Cô Dâu Chủ Rể Có Đọc Sách Thánh Không?

CÔ DÂU CHÚ RỂ CÓ ĐỌC SÁCH THÁNH KHÔNG?

 

Mới đây, UBPT trực thuộc HĐGM Việt Nam đã đưa ra hướng dẫn đầu tiên trong CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN CHÚA, trong đó yêu cầu rằng “Trong lễ có cử hành Bí tích Hôn nhân, cô dâu chú rể không đọc Sách Thánh; trừ phi không còn ai khác thi hành nhiệm vụ này.”

Ở đây, tôi xin đưa ra một số lý do căn bản tại sao cô dâu chú rể không nên đọc Sách Thánh trong lễ cưới của họ:

1) Thứ nhất, thực hành cô dâu chú rể không đọc Sách Thánh không nằm trong ý định của Hội Thánh

Thật vậy, không một sách nghi thức nào hay tài liệu phụng vụ nào của Giáo Hội quy định hay hướng dẫn cô dâu chú rể đọc Sách Thánh trong lễ cưới của họ. Thay vào đó, Giáo Hội lại yêu cầu đôi vợ chồng tương lai nên chọn lựa bản văn Sách Thánh sẽ công bố. Tại số 29, Sách Nghi thức Cử hành Hôn nhân viết: “Nếu tiện, (cha xứ) nên cùng với những người sắp kết hôn chọn những bài đọc Thánh Kinh, là những bài sẽ được quảng diễn trong bài giảng…” Cuốn sách này liệt kê đến 9 Bài đọc Cựu Ước;[1] 7 Thánh vịnh Đáp ca;[2] 13 Bài đọc từ các thư của các Tông đồ;[3] và 10 bài Tin Mừng.[4] Như vậy, đôi hôn phối được quyền chọn lựa Bài đọc Sách Thánh, nhưng người khác sẽ công bố Lời Chúa trong lễ cưới của họ, còn đích thân họ thì không.

2) Thứ hai, cử hành Thánh lễ là hành động phụng vụ của toàn thể Hội Thánh

Cử hành hôn nhân mang tính cộng đồng, là một biến cố của cả cộng đoàn Hội Thánh, vì lợi ích của Hội Thánh, chứ không phải là biến cố, là niềm vui của riêng cá nhân, của đôi hôn phối hay của gia đình nào.[5] Mỗi cử hành phụng vụ đều là sự quy tụ của Dân Chúa như một gia đình của Thiên Chúa. Nói cách khác, là sự quy tụ của một số tác vụ thiết lập nên cộng đoàn đức tin.[6] Bởi thế, tốt nhất, cộng đoàn giáo xứ nên tham dự lễ cưới trong đó mỗi thành viên sẽ thi hành chức năng khác nhau như đã được lãnh nhận (chức thánh, tác vụ) hay ủy thác (người nào việc nấy).[7]Trong tinh thần đó, việc công bố Sách Thánh được phân công cho những độc viên Sách Thánh như hướng dẫn của tài liệu MỤC LỤC CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ, TẠI CÁC SỐ 52 VÀ 55: “Cộng đoàn phụng vụ cần phải có những người đọc sách để làm phận vụ này, mặc dầu chưa lãnh nhận tác vụ đọc sách. Vì thế phải liệu cho một số giáo dân thích hợp, thật sự có khả năng và được chuẩn bị kỹ càng để thi hành phận vụ này.” Còn cô dâu và chú rể, họ là tác viên cử hành Bí tích Hôn phối cho nhau chứ không phải làm độc viên Sách Thánh. Bổn phận trọng đại của họ là bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình trước mặt cộng đoàn đang được quy tụ.[8] Vì thế, trong phần Phụng vụ Lời Chúa, họ hãy ngồi để lắng nghe Sách Thánh. Sứ điệp Lời Chúa trong dịp này được gởi trao một cách đặc biệt cho đôi hôn nhân. Thật tréo ngoe và kỳ quặc khi họ lên công bố cho người khác.[9]

3) Thứ ba, tác viên đọc sách là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu

Đọc Lời Chúa không phải đơn thuần như việc đọc sách báo, nhưng là làm cho Kinh Thánh thành Lời, một Lời sống động, một Lời được loan báo cho Giáo Hội nghe theo. Vì thế người đọc Sách Thánh không nên hiểu là người không mù chữ, đúng ra họ phải là người thấu hiểu Bài đọc ST và có khả năng truyền thông Lời Chúa.[10] Những khả năng này thì không phải ai cũng có. Vì vậy, không thể cứ là cô dâu chú rể thì lên công bố Lời Chúa.

