Các Hình Thức Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ

 

CÁC HÌNH THỨC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Đến khoảng năm 1548 - 1550, thánh Philiphê Nêri và Inhaxiô Loyola (1553) đã phổ biến việc tôn thờ Thánh Thể 40 giờ tại giáo đô Rôma. Thánh Charles Borromeo xác nhận thực hành lòng sùng kính chầu Mình Thánh 40 giờ cho Milan trong Synod 1565 và mở rộng ra cho toàn tỉnh thành Milan vào năm 1575. Chầu 40 giờ đầu tiên được thực hành tại Pháp (Paris) do công của một tu sĩ Dòng tên là Edmond Auger. Trong khi đó, một thành viên của Dòng Capuchin là Joseph de Rocaberti đã đem loại hình chầu Thánh Thể này vào Tây Ban Nha trong khoảng những năm 1577-1584 [1].

 Khi giờ chầu kết thúc tại một Nhà thờ, Thánh Thể được kiệu đến một Nhà thờ khác theo kiểu từng chặng. Nơi đây, Thánh Thể sẽ được trưng bày trên bàn thờ trong một thời kỳ 40 giờ cầu nguyện khác. Sau đó, Thánh Thể được kiệu đến Nhà thờ khác nữa và cứ tiếp tục như vậy.  Cuộc xâm lược của một quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Ý năm 1541 khiến Đức Giáo hoàng Phaolô III (trị vì 1534-1549) ban hành một đặc quyền cho giáo phận Milan. Đó là Tổng giám mục Milan, theo lời cầu nguyện của các cư dân thuộc thành phố nói trên, “nhằm xoa dịu ‘cơn giận dữ của Thiên Chúa’ gây ra bởi những xúc phạm của các Kitô hữu” và để vô hiệu hoá nỗ lực và mưu đồ của người Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang “gây sức ép hòng hủy diệt Kitô giáo”, trong số những thực hành đạo đức khác nhau, hãy thiết lập một vòng cầu nguyện và khẩn nài trong tất cả các Nhà thờ của thành phố để tất cả các tín hữu của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa cả ngày lẫn đêm, trước Mình Cực Thánh của Chúa, theo môt cách thức là những lời cầu nguyện và khẩn nài này được thực hiện bởi chính “các tín hữu luân phiên nhau chầu Chúa” trong vòng 40 giờ liên tục và tại mỗi Nhà thờ luân phiên kế tục nhau trong những ngày cuối cùng của “tuần bát nhật lễ Corpus Christi” [2]. Năm 1539, Đức Giáo hoàng Phaolô III “ban ân xá đặc biệt” cho những tín hữu nào tham gia vào 40 giờ cầu nguyện trước Thánh Thể [3].

 Sự sùng kính này, đặc biệt là trong bối cảnh phản kháng của anh em Thệ phản ở thế kỷ XVI, đã lan truyền nhanh chóng trên khắp cõi châu Âu, bao gồm cả Roma, nơi mà vào ngày 25 tháng 11 năm 1592 Đức Thánh Cha Clêmentê VIII (1536-1605) đã ban hành một văn kiện lịch sử, tức Tông chiếu “Graves et diuturnae”, trong đó quy định việc tuân giữ liên tục Chầu Mình Thánh 40 giờ (Quarant’ore theo tiếng Ý) không được đứt quãng trong các Thánh đường tại kinh thành Rôma. Cũng như ban ân xá, đại xá cho những ai xưng tội, rước lễ và viếng ít là một giờ bất cứ Nhà thờ nào đang cử hành Chầu 40 giờ [4]. Trong tài liệu này, ngài viết rằng:

“Ta quyết định cách công khai rằng trong Mẫu Thành Rôma, một cuộc cầu nguyện không ngừng như thế được thực hiện trong các Nhà thờ vào những ngày ấn định. Tại đó, cử hành việc sùng kính đạo đức Chầu 40 giờ, xếp đặt thế nào để các Nhà thờ và thời gian mọi giờ, mọi ngày và đêm, cả năm tròn làn hương cầu nguyện được dâng lên không gián đoạn trước Thiên Nhan” [5].

 Tới thời, Đức Urbano VIII (1623-1644), ngài yêu cầu áp dụng thực hành chầu trọng thể trong toàn Giáo Hội Tây phương [6]. Sau này, Đức Giáo hoàng Clêmentê XI (trị vì 1700-1721) và Clêmentê XII (1730-1740) đã ban hành hướng dẫn và chữ đỏ (Instructio Clementina) một cách chi tiết, liên quan đến lòng sùng kính chầu Thánh Thể 40 giờ, mà vẫn được sử dụng hầu hết cho đến nay. Nội dung chính của chỉ thị này dạy rằng: “phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong vòng 40 giờ liên tiếp”. Cụ thể là:

 Thánh Thể luôn được trưng bày trên bàn thờ cao, ngoại trừ trong các basilica thuộc về toà thượng phụ.

 Tượng ảnh và di tích xung quanh bàn thờ trưng bày Thánh Thể phải được gỡ bỏ hoặc che kín.

 Chỉ có các giáo sĩ trong phẩm phục áo chùm thâm với áo các phép (surplices) mới có chức năng phục vụ bàn thờ nơi trưng bày Thánh Thể.

Phải có người thay phiên nhau, liên tục đến tôn thờ trước Phép Thánh Thể và nên bao gồm một linh mục hay giáo sĩ đã lãnh chức lớn.

Không có Thánh lễ tại bàn thờ trưng bày Thánh Thể [7].

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


 

[1] Xc. Bernard Haring, Eucharistic Devotion - New Meanings for a

[2] Xc. Benedict J. Groeschel và James Monti, In the Presence of Our Lord: The History, Theology and Psychology of Eucharist Devotion, 244.

 [3] Xc. Bernard Haring, Eucharistic Devotion - New Meanings for a

 [4] Xc. John A. Hardon, S.J., “The History of Eucharistic Adoration”

[5] Xc. Benedict J. Groeschel và James Monti, In the Presence of Our Lord: The History, Theology and Psychology of Eucharist Devotion, 246.

[6] Xc. Bernard Haring, Eucharistic Devotion - New Meanings for a

[7] Xc. Nathal Michell, OSB, Cult and Controversy: the Worship of the Eucharist outside Mass, 310-318; John A. Hardon, SJ, The History of Eucharistic Adoration: Development of Doctrine in the Catholic Church từ http://www.ewtn.com/library/HOMELIBR/HISTOREA.HTM#Chap- ter IV

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.