LỄ HIỂN LINH

LỄ HIỂN LINH

1. Vương quyền của Đấng Cứu Độ

Câu hỏi do các Đạo sĩ đặt ra: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt chính là điểm xuất phát cho bài suy niệm của cha Eymard với chủ đề về vương quyền của Đức Giê-su. Đức Giê- su là Vua trong sự khiêm hạ của Bê-lem, trong cuộc khổ nạn, trên thập giá, trong Thánh Thể, nơi mà Người tiếp tục cai trị cõi lòng con người.

“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu” (Mt 2,2).

Bê-lem thu hút mọi sự chú ý vào ngày lễ này. Việc ra đời của Đấng Mê-si-a đặt Bê- lem lên trên mọi thành phố chính của Giu- đa. Chuồng ngựa trở thành tâm điểm của đất trời. Trên thiên đình, các thiên thần loan báo Chúa hài nhi, và ca hát tôn vinh Người, khi các ngài đến để dâng cho Người bảo vật của mình và thờ lạy Người. Với lòng yêu mến, Cha trên trời chiêm ngắm Ngôi Lời mặc lấy xác phàm vì yêu thương con người. Hết thảy các thánh triều bái Đấng Emmanuel ngang qua Đức Maria và thánh cả Giuse. Dân chúng triều bái Người ngang qua các mục đồng may phước. Sau này, các vua chúa đã đến cùng với hết thảy mọi vẻ rạng ngời nơi phẩm vị của họ, để đặt cả vương miện và ngôi vị của mình dưới chân Đức Vua cao cả. Hôm nay, chuồng ngựa của hoàng gia vẫn còn được tán dương bởi lòng tôn kính của muôn dân và vua chúa- nó chính là chiếc nôi linh thiêng của Đấng Mê-si-a.

Thế nhưng, hỡi anh em của tôi ơi, vì sao thiên thần lại loan báo Đấng Mê-si-a là Đấng Cứu Độ cho các mục đồng biết? Và ngôn sứ đã loan báo cho Dân Ngoại biết Người là Đức Vua? Thiên thần loan báo Đấng Cứu Độ vì Người phải bắt đầu bằng việc chữa lành dân tộc nghèo hèn. Ngôi sao loan báo vương quyền của Người vì khắp muôn dân và qua muôn nước, Người sẽ cai trị trên toàn cõi đất. Dân Do Thái sẽ đóng đinh Người, và Dân Ngoại rao truyền Người là vua của họ, và phụng sự Người. Chúng ta hãy gìn giữ vai trò đặc biệt của mình, hỡi anh em của tôi, Đức Giê-su Ki-tô chính là Đức vua, Người là Vua của chúng ta, và chúng ta hãy luôn trung thành với Người.

Vương quyền của Đức Giê-su Ki-tô là gì? Người thiết lập vương quyền ấy trên trần gian này như thế nào? Nơi cột tháp Vatican, chúng ta đọc thấy: Đức Ki-tô chiến thắng, Đức Ki-tô cai trị, Đức Ki-tô ra lệnh; nó loan báo vương quyền; thánh Âu-tinh đã nói như vậy.

Đức Ki-tô chiến thắng

Đấng Cứu Độ chính là một vị vua chiến đấu- trong chuồng ngựa-, khải thắng trên đồi Can-vê và cai trị nhờ Thánh Thể. Đức Ki-tô chiến thắng:

1. Vương quyền của Người được Ba vua loan báo, tại trung tâm của thủ đô Giu- đê-a; trước cả vua Hê-rô-đê, kẻ cướp ngôi. Vương quyền ấy được các tầng trời loan báo- ngôi sao, thẩm quyền của Đức Giáo hoàng lập lại lời tiên báo của ngôn sứ Mikha, và nhờ lời loan báo của Ba nhà Đạo sĩ.

2. Vương quyền của Đấng Cứu Độ được thánh hiến nhờ việc thờ lạy của Ba nhà Đạo sĩ, nhờ bảo vật của họ, và nhờ sắc chỉ của Hê-rô-đê là kẻ kết án Người phải chết, làm dấy lên một cuộc chiến cạnh tranh.

Những đặc tính của vương quyền này:

  • Nó trái ngược với vương quyền của các vị vua khác,
  • Đối với họ: lộng lẫy, vinh quang- còn ở đây thì: thấp hèn,
  • Đối với họ: quyền lực- còn ở đây thì: yếu ớt,
  • Đối với họ: giàu sang- còn ở đây thì: nghèo khó,
  • Đối với họ: những cung điện lớn- còn ở đây thì: chỉ là một chuồng ngựa,
  • Đối với họ: triều đình nguy nga- còn ở đây thì: hai con vật, một vài người qua lại,
  • Đối với họ: quân đội, thuộc hạ- còn ở đây thì: chẳng có gì sốt.

Sự chọn lựa tự do của Đấng Cứu Độ cho vương quyền này- Heraclius mang thập giá. Đấu tranh chống lại người khác, chiến thắng trước kẻ khác: Đức Ki-tô chiến thắng.

Nghèo khó tự nguyện, tinh thần khiêm nhu, dịu dàng và kiên nhẫn: đây là binh lính của Người.

Đức Ki-tô cai trị

Vương quyền khải thắng

Ba nhà Đạo sĩ đã nhận ra một nhân phẩm, chứ không phải một vị vua hoạt động: Ngài chưa đủ lớn để [...]

Đức Giê-su Ki-tô, ở tuổi 33, sẽ tiến hành một cuộc chiến vĩ đại chống lại các hoàng tử của thế gian này [Ep 6,12]. Chiến trường chính là Giê-ru-sa-lem, thành đô đầu tiên, di sản của cha ông Người. Trên thập giá, mọi người tuyên xưng Người là Vua, thống đốc Rô-ma, một người tội lỗi [?], tiếp đến là tên trộm, viên sĩ quan, toàn thể dân chúng [?]. Chính nơi đó, Đa-vít[1] đã giành chiến thắng bằng lưỡi gươm vinh hiển của mình, nơi đó Người đã xóa bỏ mọi chiến tích của Hoàng tử bóng đêm, Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng [Cl 2,15], nơi đó Người đã cai trị đế quốc của mình, đồi Can-vê sẽ là ngai tòa của Người, nơi đó Người sẽ ra một vài mệnh lệnh: tha thứ cho họ [x. Lc 23,34] - Hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với tôi [Lc 23,43]- nơi đây Người sẽ xét xử muôn dân. Người đã rời khỏi thập giá; được vun trồng, nó chính là lưỡi đòng, là lá cờ, là chiến thắng.

Đức Ki-tô truyền lệnh

Chính nhờ Thánh Thể mà Người ngự trị và cai trị mọi thần dân của Người. Nhờ Thánh Thể, Người sẽ ngự trị nơi hết thảy mọi người trong thế gian; Người có một ngôi nhà, một cung điện ở ngay chính giữa: Đây là nơi cư ngụ của Thiên Chúa [Kh 21,3]

- Người đón nhận lòng thần phục suy tôn của mọi người, của các vua chúa và thần dân. - Người là Vua của các vua, là cha của muôn dân nước. Và khi Người xuất hiện công khai, vua chúa trần gian sẽ xuống khỏi chiến mã của mình hoặc ra khỏi chiến xa, để chào đón Người đang bước đi trên đường hoặc cùng đồng hành với Người, như các tôi tớ vậy. Và khi Đức Giê-su Ki-tô đi ngang qua, quân đội sẽ dừng lại, phủ phục sát đất, xòe tay ra, và để cờ của mình xuống đất[2].

