LTS: Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền Dòng nam tổ chức Đại hội lần thứ 82 tại trung tâm Salesianum của dòng Don Bosco ở Roma từ ngày 27 đến 29-11-2013. Các vị đã xin Đức Thánh Cha Phanxicô một buổi tiếp kiến; ngài đã dành ra 3 tiếng đồng hồ để trao đổi và trả lời những câu hỏi do các Bề trên nêu lên. Một số câu hỏi được đặt ra xoay quanh căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến, tình trạng ơn gọi bị sa sút tại một số nước, v.v. Nhân dịp Giáo hội khai mạc năm "Đời Sống Thánh Hiến", chúng tôi xin gửi đến quý vị bản tường thuật trong buổi gặp gỡ này của tác giả Antonio Spadaro, SJ., do Học Viện Đa Minh chuyển ngữ. Dưới đây là bản tường thuật[1].
Người tu sĩ : những tội nhân và những ngôn sứ
Đúng 9h30, Đức Thánh Cha an tọa giữa tiếng vỗ tay chào mừng. Ngài nhìn đồng hồ và tự hào về tính đúng giờ “Thụy Sĩ” của mình. Hội trường vang tiếng cười vì cách Đức Thánh Cha gởi lời chào đến Tu sĩ Mauro Johre, người Thụy sĩ, là Tổng Phục Vụ dòng Anh Em Hèn Mọn Capucinô, và cũng vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền.
Sau một vài lời chào mừng ngắn gọn của vị Chủ tịch, Tu sĩ Adolfo Nicolás, Tổng quyền dòng Tên, và vị Tổng Thư ký, Tu sĩ David Glenday, Hội Dòng Thừa Sai Comboni, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chân thành cám ơn mọi người vì đã có lời mời ngài đến tham dự Hội nghị. Một loạt các câu hỏi đầu tiên rộ lên ngay sau đó. Các đại biểu đặc biệt hỏi Đức Thánh Cha về căn tính và sứ vụ của người Tu sĩ : “Thưa, Đức Thánh Cha ước mong điều gì nơi đời sống thánh hiến? Đức Thánh Cha muốn chúng con làm gì? Nếu ở vào vị trí của chúng con, Đức Thánh Cha sẽ đáp trả thế nào cho lời mời gọi đi đến các biên cương, sống các giá trị Tin Mừng cách không giả dối (sine glossa), trở nên ngôn sứ Phúc Âm? Chúng con nên lắng lời mời gọi nào của Chúa để thi hành sứ vụ?” Và các câu hỏi còn đi xa hơn “Ngày hôm nay, chúng ta cần nhấn mạnh điều gì? Đâu là những ưu tiên hàng đầu?”
Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu rằng, chính ngài cũng là một Tu sĩ, và ngài thực sự cảm nghiệm được các đại biểu đang muốn nói về điều gì.[2] Vị Giáo hoàng thuộc dòng tu gần đây nhất là Đức Thánh Cha Camaldolese Gregoriô XVI, được bầu chọn năm 1831. Sau đó, Đức Phanxicô quy chiếu vào những lời của của vị tiền nhiệm để trả lời các câu hỏi: “Đức Bênêđictô XVI nói với chúng ta rằng, Giáo Hội lớn lên nhờ những chứng tá, chứ không phải nhờ vào số người gia nhập đạo. Chứng tá thực sự có sức lôi cuốn là những thái độ sống vốn lại không phổ biến, đó là lòng quảng đại, không tư lợi, hy sinh, quên mình để chăm lo cho người khác cách phù hợp. Đó là chứng tá của sự “tử đạo” trong đời sống tu trì. Nó như “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho con người. Bằng đời sống của mình, những tu sĩ nói với con người về “những gì đang xảy ra.” Những người này đang nói với tôi điều gì đó! Họ đã vượt lên trên ranh giới phàm trần. Đức Thánh Cha tiếp tục trích dẫn lời của Đức Bênêđictô XVI, “thật vậy, đời sống thánh hiến phải làm cho Giáo Hội tăng trưởng bằng sự hấp dẫn của mình.”[3]
Cũng vậy, “Giáo Hội phải trở nên hấp dẫn. Hãy đánh thức thế giới! Trở nên những chứng tá của một lối cư xử, một lối hành động, một lối sống khác! Sống một lối sống khác biệt là điều có thể làm được trong thế giới này. Chúng ta đang nói dưới viễn tượng cánh chung, về các giá trị của Nước Trời đã nhập thể tại đây, trong thế giới này. Vấn đề ở đây là từ bỏ mọi sự mà bước theo thầy Giêsu bằng một cách thức đặc biệt, cách thức ngôn sứ. Đó chính là lời chứng mà tôi mong đợi nơi anh chị em. Các Tu sĩ cần trở thành những người nam và nữ có thể đánh thức thế giới.”
Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại với những tư tưởng ngài đã từng đề cập đến bằng cách khai triển sâu xa hơn: “Anh chị em phải trở nên những chứng nhân thực sự của một lối cư xử và hành động khác. Nhưng trong đời sống, thật khó để mọi sự được rõ ràng, chính xác, và được phác thảo gọn ghẽ. Cuộc sống thật phức tạp; nó bao gồm cả ân sủng lẫn tội lỗi. Ai không phạm tội thì không phải là một con người. Chúng ta ai cũng mắc lỗi lầm và cần nhận ra sự yếu đuối của mình. Một tu sĩ nhận ra mình yếu đuối và là một tội nhân không làm mờ nhạt đi lời chứng rằng người ấy được mời gọi để cho đi, chính xác hơn người ấy còn làm mạnh mẽ thêm cho lời chứng; và điều này có ích cho mọi người. Vì vậy, điều mà tôi mong chờ nơi các anh chị em là anh chị hãy sống chứng tá. Tôi muốn lời chứng đặc biệt này từ các Tu sĩ.”
Tránh xa chủ nghĩa bảo thủ và thắp sáng con đường tương lai.
