Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15.8.2023)
Hôm nay Giáo hội cho chúng ta nhìn lại biến cố kết thúc cuộc sống trần thế của Mẹ Maria và hành trình tiến đến vinh quang nước trời của toàn bộ con người Đức Mẹ, tức là cả linh hồn và thân xác của Mẹ Maria. Chúng ta biết rằng các tác phẩm Tân Ước không cung cấp những thông tin trực tiếp về cái chết của Đức Mẹ, và Mẹ được nói đến trong Tin Mừng lần cuối cùng trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng mỗi người Ki-tô hữu chúng ta với niềm tin Ki-tô giáo vẫn luôn xác tín mạnh mẽ Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa đem lên trời cả hồn lẫn xác, tức là thân xác Mẹ không hư nát. Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định điều này dựa vào các truyền thống cổ xưa và cả các tác phẩm nguỵ thư, trên hết là tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII long trọng định tín vào năm 1950. Và chúng ta không lấy làm lạ vì các suy tư thần học khá rõ ràng của các giáo phụ ngay từ thế kỷ thứ tư và thứ năm đã nói về điều này.
Các bài đọc hôm này là một sự kết hợp hài hoà và tạo nên một vẻ đẹp giúp chúng ta có thể hiểu hơn về công trình cứu độ của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất trong sách Khải Huyền, tức là “mặc khải của Chúa Giê-su” như ngay chính lời tựa của sách. Và bắt đầu từ chính Chúa Giê-su, ý nghĩa của lịch sử và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải cho tất cả chúng ta. Bản văn cung cấp cho chúng ta bắt đầu từ câu cuối cùng của chương 11 với hình ảnh Hòm Giao Ước xuất hiện trong đền thờ của Thiên Chúa được mở ra trên trời. Chúng ta nhớ lại bài đọc đầu tiên của thánh lễ đêm Giáng Sinh, tức là lúc chúng ta cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su, ở đó nói về thời điểm vua Đa-vít chuyển Hòm Bia đến đền thờ Giê-ru-sa-lem và đặt nó trong đền thờ và như vậy hình ảnh Hòm Bia Giao Ước trong bài đọc 1 có lẽ là sự tiếp nối với thời điểm này. Hòm Bia Giao Ước chứa đựng các bảng Luật mà Thiên Chúa ban cho Mô-sê vào thời kỳ Xuất Hành, và sách Sử Biên Niên cho chúng ta biết qua lời vua Đa-vít, đó chính là bệ để Thiên Chúa đặt chân lên. Điều đó muốn nói lên điều gì thưa cộng đoàn, Chiếc Hòm rõ ràng không chứa đựng Thiên Chúa, nhưng diễn tả một cách tượng trưng mối liên hệ giữa Lời của Đức Chúa và Sự Hiện Diện của Người.
Tiếp theo, tác giả sách Khải Huyền nói về một người phụ nữ “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Đó là một hình ảnh giàu tính biểu tượng, và truyền thống Ki-tô giáo chúng ta xem đó là biểu tượng của biến cố Đức Mẹ được đưa lên trời, nhưng rõ ràng chúng ta thấy hình ảnh người phụ nữ này tại thời điểm tác giả viết sách Khải Huyền vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự rõ ràng. Như chúng ta thấy trong sách ngôn sứ I-sai-a, dân Ít-ra-en cũng được gọi là thiếu nữ Si-on và được “Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả” (Is 60,1), hay hình ảnh người đàn bà xuất hiện như “rạng đông” (Dc 6,10), hay là hình ảnh người đàn bà chuyển dạ “Trước thời chuyển dạ, nó đã sinh con, trước cơn đau, nó đã cho con trai chào đời” (Is 66,7).
Còn một hình ảnh nữa đó là con Mãng Xà, “đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. 4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà”. Chúng ta nên hiểu thị kiến này như thế nào thưa cộng đoàn? Đó có thể xem là hình ảnh của sự dữ, các thế lực của Sa-tan như hình ảnh con Mãng Xà có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện như những hoàng đế của thế gian đang bách hại các Ki-tô hữu thời đầu, tức là luôn chống phá Giáo hội của Chúa Ki-tô.[1] Do đó mà hình ảnh người phụ nữ mình khoác mặc trời ở trên cũng được các Giáo Phụ hiểu rằng đó chính là hình ảnh Giáo hội được Chúa Ki-tô sinh ra và có Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội đứng dưới chân thánh giá. Nếu chúng ta hiểu theo chiều hướng này thì hình ảnh người đàn bà mang thai, “đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” chính là sự biểu thị ngày cả trong thời điểm bị bắt bớ dữ dội nhất, tức là thời đầu của các Ki-tô hữu, Giáo hội vẫn không ngừng sinh ra con cái cho Chúa Kitô dù cho gặp nhiều khó khăn cản trở sứ mệnh loan báo Tin Mừng Chúa Ki-tô phục sinh trên khắp cùng cõi đất. [2]
Tuy nhiên có một chi tiết rất quan trọng trong bản văn Khải Huyền này với một vai trò chính yếu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đó chính là hình ảnh đứa trẻ được sinh ra và “được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người”, là người “dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân”. Bản văn rất ngắn ngọn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đó chính là sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a, đến mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su Ki-tô, đến sự hoàn trọn sứ vụ của Ngài ở thế gian là Mầu Nhiệm Vượt Qua và cuộc chiến thắng vinh quang một cách dứt khoát với sự dữ và sự chết cuối cùng là biến cố Thăng Thiên, Ngài được Thiên Chúa Cha đưa lên trời. Đây có lẽ là lý do bản văn kết thúc với bài thánh thi ngợi khen Thiên Chúa vì công trình cứu độ được hoàn trọn nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Còn người phụ nữ, chúng ta nghe: “Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc ; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở”, tức là người phụ nữ cũng được bảo vệ và được cứu độ và điều này khiến chúng ta nghĩ đến Đức Ma-ri-a cũng được mặc lấy vinh quang Phục Sinh của Con Mẹ, được bao bọc trong ánh sáng mặt trời và được sống lại giữa các vì sao trên trời.