- Và khi Đức Giê-su Ki-tô được đặt trên ngai tòa uy nghi của Người, sẽ không có chức sắc nào khác đi trước Người, không còn sự tôn kính nào khác, dầu họ là Giáo hoàng hay Vua chúa, giám mục hay linh mục, mà hết thảy chỉ là những kẻ tôn thờ mà thôi. Chính các thánh cũng không có quyền ở trên bàn thờ, nơi Chúa chúng ta ngự trị. Và thậm chí, hình ảnh của các thánh cũng phải được che đi. - Vì sao vậy? Khi Đức Vua ngự trên ngai tòa của Người, sẽ chỉ có các tôi tớ mà thôi.

- Nơi Thánh Thể, Đức Giê-su thể hiện địa vị hoàng tộc của mình vì bản thân Người và cho chính Người. Nếu Người cho phép các vua chúa thể hiện quyền bính hoàng tộc của mình, địa vị của mình, trong Giáo hội có sứ mạng rao truyền chân lý và vương quyền của chân lý, thì chính Đức Giê-su Thánh Thể sẽ xứng đáng với vương quyền của tình yêu; Người không trao vương quyền ấy cho ai cả; Người không san sẻ vương quyền ấy với ai cả. Tình yêu là duy nhất- nó ngự trị nhờ Thánh Thể:

- trong tâm trí mà Người khai sáng,

- trong tâm hồn Người phủ lấp,

- trong thân thể mà Người biến thành đền thờ của Người,

- trên cuộc đời mà Người biến thành sự tiếp nối vinh quang của Người.

Người đã giữ ba điều cho chính mình:

- ân sủng của Người, Người luôn muốn trở thành nguồn mạch của ân sủng ấy;

- tình yêu của chính Người;

- sự thánh hiến họ nhờ chính Người- việc giáo dục.

Giờ đây, Đức Giê-su Ki-tô chỉ thực sự ngự trị qua Thánh Thể mà thôi: một sự ngự trị cá vị, một sự ngự trị phổ quát, và một sự ngự trị tuyệt đối.

Nếu loại bỏ Thánh Thể, vua chúa sẽ không còn có thể trao đổi với thần dân của mình nữa, không còn nhận được lòng thần phục suy tôn của thần dân nữa, hay không còn có thể thông hiệp với thần dân của mình nữa.

Nếu loại bỏ Thánh Thể, tôn giáo sẽ có một ánh sáng để chỉ cho anh chị em biết sự thật, một thập tự để thánh hóa anh chị em, và một lời cầu nguyện để trợ giúp anh chị em, song nó sẽ không còn trái tim, hay không còn bất kỳ niềm vui nào, và cách riêng là không còn sự sống nữa.

Hãy lưu tâm đến những người không có, hay không còn tham dự Thánh lễ nữa, hãy lưu tâm đến những ai không tôn kính [hay] không còn rước Thánh Thể nữa: như mặt trời đang lặn trên đại dương đầy dông tố, như cơn giá lạnh đang xâm chiếm từng bộ phận sống còn của nhân đức, của niềm tin, như một dân không có vua, một gia đình không có người cha.

Và điều gì sẽ xảy ra cho những lễ kính của chúng ta nếu không có Thánh Thể? Chỉ là một sự tưởng nhớ thiếu sức sống. Niềm vui nào chúng ta có thể nhận được từ Đức Giê-su Ki-tô? Ai lại muốn ở lại thế gian này mà không có Đức Chúa và Thiên Chúa của mình cơ chứ ?

Lòng thần phục suy tôn mà anh chị em mắc nợ Người: đó là lòng thần phục suy tôn của các Đạo Sĩ. Hãy đi và tìm gặp Người, hãy thờ lạy Người, và dâng kính Người lòng thần phục suy tôn.

 

Rôma, ngày 25 tháng 12 năm 1858 (PG 225,1-4)

2. Niềm vui và hạnh phúc của các Đạo sĩ

Niềm vui của các Đạo sĩ khi lại nhìn thấy ngôi sao xuất hiện thật lớn lao: niềm hạnh phúc của họ thật lớn lao khi họ thấy và thờ lạy Hài Nhi ở Bê-lem. Cha Eymard nhớ lại cũng chính niềm vui ấy trong ngày ngài chịu Lễ Lần đầu, và nhớ lại cũng chính niềm hạnh phúc ấy khi biết và tôn thờ Đức Chúa, là Đấng đang hiện diện nơi Thánh Thể.

“Chúng tôi đã thấy ngôi sao xuất hiện bên phương đông và chúng tôi đến triều bái Người" (Mt 2,2).

Thiên Chúa chỉ thử thách để có thể ân thưởng nhiều hơn mà thôi. Hãy để ý đến lòng trung tín của tổ phụ Áp-ra-ham: Hãy ngước mắt lên và hãy nhìn xem [St 13,14]. Thiên Chúa bắt đầu ban thưởng ngay tại trần gian này. Hãy lắng nghe các vị Đạo sĩ.

Niềm vui của các Đạo sĩ

Họ đã phải chịu khổ đau khi đến đất Israel, ngôi sao sáng đã biến mất_ nó đã phải âm thầm lặng lẽ trước lề luật và các ngôn sứ. Thế nhưng, khi ba Đạo sĩ nhận được câu trả lời từ các thượng tế, họ đã đến Bê-lem, họ phớt lờ đi những chậm trễ do những khó khăn gây ra [thánh Am- brô-si-ô], nhưng họ vừa rời khỏi Giê-ru- sa-lem như lời thiên thần loan báo, thì ngôi sao lạ lại xuất hiện và đi trước họ, như cột lửa trước đây trong sa mạc [x. Xh 13,21 -22]. Bấy giờ, Tin Mừng kể rằng các Đạo sĩ tràn ngập niềm vui- khi thấy ngôi sao [Mt 2,10]- vì sao lại là niềm vui lớn lao? Vì, nó chứng thực cho lề luật, một dấu chỉ chào đón của Thiên Chúa, nó nói với họ rằng họ đang đi đến nơi cư ngụ cao sang của Vua uy linh.

Niềm vui làm nẩy mầm nỗi khát mong tình mến nồng cháy; Giáo hội nói rằng: các Đạo sĩ không còn đi nữa, nhưng họ bắt đầu chạy đến hôn lễ hoàng gia của Ngôi Lời Nhập Thể[3]; không gì có thể làm họ rối trí hay ngăn cản họ; ý nghĩ duy nhất của họ chính là vẻ uy nghi của Bê-lem.

Niềm vui làm nẩy mầm lòng yêu mến sự thật nơi một tâm hồn đơn sơ và trinh khiết, giống như sự chứng thực thâm sâu và mạnh mẽ về sự tốt lành của tâm hồn ấy. Niềm vui của một đứa trẻ được nghe lời quả quyết: “Vào Chúa Nhật, con sẽ được Rước Lễ Lần đầu” thật đáng yêu làm sao, quả là một tin mừng! Tâm hồn ấy bắt đầu đếm từng ngày từng giờ. Đó chính là Bê-lem của tâm hồn ấy. Thật vui sướng làm sao cho một tâm hồn thống hối, khi mà sau sự chờ đợi lâu dài và khó khăn, nó đã được kêu mời tới hôn lễ của Thánh Thể! Ai có thể tả hết được niềm vui khôn siết kể của hiền thê của Đấng Cứu Độ, của tâm hồn đang bừng cháy tình mến thánh thiêng! Khi nó nghe được những lời của Mác-ta nói với Maria: Thầy đến rồi, Thầy gọi em đó [Ga 11,28]! Ôi! Cô đã bỏ lại mọi thứ, cô chỉ có một ý nghĩ, một khát mong, một niềm say mê cao quý, đó là được gặp Chúa của mình mà thôi! Thậm chí, tôi có thể nói rằng đôi lúc niềm vui của việc tham dự thì lớn lao hơn cả niềm hạnh phúc được sở hữu. Hỡi anh em của tôi, anh em đã cảm nhận được niềm vui đó, nó chính là ngôi sao của Đấng Cứu Độ! Hãy hy vọng, và hãy mến yêu.

