn thực thi “điều gì” cho Mẹ - Mẹ hoàn toàn phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, nói tiếng “xin vâng” với Chúa, biết từ bỏ ý riêng vâng theo Thánh ý Chúa. Để Thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.

TÂM TÌNH CHÚC TỤNG NGỢI KHEN

Người dẫn: (Mời cộng đoàn ngồi)

          Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ, kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn. Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ. Khi hát lên lời chúc tụng ngợi khen này, Đức Maria như muốn tuyên bố: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ”. Giờ đây mặc lấy tâm tình nhỏ bé khiêm hạ như Mẹ Maria, cộng đoàn chúng ta hãy cất cao tiếng hát, để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.

          Xin kính mời cộng đoàn đứng và lắng nghe Lời Chúa.

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH LU-CA

          26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

          28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

          30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

          34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

          35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

          38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM

          “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho như lời sứ thần truyền”. Lời “xin vâng” của Đức Maria tuy đơn sơ ngắn gọn, nhưng chất chứa tất cả tấm lòng chân thành của Mẹ, Mẹ đã can đảm thưa lên tiếng “xin vâng”, dẫu biết rằng: “sau đó là biết bao đau khổ và thử thách chờ đón Mẹ”. Mẹ thưa “xin vâng” không vì mục đích sẽ được trở nên cao sang quyền quý, được tôn phong làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã thưa “xin vâng” chỉ vì đó là: “ý muốn của Thiên Chúa”. Mẹ đã chấp nhận bước đi trong một “quãng đường đầy đen tối”, mà không biết được phía trước sẽ như thế nào. Nhưng với một Đức tin vững mạnh vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Mẹ vẫn can đảm bước đi. Noi gương Mẹ, chúng ta được mời gọi phó thác đời mình trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa, biết đáp tiếng “xin vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, dẫu lúc thành công hay thất bại. Khiêm tốn nài xin Mẹ giúp đỡ, chúng ta biết sống như Mẹ, hầu cho danh Chúa được cả sáng khắp trần gian. Amen.

CẦU NGUYỆN

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con biết đáp lại tiếng gọi mời của Chúa, biết gạt bỏ đi những nhỏ nhen, toan tính thiệt hơn cho mình. Xin giúp chúng con sống đúng phẩm giá Kitô hữu của chúng con. Biết chấp nhận thiệt thòi phần mình mà sống đúng theo những lời mà Chúa đã truyền dạy chúng con. Xin Chúa chúc lành cho chúng con. Amen.

SUY NIỆM KINH MÂN CÔI

          Người dẫn: (Mời cộng đoàn ngồi) Cộng đoàn thân mến, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Mẹ Maria”. Với lòng tin tưởng và yêu mến, chúng ta cùng suy niệm các Mầu nhiệm Sự Vui để chúc tụng Thiên Chúa và tôn vinh Mẹ Maria - Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của chúng ta, trong giai đoạn khởi đầu công cuộc cứu độ của Chúa Cứu Thế.

          Mầu nhiệm kinh Mân côi là bản Thánh Kinh được rút gọn, đây là lời kinh đơn sơ, mộc mạc giúp chúng ta dễ dàng suy niệm về cuộc đời của Chúa và Mẹ Maria, qua những biến cố khổ đau mà Chúa chịu vì yêu thương và để cứu độ chúng ta. Xin Chúa giúp cho chúng ta biết để tâm ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa; siêng năng lần hạt Mân Côi, để đời sống chúng ta trở nên những “đóa hoa thánh thiêng” dâng lên Chúa và tỏa hương thơm nhân đức trọn lành cho tha nhân.