Tiếp tục trả lời các câu hỏi đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến một trong những điểm then chốt trong suy tư của ngài: “Tôi thực sự xác tín rằng, những thay đổi lớn lao trong lịch sử được nhận thức khi thực tại được nhìn không phải từ trung tâm, nhưng đúng hơn, từ vùng ngoại biên. Đây là một vấn nạn mang tính giải thích: thực tại chỉ được thấu hiểu với điều kiện nó được nhìn từ vùng ngoại biên, và không phải chúng ta có những góc nhìn giống hệt nhau.” Thực sự để hiểu thực tại, chúng ta cần rời khỏi tâm điểm của sự yên lặng và thanh bình, mà hướng chính mình đến những khu vực ngoại biên.[4] Hiện diện ở ngoại biên sẽ giúp chúng ta nhìn thấy và hiểu được tốt hơn, để phân tích thực tại chính xác hơn, để xa tránh trung ương tập quyền và những giải pháp mang tính ý thức hệ.
Cho nên, “đứng ở trung tâm của chu vi không phải là một chiến lược tốt. Để thấu hiểu, chúng ta phải đi vòng ngoài, để nhìn thấy thực tại từ những điểm nhìn khác nhau.”[5]Chúng ta phải quen với việc suy nghĩ. Tôi thường xuyên tham khảo lá thư của cha Pedro Arrupe, người đã từng là Tổng quyền dòng Tên. Đó là một bức thư được gởi đến Trung tâm Nghiên cứu và hoạt động Xã hội - Centros de Investigación y Acción Social (CIAS). Trong lá thư này, cha Arrupe đề cập đến cái nghèo và nói rằng, thỉnh thoảng tiếp xúc thực với người nghèo là một việc cần thiết. Điều đó rất quan trọng với tôi: cần phải làm quen với thực tại thông qua kinh nghiệm, cần dành thời gian đến vùng ngoại biên để thực sự trở nên quen thuộc với thực tại và những trải nghiệm cuộc sống của con người. Nếu không có điều này, chúng ta có nguy cơ trở thành những người chủ trương bảo thủ hoặc ý thức hệ trừu tượng, vốn không lành mạnh.”[6]
Đức Giáo Hoàng xoay quanh một vấn đề cụ thể là mục vụ cho giới trẻ. “Những ai làm việc với giới trẻ không chỉ đơn giản bằng lòng với việc nói về những thứ xem ra trật tự và gọn gàng như trong một cỗ máy ; đối với giới trẻ, những điều nói đó sẽ chỉ đi tai này qua tai kia mà thôi. Chúng ta cần một thứ ngôn ngữ mới mẻ, một cách thức mới để trình bày. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta làm điều này, đó là rời khỏi những chiếc tổ ấm cúng, những nơi an toàn đang bao bọc chúng ta, để được sai đi. Ngay cả những người sống đời dâng hiến trong nội vi đóng kín cũng cảm nghiệm nỗi bận tâm đang khi cầu nguyện sao cho Tin Mừng được loan báo. Lệnh truyền của Tin Mừng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) có thể được thực hiện theo quan điểm giải thích là hướng đến ngoại biên của địa lý và thực tại cuộc sống. Đó là cách thế cụ thể nhất cho việc nên giống Đức Giêsu, Đấng đã tiến tới mọi chiều kích biên cương. Quả thực, Đức Giêsu đã làm như vậy. Thực bản thân tôi không cảm thấy khó chịu khi đi đến vùng ngoại biên : anh chị em nên cảm thấy thoải mái khi đến với bất kỳ người nào.”
Bởi vậy, điều ưu tiên trong đời sống thánh hiến là gì ? Đức Giáo Hoàng trả lời : “Đó chính là sứ vụ ngôn sứ của Nước Trời, một ưu tiên bất khả nhượng. Chúng ta phải nhấn mạnh vào việc trở thành những ngôn sứ, và không được giả hình, giả bộ. Lẽ dĩ nhiên ma quỷ sẽ cố gắng cám dỗ chúng ta, và một trong những sự cảm dỗ ấy là chỉ tỏ ra giống như các ngôn sứ. Dĩ nhiên, không thể chỉ đóng vai ngôn sứ mà thôi. Chính bản thân tôi đã chứng kiến những sự việc rất buồn về vấn đề đó. Không ! các tu sĩ chính là những người nam và người nữ thắp sáng con đường đi vào tương lai.”
Trong buổi phỏng vấn với tờ Civiltà Cattolica, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng rằng, các Tu sĩ được mời gọi đi vào một lối sống ngôn sứ. Đây là nét riêng biệt nơi những con người này : “Nói cụ thể, trở thành những ngôn sứ bằng cách thể hiện một Đức Giêsu đang sống trên trần gian, và công bố cách thế mà Nước Thiên Chúa sẽ nên hoàn hảo. Một Tu sĩ không bao giờ được từ bỏ vai trò ngôn sứ. […] Chúng ta hãy suy nghĩ về những việc mà các vị thánh vĩ đại, những đan sĩ và nam nữ Tu sĩ đã làm, từ thời thánh Antôn Viện phụ trở đi. Đôi khi, trở thành các ngôn sứ cũng gồm cả việc trở nên Ruido (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ồn ào). Tôi không biết cách diễn tả nó… Ngôn sứ gây ồn ào, náo động, ai đó có thể nói là ‘lộn xộn.’ Nhưng trong thực tế, đặc sủng của người Tu sĩ cũng giống như chất men vậy : vị ngôn sứ đang loan báo tinh thần Tin Mừng của Tin Mừng.”[7]
Vì thế, làm thế nào để sống đặc sủng ngôn sứ đặc biệt của chính mình ? Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có một nhu cầu “cần phải củng cố đặc sủng đó, vốn là thiết định của đời sống tận hiến và không nhầm lẫn giữa Thể Chế với những công tác mục vụ tông đồ. Cái trước thì lâu dài, còn cái sau thì phai nhòa dần đi.” Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Đặc sủng thì tồn tại, và mạnh mẽ ; còn công việc thì phai dần. Đôi khi, Thể Chế và công việc bị nhầm lẫn với nhau. Thể Chế thì sáng tạo, luôn tìm kiếm những lối ra. Theo cách này mà những khu vực ngoại biên thay đổi và một bảng liệt kê có thể được thực hiện đó là luôn luôn khác biệt.”