Niềm vui khi tìm thấy Chúa Giê-su

Phần thưởng tuyệt diệu thứ hai mà thánh sử Mát-thêu miêu tả chính là: các Đạo sĩ đã gặp được Chúa Hài Nhi cùng với Đức Maria, Mẹ Người: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a [Mt 2,11]. Hãy chú ý, hỡi anh em của tôi, rằng thánh sử không nói: “Họ đã thấy, họ đã nhận ra sự thật, và họ đã tin”, không phải thế, điều đó tốt cho niềm tin hay nao núng của các mục đồng, nhưng: “Họ đã thấy Chúa hài nhi”, nghĩa là, hỡi anh em của tôi, lúc niềm tin, giống như ngôi sao, dừng lại trước cửa, thì lòng mến đi đúng hướng với mọi niềm hạnh phúc của nó. Lòng mến tìm kiếm, nhưng nó không suy luận, nó chịu đau khổ vì chờ đợi, nhưng nó chỉ trở nên mãnh liệt hơn mà thôi; và, sau bao nhiêu nước mắt, sau bao nhiêu khổ đau, và bao nhiêu hy sinh, lòng mến khám phá ra tâm hồn được yêu mến, Ôi! Vậy thì, nó chính là dòng nước chảy siết, nó chính là luồng sáng phát ra từ sự va chạm, nó chính là sự âu yếm và những giọt nước mắt vui sướng của người cha tìm lại được đứa con đi hoang [x. Lc 15,22], nó chính là niềm vui của Mác-đa-la tại ngôi mộ, khi nghe được tiếng nói ngọt ngào và dịu dàng phát ra từ con tim của Chúa Giê-su: Maria!- và tình yêu đã phủ phục dưới chân của người làm vườn, dang rộng cánh tay tràn ngập vui sướng, và lấy hết sức để nói: Rabboni! [x. Ga 20,16].

Và thậm chí còn lớn lao hơn, đây chính là niềm hạnh phúc của các Đạo sĩ khi tìm được Vua thiên đình. Mắt họ chỉ thấy một trẻ thơ nghèo hèn, nhưng ánh sáng đức tin của họ, tăng trưởng cùng với đức mến của họ, đã có thể nhìn xuyên qua thân xác, để thấy linh hồn và thần tính của Người, và họ đã hiểu mầu nhiệm không thể diễn tả nổi về sự hạ sinh của Người, và việc Người chọn lựa sự khó nghèo và đau khổ. Họ đã hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và dưới sức nặng của bao vẻ quyến rũ ẩn dưới những khăn tã của trẻ thơ, của bao vinh quang bị che khuất dưới vẻ yếu ớt của thân hình nhỏ bé, của bao quyền lực bị cột chặt bởi băng vải là sự yếu ớt của Người, họ đã phủ phục với lòng tôn kính và ngưỡng mộ trước máng cỏ thần linh này, họ đã thờ lạy Người là Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa của họ.

Ôi! Thiên đàng đã phải sửng sốt chừng nào, con tim của Đức Maria đã được an ủi dường nào, và Chúa hài nhi đã vui sướng dường nào! Ôi, trẻ thơ này đang nằm ngủ nơi máng cỏ.

Thánh sử không nói là các Đạo sĩ đã quỳ như thế trong bao lâu, những lời bày tỏ sự ngưỡng mộ và tán dương của họ, những giọt nước mắt vui sướng của họ khi ở trước máng cỏ, cùng với niềm vui khi thấy Mẹ thánh Người, lắng nghe những lời khôn ngoan của Mẹ do vị thánh sử này thuật lại liên quan đến Tin Mừng tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể. Tình yêu có thể đoán và cảm, thế nhưng nó thiếu ngôn từ. Ôi! Các Đạo sĩ ắt hẳn đã phải chúc tụng cái ngày mà ngôi sao dẫn họ tới đây, ngày họ bỏ tất cả mọi sự… và quên đi những nỗi khổ đau cùng những nỗi hổ nhục của chuyến hành trình! Giờ đây, họ đã chiếm đoạt được gia tài cao quý. Chẳng ngạc nhiên lắm sao khi họ dâng cho Người các bảo vật của mình? Khi tình yêu là tối thượng, thì nó trao ban tất cả; khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta sẽ trao hiến chính mình, - nhưng có một điều cần cho đi, đó là sự tiếp nối của niềm hạnh phúc, nó là một niềm vui mới! Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến [Mt 2,11].

Hỡi anh em của tôi ơi! Anh em phải thường xuyên chia sẻ niềm hạnh phúc của các Đạo sĩ nhé! Anh em là những người biết nhà tạm, nơi Người cư ngụ, anh em là những người có được bí mật về tình trạng mầu nhiệm của người nơi Bí tích tình yêu! Hỡi tâm hồn Thánh Thể, chẳng đúng sao khi Sách Gương phúc nói rằng: Ngài năng viếng thăm người nội tâm, thân mật truyện vãn với họ, yên ủi họ, ban đầy bình an và đãi ngộ họ bằng một tình thân ái kỳ diệu. [Gương phúc, quyển 2, chương 1, câu 7]

Những giây phút tuyệt vời sẽ qua mau, giống như những tia sáng trên núi Tabor, chúng ta sẽ quên mọi thứ khác, có đúng thế không?, chúng ta không khát mong chi, ngoài thiên đàng! Chúng ta chiếm đoạt nó. Chúng con ở đây thật là hay [Mt 17,4]

Phúc thay tâm hồn yêu mến khi nó gặp được Chúa Giê-su cùng với Đức Maria, thân mẫu Người! Chính Da-kêu đã say sưa cùng với niềm vui, và mừng rỡ đón rước Người [Lc 19,6]; chính Ê-li-sa-bét và người con trong bụng bà đã đón nhận cuộc viếng thăm của Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ thánh Người, đứa con trong bụng nhảy lên [Lc 1,41]! Chúng ta hãy nói nhiều hơn thế- đó là việc Hiệp Lễ- Hài nhi của Bê-lem là Đấng đến sống trong tâm hồn chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người và để nhận những quà tặng của chúng ta; anh em biết những người mà Người yêu mến, những người mà Người khát mong, anh em biết rằng Người đang nói với anh em, hỡi anh em của tôi. (PG 246,1.4-5)

3. Niềm tin của các Đạo Sĩ

Vào năm 1865, cha Eymard cử hành Lễ Giáng Sinh tại Rô-ma. Ngài ước ao lập một cộng đoàn ở Giê-ru-sa-lem và thậm chí là tìm cách có được Phòng Tiệc Ly. Ngài muốn đệ trình dự án của mình lên ĐTC. Vào ngày 10 tháng Giêng, suốt tuần Bát Nhật Lễ Hiển Linh, ngài được mời giảng tại nhà thờ thánh An-rê della Valle. Trong bản văn dài này, ngài nói đến niềm tin của các vị Đạo sĩ, những thách đố đang bao trùm họ, về tình yêu mà họ dành cho Hài Nhi Giê-su, về việc dâng những lễ vật cũng như việc thờ lạy của họ. Mẫu gương của họ thúc đẩy chúng ta hãy có cùng một Niềm Tin và cùng một lòng mến dành cho Đức Ki-tô nơi Thánh Thể.

“Liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11).

Lễ Hiển Linh chính là ngày lễ quan trọng của chúng ta, thưa anh em, giống như các mục đồng, chúng ta được mời đến chiêm ngưỡng sự chào đời của Đấng Emmanuel, nếu không do các thiên thần loan báo, thì chí ít là qua một điềm lạ trên trời.

Hãy đến Bê-lem, và này, chúng ta nhìn thấy ba con người thuộc Dân Ngoại, họ là những anh cả của chúng ta về đức tin, họ là ba người đàn ông vĩ đại của trần gian này, ba vị Đạo Sĩ, thông minh và là các vị quân vương. Bên Phương Đông, họ đã nhìn thấy một ngôi sao lấp lánh cho biết Người đã chào đời, họ đã bỏ mọi sự để lên đường tìm kiếm đức Đại vương, đã được tiên đoán và loan báo, là Đấng sẽ cai trị Israel, dân Người; họ đi thẳng đến Giê-ru- sa-lem để dò hỏi tin tức về Người, thế nhưng chính Bê-lem, thành của vua Đa- vít, mới là nơi xuất thân của Người, theo như lời của ngôn sứ Mi-kha; và tại đó, họ vui sướng lên đường đến thành đô_ ngôi sao lại dẫn họ đến hang súc vật, đã trở thành cung điện của Thiên Chúa Cứu Độ.

Và ngay khi bước vào chốn nương náu hèn mọn này, họ gặp được Chúa Hài Nhi, cùng với Mẹ Maria, thân mẫu Người, và họ phủ phục sát đất, họ thờ lạy Người, và mở bảo tráp của mình ra, với lòng thần phục suy tôn, họ dâng lên Người niềm tin của họ, vàng, mộc dược và nhũ hương. Vàng tượng trưng cho vương quyền tối cao của Người; mộc dược tượng trưng cho phẩm vị Đấng Cứu Độ của Người; và nhũ hương, thì dành cho Thiên Chúa.

Anh em của tôi ơi, đó là vinh quang của chúng ta: Các Đạo sĩ đang thờ lạy! Họ bắt đầu ở máng cỏ, đây là điều chúng ta phải tiếp tục trước Nhà Tạm. Chúng ta hãy học hỏi những đặc tính thờ lạy của họ, hầu chúng ta có thể dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể cùng một lòng thần phục suy tôn như ba vị vua trung thành ấy đã dâng lên Chúa Giê-su mặc lấy thân xác loài người.

Việc thờ lạy của các vị vua chính là một lòng thần phục suy tôn của đức tin và đức mến dành cho Ngôi Lời Nhập Thể

Lòng thần phục suy tôn của niềm tin

Niềm tin của các Đạo Sĩ tùy thuộc hai thử thách ghê gớm, và họ đã chinh phục được chúng: sự thinh lặng của Giê-ru-sa-lem, và sự hổ nhục của Bê-lem.

Thử thách của sự thinh lặng

Là những người thông thái, các vị khách quân vương đã đến thẳng thủ đô của Giu- đê-a. Họ mong thấy cả thành phố mừng lễ hội, và mọi người đều hân hoan vui sướng. Ây thế nhưng, thật ngạc nhiên làm sao! Giê-ru-sa-lem chẳng có động tĩnh gì. Không có gì cho biết tin mừng trọng đại này. Phải chăng họ đã lầm? Nếu đức đại vương hạ sinh, thì mọi thứ phải loan báo về việc Người hạ sinh chứ. Họ đã chẳng trở thành đối tượng của sự nhạo báng, và có lẽ là bị sỉ nhục, nếu họ loan tin về mục đích của cuộc viếng thăm của mình?

Kiểu diễn đạt này sẽ là khôn ngoan theo cái nhìn của sự khôn ngoan nơi người phàm, thế nhưng lại không xứng hợp với niềm tin của họ. Họ đã tin, và họ đã đến. Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra, hiện ở đâu? Họ đã kêu gào lên giữa thành Giê- ru-sa-lem, trước cung điện của vua Hê-rô- đê và trước mặt dân chúng đang chứng kiến quang cảnh đầy bất ngờ của ba vị vua với đoàn tùy tùng lộng lẫy theo sau. Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Người hiện ở đâu? Vua phải biết, vì vua, và dân của Người, đều là con cháu tổ phụ Gia-cóp [x. Mt 2,2].

Dân chúng đang giữ một sự thinh lặng ảm đạm, họ không nghe nói về tin mừng trọng đại này, nhưng cụ thể là họ sợ vua Hê-rô-đê. Hê-rô-đê cũng lo sợ đối thủ cạnh tranh mới này. Theo lệnh của vua, những nhà thông Luật, là những người giải thích các sách ngôn sứ, các tư tế và các vị tiến sĩ đã được triệu tập. Họ trả lời dựa trên lời tiên tri của ngôn sứ Mi-kha: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Với câu trả lời ấy, vua Hê-rô-đê đã vời các vị vua từ phương xa đến, để trao cho họ giáo huấn của vị ngôn sứ, và nói với họ rằng ông sẽ đến thờ lạy Người sau họ.

Vì vậy, sau khi được chỉ dẫn nhờ lời khuyên của các tư tế và triều đình, họ đã khởi hành đến Bê-lem, chỉ mình họ mà thôi: không ai dám đồng hành với họ cả. Cả thành vẫn còn thờ ơ lãnh đạm; chính vị tư tế thuộc dòng họ Lê-vi cũng chờ đợi, giống như vua Hê-rô-đê vậy.

Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho họ: họ đã tuyên xưng niềm tin của mình, Người biết rõ cách để an ủi họ, Người làm điều ấy qua khải thị của ngôi sao lạ bị che khuất tại vùng đất của Ít-ra-en. Và họ vui mừng khi nhìn thấy ngôi sao ấy: Khi nhìn thấy ngôi sao, họ vô cùng vui mừng [Mt 2,10]. Đây là cuộc thử luyện đầu tiên dành cho niềm tin của các Đạo Sĩ.

Sự thinh lặng của thế gian, đây là sự thử luyện lớn lao về niềm tin vào Thánh Thể. Anh em của tôi hỡi, hãy tin rằng ba vị khách nước ngoài quý phái này, sau khi nghe biết Đức Giê-su Ki-tô đang đích thân sống giữa các tín hữu Công giáo nơi tình trạng bí tích, và sau khi nghe biết là những con người may mắn này đã có lòng tôn kính đặc biệt và không thể diễn tả nổi để chiếm được ngôi vị của Vua trời đất, là Đấng Tạo Thành và Cứu Độ thế gian, tắt một lời, là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và nghe biết là những con người này được sinh động nhờ lòng khát khao muốn gặp Người và dâng cho Người lòng thần phục suy tôn của họ, đã đến tận Ân Độ hoặc Nhật Bản, để tìm kiếm Người giữa chúng ta, một trong những thành phố lớn ở Âu Châu, trong chính đất nước chúng ta, thưa anh em, chẳng lẽ họ lại không chứng kiến sự thử thách giống như các Đạo Sĩ hay sao?