MẦU NHIỆM TRUYỀN TIN

          Thánh Tâm Chúa Giê-su giải đáp cho chúng ta rằng những điều cần thiết để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn được tình yêu Thiên Chúa;… “Ta yêu nhân loại hơn cả những người mẹ hiền yêu con thơ! Ta sẽ ở với nhân loại…” “bằng hình thức nào?” “bằng việc hiện diện cách bí tích.” Đấng Thánh toàn năng không muốn một sự khiêm hạ nào lớn hơn cả sự khiêm hạ của biến cố Nhập Thể, và không muốn một sự tự hủy nào lớn hơn chính biến cố khổ nạn: “Ơn cứu độ của nhân loại không hề đòi hỏi một sự tự hủy như thế.” “Trái lại, Thánh Tâm đã giải đáp: “Ta muốn che giấu chính Ta và vinh quang của Ta để anh chị em nghèo khổ có thể đến với Ta mà không bị ngăn cách vì sự rạng ngời vinh quang của Ta giống như vinh quang chói lọi của Mô-sê đã từng xảy ra cho dân Do thái xưa. Ta muốn che phủ mọi nhân đức của Ta, nếu vì chúng mà nhân loại chịu nhục nhã và rơi vào tuyệt vọng trong khi vươn tới Đấng là Mẫu Gương tuyệt hảo.” Có như thế họ sẽ đến với Ta dễ dàng hơn, và khi nhận biết Ta hạ mình hoàn toàn, nhân loại sẽ quy phục Ta. Ta sẽ có quyền nói với họ rằng: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”

Hãy học ở Ta

          Mầu nhiệm truyền tin dạy chúng ta đức khiêm nhường. Thiên Chúa từ trời đến ở với nhân loại nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, trở nên giống chúng ta về mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Mang lấy thân phận phàm nhân và yếu đuối của chúng ta, kinh nghiệm những thử thách và đau khổ, bắt bớ và mất mát như chúng ta. “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Có thể có một hành động khiêm hạ nào lớn lao hơn thế không? Có! Cũng chính Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta hơn hết mọi người mẹ rất mực yêu thương con cái mình, đã quả quyết rằng đối với tình yêu của Thiên Chúa việc Chúa trở nên phàm nhân trong một thời gian thì vẫn chưa đủ; rằng Người đã muốn ở với chúng ta đến tận thế. Người đã quyết định trở nên lương thực cho ta. Người giũ bỏ không chỉ vinh quang của một vị Thiên Chúa nhưng cả vinh quang của một con người để trở nên tấm bánh bé nhỏ và chén rượu đơn sơ. Người lại hạ mình và trở thành Mình Thánh Chúa khi vị tư tế đọc lời truyền phép. Chỉ lúc này, chứ không phải khi là hài nhi trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria. Chúa sẽ ngự đến bất cứ nơi đâu mà tư tế đưa Người đến. Chúa biết rằng khi trở thành Thánh Thể, bản thân Người sẽ phải chịu những sỉ nhục lớn lao hơn những xỉ nhục mà Người đã chịu khi trở nên phàm nhân, nhưng những điều đó chẳng thành vấn đề. Chúa chịu đựng tất cả chỉ nhằm một mục đích này là hiệp thông với chúng ta. Người có một ước muốn là: “Nhân loại sẽ hạ mình hoàn toàn cùng với Ta”. Lời mời gọi sâu thẳm đi vào trong sự thẳm sâu. Thánh Tâm Chúa đang gọi mời tâm hồn mỗi người chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa đang gọi mời tình yêu nhân loại chúng ta. Tình yêu Chúa hằng hiện diện và mời gọi chúng ta hợp nhất và hiệp thông. Và qua sự hiệp thông trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ giúp Chúa nhập thể vào đời thêm lần nữa, nhưng không chỉ có lúc này nơi mỗi chúng ta, khi chúng ta trở nên thực tại mà chúng ta lãnh nhận.

