Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su Ki-tô đến thế gian là để giới thiệu với tất cả một thế giới mới chính là Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa. Và trong những năm hoạt động công khai, Chúa Giê-su đã đưa ra nhiều dấu lạ, nhiều lời dạy và cả những phép lạ chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là cho muôn dân tin vào Ngài mà được hưởng ơn cứu độ. Nhưng rõ ràng chúng ta thấy trong các Tin Mừng, Lời Chúa Giê-su lại bị nhiều đối tượng khước từ. Đến nỗi Chúa Giê-su đã phải thốt lên: “Khốn cho Khô-ra-dim, Bết-sai-đa và Ca-phác-na-um” là những thành đã chứng kiến nhiều phép lạ mà không chịu sám hối.
Như vậy, Chúa Giê-su bỏ cuộc chăng? Chắc chắn là không, Chúa tiếp tục dùng phương thế khác để Lời Chúa có thể đến với tất cả mọi người và không trừ một ai. Tin Mừng Mát-thêu Chúa Nhật VX thường niêm năm A trình bày cho chúng ta một phương pháp sư phạm tuyệt vời và hiệu quả của Thầy Chí Thánh Giê-su. Ở đây Ngài không dùng lý luận nữa mà Ngài dùng dụ ngôn để giảng dạy dân chúng đang kéo đến với Ngài rất đông. Tức là Chúa Giê-su muốn dẫn dắt con người đi bằng chân lý mà Ngài đã công bố sau khi chính bản thân mỗi người đã cảm nhận được từ bên trong, lý do là vì tất cả chúng ta được dựng nên là tốt lành, chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên để được tham dự vào vương quốc của Thiên Chúa và bởi vì tội nguyên tổ khiến chúng ta bị ngăn cách khỏi vương quốc ấy mà Chúa Giê-su đang từng ngày dẫn dắt chúng ta tìm gặp và bước vào lại vương quốc vĩnh cửu mà Chúa Cha vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng ta.
Dụ ngôn mà Chúa Giê-su sử dụng để dạy dân chúng có một ưu điểm nổi bật đó là kích thích người nghe suy nghĩ liên tục. Chúng ta nghe một câu chuyện, có thể ban đầu chúng ta không hiểu rõ lắm ngụ ý của người nói nhưng trên hết câu chuyện sẽ hấp dẫn chúng ta, không làm chúng ta trở nên thụ động, giống như hình ảnh một người nhận được một món quà được gói lại cẩn thận, nó làm cho người này tò mò muốn biết bên trong gói quà đó là cái gì. Câu chuyện dụ ngôn có thể cũng có tác dụng như vậy.
Đó chính là cả một tiến trình, ban đầu người nghe dụ ngôn tò mò, suy nghĩ và cảm nhận ngang qua những kinh nghiệm sống của bản thân rồi đối chiếu lại với những lời dạy của Chúa Giê-su, rồi nhận ra “À! quả đúng như những gì Chúa Giê-su đã nói”, hiệu quả là chúng ta xác tín vào chân lý Chúa Giê-su đã mặc khải cho ta và thực thi lời dạy của Ngài.
Từ Chúa nhật này và các Chúa Nhật tiếp theo chúng sẽ được nghe hàng loạt các dụ ngôn của Chúa Giê-su, hôm nay chúng bắt đầu với dụ ngôn đầu tiên. Giờ đây, chúng ta cùng lắng nghe phần giới thiệu trước dụ ngôn trong chương 13 Tin Mừng Mát-thêu:
“Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.”
Đây là những lời giới thiệu của thánh Mát-thêu trước khi ông đặt 7 câu chuyện dụ ngôn liền sau nó. Chúng ta hãy cùng nhau nắm bắt ý nghĩa và ngụ ý mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta.
Ở các câu giới thiệu mà chúng ta vừa nghe, có vài hình ảnh chắc chắn gợi lại nhiều ý nghĩa trong Kinh Thánh, đầu tiên là “Biển”. Bởi vì hình ảnh biển gợi nhớ cho chúng ta về một cuộc xuất hành vĩ đại để dẫn Ít-ra-en bước ra từ vùng đất nô lệ và tiến đến vùng đất tự do. Chúa Giê-su ngồi trên thuyền mà giảng dạy, còn tất cả dân chúng rất đông thì đứng trên bờ gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một Giáo Hội đông đảo cùng đồng tâm nhất trí hướng về một đấng mục tử duy nhất là Chúa Giê-su để nghe Người giảng dạy.