Tại các thành phố Công giáo của chúng ta bên nước Pháp, điều gì tỏ lộ sự hiện diện thần linh của Đức Giê-su Ki-tô? Thưa, chẳng có gì cả. Các sứ giả của Ba Tư và Nhật Bản đã đến thăm Paris và nước Pháp_ vào năm 1864, dĩ nhiên chẳng có gì gợi lên nơi họ ý tưởng cho biết chúng ta đang sở hữu Đức Giê-su Ki-tô cả, cũng như cho biết Người đang ngự giữa chúng ta. Đó là vụ xì-căng-đan dành cho các khách ngoại kiều. Đó là vụ xì-căng-đan dành cho những người yếu thế. Họ nói: khoa học ngày nay không tin vào Đức Giê-su Ki-tô, vào Thánh Thể; những người quan trọng không thờ lạy Người, không dâng cho Người bất kể lòng thần phục suy tôn nào. Thế nên, điều đó không đúng; Người đã không hạ sinh, Người không sống và ngự giữa những người Công giáo. Đây là lập luận của những người nghĩ và chỉ hành động giống như những tên nô lệ hay những tên ngốc, vì họ chỉ đơn giản làm theo người khác mà thôi.

Thế nhưng, trong thế giới Công giáo, như tại Giê-ru-sa-lem, có lời ngôn sứ, lời các tông đồ và các thánh sử, cho biết sự hiện diện bí tích của Đức Giê-su Ki-tô. Trên núi thánh của Thiên Chúa, hiện ra trước mặt mọi người, có một Hội thánh thánh thiện thay thế các thiên thần, là những vị đã loan tin cho các mục đồng, ngôi sao chỉ đường cho các Đạo Sĩ, đó là mặt trời dành cho những ai khát khao nhìn thấy ánh sáng, có một giọng nói trên núi Sinai dành cho những ai muốn lắng nghe Lề Luật; nó chỉ cho chúng ta biết đền thánh, Nhà Tạm, nói nói cho chúng ta biết: đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng Emmanuel, là Đức Giê-su Ki-tô.

Khi nghe tiếng nói ấy, mọi tâm hồn đơn sơ và công chính dễ dàng quy tụ quanh Nhà Tạm, giống như các Đạo Sĩ đến Bê- lem vậy; họ mến chuộng sự thật và hết lòng đi theo sự thật.

Anh em của tôi hỡi, đây chính là niềm tin của anh em. Sự hiện diện của anh em ở đây cho thấy niềm tin ấy và đời sống của anh em chứng thực rằng: anh em tìm kiếm Đức Giê-su Ki-tô, niềm tin đã tỏ lộ Người cho anh em, và lòng mến của anh em tôn thờ Người. Ước chi anh em được chúc phúc!

Vị thánh sử nói cho chúng ta biết rằng khi nghe các Đạo Sĩ hỏi, vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao [Mt 2,3].

Việc vua Hê-rô-đê bối rối thì chẳng lấy gì làm ngạc nhiên cả. Ông là một người nước ngoài, một kẻ cướp ngôi; ông đã trả tiền cho người Rô-ma để có được danh hiệu Vua xứ Ga-li-lê. Giờ đây, Đấng đang được nói đến là vị vua đích thực của dân Ít-ra-en, Đức Vua theo lời hứa - Đấng Mê-si-a. - Thế nhưng, Giê-ru-sa-lem bối rối trước tin vui mà họ đang đợi chờ, vì Đa-vít là đại vương của thành ấy, vì Mô- sê là vị ngôn sứ vĩ đại của thành ấy, vì Áp- ra-ham là tổ phụ của thành ấy, đây quả thực là điều bất ngờ! Vì sao vậy! Phải chăng họ đã quên lời tiên tri của tổ phụ Gia-cóp nói về chi tộc của ông [x. St 49,10] ? Họ quên lời tiên tri mà vua Đa-vít nói đến gia đình của ông [x. 2Sm 7,12­16]? Và sau hết, họ đã quên lời tiên tri của ngôn sứ Mi-kha nói với thành về việc hạ sinh của Người [x. Mk 5,1]? Những lời tiên tri của ngôn sứ Đa-ni-en nói đến thời Người ngự đến [x. Đn 7,13]? Isaia tôn vinh Người [x. Is 53]? Và mặc dầu có mọi vẻ huy hoàng lộng lẫy, và mọi vinh quang, nhưng chính những khách ngoại kiều trong số Dân ngoại, những người bị dân Do Thái khinh miệt, lại là những người cần đến và trở thành những người đầu tiên nói cho họ biết: “Đấng Mê-si-a của các người mới chào đời! Đức Vua của các người mới chào đời! Chúng tôi đến bái thờ Người sau các anh! Để chia sẻ niềm vui và vinh quang của anh em; hãy chỉ cho chúng tôi biết nơi cư ngụ của Người và cho phép chúng tôi dâng lên Người lòng thần phục suy tôn của mình; chúng tôi từ đàng xa đến, từ tận Phương Đông, đến nhận niềm vui sướng này”.

Ôi chao! Anh em của tôi hỡi, vụ xì-căng- đan tai tiếng của người Do Thái cảm thấy bối rối trước tin mừng về việc Đấng Mê- si-a hạ sinh, ngày nay vẫn tiếp tục diễn ra giữa những Ki-tô hữu!

Một số người sợ nhà thờ, nơi Đức Giê-su Ki-tô cư ngụ! Một số người phản đối xây cho Người một cung thánh mới, một nhà tạm nữa, họ rùng mình khi gặp Của Ăn Đàng, khi nhìn thấy Bánh Thánh đáng tôn thờ!

Vì sao điều ấy xảy ra? Vị Thiên Chúa ẩn mình đang làm gì họ vậy? Người làm cho họ hãi sợ! Vì họ thích phục vụ Hê-rô-đê hơn, và có lẽ là thích phục vụ Hê-rô-đi-a khét tiếng. Đó là lời cuối cùng trong vụ xì-căng-đan của Hê-rô-đi-a, và ngay sau đó kéo theo sắc chỉ đẫm máu dành cho

Bê-lem, điều ấy sẽ gây ra nước mắt của bao bà mẹ cùng với bà Ra-khen [x. Mt 2,16-18]

Thử thách của các Đạo Sĩ: sự nhục nhã của Bê-lem

Theo lẽ tự nhiên, các Đạo Sĩ đã mong chờ tìm thấy mọi vẻ chói lọi của trời đất quanh hang đá tuyệt đẹp của đức Đại vương. Óc tưởng tượng Phương Đông của họ thích tô vẽ lên vẻ nguy nga của hang đá ấy, đề cao nó hơn cả mọi thứ trang hoàng cho ngai vàng của vua chúa. Tại Giê-ru-sa- lem, họ đã phải nghe được lời tuyên sấm của ngôn sứ Mi-kha [x. Mk 5,1] hoạt cảnh tráng lệ về vinh quang của Đấng Mê-si-a đã được ngôn sứ Isaia tô vẽ lên [x. Is 6,13]. Họ đã phải thăm viếng kỳ công của thế giới rồi, một đền thờ được dành riêng để tiếp đón Người, đó là đền thờ Giê-ru-sa- lem, và kết nối tất cả những điều ấy với vẻ sáng ngời của ánh sao, giống như vẻ rạng ngời của mặt trời, họ đã phải tự hỏi mình: Ai ví được như Ngài, lạy Chúa? [x. Tv 34,10]

Nhưng, thật ngạc nhiên, thật là một trò bịp bợm! Ngay cả một vụ xì-căng-đan về đức tin cũng không mạnh như thế! Họ vào Giê-ru-sa-lem, được ánh sao lạ dẫn đường, họ đi thẳng đến hang lừa, và ở đó, họ thấy gì? Một trẻ thơ tội nghiệp với người mẹ trẻ của Người. Trẻ thơ nằm trên nắm cỏ, trông giống như người nghèo nhất trong số những người nghèo; không, điều đó chưa đủ, thưa anh em, hãy để tôi nói đến giới hạn thực sự của chân lý, giống như chiên con được sinh ra. Trẻ thơ đang ngủ trong máng cỏ dành cho súc vật, và đang yên nghỉ giữa chúng; vài y phục xấu xí và thô sơ đang phủ lên Người để phần nào đó chống lại cái khắc nghiệt của giá lạnh. Người mẹ trẻ 15 tuổi này thật giản dị, nghèo hèn và thùy mị, cô một mình canh chừng Người, và cô trông thật khốn khổ, và cô phải sinh nở trong một chốn khổ sở như thế!