“Đặc sủng không phải là một chiếc bình nước cất”
Tại điểm này, các câu hỏi yêu cầu được tập trung xung quanh những chủ đề về ơn gọi. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi sâu sắc nơi địa lý nhân văn của Giáo Hội, cũng như những thay đổi nơi các thể chế dòng tu. Các ơn gọi tại Châu Phi và Châu Á đang gia tăng, vốn tự chiếm phần lớn trong tổng số. Tất cả những điều này đặt ra một loạt các vấn đề thách thức : việc hội nhập văn hóa của các đặc sủng, việc phân định ơn gọi và tuyển chọn các ứng sinh, những thách thức của công cuộc đối thoại liên tôn, công cuộc tìm kiếm một biểu tượng quân bình hơn nơi các tổ chức lãnh đạo của các Thể Chế và, một cách tổng quát hơn, nơi cấu trúc của Giáo Hội. Vì thế mà Đức Giáo Hoàng được yêu cầu đưa ra một vài chỉ dẫn liên quan đến tình trạng này.
Đức Phanxicô nói rằng ngài đặc biệt lưu tâm đến nhiều thay đổi trong đời sống thánh hiến về phương diện địa lý và việc “tất cả những nền văn hóa đều có thể được Thiên Chúa mời gọi, Người hoàn toàn tự do trong việc ban nhiều ơn gọi tại nơi này và ban ít ơn gọi tại nơi khác. Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua việc Ngài gởi đến nhiều ơn gọi xuất thân từ các Giáo Hội non trẻ nhất ? Tôi không biết. Nhưng tôi tự hỏi mình câu hỏi đó. Chúng ta phải đặt câu hỏi về vấn đề này. Thánh ý của Thiên Chúa thể hiện cách này hay cách khác trong tất cả những sự việc đó. Có nhiều Giáo Hội đã sản sinh dồi dào hoa trái. Trước đây, có một thời các Giáo Hội đó đã kém màu mỡ, phì nhiêu, nhưng bây giờ thì đã khác rồi. Dĩ nhiên, cuộc hội nhập văn hóa các đặc sủng đòi hỏi cần có những suy xét kỹ lưỡng. Các đặc sủng chỉ là một, nhưng, như thánh Inhaxiô đã từng nói, nó cần phải được sống phù hợp theo không gian, thời gian và con người. Các đặc sủng không phải là một bình nước cất. Nó cần phải được sống một cách mạnh mẽ, hăng hái cũng như cần được giải thích lại dưới góc độ văn hóa. Tuy nhiên, quý vị sẽ nói rằng bằng cách này có nguy cơ mắc phải sai lầm. Đó là một sự liều lĩnh. Dĩ nhiên rồi, chúng ta luôn có thể gặp phải sai lầm thôi, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng, chúng ta sẽ không dừng lại chỉ vì chúng ta có nguy cư mắc sai lầm tệ hại. Thật vậy, chúng ta nên luôn luôn nài xin sự tha thứ và cảm thấy xấu hổ vì những thất bại mục vụ do thiếu lòng can đảm. Lấy ví dụ, đơn giản suy nghĩ về những trực giác tiên phong của Matteo Ricci vốn được coi là đã vỡ vụn vào thời ấy.”[8]
“Tôi không ám chỉ đến những thích nghi các tập tục địa phương” – Đức Giáo Hoàng nói tiếp – “Đây là một vấn đề của não trạng và nếp nghĩ. Ví dụ: có những dân tộc suy tư trực quan hơn là trừu tượng, hay ít nhất theo suy tư trừu tượng theo cách khác với người Tây phương. Chính tôi đã sống sự khác biệt này khi còn là Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Tôi nhớ rằng mình và một người anh em Dòng Tên đã phải rất cố gắng trao đổi với nhau về các vấn đề, ngay cả trong những sự việc đơn giản trong cuộc sống thường nhật; anh ấy đến từ vùng đất nơi dân tộc Guarini sinh sống, một dân tộc đã phát triển lối suy nghĩ hết sức cụ thể. Chúng ta cần can đảm sống và đối diện với những thách thức này khi chúng ta cùng nhau bàn bạc về những vấn đề quan trọng. Cuối cùng, tôi không thể đào tạo một người trở nên tu sĩ nếu tôi không cân nhắc, suy xét đời sống của người đó, kinh nghiệm, não trạng và bối cảnh văn hóa của người đó. Đây là con đường để tiến lên. Đây là điều mà những tu sĩ thừa sai vĩ đại đã thực hiện. Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm phi thường của tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha Segundo Llorente nghĩ đến, một sứ vụ chiêm niệm và can trường tại Alaska. Người tu sĩ ấy đã không chỉ học hỏi ngôn ngữ nhưng còn học hỏi lối suy nghĩ cụ thể của người dân nơi này.[9] Vì vậy, việc hội nhập văn hóa các đặc sủng là công việc cơ bản chủ yếu, và điều này không bao giờ đồng nghĩa với việc tương đối hóa các đặc sủng ấy. Song, chúng ta không được làm cho các đặc sủng trở nên cứng nhắc và đồng bộ. Khi đồng bộ hóa các nền văn hóa, chúng ta cũng đồng thời giết chết đặc sủng,” Đức Giáo Hoàng đã kết luận một cách đầy xác quyết như thế, chỉ ra sự cần thiết của việc “đưa những người thuộc nhiều miền văn hóa khác nhau vào ban lãnh đạo trung ương của các Dòng và Hội Dòng, vì chính họ sẽ biểu lộ những cách thức đa dạng trong việc sống đặc sủng.”
