PHƯƠNG PHÁP CHẦU CỦA CHA THÁNH Ê-MA.
CHẦU THÁNH THỂ
Chầu Thánh Thể là một hình thức diễn tả việc thờ phượng của Kitô hữu đối với phép Thánh Thể, là việc bộc lộ ra bên ngoài cách công khai niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Việc tôn thờ công khai Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể không phải chỉ là việc sùng kính đạo đức nhưng còn là một hành động phụng vụ. Chầu Thánh Thể phát sinh từ cử hành phụng vụ Thánh Thể và dẫn đưa trở lại với cử hành này: “Đó là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống của Giáo Hội”. Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ, Ngài ở với loài người như của lễ hiến dâng và là thần lương cho chúng ta. Nhờ việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, chúng ta sẽ thêm lòng mến yêu Thánh lễ và làm cho nỗi khát khao lãnh nhận Mình và Máu Thánh trong chúng ta thêm mãnh liệt.
Trong nghi thức Rôma hiện nay, phụng tự nhiệm tích Thánh Thể công khai được nhìn nhận như là thành phần bình thường của đời sống phụng vụ trong giáo phận, tại giáo xứ và các cộng đoàn tu trì. Việc trưng bày Mặt nhật hay bình đựng Mình Thánh (Bình thánh) có thể diễn ra trong bất cứ Nhà thờ hay Nhà nguyện nào có lưu giữ Thánh Thể. Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã là một tấm gương cho Giáo hội khi ngài thiết lập việc trưng bày “Mặt nhật” hằng ngày trong vương cung thánh đường thánh Phêrô. Sau đó, việc thực hành này lan truyền đến ba vương cung thánh đường vĩ đại khác tại Rôma.
Những ơn ích đặc biệt kèm theo với việc chầu trọng thể hàng năm tùy thuộc vào “phán quyết” của Đấng bản quyền giáo phận. Ngài có thể định ra một ngày dành để chầu trọng thể trong tất cả các Nhà thờ và Nhà nguyện nào có lưu giữ Mình Thánh. Hơn nữa, ngài cũng có thể duy trì hay phục hồi hình thức sùng kính “Chầu bốn mươi giờ” trong giáo phận của mình, hòa hợp giữa luật cũ với những điều kiện tại địa phương và với những thực hành phụng vụ hiện nay.
Lm. Giuse Trần Ngọc Tân, SSS