Đây là điều mà các Đạo Sĩ tìm thấy nơi Bê-lem. Thánh Giuse vắng mặt. Các mục đồng tốt phúc không còn ở đó để hát lại khúc hát của các thiên thần nữa. Bê-lem bàng quan. Ôi lạy Thiên Chúa! Thật là một sự thử thách khủng khiếp; quá đủ lý do để ngay lập tức dọn nhà đến Tarsus, đến Ả-rập và đến Saba. Vua chúa không sinh ra như vậy, Vua thiên đình thì còn xứng đáng hơn thế nữa. Bao nhiêu người ở Bê-lem đã đến hang súc vật theo lời kể kỳ lạ của các mục đồng, nhưng nhìn vào vẻ nghèo hèn và khổ sở ấy, nhìn vào nơi ở không xứng với phẩm giá ấy, họ đã bảo nhau: “Không thể như thế được; Đấng Mê-si-a muôn dân hằng trông đợi không nên sinh ra như thế”. Và họ khinh thường trẻ thơ cũng như mẹ Người. Các vua sẽ làm gì?

Ôi chao! Anh em của tôi hỡi, bản thân chúng ta sẽ làm gì? Có lẽ cũng giống như dân chúng ở Bê-lem thôi. Nhưng, hãy xem điều các vị vua đã làm. Các Đạo Sĩ đang quỳ xuống, phủ phục sát đất. Với lòng khiêm hạ thẳm sâu, họ đã bái lạy Hài Nhi, họ rơi những giọt lệ vui sướng khi chiêm ngắm Người, họ kinh ngạc trước tình yêu khi nhìn vào vẻ nghèo hèn và nỗi khốn khổ của Người: Liền sấp mình thờ lạy Người [Mt 2,11].

Ôi Thiên Chúa cao sang! Thật là một mầu nhiệm không thể diễn tả! Chưa bao giờ có vị vua nào lại hạ mình đến như vậy, thậm chí là trước các vua chúa khác! Khi các mục đồng ngưỡng mộ Đấng Cứu Độ do các thiên thần loan báo, thì thánh sử đã không nói rằng họ sấp mình thờ lạy [x. Lc 2,9-16]. Thế nhưng, chính các Đạo Sĩ đã dâng lên Người sự bái lạy đầu tiên này, họ đã dâng lên Người lòng thần phục suy tôn đầu tiên này tại Bê-lem, vì họ là các tông đồ đầu tiên của Người ở Giê-ru-sa- lem [x. Mt 2,2].

Sau đó, họ đã thấy gì ở hang súc vật? Trong máng cỏ? Nơi trẻ thơ này? Anh em của tôi ơi, họ đã thấy gì? Thưa, tình yêu, một tình yêu khôn siết kể, tình yêu đích thực mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thiên Chúa trở nên khó nghèo, hầu trở thành bạn hữu, trở thành anh em của người nghèo; Thiên Chúa làm cho mình trở nên yếu đuối, hầu an ủi những kẻ yếu hèn và bị bỏ rơi.

Thiên Chúa chấp nhận đau khổ, hầu minh chứng tình yêu của Ngài; Ngài trở nên một trẻ thơ, hầu loài người không còn sợ hãi Thiên Chúa nữa.

Thiên Chúa đã hạ mình đến nỗi mặc lấy thân nô lệ, hầu loài người có thể trở thành Thiên Chúa nhờ tình yêu, như thánh Âu- tinh đã nói. Đó là thử thách của các Đạo Sĩ, và là chiến thắng của họ, cùng với niềm hạnh phúc của họ.

Sự hèn hạ nơi bí tích của Chúa Giê-su_ đây cũng là thử thách lớn của niềm tin Ki- tô giáo.

Nơi bí tích, Chúa Giê-su nhìn thấy xung quanh Người, ít ra là hầu hết thời gian, chỉ toàn là sự bàng quan nơi các đồ đệ của Người mà thôi, và thậm chí là sự bất tin và sự khinh miệt. Anh em của tôi hỡi, hãy tự mình thừa nhận chân lý đáng buồn này, thật dễ dàng! Thế gian đã không nhận biết Ngài [Ga 1,10].

Có lẽ, chúng ta có thể tin vào chân lý của Chúa Giê-su Ki-tô nơi Thánh Thể, nếu như, khi Người sinh ra, chúng ta có thể nghe, lúc truyền phép, bản hòa tấu của các thiên thần [x. Lc 2,13-14]; hay, như tại sông Gio-đan, chúng ta có thể thấy trời mở ra trên Người, và nghe thấy tiếng Chúa Cha tuyên bố Người là Con yêu dấu của Ngài [x. Mt 3,17]; hay, như trên núi Tabor, chúng ta có thể thấy chút vinh quang của Người [x. Mt 17,2]; hay, sau hết, nếu một trong hàng ngàn phép lạ, được phát ra từ Thánh Thể, thì nó có thể được đổi mới trước mắt chúng ta. Nhưng chẳng có gì cả, không gì khác hơn là sự hư không! Đó là sự hư không của mọi vinh quang, của mọi quyền lực, của mọi sự hiện hữu thần thiêng và phàm trần của Chúa Giê-su Ki-tô. Thậm chí chúng ta không nhìn thấy dung nhan nhân loại của Người, cũng như nghe được giọng nói của Người, cũng như chứng kiến bất kỳ một công trình nào của Người. [...]

Anh em của tôi hỡi, đó không phải là điều gây ra vụ xì-căng-đan cho Ki-tô hữu, cũng như cuộc thử thách về đức tin của anh ta, nhưng là sự sống và sự hoàn thiện cho tình yêu của anh ta.

Giống như các Đạo Sĩ, đức tin của anh ta vượt qua sự nghèo hèn này, và đây là sự yếu hèn rành rành. Đây là những tấm vải bọc kho báu, đồ cải trang của đức đại vương; tình yêu của anh ta đi đến chỗ thiết thân với linh hồn Người và bàn hỏi ý kiến của Người, những cảm giác tuyệt vời của Người, và thậm chí đi đến chính thần tính, kết hiệp với thân thể chí thánh này, nó đi đến ngôi vị đáng tôn thờ của Người, kết hiệp không thể tách rời với những mẩu bánh thánh, và nơi đó, như các vị vua đã làm, anh ta sấp mình bái lạy, chiêm ngắm, thờ lạy và anh ta mê mẩn trước tình yêu của Người: Anh ta tìm thấy Chúa Giê-su Ki-tô. Liền sấp mình bái lạy Người [Mt 2,11].

Đây là những thử thách và chiến thắng của niềm tin nơi các Đạo Sĩ, của niềm tin vào Thánh Thể nơi các Ki-tô hữu. Giờ đây, chúng ta hãy xem xét đến lòng thần phục suy tôn đầy lòng yêu mến của họ.