Đức Phanxicô thừa nhận những rủi ro, thậm chí trong những hạn từ “tuyển mộ ơn gọi,” từ những Giáo Hội trẻ hơn. Đức Thánh Cha đã nhắc lại một trong những sự việc đã xảy ra như sau: tại Thượng Hội đồng Giám mục về Đời sống Thánh hiến và Sứ vụ năm 1994, các Giám mục Philippines đã chỉ trích chuyện “buôn bán tập sinh”, ý muốn nói các Hội Dòng nước ngoài ồ ạt đến đảo quốc này mở những nhà thu nhận ơn gọi để đem về Châu Âu. Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng ta cần tỉnh táo trước những tình huống như vậy.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng sống ơn gọi tu sĩ thuần tuý trước khi là linh mục. Ngài than phiền rằng, nhận thức về một ơn gọi cụ thể vẫn chưa được khai triển cho đầy đủ. Ngài đề cập đến một tài liệu liên quan chưa được xuất bản, và cần được xem lại lần nữa. Nó sẽ được hoàn thành và gợi ý cho những suy tư thêm phần dễ dàng. Đức Giáo Hoàng lưu ý Đức Hồng y João Braza de Aviz, Tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đoàn Tông Đồ, và Tu sĩ Monsignor José Rodríguez Carballo, Tổng Thư ký của Thánh Bộ, cùng đang hiện diện trong Hội nghị, hãy xem xét vấn đề này. Đức Thánh Cha kết luận : “Tôi thực sự không tin rằng, khủng hoảng về ơn gọi tu sĩ không linh mục là một dấu hiệu thời đại cho thấy ơn gọi đó đang đến hồi chấm dứt. Chúng ta cần phải hiểu cho rõ “điều gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta.” Trả lời một câu hỏi liên quan đến việc các anh em không linh mục có được làm bề trên trong các Hội Dòng giáo sĩ không, Đức Thánh Cha đã đáp lời rằng, đây là một vấn đề giáo luật cần được giải quyết theo phương diện đó.
Đào tạo là một công việc của nghệ thuật, không phải là hoạt động của cảnh sát.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lắng nghe một vài câu hỏi về việc đào tạo. Ngài chỉ ra những ưu tiên: “Đào tạo các ứng sinh là nền tảng. Có bốn cột trụ trong việc đào tạo : linh đạo, tri thức, cộng đoàn và tông đồ. Bóng ma chúng ta cần phải xua đuổi đó là hiểu đời tận hiến như là một sự trốn chạy hay thoát khỏi một thế giới “bên ngoài” đầy phức tạp và khó khăn. Bốn cột trụ này phải được hội nhập vào đời sống tu trì ngay từ những ngày đầu gia nhập Tập viện, cũng không nên sắp xếp chúng theo trình tự trước sau. Chúng phải có được tương tác lẫn nhau.”
Đức Giáo Hoàng quan tâm đến một thực tế là vấn đề đào tạo ngày hôm nay không dễ dàng: “Văn hóa ngày nay phong phú và đối kháng hơn những gì chúng ta đã trải nghiệm ở thời đại mình cách đây nhiều năm trước. Văn hóa thời ấy đơn giản và trật tự hơn. Việc hội nhập văn hóa ngày nay mời gọi một thái độ khác. Ví dụ : những rắc rối không được giải quyết một cách đơn giản bằng cách cấm đoán việc này hay không được làm việc làm kia. Đối thoại cũng như đối kháng là điều cần thiết. Để tránh những vấn đề này, trong một số cộng đoàn đào tạo, những người trẻ đã phải cắn răng chịu đựng, cố gắng không phạm lỗi, tuân giữ các luật lệ với thật nhiều nụ cười chỉ để chờ một ngày nào đó, họ được bảo rằng : ‘Tốt. Bạn đã hoàn thành việc đào tạo.’ Đây là sự đạo đức giả vốn là kết quả của tinh thần giáo sĩ trị, là một trong những sự dữ tệ hại nhất. Tôi đã nói rất nhiều với các Giám mục trong Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ Latin (CELAM) mùa hè vừa qua, được tổ chức tại Rio de Janeiro : chúng ta cần chế ngự xu hướng giáo sĩ trị trong những nhà đào tạo và cả những chủng viện. Tôi đã tóm tắt bằng một lời khuyên tôi nhận được khi còn trẻ : ‘Nếu anh muốn đi tiếp, hãy suy nghĩ mạch lạc và trình bày khó hiểu !’ Đó là sự cổ suý cho một thứ đạo đức giả. Chúng ta cần tránh xa thói xấu đó bằng bất cứ giá nào.” Như thực trạng ở Rio, Đức Giáo Hoàng nhận ra tình trạng giáo sĩ trị là một trong những nguyên nhân khiến cho “thiếu sự trưởng thành và tự do Kitô giáo” trong Dân của Chúa.[10]
Ngài nói tiếp rằng: “Nếu đại chủng viện quá lớn, thì phải được chia thành những cộng đoàn nhỏ hơn, tại đó vị phụ trách đào tạo làm thành một nhóm, sẵn sàng đồng hành với những người trẻ được uỷ thác họ. Việc đối thoại phải nghiêm túc, chân thành và không sợ hãi. Cần phải nhắc lại rằng ngôn ngữ của người trẻ trong giai đoạn đào tạo ngày hôm nay khác với ngày xưa. Chúng ta đang sống trong một bước chuyển mình mang tính lịch sử. Đào tạo là một công việc nghệ thuật, chứ không phải là một hành động của cảnh sát. Chúng ta phải huấn luyện trái tim họ. Nếu không thì chúng ta đang tạo ra những người chỉ biết rập khuôn. Và rồi những người này lại đúc nặn nên Dân Chúa. Điều này thực sự khiến cho tôi nổi da gà.”[11]
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh việc đào tạo không nên chỉ nhắm vào sự trưởng thành cá nhân nhưng còn lưu ý đến mục đích tối hậu của đào tạo là vì Dân Thiên Chúa. Trong công cuộc huấn luyện này, rất cần phải suy tư về những người mà họ sẽ được sai đến: “Chúng ta luôn phải nghĩ đến những người tín hữu, Dân của Thiên Chúa. Họ là những người cần phải được đào tạo để trở thành những chứng nhân cho sự phục sinh của Đức Giêsu. Nhà đào tạo phải tâm niệm rằng, các ứng sinh trong giai đoạn đào tạo được kêu gọi để chăm lo cho Dân Chúa. Trong mọi sự phải luôn đặt mối ưu tư Dân Chúa lên hàng đầu. Hãy thử nghĩ đến các tu sĩ đầy chua ngoa[12]: họ không được huấn luyện cho Dân Chúa. Cuối cùng, chúng ta không cần đào tạo nên những nhà quản trị, những nhà điều hành, nhưng là những người cha, người anh em, những người đồng hành.”
