ÂM NHẠC CHO CA ĐOÀN VÀ ÂM NHẠC CHO TOÀN THỂ CỘNG ĐOÀN

ÂM NHẠC CHO CA ĐOÀN VÀ ÂM NHẠC CHO TOÀN THỂ CỘNG ĐOÀN

Mới đây, vào ngày 25-04-2023, Ủy Ban Thánh Nhạc (UBTN) trực thuộc HĐGM Việt Nam đã đúc kết cuộc Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 50 với chủ đề Nhận định và góp ý về việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ bằng việc đưa ra “Bản Ghi Nhớ Để Thực Hiện Việc Hát Cộng Đồng Trong Phụng Vụ”. Trong Bản Ghi Nhớ này, UBTN nhận định rằng: (1) Hát cộng đồng là phương thế hàng đầu để mọi người tham dự vào cử hành phụng vụ một cách trọn vẹn; (2) Ca đoàn hỗ trợ chứ không thay thế cộng đoàn.[1] Tiếp theo đó, UBTN cũng đưa ra 6 giải pháp thực hiện.[2] Để góp thêm một chút ý kiến vào những giải pháp đã nêu, bài viết sau giúp mọi thành phần Dân Chúa hiểu rõ hơn nữa về phạm vi hát của cộng đoàn và của ca đoàn: 

Ca đoàn đóng một vai trò quan trọng trong cử hành phụng vụ bởi vì ca đoàn là nhân tố dẫn dắt việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ và âm nhạc là nhằm phục vụ cho nghi thức. Theo lời của Đức Giáo hoàng Pio X (1903-1914) trong tự sắc Tra le Sollecitudini (TLS), thánh nhạc hoàn thành hai mục đích của phụng vụ là “tôn vinh Thiên Chúa” cũng như “thánh hoá và xây dựng các tín hữu” (số 1) khi nó làm tăng thêm “sự xứng hợp và vẻ huy hoàng của các nghi lễ Giáo hội” đồng thời dệt được giai điệu thích hợp cho “bản văn phụng vụ vốn nhằm cho tín hữu hiểu được.” Nhờ vậy, những người tham dự có thể “được dễ dàng khơi động lòng đạo đức hơn và thêm xứng đáng đón nhận các hoa trái ân sủng nơi các cuộc cử hành phụng vụ”.  

Ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn. Họ hành động nhân danh cộng đoàn. Họ vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cuộc cử hành Phụng Vụ. Vì vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được (MVTN 29). Theo Huấn thị "Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ" (Musicam Sacram = MS)[3] số 19: “Ca đoàn hoặc "Ban hát nhà nguyện", hoặc "Nhóm ca viên" có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, và giúp tín hữu tham gia tích cực vào việc ca hát.”  Tức là công việc của ca đoàn không phải là độc quyền hát và công việc của cộng đoàn không phải là chỉ thụ động lắng nghe. Như vậy, một buổi cử hành phụng vụ Thánh Thể bao giờ cũng gồm cả ca đoàn hát lẫn cộng đoàn hát để người ta có thể thấy rõ tính cách "giáo hội" trong buổi cử hành (MS 42). Khi thì ca xướng viên hoặc ca đoàn hát với cộng đoàn. Lúc thì chỉ riêng ca đoàn hát. Có những trường hợp thì toàn thể cộng đoàn hát và ca đoàn chỉ là một thành phần trong đó như trong những phần tung hô thuộc Kinh nguyện Thánh Thể.  

I/ PHẦN DÀNH RIÊNG CHO CA ĐOÀN: CHUẨN BỊ LỄ VẬT

Thật ra, không có bất kỳ tài liệu phụng vụ nào hướng dẫn một cách cụ thể và rõ ràng phần nào dành riêng cho ca đoàn hát. Tuy nhiên, từ việc xem xét bản chất của chính nghi thức cử hành chúng ta có thể rút ra kết luận về trường hợp dành để ưu tiên cho một mình ca đoàn hát: Chuẩn bị Lễ vật. Tiêu điểm hàng đầu của phần chuẩn bị lễ vật cũng là tác động vào thị giác của những người tham dự phụng vụ, nghĩa là làm sao để mọi người có thể chăm chú nhìn vào hành động mang bánh và rượu lên bàn thờ, những lễ phẩm này sẽ trở thành Mình Máu Chúa Kitô (QCSL 73). Giống như nhập lễ, thường đây là một cuộc rước, nhưng tiêu điểm của rước chuẩn bị lễ vật lại hoàn toàn khác với rước nhập lễ.  