Lòng thần phục suy tôn của tình yêu

Đức tin đưa con người tới Đức Giê-su Ki- tô; tình yêu tìm kiếm Người và thờ lạy Người. Tình yêu tôn thờ của các Đạo Sĩ là gì vậy? Đó là một tình yêu trọn hảo. Thế nhưng, tình yêu gì vậy? Tình yêu biểu lộ chính mình qua ba cách và sống nhờ ba cách đó. Tình yêu biểu lộ chính mình qua sự thông cảm về cuộc sống, qua sự tuyệt đối của tình yêu, và qua một tặng phẩm tuyệt hảo.

Tình yêu biểu lộ chính mình qua sự đồng cảm

Sự đồng cảm của các linh hồn chính là luật, là khế ước của cuộc đời mà qua đó chúng ta nên giống những gì chúng ta yêu thích. Hành động quyền thế của một sự đồng cảm tự nhiên_ sự đồng cảm siêu nhiên thì còn hơn thế_ chính là sức hút mạnh mẽ, là sự biến đổi đều đặn của hai thân thể thành một, của hai tâm hồn thành một; nó là ngọn lửa hút hết mọi chất liệu giao cảm.

Đó chính là hiện tượng cuộc sống tạo ra trên khuôn mặt của đứa trẻ những đặc điểm của một cặp vợ chồng yêu thương nhau. Chính Ki-tô hữu được biến đổi thành Đức Giê-su Ki-tô, thành chính Thiên Chúa_ chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. [1Ga 3,2].

Vậy thì, các Đạo Sĩ có thể đồng cảm, ngay lúc đó, với Hài Nhi vẫn chưa biết nói, và thậm chí là không thể nói suy nghĩ của mình ra cho người khác biết? Tình yêu đã trông thấy! Tình yêu đã liên kết chính mình để yêu thương!

Điều đó là gì vậy! Anh em của tôi hỡi, anh em chẳng thấy những vị vua ấy quỳ trước máng cỏ, phủ phục sát đất, ngay giữa đàn vật trong chuồng sao? Và trong tình cảnh ấy, quá khiêm hạ, và cũng quá khúm núm, dành cho các vị vua, họ đã thờ lạy trẻ thơ khốn khổ và yếu đuối đang nhìn họ, và đó là tất cả.

Ôi chao! Anh em của tôi hỡi, quả là những lời không thể diễn tả, tình yêu phát sinh ra ở đây. Anh em không thể thấy là họ đang noi gương bắt chước hoàn cảnh của Hài Nhi này sao? Tình yêu noi gương bắt chước! Anh em không thể thấy là họ muốn hạ mình, hạ mình sát đất, để dễ thờ lạy Đấng mà từ ngai tòa muôn thuở, đã hạ mình để mặc lấy thân phận nô lệ sao?

Họ ôm lấy sự khiêm nhường mà Ngôi Lời Nhập Thể đã đính hôn, họ ôm lấy sự khó nghèo mà Người tôn sùng, và sự đau khổ mà Người thần thánh hóa. Tình yêu đang biến đổi: tình yêu làm phát sinh căn tính của cuộc sống; tình yêu khiến các vị vua trở nên đơn sơ; các nhà thông thái trở nên khiêm hạ; kẻ giàu sang trở nên nghèo khó trong tâm hồn. Họ là các Đạo Sĩ: họ có tất cả những thứ đó.

Anh em của tôi hỡi, yêu thương mà không thông cảm thì chỉ là một đức tính cần cù, đôi lúc là vĩ đại, nhưng lại không cảm nhận được sức quyến rũ và niềm hạnh phúc của nó. Thế nhưng, sự thông cảm thì cần thiết cho một đời sống yêu thương, vì nó làm cho các hy sinh trở nên ngọt ngào, và đảm bảo cho tính kiên định của nó. Tắt một lời, sự thông cảm là bằng chức đích thực của tình yêu và là bảo đảm cho chiến thắng vĩnh cửu của nó.

Ki-tô hữu cần phải có bằng chứng này nơi mình, đó là chứng tá của chính tình yêu Thiên Chúa dành cho anh ta.

Hiện nay, cách riêng là qua chính Thánh Thể, Chúa chúng ta ban cho chúng ta chứng tá rất ngọt ngào này, để chúng ta được nghỉ ngơi đôi chút nơi thánh tâm Người, giống như người môn đệ được Người yêu dấu đã làm [x. Ga 13,25], ít ra là cảm nếm được những điều tuyệt diệu của manna từ trời này, cảm nhận được trong cõi lòng chúng ta niềm vui có Chúa, giống như Da-kêu vậy [x. Lc 19,6], có Đấng Cứu Độ giống như Ma-đa-lê-na [x. Lc 7,38], và niềm hạnh phúc tối cao giống như đôi phu phụ trong Thánh Ca [x. Tc 1].

Ôi! Nỗi khát khao của tâm hồn: Ngài thật tốt lành lắm thay! Dịu hiền thay! Ôi Giê- su, Ngài thật dịu hiền với những ai đón rước Ngài bằng tình yêu!

Thế nhưng, sự thông cảm của tình yêu không kết thúc bằng niềm vui sướng. Nó chính là cục than hồng mà Đấng Cứu Độ thắp lên trong cõi lòng. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Thánh Thể chính là cục than hồng thiêu đốt chúng ta”. Ngọn lửa thì linh động, thâu tóm tất cả. Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ? [Tv 115,12].

Và tình yêu thánh thiêng trả lời: hãy noi gương Ta, hãy sống cho Ta, sống nhờ Ta; kẻ ăn tôi sẽ sống nhờ Tôi [Ga 6,57]; Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta [x. Ga 17,21]. Anh em của tôi hỡi, sự biến đổi sẽ dễ dàng làm sao; sách Gương Phúc nói: trong trường học tình yêu, chúng ta không bước đi, nhưng chúng ta chạy, và chúng ta bay [Sách Gương Phúc 3,5:15]. [...]

Tính tuyệt đối của tình yêu

Tình yêu là độc nhất, vì sự hiệp nhất làm nên bản chất của tình yêu vốn lôi cuốn hoặc bị lôi cuốn.

Chân lý này phản chiếu mọi vẻ rạng ngời trong việc thờ lạy của các Đạo Sĩ. Ngay khi họ tìm thấy ấu Chúa, không màng đến nơi chốn không xứng hợp với nhân phẩm và môi trường xung quanh khổ cực, đến súc vật đang sống ở đó, không xin những điều kỳ diệu từ trời, hay những lời giải thích từ thân mẫu của Người, không kiểm tra kỹ trẻ thơ, họ đột nhiên quỳ gối và thờ lạy Người: Họ sấp mình thờ lạy Người [Mt 2,11]. Họ thờ lạy một mình Người. Họ chỉ nhìn Người mà thôi, họ đến chỉ vì Người mà thôi. Thậm chí, tác giả sách Thánh không nhắc đến những sự tôn kính mà họ phải bày tỏ cho thân mẫu của Người; trước mặt trời, mọi vì sao đều bị lu mờ. Việc tôn thờ giống như tình yêu truyền cảm hứng cho nó vậy.

Anh em của tôi hỡi, Thánh Thể chính là tình yêu tuyệt đối mà Chúa Giê-su Ki-tô dành cho nhân loại, vì Thánh Thể chính là mục tiêu tuyệt đối của mọi mầu nhiệm trong cuộc đời của Đấng Cứu Độ.