Cuối cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến một nguy cơ nữa: nhận vào chủng viện một ứng sinh đã bị loại khỏi dòng vì những vấn đề liên quan đến đào tạo hay vì những lý do nghiêm trọng là một vấn đề nan giải. Tôi không nói đến những người biết mình là tội nhân: tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng không phải tất cả chúng ta đều hư hỏng. Các tội nhân được chấp nhận, nhưng những người hư hỏng thì không. Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhắc lại quyết định quan trọng của Đức Bênêđictô XVI liên quan đến những trường hợp lạm dụng: Đây phải là bài học cho chúng ta để có đủ can đảm mà tiếp cận với việc đào tạo con người như một thách đố quan trọng, và luôn luôn nhớ đến Dân của Chúa.
Sống tình huynh đệ bằng cách “xoa dịu những xung đột”
Thượng hội đồng Giám mục về loan báo Tin Mừng cách mới mẻ đã kêu gọi các tu sĩ qua nếp sống huynh đệ hãy trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng có sức mạnh làm triển nở nhân tính. Được gợi hứng lời kêu gọi này, cử toạ đã hỏi Đức Giáo Hoàng về cách thức để các tu sĩ sống tình huynh đệ với nhau : “Làm sao chúng ta có thể vừa chu toàn sứ vụ vừa chia sẻ trọn vẹn nếp sống cộng đoàn? Làm sao chúng ta có thể chống lại khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa? Chúng ta nên cư xử như thế nào với người anh em đang gặp khó khăn hay đối với những người gây ra xung đột? Làm sao chúng ta có thể hoà hợp công lý và lòng thương xót trong những trường hợp nan giải?”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể lại ngày hôm trước ngài vừa gặp thầy Alois, tu viện trưởng của cộng đoàn Taizé: “Có nhiều người Công giáo, Canvin, Luther cùng chung sống với nhau tại Taizé. Họ sống một cuộc sống huynh đệ thực sự. Họ là mẫu người tông đồ gây ấn tượng mạnh cho người trẻ. Cộng đoàn huynh đệ đó hàm chứa sức mạnh mời gọi mọi người đến với nhau. Ngược lại, những bệnh hoạn của cộng đoàn thì luôn gây ra sức mạnh phá hủy. Cám dỗ chống lại tình huynh đệ gây cản trở lớn nhất sự thăng tiến đời sống thánh hiến. Thánh Gioan Berchmans từng thú nhận rằng việc sám hối lớn nhất của ngài là đời sống cộng đoàn. Sống huynh đệ là điều khó, nhưng nếu không nỗ lực để sống, thì đời sống chung sẽ chẳng sinh hoa trái gì. Thậm chí ‘công tác tông đồ’ có thể là sự trốn tránh đời sống huynh đệ. Nếu một người không thể sống tình huynh đệ, thì người đó không thể sống đời sống tu trì được.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Tình huynh đệ tu trì với tất cả sự đa dạng của nó là một kinh nghiệm của tình yêu vốn trải qua nhiều xung đột. Những xung đột trong cộng đoàn là điều không thể tránh được. Theo một nghĩa nào đó, chúng cần phải xảy ra, nếu cộng đoàn thực sự đang sống những mối tương quan thẳng thắn và chân thành. Cuộc sống là thế. Nó không gợi ra suy nghĩ rằng cuộc sống cộng đoàn, trong đó có những anh em chẳng gặp phải những khó khăn nào trong cuộc sống. Một điều gì đó bất bình thường nếu cộng đoàn không có xung đột nào. Thực tế cho thấy xung đột luôn luôn nảy sinh trong mọi gia đình và mọi nhóm người. Và xung đột cần phải được đối diện trực tiếp. Nó không nên bị phớt lờ. Che đậy xung đột chỉ tạo ra một nồi áp suất dần dần sẽ nổ tung. Cuộc sống mà không có những xung đột thì chẳng còn là cuộc sống nữa.”
Những căn cứ này rất có giá trị. Chúng ta biết rằng một trong những nguyên tắc nền tảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là : hiệp nhất thì tốt hơn xung đột. Những lời ngài nói với các tu sĩ cần phải được hiểu dưới ánh sáng của Evangelii Gaudium (số 226- 230); trong đó thông điệp đó, ngài đặt vấn đề về “việc chấp nhận chịu đựng xung đột, giải quyết và biến xung đột thành mối dây liên kết hướng đến một tiến trình mới” (số 227). Chúng ta phải nhắc lại rằng, đối với Đức Giáo hoàng, việc kiện toàn con người không bao giờ là một công việc chỉ dành riêng cho cá nhân, nhưng là của tập thể, của các thành viên trong cộng đoàn. Xung đột theo nghĩa này, có thể hoặc thậm chí phát triển thành một tiến trình của sự trưởng thành.