 MẦU NHIỆM THĂM VIẾNG

          Mẹ Ma-ri-a đã sẵn sàng hy sinh sự riêng tư của bản thân và sự dịu dàng của chiêm niệm để đến với chị họ của Mẹ là bà Ê-li-sa-bét mà chung vui và giúp đỡ bà Ê-li-sa-bét. …Đức Ma-ri-a đã không đón nhận Ngôi Lời cho riêng Mẹ. Mẹ đã vui mừng là chúng ta cũng có thể cùng chung hưởng niềm hạnh phúc với Mẹ. Vì vậy chúng ta hãy hiệp nhất với Mẹ mỗi khi lãnh nhận Chúa Giê-su. Chúng ta hãy hát vang bài thánh ca Magnificat của Mẹ. Vì Chúa, trong mầu nhiệm này, đã làm những điều trong đại cho Mẹ Ma-ri-a; và Người cũng đang làm những việc trọng đại khi đến với chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng học theo các nhân đức của Mẹ để Chúa Giê-su Ki-tô có thể tìm thấy trong chúng ta, như trong Thánh Mẫu của Người, một chỗ cư ngụ xứng đáng với Chúa.

          “Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa trong chúng ta.” Ngọn lửa tự bản chất thì năng động và có tính lan tỏa. Khi chịu sự chi phối của Thánh Thể, linh hồn sẽ thốt lên: “Ôi lạy Chúa! Con phải làm gì đây để đáp lại tình yêu cao vời này?” Và Chúa Giê-su trả lời: “Con phải nên giống Ta, phải sống cho Ta, và phải sống nhờ Ta.” Sự biến đổi sẽ trở nên dễ dàng; khi có tình yêu, sách Gương Chúa Giê-su dạy rằng, con người không còn đi bộ nữa nhưng họ sẽ chạy và sẽ bay cao.

Hãy Sống Nhờ Ta

          Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng nói cho chúng ta về tình yêu hay đức ái đối với người thân cận. Tại sao Mẹ Ma-ri-a đã vội vã đi thăm người chị họ? Trước đó, Mẹ đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời nhất với Chúa Thánh Thần. Mẹ đã có Chúa Giê-su cư ngụ trong lòng Mẹ. Tại sao Mẹ không để dành thời gian mà thưởng thức khoảnh khắc hân hoan và tận hưởng hoàn toàn niềm hạnh phúc này? Nói một cách chính xác là bởi vì Mẹ đã có Chúa Giê-su đang cư ngụ trong lòng Mẹ. Cả hai trở nên một. Ý muốn của Chúa trở nên ý muốn của Mẹ. Tình yêu của Chúa trở nên tình yêu của Mẹ. Niềm vui lớn lao của Mẹ cần phải được sẻ chia. Mẹ Ma-ri-a đã chẳng phải đắn đo chọn lựa giữa việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ với việc yêu mến người thân cận, và chúng ta cũng cần phải như Mẹ vậy. Chúng ta không lãnh nhận Chúa Giê-su chỉ cho riêng mình. Chúa muốn chúng ta đưa Người đến với tất cả những ai không thể hay không muốn đến với Người.

          Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy chúng ta rằng: “Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa lên trong chúng ta.” Đây là ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, đang bừng cháy nhưng không thiêu rụi, và muốn nhanh chóng lan tỏa rộng khắp. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Nếu để cho ngọn lửa này cháy sáng thì chúng ta sẽ được biến đổi nên giống Chúa. Chúng ta sẽ trở nên một với Chúa và sẽ cháy sáng bằng tình yêu của Người. Cũng như Mẹ Ma-ri-a, chúng ta sẽ vội vã đến với những người thân cận. Đi đến đâu, chúng ta sẽ đưa Chúa Giê-su đến đó và sẽ ca tụng Người khi chúng ta kết hợp với Mẹ Maria ca vang bài Magnificat, vì Đức Chúa đã thực sự làm cho chúng ta những điều trọng đại. Khi để ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa làm sống động cuộc đời mình, chúng ta ngày một lớn lên trong đức ái. Đây là thời khắc mà ở đó chúng ta sống chiêm niệm thật sự. Cuộc đời chúng ta trở nên lời cầu nguyện sống động và chúng ta trở thành cánh tay và đôi chân của Thiên Chúa giữa thế gian. Amen.

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.