Suy ngẫm: Lời xin vâng của Mẹ Maria và của tôi

LỜI XIN VÂNG CỦA MẸ MARIA VÀ CỦA TÔI

Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabeth, tôi có dịp nghe và suy nghĩ về việc làm của Mẹ. Trong bài Tin Mừng của ngày lễ kể về việc khi hai chị em gặp nhau, bà Êlisabeth đã không còn dừng lại ở chỗ bà con họ hàng, mà là một sự trân trọng đầy tràn niềm vui và hạnh phúc “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ ” (Lc 1,42), chẳng những thế bà còn tỏ dấu ngạc nhiên “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43) và cuối cùng vẫn là một lời xác quyết “Em thật là có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Em” (Lc 1,45)

Lời “Xin vâng” của Mẹ Maria trong ngày sứ thần đến truyền tin cho Mẹ, được sứ thần khen là “Đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30) đang dần dần lộ diện một cách trọn vẹn qua mọi sự kiện, nhất là qua cuộc đời của Đức Giêsu khi Ngài ở thế gian này, cũng như sau này với Giáo hội qua các biến cố cho tới ngày hôm nay.

Nét đẹp tuyệt vời của Mẹ Maria cũng chính là niềm mơ ước của những người bước theo Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống này. Và các kitô hữu biết rõ điều này, cho nên đã không ngừng tập luyện để xứng đáng với hồng ân Chúa ban như lời Đức giáo hoàng Phanxicô trong Tông Huấn “Hãy vui mừng và hoan hỷ” (Gaudete Et Exsultate) đã mong muốn một cách mạnh mẽ “Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện”. [4]

Bởi vì “Cuộc sống hoàn hảo với những công việc thường nhật” (thánh Phanxicô đệ Salê).

Chính vì vậy Để nên thánh, không cần phải trở thành giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút khỏi các công việc hằng ngày để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Điều đó không đúng. Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư.

Sáng nay trước khi dâng thánh lễ, tôi ghé thăm một gia đình quen biết, chỉ có người vợ ở nhà còn người chồng thì đi tập thể thao bằng xe đạp chưa về. Ngồi nói chuyện một lát thì có thêm một người quen tôi và gia đình người ấy đến cùng nói chuyện. Người mới tới rất ngạc nhiên khi gia chủ không có nhà vì đi tập thể thao chưa về cho dù trời đã lên cao rồi, người đó liền buông lời đặt nghi vấn: “Có khi nào ông lấy cớ để đi theo bà nào không?”

Nghe thế, người vợ liền quả quyết: “Muốn gì thì muốn miễn là về nhà đi chợ, nấu cơm, dọn hàng là được rồi

Người khách liền bồi thêm: “Như thế chẳng trách là ông ấy hay chán để tìm cớ đi ra ngoài!”

Người vợ cười trừ cho qua chuyện.

Người khách vẫn không chịu buông tha: “Cứ nhìn vào người khác đầy dẫy trong xã hội đó liệu mà tính.

Người vợ lúc này quyết ăn thua: “Các ông thật là hay, ngày xưa trước mặt Chúa, trước mặt vị đại diện Giáo hội, có cha mẹ, bà con hai bên đã thề hứa với vợ như thế nào mà lại dễ quên đến như thế

Trước sự chẳng vừa của người vợ làm tôi giật mình! Từ lời thề hứa ấy chẳng khác gì lời “Xin vâng” của Mẹ Maria ngày xưa, giúp tôi nhận ra “nét đẹp thánh thiện” đâu cần tìm ở đâu xa xôi cho bằng nhìn vào ngay lời thề hứa mà hai người trao cho nhau khi thiết lập một gia đình mới theo thánh ý của Thiên Chúa.

Sau cuộc gặp gỡ kể trên, tôi tiếp tục đến dâng thánh lễ và mừng lễ Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabeth tại Hội Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, trong thánh lễ này có các Soeur khấn lần đầu và khấn trọn đời dưới sự chủ tọa của Đức giám mục giáo phận Xuân Lộc. Trong bài giảng, Đức giám mục dùng hình ảnh Đức Mẹ đi thăm bà chị họ để mời gọi các Soeur tuyên khấn hôm nay hãy trở thành “Nhà Tạm di động của Chúa nơi mọi người giữa xã hội hôm nay”.

Trong phần huấn giáo, Đức giám mục chúc mừng Hội Dòng vẫn còn được Chúa thương và tín nhiệm nên Ngài đã gửi người của Ngài đến với Hội Dòng này, ngoài ra đối với các Soeur tuyên khấn hôm nay, khấn trọn là chính thức thuộc về Hội dòng, và khấn đơn cũng thế. Nếu khấn đơn mà nghĩ là “thử” thì coi như là chưa khấn, vì vậy, cũng phải cố gắng sống thuộc về Hội Dòng này như thế nào cho xứng đáng.

Ngoài ra, khi các Soeur trở thành “những Nhà Tạm di động của Chúa” sẽ giúp cho mọi người có cơ hội được chiêm ngưỡng Thiên Chúa khi chạm đến “tiền đình của hạnh phúc Nước Trời”.

Thêm một lần nữa, tôi được cảm nghiệm về lời “Xin vâng” của Mẹ Maria ngày xưa, giúp tôi nhận ra đâu cần tìm nơi đâu xa xôi cho bằng nhìn vào ngay hình ảnh các Soeur với lời thề hứa thuộc về một Hội Dòng theo thánh ý của Thiên Chúa, cũng như với những người đã đi trước qua biết bao sóng gió, phong ba của đời người bởi xã hội mà vẫn kiên trì cho tới ngày hôm nay.

Vâng, lời “Xin vâng” của Mẹ Maria ngày xưa hôm nay là như thế đó. Vì vậy, nếu ta quyết tâm thì hạnh phúc đó sẽ đến với ta, như Mẹ Maria vậy. Điều quan trọng là ta có dám bước theo lời mời gọi của  Thiên Chúa như Mẹ Maria ngày xưa ngay trong hoàn cảnh của ta hay không?

Thiên Quang sss

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.