Trong bất cứ trường hợp nào, xung đột cũng cần phải được linh hướng : chúng ta không bao giờ được hành động như vị tư tế hay thầy Lêvi trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu là những người chỉ đi ngang qua. Nhưng chúng ta nên làm gì ? Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi nhớ lại câu chuyện của một bạn trẻ 22 tuổi đang chán nản cùng cực. Tôi không nói về một tu sĩ, nhưng là một bạn trẻ sống với bà mẹ goá làm công việc giặt giũ cho một gia đình giàu có. Cậu thanh niên này bỏ làm và chìm đắm trong rượu chè. Người mẹ không thể giúp đỡ gì cho cậu. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, đơn giản bà chỉ nhìn con trai bằng ánh mắt dịu dàng. Hôm nay, chàng thanh niên ấy đã có vị trí xứng đáng. Cậu đã vượt qua được vấn đề của chính mình, bởi vì cuối cùng cái nhìn dịu dàng từ người mẹ đã lay động lòng cậu. Chúng ta hãy có được sự dịu dàng đó, kể cả sự dịu dàng mẫu tử. Chúng ta hãy nghĩ về sự dịu dàng mà thánh Phanxicô đã sống trong cộng đoàn của ngài. Sự dịu dàng giúp vượt qua những xung đột. Nếu điều đó chưa đủ, thì có lẽ phải thay đổi cộng đoàn.
Đức Phanxicô nói tiếp: “Đúng vậy, đôi khi chúng ta đã quá tàn nhẫn. Tất cả chúng ta đều trải qua cơn cám dỗ muốn phê phán vì thỏa mãn cá nhân hay tìm lợi ích riêng cho mình. Đôi khi, những vấn đề trong tình huynh đệ xuất phát từ nhân cách yếu đuối, và trường hợp này thì cần tìm đến một chuyên gia, một nhà tâm lý. Chúng ta không phải lo sợ điều này, chúng ta đừng sợ không chịu đựng nổi những phương pháp trắc nghiệm tâm lý. Nhưng đừng bao giờ chúng ta hành xử như người quản lý khi giải quyết những xung đột trong đời sống huynh đệ. Chúng ta có sự liên lụy với nhau.
Tình huynh đệ là thứ rất mỏng manh. Trong sách kinh phụng vụ của Argentina, Thánh thi Kinh chiều I Lễ trọng kính thánh Giuse, thánh nhân được kêu cầu chăm sóc Giáo Hội với sự dịu ngọt của thánh Thể- ternura de eucaristía. Đây chính là cách thức chúng ta đối xử với anh em. Chúng ta cần xoa dịu những xung đột. Tôi nhớ lại Đức Phaolô VI đã nhận một lá thư vẽ nhiều bức tranh của một em bé. Đức Phaolô VI nói rằng : đặt một lá thư như vậy lên mặt bàn đang đầy ắp những hồ sơ cần giải quyết giúp ích rất nhiều cho ngài. Sự dịu hiền mang lại sự tốt đẹp cho chúng ta, sự dịu ngọt của Thánh Thể khoả lấp xung đột, nhưng đúng đơn giúp ta đối diện với nó như con người thực sự.
Những mối quan hệ hỗ tương giữa các tu sĩ và Hội thánh Địa phương
Về điểm này, Hội nghị các Bề trên Thượng cấp đã hỏi Đức Giáo Hoàng nhiều câu hỏi liên quan đến những hoạt động của cộng đoàn tu trì trong bối cảnh của những Giáo Hội địa phương và mối tương quan của họ với các Giám mục: Làm sao để các đặc sủng của các dòng khác nhau vừa được tôn trọng vừa được thăng tiến giúp ích sự phát triển của Giáo Hội nơi họ sống và làm việc? Mối hiệp thông giữa những đặc sủng riêng biệt và các hình thái của đời sống Kitô hữu có thể được tăng cường như thế nào nhằm chăm lo cho sự phát triển của Dân Chúa và làm thăng tiến sứ vụ hơn?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời rằng thỉnh cầu duyệt xét lại những tiêu chuẩn định hướng đã được Thánh bộ Tu sĩ và Thánh bộ Giám mục ban hành vào năm 1978 (Mutuae Relationes), liên quan đến những mối quan hệ giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo hội, đang được xem xét kéo dài trong một vài năm tới. Đức Giáo hoàng đưa ra quan điểm rằng thời gian đã chín muồi bởi vì văn kiện đó đã rất hữu ích vào thời điểm đó nhưng bây giờ đã lỗi thời. Đặc sủng của những hội dòng khác nhau cần được tôn trọng và thúc đẩy bởi vì chúng cần thiết trong giáo phận. Ngài nói tiếp : bằng kinh nghiệm, tôi biết rằng những vấn đề có thể nảy sinh giữa một giám mục và các cộng đoàn tu trì. Ví dụ như nếu một ngày nào đó, hội dòng quyết định rút khỏi một trong những công việc của họ do thiếu hụt nhân sự, thì vị giám mục đột nhiên cảm thấy gặp phải một vấn đề nan giải. Chính tôi cũng đã trải qua những kinh nghiệm khó khăn như vậy. Tôi đã được thông báo rằng một công việc sắp bị để trống và tôi đã không biết phải làm gì. Tôi đã thực sự cảm nhận sau sự việc này. Mặt khác, tôi cũng có thể nói về những phát triển tích cực khác. Sự thật là tôi biết những vấn đề đó, nhưng tôi cũng biết rằng các giám mục không rành rẽ về các đặc sủng và công việc của các dòng tu. Chúng tôi, các giám mục cần hiểu rằng những người thánh hiến thì không phải là những công chức, nhưng là quà tặng làm cho giáo phận thêm phong phú. Phát triển những cộng đoàn tu trì trong giáo phận là điều rất quan trọng. Đối thoại giữa các giám mục và các tu sĩ cần phải được lưu tâm sao cho các giám mục không vì thiếu hiểu biết về đặc sủng của họ mà xem các tu sĩ đơn giản là những dụng cụ hữu dụng. Vì lý do này, Đức giáo hoàng đã ủy thác cho Thánh bộ Tu sĩ nhiệm vụ xem xét các phản hồi về văn kiện Mutuae Relationes và xét duyệt lại.