Hết thảy những gì Chúa Giê-su Ki-tô làm từ lúc nhập thể cho đến khi bị treo trên thập giá đều có Thánh Thể là mục tiêu. Sự kết hiệp cá vị và bản thể của Người với mỗi người lãnh nhận, hầu chia sẻ mọi kho tàng trong Cuộc Khổ Nạn của Người qua việc Hiệp Lễ, mọi nhân đức trong nhân tính của Người và mọi công trạng trong cuộc đời Người_ tất cả những điều ấy là điều kỳ diệu về tình yêu của Người: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. [x. Ga 6,56-57].

Hỡi anh em, Thánh Thể phải trở thành tình yêu tuyệt đối mà chúng ta dành cho Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, hầu đạt đến cùng một mục đích ấy, đạt đến sự biến đổi ngang qua sự hiệp nhất. Thánh Thể phải trở thành luật thánh thiêng cho các nhân đức của chúng ta, trở thành linh hồn cho lòng đạo đức của chúng ta, trở thành khát vọng tối cao của cuộc đời chúng ta, trở thành ý nghĩ quan trọng của cõi lòng chúng ta, và trở thành lá cờ thắng trận cho những trận chiến của chúng ta, cũng như những hy sinh của chúng ta.

Trong đời sống kết hiệp này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến tình yêu tuyệt đối; nhưng cùng với sự kết hiệp ấy, sẽ chẳng có gì ngọt ngào hơn và dễ dàng hơn_ đó chính là hành động của các lăng kính dưới mặt trời đang chiếu sáng, đó chính là sức mạnh của toàn thể nhân loại và của Thiên Chúa đang cùng làm việc vì triều đại của tình yêu, đó chính là vinh quang của đôi phu phụ linh thiêng - Người yêu dấu thuộc về tôi, và tôi thuộc về chàng [Tc 2,16], đó chính là thử thách của Phao-lô: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? [Rm 8,35]

Tặng phẩm tuyệt hảo của tình yêu

Tình yêu biểu lộ chính mình cách đặc biệt ngang qua tặng phẩm của nó. Tặng phẩm diễn tả mức độ của tình yêu.

Chúng ta không nói đến tình yêu của các mục đồng dành cho Đấng Cứu Độ, chúng ta không nói đến những quà tặng của họ; chúng ta chỉ đề cập đến sự ngưỡng mộ của họ mà thôi [x. Lc 2,16-18]. Thế nhưng, ở đây, tác giả sách Thánh đi vào những chi tiết tường minh nhất, và thậm chí ngài giải thích cách thức cũng như những tình cảnh của quà tặng mà họ dâng: Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. [Mt 2,11]

Tại sao lại là vàng? Nó tượng trưng cho vương quyền dành cho đế vương. Vì sao lại là mộc dược? vì nhờ mộc dược, chúng ta tôn kính đám tang của người quan trọng. Vì sao lại là nhũ hương? Nó chính là lòng thần phục dành cho Thiên Chúa. Hay thậm chí còn tốt hơn thế: ba quà tặng này đại diện cho mọi dân tộc đặt dưới chân Chúa Hài Nhi: Vàng, đó là quyền lực; Mộc dược, đó là đau khổ; Nhũ hương, đó là lời cầu nguyện.

Hỡi anh em, như thế, luật của lòng tôn sùng Thánh Thể bắt đầu tại Bê-lem, tiếp tục ở Phòng Tiệc Ly và nơi Thánh Thể. Các vua chúa đã bắt đầu; chúng ta phải tiếp nối lòng thần phục suy tôn của họ.

Chúa Giê-su nơi Bí tích cần vàng, vì Người chính là Vua các vua; Người cần vàng vì Người xứng đáng có được một ngai tòa lộng lẫy hơn ngai tòa của Salomon; Người cần vàng để làm những bình đựng Mình Thánh trên bàn thờ của Người. Trong luật cũ, chẳng phải vàng lấp lánh trong đền thờ đấy sao? Chẳng phải con tàu của giao ước cũng được làm từ vàng của dân chúng, và là thứ vàng tinh ròng nhất đấy thôi?

Đấng Cứu Độ cần mộc dược, không còn cho chính Người nữa, vì Người đã hoàn tất lễ hy sinh của mình trên thập giá, và sự phục sinh của Người đã làm vinh hiển thân xác linh thiêng của Người và ngôi mộ thánh của Người. Thế nhưng, trên bàn thờ, Người đã biến mình thành của lễ đền tội đời đời cho chúng ta, để hoàn tất, của lễ đền tội này cần phải đau khổ, và đau khổ vì chúng ta, cũng như để trao ban những thương tích vinh hiển của Người cho những cảm xúc và công trạng của những đau khổ của chúng ta. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức [Cl 1,24]

Nhũ hương thì thuộc về Người. Mỗi ngày, linh mục dâng nhũ hương cho Người.

Hơn nữa, Người khát mong nhũ hương là sự tôn thờ của chúng ta, anh em của tôi hỡi, cũng như cho anh em được thông chia những phúc lành và ân sủng của Người.

Ôi! Chúng ta thật may phước lắm thay! Nhờ Thánh Thể, chúng ta có thể san sẻ niềm hạnh phúc của Mẹ Maria và các môn đệ đầu tiên! Không có Thánh Thể, chúng ta chẳng có gì dâng cho ngôi vị Chúa Giê-su, cho nhân tính đáng yêu của Người, chúng ta không thể tôn kính Người trong những tình trạng của tình yêu nơi Người, ngoại trừ qua những kỷ niệm và việc tưởng nhớ. Thế nhưng, với Thánh Thể, chúng ta có được sự nghèo khó trong việc hạ sinh của Người, chúng ta có được sự sống ẩn dật của Người ở Na-da-rét, cuộc đời khổ nạn của Người trên đồi Can- vê, và vinh quang thiên quốc của Người.

Thậm chí, chúng ta không cần một người trung gian giữa Đấng Cứu Độ và chúng ta: hay, nếu có một ai đó, thì đó phài là vị linh mục, người sẽ thay thế Rất Thánh Trinh Nữ và linh mục ấy chính là bạn của chúng ta, là anh em của chúng ta, ngài là cha của chúng ta trong đức tin, trong sự sống của Thiên Chúa.

Ôi, phải đấy! Mọi sự thiện sẽ đến với chúng ta ngang qua Thánh Thể; với nguồn mạch của nó tại Bê-lem, nó trở thành thiên đàng thứ hai của tình yêu.

Thế nhưng, nếu mọi sự thiện đều đến với chúng ta từ Thánh Thể, thì mọi bổn phận của chúng ta cũng phải phát xuất từ Thánh Thể.

Các Đạo Sĩ là những mẫu gương để chúng ta noi theo, là những kẻ tôn thờ đầu tiên trong đức tin. Chúng ta hãy luôn sống xứng đáng với niềm tin của họ vào Chúa Giê-su Ki-tô; chúng ta hãy tiếp tục thừa hưởng tình yêu của họ, và một ngày nào đó, chúng ta sẽ thông chia vinh quang với họ. Amen.

Rô-ma, ngày 10 tháng 01 năm 1865 (PG 250,1-10)


 

[1] Cha Eymard trích đoạn Kinh Thánh nói về việc Đa-vít dành chiến thắng trước tên khổng lồ Go-li-át, và tước lấy kiếm của hắn (x. 1Sm 17,51)

[2] Cha Eymard nhắc đến cuộc cung nghinh trong

Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô.

[3] Điệp ca của Thánh ca Tin Mừng (Benedictus) trong Kinh phụng vụ Rô-ma.

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.