Bây giờ chúng ta cùng nghe dụ ngôn đầu tiên:
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”
Ở đây chúng ta có thể hiểu rằng, Chúa Giê-su chính là người đi gieo giống, Ngài ra đi từ Thiên Đàng, từ Thiên Chúa Cha và đến thế gian để mang hạt giống Lời Chúa đến để cho vương quốc của Chúa được nảy mầm. Nhưng có một điều ngạc nhiên đó là dường như việc gieo giống của Ngài hầu như không mang lại hiệu quả nhiều. Vì chúng ta có thể thấy những mặt trái mà Chúa Giê-su phải hứng chịu khi Ngài rao giảng Lời Chúa: Ngài bị khước từ ở quê nhà Na-da-rét, ở Ca-phác-na-um Ngài bị coi là kẻ mất trí, những người Pha-ri-sêu muốn giết Ngài và nhiều môn đệ đã rời bỏ Ngài… Tại sao lại như vậy? Phải chăng lý do là bởi vì người gieo giống? Chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, Lời Chúa đến với chúng ta mỗi ngày nhưng liệu có bao nhiêu người chịu lắng nghe, có thể con người thời nay chạy theo những tiên nghi và những thú vui khác lôi cuốn hơn là Lời Chúa, chạy theo nhưng điều tưởng chừng có thể làm đời sống chúng ta no thoả và hạnh phúc.
Trong bối cảnh Chúa Giê-su nói dụ ngôn này, chúng ta cũng thấy vẫn có một nhóm người đang ở trên thuyền bên cạnh đám đông đứng trên bờ biển hồ. Họ được coi là những người môn đệ theo Chúa, thời nay chúng ta gọi là những Ki-tô hữu, nhưng liệu những người Ki-tô hữu này có đón nhận Lời Chúa không, thời nay ở đa số các nước Châu Âu người Ki-tô hữu ít đến nhà thờ, đời sống đức tin nguội lạnh… Chúng ta tự hỏi, họ đã sống đức tin như thế nào, họ phải chăng xa dần với Giáo hội bởi vì hy vọng vào một thứ vật chất mà họ tự lý luận để mang lại hạnh phúc hơn là tin vào những giá trị của Tin Mừng. Vậy Tin Mừng sẽ thay đổi điều gì cho cuộc sống của con người?
Những người Ki-tô hữu chúng ta mỗi ngày tham dự Thánh Lễ hay ít nhất mỗi tuần một lần, chúng ta liên tục được nghe và đón nhận Lời Chúa, rồi mỗi khi chúng ta nhìn nhận bản thân tội lỗi và xưng thú với cha giải tội, sau đó có bao giờ chúng ta tự hỏi, vậy hạt giống Tin Mừng mà mỗi ngày được gieo vào trong tâm hồn chúng ta có hữu ích không? Chẳng hạn nhiều người vẫn luôn tự vấn lương tâm, tại sao tôi vẫn đi nhà thờ, đến với Chúa hàng ngày nhưng gia đình của tôi vẫn xào xáo, vẫn cải vã hàng ngày!
Chẳng phải tất cả chúng ta đều nghe cùng một Tin Mừng? Ấy thế mà sau đó, chúng ta chẳng còn giữ lại chút gì, và những người thân cận với chúng ta cũng tham dự thánh lễ và cùng nghe chung Lời Chúa nhưng rồi lại chống đối nhau, lại tranh cãi với nhau và lại không đón nhận nhau. Chúng ta biết rằng, Tin Mừng đã được công bố hơn 2000 năm nhưng chiến tranh, bạo lực, bất công, nghèo đói vẫn đầy rẫy trong thế giới này. Chúng ta tự hỏi thế giới mới mà Chúa Giê-su nói đến giờ ở đâu? Đây là hạt giống Tin Mừng hiệu quả hay là một điều gì đó thất bại của Chúa Giê-su? Con người muốn thay đổi thế giới cho tốt hơn nhưng lại không muốn chấp nhận những chỉ dẫn của Tin Mừng. Làm thế nào Lời Chúa có thể trở thành hạt giống làm cho thế giới mới nảy mầm, nếu con người không trân trọng những giá trị của Tin Mừng?
