THÁNH THỂ DƯỠNG NUÔI
Cha Eymard giải thích về Lời của Chúa Giê-su: “Tôi là Bánh ban Sự sống”. Cách tiếp cận này là một phương pháp loại suy: cũng như lương thực nuôi dưỡng đời sống thể lý, thì “Bánh ban Sự sống” cũng chính là lương thực nuôi dưỡng linh hồn. Qua việc Hiệp lễ, Đức Ki-tô biến mình trở thành của ăn nuôi dưỡng (‘Người nuôi dưỡng’), Người ủi an (‘thêm sức’), Người trao ban niềm vui (‘hân hoan’) và Người là hạt giống bất tử.
Thánh Thể cũng chính là Bí tích hoàn trọn những ân sủng của các Bí tích khác, cách riêng là Bí tích Rửa tội và Hòa giải.
Vì tôi nghĩ rằng lúc nào đó mình sẽ ở Pari, nên chúng ta sẽ bắt đầu hàng loạt buổi hội thảo về Bí tích Thánh Thể. Đào sâu chủ đề này quả là hay. Đó cũng chính là cách giúp chúng ta có thể chiếm đoạt được Thánh Thể.
“Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống”
Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống” [Ga 14,6].
[1] Trước hết, đường đi. Thầy là tấm gương cho anh em. Hãy theo Thầy [Mt 9,9]; hãy làm những gì Thầy làm. Những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy [Cv 1,1].
[2] Ta là sự thật và do đó là Thầy của anh em, Thầy duy nhất của anh em. Ai dạy điều giả dối sai lầm thì không phải là thầy dạy, họ là những kẻ lừa đảo ngồi trên tòa, chuyên gây ra điều rắc rối.
[3] Thầy là sự sống. Chúa Giê-su đã thực hành hai phẩm chất đầu tiên trong suốt cuộc đời dương thế của Người; nhưng không phải là phẩm chất này. Suốt cuộc đời, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chỉ sau khi chết, Người mới trở thành sự sống của loài người.
Anh em cũng có thể lưu ý rằng sau khi phục sinh, thánh Phê-rô gọi Người là sự sống, tác giả của sự sống [x. Cv 3,15].
“Ta là Bánh ban sự sống”
Nhưng chính Chúa Giê-su… Ngài đặt cho mình danh xưng nào? Ego sum panis vitæ. “Ta là bánh ban sự sống” [Ga 6,35]. Quả là một danh xưng! Chao ôi! duy mình Ngài mới gọi bản thân mình như thế mà thôi. Thiên thần sẽ gọi Ngài theo những phẩm vị Ngài có- Chúa, Ngôi Lời; nhưng gọi là bánh! Thiên thần sẽ không dám. Chao ôi! Bánh ban sự sống, đó chính là danh tánh của Ngài, và đó là tất cả của Ngài, hiện tại và tương lai. – Hiện tại, Ngài bị nghiền nát giống như hạt lúa miến, được sàng như sàng bột… tương lai, nó sẽ diễn ra giống như tấm bánh với những thuộc tính của nó đi vào thân thể chúng ta. Chao ôi! giờ đây, tôi hiểu rằng Thánh Thể chính là sự tuyệt vời trên cả tuyệt vời, và vị ngôn sứ có thể cao rao: Mirabilis Deus in adinventionibus suis! (Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm!) [x. Tv 76,12-13]
Chúng ta hãy xem nếu Chúa Giê-su thực sự có những thuộc tính của bánh. Bánh làm ba việc: nó dưỡng nuôi, nó tăng sức, và nó đem lại niềm vui. – Giờ đây, tôi sẽ nói rằng Chúa Giê-su làm ba việc ấy.
Bánh dưỡng nuôi, tăng sức và đem lại niềm vui.
