Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di - Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Hòa, SSS

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

       25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

       27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

       28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

SUY NIỆM

       Vị thánh nào cũng có những nét đặc biệt, riêng thánh Phan-xi-cô mà Giáo hội kính nhớ hôm nay ngày 4 tháng 10 có nhiều nét đặc biệt đáng nhớ. Cần ghi nhận ba nét nổi bật của thánh nhân. Thứ nhất, nhiều người quen gọi ngài là Phan-xi-cô khó khăn, hẳn không phải là khó tính khó thương, nhưng là khó nghèo. Khó nghèo không phải vì ngài xuất thân từ gia đình nghèo. Ngài là con của một doanh nhân thành đạt thời đó vào cuối thế kỷ XII. Nhờ tiền bạc người cha bỏ ra mà Phan-xi-cô có được một nền giáo dục ưu tú. Phan-xi-cô cũng nổi tiếng trong số các bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du với giới quý tộc. Vào một ngày kia, đang lúc ăn chơi bát ngát với các bạn bè, có một người hành khất đến xin bố thí. Trong khi mọi người không hề quan tâm đến tiếng kêu la của người hành khất đáng thương này, Phan-xi-cô đã dốc hết túi của mình cho ông ta. Thấy vậy, bạn bè dèm pha cười nhạo. Về nhà, Phan-xi-cô còn bị người cha giận dữ vì những gì Phan-xi-cô đã làm. Tiểu sử ghi rằng: khi Phan-xi-cô từ chối những trò giải trí và những buổi hội hè đình đám. Vì thế nên bạn bè và nhiều người đã thắc mắc và hỏi xem có phải Phan-xi-cô chẩn bị kết hôn. Phan-xi-cô trả lời rằng: “Phải, tôi sẽ kết hôn với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào trên trần gian này.” Ý Phan-xi-cô muốn nói cô dâu này chính là Nhân đức khó nghèo." Sau này Phan-xi-cô đã sáng lập dòng Anh em Hèn mọn, còn gọi là dòng Phan-xi-cô Khó khăn.

       Nét thứ hai: Không chỉ vì Phan-xi-cô đã sáng tác lời kinh tuyệt vời đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, đó là Kinh Hòa bình, nhưng vì ngài là con người của Hòa bình. Từ thời đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, hàng năm đại diện của tất cả các tôn giáo lớn qui tụ về thành phố Át-si-si là nơi sinh trưởng của thánh Phan-xi-cô để cầu nguyện cho hòa bỉnh thế giới. Là con người của Hòa bình, Phan-xi-cô đã sống hòa hợp, không chỉ với mọi người, với những con chim bồ câu, như nơi các tượng hoạc hình vẽ về thánh nhân, mà ngài chung sống hòa bình với mọi loài thụ tạo. Thánh nhân cũng sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên: “Trường ca Tạo Vật,” trong đó ngài gọi mặt trời, gió, lửa là “Ông Anh,” gọi mặt trăng, gọi đất, gọi nước và đặc biệt ngài gọi cái chết là Chị của mình: “Chị chết.” Trong bài trường ca này, thánh Phan-xi-cô nhắc đến “Anh chị em loài người,” nghĩa là mọi người là anh chị em. Qua đó, chúng ta biết chắc chắn thánh Phan-xi-cô chính là con người hiền hậu và khiêm nhường, mà ngài đã học được từ nơi chính Chúa Giê-su như Tin mừng hôm nay nêu bật. Sang đến nét tứ ba, thánh Phan-xi-cô còn được biết đến là một người yêu mến thập giá Chúa Giê-su, điều mà bài đọc nhắc đến: “Tôi chẳng hãnh diện gì ngoài thập giá của Đức Ki-tô.” (Gl 6, 14) Vào ngày 14 tháng 9 năm 1224, lễ Suy tôn Thánh giá, Phan-xi-cô được in trên mình năm dấu thánh của Chúa Giê-su, dĩ nhiên rất đau đớn, và chỉ hai năm sau ngài qua đời. Chính nhờ thánh Phan-xi-cô mà việc “Viếng đường Thánh giá” được phổ biến trong toàn Giáo hội Công giáo. Chúng ta cũng nên biết Phan-xi-cô là người đã muốn gợi lại cảnh Chúa Giê-su sinh ra trong cảnh nghèo khó tại Bê-lem, nên ngài là người đã làm “máng cỏ” đầu tiên và vẫn phổ biến hiện nay, cách riêng mỗi dịp Giáng sinh về.

       Đức Giáo hoàng, người lãnh đạo toàn Giáo hội Công giáo hiện nay đã chọn thánh Phan-xi-cô khó khăn làm tước hiệu và lý tưởng phục vụ của ngài. Ôn lại vài nét về cuộc đời của Phan-xi-cô, vị thánh hội Caritas thường chọn làm bổn mạng, chúng ta dõi theo phần nào gương của ngài. Xin cho mỗi người có được tinh thần siêu thoát, biết nhiệt thành và quảng đại trong việc bác ái chia sẻ với những ai đang cần được xót thương. Chúa muốn chúng ta tin vào lòng thương xót của Người, khẩn cầu với lòng Chúa xót thương, nhưng Chúa còn muốn chúng ta thi hành lòng thương xót của Chúa bằng những việc bác ái của chúng ta làm cho tha nhân. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen

Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Hòa, SSS

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.