Chúng ta quay lại dụ ngôn trên của Chúa Giê-su, thông điệp chính của nó là gì? Cần hết sức cẩn thận, có thể chúng ta biết và hiểu rất rõ về thực trạng của Giáo Hội, của xã hội và của từng người Ki-tô hữu. Đó là những hệ quả tất yếu khi con người không đón nhận Tin Mừng, nhưng hãy thận trọng khi nói về nguyên nhân, nguyên nhân không nằm ở người đi gieo giống, ở nhà truyền giáo, ở người đi loan báo Tin Mừng cũng như ở chất lượng của hạt giống, tức là Lời Chúa.
Hạt giống là tốt vì là Lời Chúa và người gieo giống là Chúa Giê-su, đấng được Thiên Chúa Cha sai đến và thực thi trọn hảo sứ vụ mà Cha trao phó. Hãy nghe kỹ đoạn Tin Mừng: “Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường,… rơi trên sỏi đá,… rơi vào bụi gai,… rơi trên đất tốt”. Như vậy nguyên nhân nằm ở chỗ mảnh đất mà hạt giống rơi xuống.
Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe tiếp câu hỏi của các môn đệ đang ở trên thuyền cùng Chúa Giê-su:
“Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” Người đáp : “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
Chúng ta thấy các môn đệ đang ở trên thuyền vời Chúa Giê-su và đã đến gần mà hỏi Thầy. Hãy lưu ý, Tin Mừng thuật lại rằng, các môn đệ “đến gần” Chúa Giê-su, câu hỏi đặt ra là tại sao các ông đang ở trên thuyền với Thầy nhưng lại còn phải “đến gần để hỏi Thầy”? Là bởi vì ngay cả khi các ông tuân theo lời Chúa Giê-su nhưng có vẻ các ông luôn ở xa Ngài, các ông càng cần lắng nghe Lời Chúa để ngày càng gần gũi thân mật với Ngài hơn, bởi vì các môn đệ thì khác với đám đông dân chúng đang đứng trên bờ biển, tức là những người mặc dù vẫn đang lắng nghe Chúa Giê-su giảng dạy nhưng chưa đưa ra chọn lựa bước đi theo Chúa Giê-su. Chúa Giê-su trả lời các môn đệ: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời,” ơn hiểu biết tức là Chúa Giê-su khẳng định tư cách môn đệ của Chúa. Câu trên có động từ được dùng ở thể thụ động mà trong ngôn ngữ Kinh Thánh chúng được biết đến với dạng thụ động thần linh, tức là ơn hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời của các môn đệ không tự nhiên mà có nhưng được ban cho từ trên cao, nghĩa là từ Thiên Chúa. Như vậy chúng ta nên hiểu như thế nào, bởi sẽ có nhiều người hiểu lầm ý nghĩa thực sự của đoạn này? Thoạt đầu có vẻ như Chúa có sự ưu tiên cho người này nhưng lại từ chối với người khác. Chắc chắn không phải như thế. Chúng ta có cơ sở để khẳng định như vậy, bởi vì trong thư gửi cho Ti-mô-thê đã được viết: “Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”.
Như vậy vấn đề nằm ở chỗ tự do chọn lựa của mỗi người. Do đó chúng ta thấy Chúa Giê-su tiếp tục nói tới những người đám đông dân đang đứng trên bờ biển, câu chuyện dụ ngôn này họ không hiểu vì họ nghe bằng tai nhưng câu chuyện này không chạm đến trái tim của họ và họ không đưa ra chọn lựa bước vào thế giới mới mà Chúa Giê-su đã mời gọi.
Chúng ta nghe tiếp đoạn cuối của Bài Tin Mừng này:
“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy : đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận ; nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Hạt giống Tin Mừng đến từ Chúa là tốt lành, chúng ta hiểu được điều này qua lời ngôn sứ I-sai-a: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc” (Is 55,10). Người gieo giống cũng tốt lành bởi là chính Chúa Giê-su. Nhưng Tin Mừng còn phải chịu đựng khó nhọc để có thể thâm nhập vào trái tim con người và sinh hoa trái. Điều này phụ thuộc ở mảnh đất mà nó được gieo. Đây chính là điều chúng ta cần suy nghĩ ngang qua thông điệp của đoạn Tin Mừng này, muốn hạt giống sinh hoa trái, chúng ta cần chuẩn bị mãnh đất tâm hồn mình, chúng ta cần ra công lao động để vun xới cho mãnh đất ấy luôn tươi tốt hầu đón nhận hạt giống Lời Chúa. Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu bốn loại đất mà Chúa nói và có thể nó cũng đã, đang và sẽ hiện diện trong mỗi chúng ta.