Với cuộc rước nhập lễ, toàn thể dân chúng được quy tụ lúc bắt đầu phụng vụ, do đó, thật thích hợp khi họ diễn tả sự hợp nhất giữa họ với nhau bằng việc cùng nhau ca hát. Ca nhập lễ vừa để khai lễ vừa để tán trợ và thắt chặt sự đồng tâm nhất trí giữa những tín hữu đang quy tụ để cùng nhau hợp lời ca ngợi Thiên Chúa. Đây là bài ca mở màn cho không khí ngày lễ, hướng đưa tâm trí các tín hữu tham dự vào mầu nhiệm ngày lễ hay mùa phụng vụ,[4] đồng thời để phụ họa cho cuộc rước vào nhan Chúa của toàn thể cộng đồng mà đoàn rước là đại diện (không phải là rước vị chủ tế như có nhiều người lầm tưởng),[5]cũng như để tôn vinh chính Chúa Kitô đang tiến vào.[6]  

Nhưng với nghi thức chuẩn bị lễ vật, tiêu điểm là phần trình bày lễ phẩm bởi các thành viên của cộng đoàn (QCSL 73) nhằm chuẩn bị tâm hồn các tín hữu khi sắp bước vào Kinh nguyện Thánh Thể. Lúc này, chính mọi người cũng là  của lễ đang được chuẩn bị.[7] Có nhiều cách thức để mọi người dễ chăm chú  vào phần trình bày lễ phẩm: a] Chủ tế và cộng đòan sẽ đối đáp theo bản văn  của Sách lễ;[8] b] Chủ tế đọc thầm + dạo đàn phong cầm; c] Chủ tế đọc thầm + cộng đoàn thinh lặng hoàn toàn; d] Nếu cần hát bài chuẩn bị lễ vật xét như một  “bài hát bổ sung”, tốt nhất, một bài thánh ca nhẹ nhàng sẽ do lĩnh xướng viên  hay chỉ riêng ca đoàn hát mà thôi nhằm hỗ trợ cho việc suy niệm, đưa người  tham dự vào hành động phụng vụ đang diễn ra hơn là lôi kéo sự chú tâm của  người ta vào bài hát. Khi hát cộng đoàn, dân chúng khó có thể dõi theo tiêu điểm hàng đầu của nghi thức đang diễn ra lúc này.  

II/ NHỮNG PHẦN DÀNH CHO CỘNG ĐOÀN HAY CA ĐOÀN HÁT

1] Ca nhập lễ: a- cộng đoàn + ca xướng viên / ca đoàn; b- ca đoàn. 2] Kinh thương xót: cộng đoàn + ca xướng viên /ca đoàn 

3] Kinh vinh danh: a- cộng đoàn; b- cộng đoàn + ca xướng viên; c- ca đoàn 4] Thánh vinh đáp ca: ca xướng viên / cộng đoàn 

5] Halleluia: ca xướng viên / ca đoàn + cộng đoàn 

6] Kinh tin kính: cộng đoàn 

7] Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus): cộng đoàn 

8] Tung hô tưởng niệm (Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin): cộng đoàn 9] Amen long trọng [sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể]: cộng đoàn 

10] Kinh Lạy Cha: cộng đoàn 

11] Ca hiệp lễ: a- cộng đoàn; b- ca đoàn 

12] Bài ca sau hiệp lễ: cộng đoàn 

13] Ca kết lễ: a- cộng đoàn; b- dạo đàn; c- ca đoàn 

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS 


 

[1] UBTN – HĐGM/VN, “Bản Ghi Nhớ Để Thực Hiện Việc Hát Cộng Đồng Trong Phụng Vụ” (25/04/2023), truy cập 01/06/2023, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-thanh-nhac-ban-ghi-nho-de-thuc-hien-viec-hat-cong-dong-trong phung-vu-50936.

[2] Ibid.

[3] Thánh Bộ Lễ Nghi, “Instructio de Musica in Sacra Liturgia” ban hành ngày 5 tháng 3 năm 1967

[4] Notitiae 6 (1970) 404, no.42.

[5] Dominic Thuần, sss, Cử Hành Thánh Lễ (Hoa Kỳ: Dân Chúa, 1994), 25.

[6] Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ Ơn (TP. HCM: TS Đại Kết, 1996), 114.

[7] Xc. Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Collegeville: Liturgical Press, 2004), 39.

[8] Xc. Nghi thức Thánh lễ, số 23 và 35.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.