Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM A

Kính thưa cộng đoàn ! Phụng vụ hôm nay cho chúng ta nghe một chuỗi ba dụ ngôn, được trình bày trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. Dụ ngôn “cây lúa và cỏ lùng” là dụ ngôn chính, và được Chúa Giê-su giải thích chi tiết cho các môn đệ. Cũng như Chúa nhật trước, những dụ ngôn được Chúa Giê-su giảng cho đám đông dân chúng, còn lời giải thích dụ ngôn, thì Người lại chỉ giải thích với các môn đệ, như một nhóm nhỏ những người thành tâm theo Chúa, và thiện chí thực thi lời Người dạy.

Trước khi tìm hiểu bài Tin Mừng, chúng ta cùng xem cỏ lùng mà Chúa Giê-su nhắc đến trong bài Tin Mừng ở thời đại của Ngài là gì. Cỏ lùng (nó có tên là zizania): Đây là một loại cỏ ăn bám, độc hại. Khắp vùng Trung Đông đầy loại cỏ này. Nó bị coi là một dạng thoái hóa, biến chất của lúa mì. Trong thân nó, có một thứ nấm thường tiết ra một chất độc. Nó rất khó nhổ vì rễ của nó thường mọc xen với rễ lúa. Dụ ngôn Cỏ lùng là một tấn kịch có hai cảnh. Cảnh thứ nhất diễn ra hai nhân vật và hành động đối lập: Trên cùng một mảnh đất, ông chủ và kẻ thù đã gieo hai loại giống khác nhau, lúa tốt và cỏ lùng là loại cỏ ăn hại. Cảnh thứ hai mở ra với sự can thiệp của các đầy tớ: Họ hỏi một câu hỏi thừa, là chẳng lẽ ông chủ lại không gieo giống tốt, mà như vậy thì do đâu có cỏ lùng. Câu hỏi không cần thiết, nhất là bởi vì họ không hỏi vì sao có quá nhiều cỏ lùng như thế. Có ai lại ngạc nhiên khi thấy trong một thửa ruộng xuất hiện thứ cỏ không thể tránh được?

Câu trả lời của ông chủ thật đáng ngạc nhiên. Ông biết rõ ràng là kẻ thù đã làm điều đó. Tuy nhiên, có kẻ thù nào lại có ý tưởng đó và lại có đủ hạt giống cỏ lùng mà gieo ngay trong đêm như thế! Nếu họ lén lút gặt lúa chín hoặc đốt cánh đồng, thì còn dễ hiểu hơn. Đàng khác, gợi ý của các đầy tớ là nhổ cỏ lùng cũng dễ hiểu, vì người ta vẫn làm như thế. Vậy mà ông chủ lại không đồng ý, ông bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Như thế, bài dụ ngôn không muốn mô tả cách làm ruộng thông thường. Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi đến cuối. Các thợ gặt, chứ không phải là các đầy tớ đã đến hỏi, trước tiên sẽ thu gom cỏ lùng, bó thành bó mà đốt đi.

Trở lại với bài Tin Mừng, Người chủ ruộng có tên là Giê-su đã gieo hạt giống tốt nơi lòng con người, nhưng kẻ xấu là ma quỷ lại lợi dụng lúc đêm tối để gieo hạt cỏ lùng. Hạt cỏ là mầm mống của dối trá và hận thù, đại diện cho các thế lực chống lại giáo huấn của Đức Giê-su. Cuộc sống này cứ thế là trôi đi, luôn hiện hữu người tốt và người xấu, như cây lúa và cỏ lùng. Nhiều người bức xúc trước khung cảnh này, và họ đã mong Chúa diệt hết những người xấu trên trần gian. Họ giống như người đầy tớ đến xin phép ông chủ để nhổ hết cỏ lùng trong ruộng lúa. Thực vậy, có anh nông dân nào mà lại không chịu khó đi xịt thuốc, hay đi nhổ, mà cứ để cho cỏ dại mọc xả láng trên đồng ruộng của mình.

Thật vậy, nếu nhìn ở một góc độ khác, chúng ta mới thấy được lòng nhân hậu và khoan dung của Thiên Chúa. Trong mỗi chúng ta, đều đang tồn tại đồng thời cây lúa và cây cỏ lùng. Nơi thâm tâm chúng ta, vừa có ánh sáng và bóng tối. Tâm hồn con người vừa cao cả vừa thấp hèn. Nếu muốn diệt hết những cây cỏ lùng, vô tình chúng ta mong Chúa tiêu diệt chính chúng ta, vì có những lúc chúng ta yếu đuối, khuyết điểm và còn nặng trĩu những đam mê. May thay, Chúa không xử như lời người đầy tớ yêu cầu, và nhờ đó, chúng ta vẫn sống, mặc dù đôi lúc chúng ta phạm tội. Chúa chờ đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được, nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân, vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha. Nếu phạt ngay những người tội lỗi, thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng những ông thánh, bà thánh đã từng có quá khứ không mấy tốt đẹp. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta có thể sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Vâng, Thiên Chúa vẫn nhân lành và kiên nhẫn, không chỉ với chúng ta, mà với tất cả mọi người, Người cho mưa xuống trên mọi người lành cũng như kẻ dữ. Người dạy chúng ta bài học kiên nhẫn với anh chị em và với chính mình. Người cho ta biết có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa, để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Người. Amen.

Thầy Giuse Nguyễn Văn Sơn, SSS

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.