Mảnh đất thứ nhất: “có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất”. vậy con đường là gì và chim chóc là gì? Hình ảnh thứ nhất là con đường, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sự chai cứng do nhiều người đi qua, đương nhiên khiến cho việc nảy mầm gặp rất nhiều khó khăn thậm chí là không thể. Bên cạnh đó, trên con đường có nhiều người đi qua, tức là chúng ta đón nhận được nhiều ý kiến từ nhiều người kể cả đúng và sai. Hình ảnh thứ hai là chim chóc, chúng ta có thể liên tưởng tới loài chim săn mồi và tính biểu tượng của chúng trong chương 15 của sách Sáng Thế, đó là hình ảnh đại diện cho các dân tộc ngoại giáo luôn muốn làm cho dân Ít-ra-en vi phạm giao ước được ký kết với Chúa. Như vậy hạt giống không thể nảy mầm trên đất chai cứng của con đường, tức là Tin Mừng không thể thấm vào tâm hồn họ ngay cả khi họ lắng nghe. Và điều này dẫn đến các loài chim săn mồi đến gắp đi, tức là họ đã bị thế tục hoá từ những thứ bận tâm của cuộc sống hiện đại. Kết quả là chúng ta bị đồng hoá với thế tục, cùng có lối suy nghĩ với những người đi qua con đường. Như vậy phần việc còn lại của người Ki-tô hữu là cần làm thế nào để cải tạo lại mảnh đất đó.
Mảnh đất thứ hai: rơi trên sỏi đá, tức là không có đất hoặc đất rất ít. Tức là có một lớp đất nhỏ trên tảng đá và hạt rơi xuống đó nảy mầm ngay lập tức nhưng không có đất để bén rễ. Đây chính là hình ảnh của những người rất nhiệt thành khi nghe Lời Chúa Giê-su nhưng rồi lại hời hợt và không còn giữ được Lời Chúa, những Lời của Chúa biến mất trong tâm trí họ như thể họ chưa từng được nghe. Đây giống như hành động của cảm xúc mà không có nền tảng của tình yêu dành cho Chúa. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể gia tăng thêm đất tốt để hạt mầm Tin Mừng có thể bám rễ sâu và đó cũng chính là thách đố đặt ra cho mỗi người Ki-tô hữu thời nay.
Mảnh đất thứ ba: “Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.”, những cây gai đại diện cho những cản trở và chống đối mà Lời Chúa gặp phải trong đời sống thường nhật. Đó là những lo lắng, những mối bận tâm cả những nỗi đau khổ và khó nhọc chúng ta phải hứng chịu từ thế gian này, và vì thế, hạt giống Tin Mừng không tạo ra hiệu qua gì trái lại chúng ta bị ngạt thở vì những cây gai này. Chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc sống hiện đại với những tiện nghi, những phát minh tân tiến, những vật chất hiện đại và những thành tựu khoa học vượt bậc… Đó chính là những mảnh đất đầy gai như vậy, nó che phủ chúng ta và ngăn cản ánh sáng của Lời Chúa chiếu tỏa trên chúng ta. Đây cũng là một thách đố cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, làm thế nào giữa mảnh đất này, chúng ta có thể loại bỏ những cây gai độc hại cản trở chúng ta tiếp cận được Tin Mừng.
Cuối cùng mảnh đất thứ tư: “Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”, tức là vùng đất tốt, vùng đất xinh đẹp, tựa như một trái tim xinh đẹp đón nhận Tin Mừng và sinh hoa trái dồi dào. Chính nơi đây Tin Mừng được đón nhận cách thận trọng và xác tín, hạt giống Tin Mừng được bén rễ sâu trong chính đời sống họ. Đó chính là thông điệp quan trọng của Lời Chúa mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta cần suy nghĩ và học theo cách đón nhận Tin Mừng của Chúa Giê-su
Như vậy, trên hết mỗi người Ki-tô hữu chúng ta có thực sự đón nhận Lời Chúa hay chưa và có sẵn sàng để cho Lời thẩm thấu vào bên trong tâm hồn ta, nền tảng đời sống của ta qua việc chuẩn bị tâm thế, tức là mảnh đất tốt hầu cho hạt giống Lời nảy mầm mạnh mẽ.
Cuối cùng, chúc quý ông bà và anh chị em luôn được Lời Chúa hướng dẫn và đồng hành trên hành trình tiến về quê trời.