Những biên cương của sứ vụ: sống ngoài lề, văn hóa và giáo dục.
Những câu hỏi cuối cùng được đặt ra liên quan đến những biên cương sứ vụ của người thánh hiến. Đức Giáo Hoàng thường nói về “việc ra đi”, “lên đường” và “những biên cương”. Do đó, Hội nghị các Bề trên Thượng cấp hỏi rằng những biên cương đó có thể là gì để chúng ta lên đường: “Cha nhận định thế nào về sự hiện diện của đời sống thánh hiến giữa thực trạng có sự loại trừ trong thế giới chúng ta? Nhiều hội dòng dấn thân vào công việc giáo dục, cha nhận định thế nào về công việc phục vụ này. Cha có lời khuyên nào cho những tu sĩ đang dấn thân vào lãnh vực này?
Trước hết, Đức Giáo hoàng nói những biên cương địa lý chắc chắn vẫn còn và cần phải sẵn sàng để lên đường. Nhưng cũng có những biên cương mang tính biểu tượng vốn không xác định trước và không giống nhau đối với từng người, nhưng nó cần phải tìm thấy được nền tảng đặc sủng từ nơi mỗi hội dòng. Do đó, mỗi hội dòng cần phải có sự biện phân trong khi thực hiện đặc sủng riêng của mình. Những tình huống trong đó con người bị loại trừ chắc hẳn vẫn là những ưu tiên hàng cho sự biện phân này. Tiêu chuẩn đầu tiên là gửi những người giỏi giang và tài năng nhất đến những hoàn cảnh con người bị loại trừ và sống bên lề này. Đây là những hoàn cảnh này rất nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta lòng can đảm cùng đời sống cầu nguyện sâu xa. Các bề trên cần nâng đỡ và khuyến khích những người này dấn thân cho công việc. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở rằng để cho mình hiếu thắng bởi lòng nhiệt thành là điều luôn nguy hiểm. Điều này có thể nảy sinh từ việc chúng ta sai đi các tu sĩ tốt lành, nhưng chính họ lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho những tình huống mà họ sẽ gặp phải ở những biên cương của những người bị loại trừ. Chúng ta không được đưa ra những quyết định liên quan đến [sứ vụ cho] những người bị loại trừ khi chưa bảo đảm một sự biện phân và trợ giúp thích đáng.
Bên cạnh thách đố dấn thân cho những người bị loại trừ này, Đức giáo hoàng đề cập đến hai thách đố quan trọng khác hiện nay, đó là văn hóa và giáo dục trong các nhà trường và đại học. Đời sống thánh hiến có thể phục vụ đắc lực trong những lĩnh vực này. Ngài nhắc lại: “Khi các các cha phụ trách báo Civiltà Cattolica đến thăm tôi, tôi đã đề nghị với các ngài về những biên cương của tư tưởng, tư tưởng độc đoán và bệnh hoạn. Như vị bề trên của Dòng Salêdiêng biết, mọi sự đã được bắt bắt đầu từ nền tảng căn bản này – giấc mơ phục vụ việc giáo dục tại nơi biên cương, giấc mơ này của thánh Don Bosco thúc đẩy các tu sĩ của ngài đi đến những vùng ngoại vi Patagonia. Chúng ta có thể đưa ra thêm nhiều ví dụ khác nữa.
Những cột trụ của nền giáo dục theo Đức Giáo Hoàng là “truyền thụ kiến thức, hướng dẫn làm các công việc và truyền đạt những giá trị. Đức tin cần được truyền thụ qua những cột trụ này. Nhà giáo dục sẽ phải tùy vào người thụ huấn, vị ấy nên xem xét làm sao để công bố Đức Giêsu Kitô cho một thế hệ đang có nhiều những thay đổi. Từ đó, Đức thánh cha khẳng định khẳng định: “Giáo dục ngày hôm nay là một sứ vụ vô cùng quan trọng. Và ngài nhắc lại một vài kinh nghiệm của ngài ở Buenos Aires liên quan đến công việc chuẩn bị cần thiết để tiếp nhận những trẻ em cho việc giáo dục này, những bé trai hay bé gái, những thanh niên vốn là những người sống trong những hoàn cảnh phức tạp, đặc biệt những người trong gia đình chia rẽ: tôi nhớ đến trường hợp của một cô bé rất buồn bã, cuối cùng em đã tin tưởng cô giáo mà nói ra lý do về tâm trạng của mình: ‘người phối ngẫu của mẹ em không thích em.’ Con số trẻ em học đến trường này có cha mẹ ly hôn chiếm tỷ lệ rất cao. Hoàn cảnh sống mang đến những thử thách mới mà đôi khi chúng ta khó có thể hiểu thấu. Làm sao chúng ta có thể công bố Đức Kitô cho những em bé này? Làm sao chúng ta có thể công bố Đức Kitô cho một thế hệ đang thay đổi. Chúng ta cần phải cẩn thận đừng phân phát một loại vaccin kháng cự lại đức tin truyền đạt cho chúng.
Sau ba giờ trò chuyện, khoảng 12 giờ 30, Đức Giáo Hoàng cáo lỗi vì phải kết thúc cuộc trò chuyện. Ngài mỉm cười nói: “Chúng ta hãy để lại một số câu hỏi cho lần sau” vì ngài có cuộc hẹn với nha sĩ. Trước khi nói lời chia tay với Hội nghị, Đức thánh cha Phanxicô công bố năm 2015 là năm dành cho đời sống thánh hiến. Những lời của Đức thánh cha được cử toạ hoan nghênh bằng một tràng pháo tay dài. Hướng nhìn vị Tổng trưởng và vị Thư ký Bộ Đời sống Thánh hiến và Hội Đời sống Tông đồ, Đức Phanxicô mỉm cười nói : “Đó là lỗi của họ, đó là ý kiến của họ, thật là nguy hiểm khi hai người này sóng đôi với nhau. Tiếng cười vang lên trong cả khán phòng hội nghị.
