Thinh Lặng Trong Phụng Vụ

THINH LẶNG TRONG PHỤNG VỤ CÓ CẦN THIẾT VÀ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Thinh lặng chắc chắn là cần thiết và quan trọng trong cử hành PV, cho nên trong một thông báo gần đây của Văn phòng Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (Ban hành ngày 25/11/2022), Đức Tổng Giuse đã lưu ý về việc giữ thinh lặng thánh và yêu cầu quý cha giúp cộng đoàn của mình xác tín để cùng thực hiện thật sốt sắng việc thinh lặng vào những thời điểm sau của thánh lễ:

1. Trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện đầu lễ để hồi tâm;

2. Sau bài giảng hoặc bài Tin mừng để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn;

3. Sau khi rước lễ để tạ ơn và kết hợp với Chúa trong tâm tình cầu nguyện.

Chúng ta thấy tồn tại dường như có hai thái cực: (1) trước Công đồng Vatican II, cử hành phụng vụ dường như là chuyện riêng của vị tư tế, người tham dự thường thụ động và chỉ lo làm việc đạo đức bình dân miễn sao không ai làm phiền đến ai cả; (2) nhưng sau Công đồng Vaticanô II, khi các tín hữu được mời gọi tham gia tích cực vào cử hành phụng vụ, thì đôi khi lại xảy ra hoạt động thái quá theo kiểu liên tục làm hết điều này đến điều kia đến độ biến cử hành phụng vụ thành ra như một "chuyến bay" non-stop hay một "bản nhạc" không nốt lặng hoặc như một "chương trình văn nghệ" với các tiết mục nối tiếp nhau không ngưng nghỉ, thiếu trầm lắng.

Bởi thế, một trong những cách thức quan trọng và cần thiết để có thể canh tân chính chúng ta khi tham dự phụng vụ là: trở nên quen thuộc và dễ dàng tập trung vào tâm hồn mình (cầm lòng cầm trí) cũng như suy niệm trong thinh lặng hầu có thể nhận rõ những thúc bách của Chúa Thánh Thần nơi đó vì giống như mọi cách thức cầu nguyện, cốt yếu của phụng vụ là người tham dự phải thinh lặng chăm chú hướng về Thiên Chúa để rồi Thiên Chúa chăm chú nhìn đến chúng ta.

Chúng ta nên hiểu rằng thinh lặng không phải là một thái độ thụ động, không phải chỉ là thời khắc không ngôn từ và không hành động nào diễn ra, trái lại, thinh lặng đúng nghĩa là vượt trên mọi lời để từ cảm nghiệm ý nghĩa (sense experience) cũng như cảm nghiệm chiều sâu (depth experience) mà chúng ta có cảm nghiệm tôn giáo (religious experience), nghĩa là chúng ta có thể chạm đến mầu nhiệm cao cả mà lời không thể diễn tả được: đó là thực tại hiện diện của Thiên Chúa siêu việt và thánh thiện nhưng cũng thật gần gũi chúng ta. Thinh lặng là sự cởi mở trước hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, gia tăng thái độ chiêm niệm trong phụng vụ và giúp chúng ta chuẩn bị nội tâm một cách sốt sắng hơn.

Thinh lặng quan trọng và cần thiết vì thinh lặng không phải là sự ngừng nghỉ giũa hai nghi thức mà là chính nghi thức, vì thinh lặng là một thành phần không thể thiếu của cử hành phụng vụ; nhờ thinh lặng chúng ta mới có thể tìm được "cảm thức linh thánh” và “cảm thức về siêu việt”

Những lời tung hô, câu đáp, cử chỉ, thánh ca, và tư thế được coi là những phương tiện qua đó chúng ta tham dự vào phụng vụ, nhưng chính sự thinh lặng cũng là phương thế giúp chúng ta tham dự vào cử hành phụng vụ như vậy vì có thể nói: thinh lặng là lời ca ngợi, là lời chúc tụng xinh đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa.

Thinh lặng quan trọng và cần thiết trong cử hành PV bởi vì Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua thing lặng. Các nhà tâm linh sâu sắc chia sẻ rằng:

  • Thinh lặng là quê hương của Thượng Đế;
  • Thiên Chúa là sự thinh lặng vĩnh cửu và cư ngụ nơi thinh lặng;
  • Khi tiêu diệt sự thinh lặng, thì người ta cũng giết chết TC. Không có thinh lặng, TC mất hút trong sự ồn ào;
  • Thinh lặng là ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa.
  • “Ngôn ngữ mà Thiên Chúa thích nghe nhất là ngôn ngữ của tình yêu thinh lặng” (Thánh Gioan Thánh giá);
  • “Thiên Chúa là bạn hữu của thinh lặng” (Thánh Têrêsa Cancutta)
  • Theo cách diễn đạt tuyệt đẹp của Thánh Grêgôriô Nazianzus, thờ phượng có nghĩa là nâng hồn lên với Chúa trong “một bài thánh ca thinh lặng.”

Như vậy, nếu con người muốn tìm gặp và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa thì điều kiện thiết yếu là thinh lặng. Phụng vụ là một trong những môi trường thuận tiện nhất cho chúng ta tìm gặp và cảm nhận Thiên Chúa, do vậy, rất cần dành chỗ cho sự thinh lặng trong giờ cử hành phụng vụ. 

Chúng ta có thể rút ra kết luận thực hành này như sau: đừng biến Thánh lễ hay Giờ kinh Phụng vụ thành một buổi cử hành ồn ào, vội vã như một dịch vụ hay làm mất đi cảm thức linh thánh, ý nghĩa huyền nhiệm. Thay vào đó, chúng ta nên tôn trọng những chỗ thinh lặng cần thiết và giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc như đã được Giáo Hội hướng dẫn. Ngoài ra, cũng nên thing lặng trước Thánh lễ để chuẩn bị tham dự Thánh lễ cho sốt sắng cũng như thing lặng sau Thánh lễ để cảm tạ Chúa.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

 

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.