Tiếp nối suy tư này chính là thư gửi tín hữu Cô-rin-tô trong bài đọc 2 cho chúng ta thấy chính biến cố Mẹ Ma-ri-a được rước lên trời là sự hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Ki-tô phục sinh chính là hoa trái đầu tiên, tiếp đến là những ai tin nhận Ngài cũng sẽ nhận được sự sống, và ngang quan Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô mà chúng ta hiểu được tín điều Mẹ Ma-ri-a hồn xác lên trời cũng được xem như là biến cố vượt qua của Mẹ bởi vì Mẹ chính là người đầu tiên trong số những kẻ tin được phục sinh cùng với Chúa Ki-tô phục sinh. Như vậy, cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng có thể nhận được một dấu chỉ chắc chắn về niềm an ủi và niềm cậy trông vững vàng cứu cánh của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta và của cả Giáo Hội chính là vinh quang phục sinh được tháp nhập vào sự phục sinh của Chúa Ki-tô, tức là sự phục sinh của toàn bộ con người chúng ta, cả hồn lẫn xác.
Cuối cùng bản văn Tin Mừng hôm nay cũng được dùng trong Lễ Truyền Tin. Điều đó muốn nói lên rằng biến cố Đức Mẹ Hồn Xác lên trời và biến cố truyền tin có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tại sao vậy? Đức Ma-ri-a đã cưu mang Con Thiên Chúa nhưng Mẹ không giữ cho riêng mình, Mẹ đã trao cho người khác, trao cho tất cả mọi người niềm vui cứu độ. Có Chúa Gie-su trong lòng, Mẹ “vội vã” lên đường thăm viếng và giúp đỡ cho người chị họ đã luống tuổi là bà Ê-li-sa-bét. Chúng ta hiểu được sự “vội vã” này của Mẹ khi nhìn vào hình ảnh của một Giáo hội luôn được Chúa Thánh Thần thôi thúc ra đi với tất cả mọi người.
Trở lại Hòm Bia Giao Ước, chúng ta có thể xem Mẹ Ma-ri-a trong biến cố viếng thăm này là hình ảnh của Hòm Bia thực sự chứa đựng Ngôi Lời, tức là Lời của Đức Chúa và thực sự mang sự hiện diện của Chúa đến cho mọi người. Do đó bài ca “Ngợi Khen” của Mẹ Ma-ri-a trong đó chứa đựng lời hứa cứu độ của Đức Chúa qua miệng các vị thánh ngôn sứ đã trở thành hiện thực khiến cho hai người phụ nữ hết sức kinh ngạc khi chiếm ngắm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su và tâm hôn họ đầy tràn Thánh Thần, ngoài ra còn có một niềm hân hoan phi thường được diễn tả qua việc hài nhi Gio-an Tẩy Giả nhảy lên vui mừng. Vì thế nó trở thành bài ca “Ngợi Khen” của cả Giáo hội.
Mẹ được Thiên Chúa rước lên trời nhưng Mẹ không xa rồi con cái cảu Mẹ, trái lại Mẹ gần gũi với chúng ta hơn bao giờ hết. Sứ vụ của Mẹ là mang Chúa Giê-su đến với con người và mang con người đến với Chúa Giê-su, chúng ta có thể nói như vậy. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ, gia tăng ơn đức tin cho mỗi người chúng ta, để mỗi ngày chúng ta cất cao bài ca Manificat với một niềm xác tín chắc chắn vào lời hứa và công trình cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa là ngày sau chúng ta cũng được hưởng vinh quang muôn đời trên Thiên Đàng.
Lm. Phaolô Nguyễn Hồ Hữu Thành, SSS
[1] X. George Leo Haydock, Haydock’s Catholic Bible Commentary, Edward Dunigan and Brother, New York 1859, Kh 12,3.
[2] X. Sđd. Kh 12,2.