[1.] Đời sống chúng ta cần được nuôi dưỡng. Duy mình Chúa mới có sự sống nơi Ngài và từ Ngài mà thôi. Chúng ta vay mượn từ nơi Ngài sự sống làm cho chúng ta trở nên có sinh khí. Quy luật căn bản là mọi sinh vật đều phải tự nuôi sống mình nhờ lương thực trước nguy cơ bị yếu mệt. Quả thực, nói theo phương diện thể lý, linh hồn đón nhận một sự sống không thể chết được; thế nhưng linh hồn, ngoài sự sống này, còn có một sự sống thánh thiện và hạnh phúc nữa. Giờ đây, điều tôi muốn nói, đó là: sẽ không sống được nếu không có của ăn nuôi dưỡng. Đối với thân thể, bánh đủ để nuôi sống nó. Bánh trở nên bản thể cho sự sống của thân thể, còn hơn cả những của ăn khác. Hãy chú ý đến điều gì duy trì sự sống của con người chúng ta trong đất nước này. Hãy để ý trong lịch sử, các vị ẩn sĩ đã tự nuôi sống mình chỉ với bánh và nước thế nào. Không có bánh, mọi thứ khác sẽ chẳng làm chúng ta thỏa mãn.
[2.] Thế nhưng nuôi dưỡng, đơn giản là cứu sống và cho ăn, thì chưa đủ cho đời sống của thân xác chúng ta. Thân xác được mời gọi làm việc; giờ đây, qua công việc này, nó sẽ không rút được gì từ bản thể của nó- điều này mau chóng hủy diệt nó- thế nhưng, thân xác nhận được của ăn từ bên ngoài. Do vậy, bánh phải tăng sức… và tăng sức đến mức thực thi công việc còn khó khăn hơn. Một quy luật khẳng định rằng chúng ta chỉ cho những gì chúng ta có; và thân xác của những người nghèo khổ này làm việc suốt ngày, giống như những nô lệ chỉ tìm được vài đồ ăn đạm bạc vào ban đêm mà thôi… điều này sẽ mau chóng làm họ kiệt sức và anh em sẽ thấy họ kéo lê đời mình mà không có chút năng lượng nào.
[3.] Thế nhưng còn gì hơn nữa- và điều này dường như là nghịch lý- bánh đem lại niềm vui. Bằng chứng là chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi ăn bánh… trong những cuộc liên hoan, tính tham lam hứa làm cho nhục dục của chúng ta thỏa mãn bằng những niềm vui khoái lạc nhất, thì bánh vẫn có chỗ đứng của nó kia mà. – Người ta sẽ chẳng bao giờ kinh tởm bánh cả, trong lúc người ta có thể kinh tởm những thứ khác.
Lương thực dưỡng nuôi linh hồn và thể xác
Giờ đây, linh hồn có những nhu cầu giống như thân xác trong đời sống thiêng liêng. Linh hồn cần của ăn. Chúa Giê-su, nơi Thánh Thể, sẽ trở thành của ăn nuôi dưỡng ơn phép rửa của linh hồn. Linh hồn sẽ duy trì ân sủng đã được phục hồi nhờ Sự Hoán Cải; Thánh Thể sẽ hoàn tất Sự Hoán Cải bằng cách thanh tẩy chúng ta khỏi những tội nhẹ, và ban cho chúng ta sức mạnh để đáp lại một đề xuất có lợi, nhằm xa lánh tội lỗi.
Chúa phán rằng: Ai ăn Ta thì có sự sống [x. Ga 6,58]. Sự sống nào vậy? - Đó là sự sống của Đức Giê-su, vì của ăn nuôi dưỡng sẽ thông truyền bản thể của nó cho kẻ ăn nó. Thế nhưng không phải chỉ linh hồn chúng ta mới được dưỡng nuôi, nhưng thân xác chúng ta cũng sẽ nhận được sức mạnh từ của ăn nuôi dưỡng đó. Linh hồn sẽ nhận được hạt giống phục sinh và bất tử [x. Ga 6,54]. Nó sẽ nghỉ yên trong lòng đất, được bảo toàn trong hạt giống Thánh Thể vốn sẽ làm cho nó trỗi dậy vinh quang vào một ngày nào đó. […]
Bấy giờ, anh em có thể thấy Thánh Thể dưỡng nuôi linh hồn bằng việc đem lại cho linh hồn ân sủng giúp nó khỏi bị suy yếu, và thậm chí là dưỡng nuôi thân xác qua việc bảo toàn nó cho sự phục sinh mai hậu, vốn sẽ trở thành sự khởi đầu cho sự sống đích thực… hạt giống bất tử. – Sau này, chúng ta sẽ thấy những phẩm chất khác của bánh được hiện thực hóa nơi Thánh Thể.
Thứ năm, ngày 14 tháng 2 năm 1867 – PP 20
(Trích trong cuốn: Bread of Life, Heart and Love_ Các bài giảng về Thánh Thể của cha thánh Eymard)