Trong thực tế, Giáo Hội đã trao ban tác vụ đọc sách cho một số người để họ chuyên chăm công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Ngoài ra, mỗi giáo xứ phải tuyển lựa và huấn luyện một số thành viên làm độc viên Sách Thánh. Họ hình thành một đội hay một nhóm chuyên đọc Sách Thánh trong các cử hành phụng vụ tại giáo xứ. Điều này đáp ứng đòi hỏi của chính NGHI THỨC THÁNH LỄ [TẠI SỐ 10 VÀ 12] rằng: “Rồi người đọc sách tiến tới giảng đài và đọc bài đọc I. Nếu có bài đọc II thì người đọc sách tiến lên giảng đài đọc như trên.” Điều này cũng tránh được tình trạng chỉ định đột xuất hay chỉ định bất kỳ ai lên công bố Lời Chúa.[11]

Tài liệu của Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình có tên là “CHUẨN BỊ BÍ TÍCH HÔN NHÂN” (BAN HÀNH NGÀY 13/05/1996), nêu rõ tại số 68 rằng: “Việc công bố Lời Chúa (trong Thánh lễ cưới) được thực hiện bởi những độc viên thích hợp và đã được chuẩn bị. Họ có thể được chọn trong số những người hiện diện, đặc biệt là các nhân chứng, các thành viên gia đình, bạn hữu, nhưng dường như không thích hợp để cho đôi hôn nhân làm độc viên. Quả thực, họ là người tiếp nhận đầu tiên Lời Chúa được công bố.”

4) Thứ tư, thừa tác viên đọc Sách Thánh thường có phẩm phục riêng

Phẩm phục này có thể là áo alba (trắng dài), tu phục của các dòng tu hay thường phục xứng đáng nhằm mục đích vừa diễn tả chức vụ của tác viên vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của nghi lễ thánh.[12]Trong khi đó, y phục của cô dâu (thường là những chiếc áo soirée quá dài) đôi khi gây ra tình huống phức tạp không cần thiết khi di chuyển lên giảng đài: vừa mất thời giờ, vừa gây chia trí cho người khác. 

5) Thứ năm, thực hành này gây khó khăn cho một số cô dâu chú rể

Như thực tế đã chứng minh, không ít cô dâu hay chú rể coi mình như bị bắt cóc hay ép buộc phải đọc Sách Thánh. Họ vâng phục vì nghĩ rằng đây là luật lệ hay tập tục của Hội Thánh. Khi biết mình phải công bố Lời Chúa, trong những ngày chuẩn bị lễ cưới, lẽ ra họ phải thật bình an để cầu nguyện, dọn mình lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh Thể…[13] thì tâm trạng của khá đông cô dâu chú rể lại nặng nề, lo âu và bối rối.[14]Rồi trong chính Thánh lễ, một số cô dâu chú rể run cầm cập khi đọc Sách Thánh, cố làm sao chống chọi cho qua “gánh nặng” này. Điều này hoàn toàn không phải là thái độ và tư thế của người công bố Lời Chúa.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái. SSS


 

[1] 1/ St 1,26-28.31a; 2/ St 2,18-24; 3/ St 24,48-51.58-67; 4/ Tb 7,6-14; 5/ Tb 8,4b-8; 6/ Cn 31,10-13.19-20.30-31; 7/ Dc 2,8-10.14.16a; 8,6-7a; 8/ Hc 26,1-4.16-21; 9/ Gr 31,31-32a.33-34a.

[2]1/ Tv 32; 2/ Tv 33; 3/ Tv 102; 4/ Tv 111; 5/ Tv 127; 6/ TV 144; 7/ Tv 148.

[3] 1/ Rm 8,31b-35.37-39; 2/ Rm 12,1-2.9-18; 3/ Rm 15,1b-3a.5-7.13; 4/ 1Cr 6,13c-15a.17-20; 5/ 1Cr 12,31—13,8a; 6/ Ep 4,1-6; 7/ Ep 5,2a.21-33; 8/ Pl 4,4-9; Cl 3,12-17; 9/ Dt 13,1-4a.5-6b; 10/ 1Pr 3,1-9; 11/ 1Ga 3,18-24; 12/ 1Ga 4,7-12; 13/ Kh 19,1.5-9a.

[4]1/ Mt 5,1-12a; 2/ Mt 5,13-16; 3/ Mt 7,21.24-29; 4/ Mt 19,3-6; 5/ Mt 22,35-40; 6/ Mc 10,6-9; 7/ Ga 2,1-11; 8/ Ga 15,9-12; 9/ Ga 15,12-16; 10/ Ga 17,20-26.

[5] Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 32.

[6] Austin Fleming, Parish Wedding, 16.

[7] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Cộng đồng Gia đìnhFamiliaris Consortio”, số 67.

[8] Sđd, số 1623.

[9] Xc, Gioan PhaolôII, Tông Huấn Cộng đồng Gia đình Familiaris Consortio”, số 67; Nghi thức Cử hành Hôn nhân (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), số 34; Dennis c. Smolarski, sj, Seasons, Sacrament and Sacramental (Chicago: Liturgy Training Publication, 2003), 46-48.

[10] Xc. "Giáo dân với các thừa tác vụ" trong Hợp Tuyển Thần Học số 34, Năm thứ XII (2002).

[11]   Xc. Lucien Deiss, It’s the Lord’ Supper: The Eucharist of Christians (Collins Liturgical, 1986), 126-127.  

[12]Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma, các số 336; 335; Nghi lễ Giám mục, số 65.

[13] Xc. Nghi thức Cử hành Hôn nhân, số 18.

[14] Xc. Gíao lý Hội Thánh Công giáo, số 1662.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.