Khi rời đại sảnh, đức Phanxicô nói : “Cám ơn anh chị em, tôi cám ơn vì hành động đức tin mà anh chị em đã thể hiện trong cuộc gặp gỡ này. Xin cám ơn vì những gì anh chị em đã làm, về tinh thần đức tin và lòng nhiệt tâm phục vụ. Cám ơn vì chứng tá của anh chị em, vì những chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục được dâng hiến cho Giáo Hội, cũng như những tủi hổ mà anh chị em phải chịu. Đây chính là con đường của Thập giá. Xin hết lòng cám ơn anh chị em.
--------------------------------------------------------
[1] Nguyên tác Wake up the Word, Conversation with Pope Francis about the Religious life của Antonio Spadaro, SJ. (original text in Italian, Civiltà Cattolica, translated into English by Fr. Donald Maldari SJ).
[2] Khi còn là Giám tỉnh dòng Tên tại Argentina, tu sĩ J.M.Bergolio đã cho xuất bản tác phẩm Meditaciones para religiosos, San Miguel: Ediciones Dieo de Torres, 1982. Đây là một quyển sách gồm một bộ sưu tập các loạt bài suy niệm dành cho các anh em trong dòng. Chúng rất hữu ích trong việc soi sáng một vài chủ đề then chốt mà HY Bergolio sẽ khai triển sau này.
[3] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục khu vực Châu Mỹ Latin và khu vực bao gồm các đảo và quốc già vùng Caribê tại Thánh điện Aparecida (13.05.2007). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bàn đến chủ đề này của vị tiền nhiệm của mình một vài lần. Ngài cũng mượn chủ đề đó trong bài giảng tại Nhà nguyện Santa Marta hôm 01.10, và thêm vào : “Khi nhìn thấy lời chứng khiêm nhường này, lời chứng của sự hiền lành, hòa nhã, người ta hiểu được sự cần thiết của điều mà ngôn sứ Dacaria đã nói : ‘Ước gì tôi được đến với bạn !’ Họ sẽ cảm nhận được sự cần thiết ấy khi đối diện với lời chứng của đức bác ái, đức bái ái khiêm nhường không giả dối; sự khiêm nhường, không phải để tự đề cao mình, nhưng luôn yêu mến và phục vụ.” Đức Phanxicô cũng lặp lại lời Đức Bênêđictô XVI hôm 04.10, trong suốt chuyến thăm Nhà thờ Chánh tòa San Rufino tại Assisi, cũng như trong Tông huấn Evangelii Gaudium.
[4] Xc. J.M.Bergoglio, Nel cuore dell’uomo. Utopia e impegno, Milan: Bompiano, 2013, tr.23 ; Đức Giáo Hoàng Phanxicô, La mia porta è sempre aperta. Une conversazione con Antonio Spadaro, Milan: Rizzoli, 2013, tr.86ff.
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh xác tín này trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ngài viết : “Mô hình của chúng ta ở đây không phải là phạm vi, lĩnh vực hoạt động, vốn không lớn hơn những phần nhỏ của nó, nơi mà mọi vị trí đều cách tâm điểm những khoảng cách bằng nhau, và không có khác biệt gì giữa chúng. Thay vào đó, nó phải là khối đa diện, có thể phản ánh được sự hội tụ của tất cả các phần của nó, mỗi phần của nó bảo vệ sự rõ ràng của nó.” (236)
[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất quen thuộc với bức thư này của cha Pedro Arrupe và cũng trích dẫn nó trong bài phỏng vấn của mình với báo Civilità Cattolica, ngài diễn tả bức thư đó như một “nguồn gợi hứng.” Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, La mia porta è sempre aperta…, tr. 117.
[7] Sđd. 63f.
[8] Thực tế người ta đã không hiểu thấu đáo khi trong sứ vụ truyền giáo, các tu sĩ Dòng Tên đã cố gắng thích nghi việc loan báo Tin Mừng vào các nghi lễ và tập tục địa phương. Điều này gây ra sự quan ngại, và đã có một số ý kiến trong Giáo Hội phản đối lại tinh thần của những cố gắng tiếp cận đó, họ sợ rằng, những thích nghi đó có thể làm vẩn đục sứ điệp Kitô giáo. Những chọn lựa ngôn sứ như thế thường không được chấp nhận bởi vì chúng vượt quá quan niệm thông thường thời bấy giờ.
[9] Cha Segundo Llorente (Mansilla, Mayor, León [Tây Ban Nha], 18.11.1906 – Spkane, Washington [USA] 26.01.1989), một Tu sĩ Dòng Tên đã trải qua hơn 40 năm sống đời thừa sai tại đất Alaska. Ngài là đại diện cho Hội Dòng Mỹ ở Bang Alaska, một trong những nơi mà ngài được xem là một người đồng sáng lập. Cha Segundo được mai táng tại một nghĩa trang người Da Đỏ tại De Smet, Idaho, nơi chỉ có những người Mỹ da đỏ bản xứ mới được chôn cất. Khi cha đến Akulurak năm 29 tuổi, bài toán khó đầu tiên bao gồm không chỉ việc học ngôn ngữ Eskimo, nhưng còn là nói về Thiên Chúa cho những con người có lối suy nghĩ hoàn toàn khác biệt với lối suy nghĩa Châu Âu. Cha đã viết 12 quyển sách về các kinh nghiệm truyền giáo của mình.
[10] Sđd. Bài nói chuyện trong hội nghị với các điều phối viên của Hội Nghị Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), suốt cuộc họp tổ chức chung tại Centro Studi di Smaré, Rio de Janeiro, 28.07.2012.
[11] Nguyên văn : We must form their hearts. Otherwise we are creating little monsters. And then these little monsters mold the People of God. This really gives me goose bumps.
[12] Nguyên văn: Just think of religious who have hearts that are as sour as vinegar.
Nguồn: catechesis.net