Bài 3 - Bí Tích Hợp Nhất và Tăng Triển Giáo Hội

BÀI III

BÍ TÍCH HỢP NHẤT VÀ TĂNG TRIỂN GIÁO HỘI


          "Lý do tại sao bí tích Thánh Thể là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội của Người ... đó là vì Chúa Giêsu mong muốn ở lại dưới thế với Giáo Hội và cho Giáo Hội của Người để Người trở thành sức sống, uy lực và vinh quang của Giáo Hội". Những lời lẽ này phát xuất từ ngòi bút của cha thánh Eymard và nhắc lại một thực tại, đó là nhận thức của Giáo Hội qua các thời đại, một nhận thức vẫn liên tục, trước sau như một, xác quyết rằng có một mối quan hệ rất mật thiết giữa Hy Lễ Tạ Ơn và Giáo Hội Chúa Kitô. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá một vài khía cạnh của mối quan hệ khăng khít đó. 

          Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới bằng việc "hiến ban" mình Người và "tuôn đổ" máu Người làm hy tế -  nói cách khác, khi Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể - Ngài đã đặt nền móng xây dựng một cộng đồng thiêng liêng mới, một cộng đồng mà chúng ta gọi là Giáo Hội. Và khi các tông đồ ăn uống bánh rượu Chúa Giêsu trao cho, lần đầu tiên họ bước vào trong sự hiệp thông bí tích với Ngài. Từ thời điểm đó tại Lầu Trên cho đến thời gian sau hết, khi một cộng đồng công giáo tiếp nhận bí tích Thánh Thể vào lúc tận cùng thế giới, Giáo Hội đã được xây dựng và sẽ tiếp tục được xây nên qua sự hiệp thông bí tích với Chúa Kitô. 

          Bằng việc ăn uống Mình Máu Chúa Kitô, sự hiệp nhất của chúng ta với Ngài, đã bắt đầu nơi bí tích Rửa Tội, sẽ liên tục được củng cố và đổi mới. Trong hành vi rước lễ, có thể nói rằng, không chỉ mỗi người lãnh nhận Chúa Kitô mà Chúa Kitô cũng lãnh nhận mỗi người chúng ta. Nói cách khác, nếu trái tim và linh hồn của chúng ta hoàn toàn mở ra, thì Chúa Kitô sẽ bước vào trong chúng ta bằng một tình bạn mãnh liệt thắm thiết, tình bạn hướng đến sự sống và yêu thương. Trong chương thứ VI của Tin Mừng Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu hứa: "...Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy" (Ga 6,57). 

          Tuy nhiên, loại tình bạn chúng ta kết thân với Chúa Kitô không phải là một dạng dễ dãi, không phải như những hội viên của một câu lạc bộ hay độc quyền độc chiếm, một loại khép kín chỉ thu vào mình. Thay vào đó, tình bạn này làm chúng ta, xét như những cá nhân và xét như là một Giáo Hội, trở thành - như Công đồng Vatican II gọi - "một bí tích cho nhân loại",. Điều đó có nghĩa là, nhờ Chúa Kitô, chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ và khí cụ cứu rỗi thế giới quanh ta; có nghĩa là, chúng ta sẽ trở thành "ánh sáng" và "muối ướp" trần gian. Chúng ta hiện diện là để chia sẻ với thế giới quanh ta sự khôn ngoan, niềm vui và hương vị Tin Mừng của Chúa Kitô. Chính bởi liên tục sống trong Thánh Thể mà chúng ta - xét như là một Giáo Hội - sẽ kín múc được sức sống từ bí tích cực trọng này, sẽ rút ​​được sức mạnh tinh thần cần thiết để thi hành sứ mệnh của Giáo Hội. 

          Chúng ta đang mô tả việc lãnh nhận Thánh Thể và sống nhờ Thánh Thể sẽ dẫn đưa Giáo Hội vào trong tình bạn thân mật với Chúa Kitô thế nào và tiếp vận sinh lực cho Giáo Hội để hoàn thành sứ mệnh của "hiền thê Chúa Kitô" ra sao. Sẽ rất hữu ích ở đây nếu nói một vài lời về hiệp lễ sốt sắng sẽ củng cố chúng ta - Giáo Hội của Chúa Kitô- như thế nào trong sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau như là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinthô, thánh Phaolô đề cập đến sức mạnh của sự hiệp nhất hiện diện ngay trong việc tham dự Thánh Lễ cách xứng đáng. Trong một đoạn văn chúng ta đã nghe nhiều lần, thánh Phaolô nói: "Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể"(1 Cr 10,16-17). Điều thánh Phaolô đang nói ở đây là việc dự tiệc Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể làm cho chúng ta có thể nên một với Chúa Kitô - chúng ta là những người rất khác biệt nhau - nhưng thông dự vào sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Sống nhờ vào Thánh Thể sẽ củng cố sự kết hợp của chúng ta với Đức Kitô. Điều này cũng đã được chúng ta trải nghiệm qua khi lãnh phép Rửa và tiếp nhận Chúa Thánh Thần. Do đó, Thánh Thể kêu gọi chúng ta đi tới sự hiệp nhất với nhau một cách mạnh mẽ. 

          Khi đánh giá cao sự hiệp nhất Thánh Thể mà chúng ta đang mô tả ở đây, liệu chúng ta có thể tránh khỏi bị sốc khi nhìn thấy anh chị em công giáo của mình (hay chính chúng ta?) đang là nguyên nhân hay tiếp tay cho sự mất hiệp nhất trong cộng đồng công giáo hay không, hoặc cụ thể hơn nữa, gây chia rẽ ngay trong gia đình, nhất là khi quyền lực để chữa lành và hòa giải lại nằm trong tầm tay của mình. Chúng ta đều biết là sự chia rẽ bắt đầu lan rộng từ đâu và xảy ra khá thường xuyên trong các giáo xứ cũng như các tổ chức Giáo Hội như thế nào - và tất nhiên, cả trong các gia đình nữa. Đôi lúc, sự chia rẽ xảy ra khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hoặc mối tương quan giữa những anh chị em với nhau trở nên lỏng lẻo, lạnh nhạt dần và cuối cùng đông cứng lại thành một thái độ phải chịu đựng nhau lâu dài do sự dửng dưng cũng như sự từ chối giao tiếp gặp gỡ nhau. Thật chỉ là một khẩu hiệu sống Thánh Thể mà thôi khi hai thành viên của cùng một gia đình công giáo đã lìa bỏ nhau mà không tìm cách để chữa trị mối quan hệ xáo trộn đó, không tìm cách hòa giải với nhau. Khi thế giới và xã hội đang bị xâu xé bởi tình trạng chia rẽ khủng khiếp, người Kitô hữu công giáo chúng ta phải làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đồng giáo xứ, trong Giáo Hội ở cấp độ địa phương cũng như hoàn vũ. Sống Thánh Thể một cách đích thực đòi hỏi một nỗ lực như thế, cần thiết một nỗ lực như thế về phía chúng ta.

          Có thể nói vắn tắt thế này, chúng ta đã cố gắng để chứng minh sự liên kết rất khăng khít giữa Giáo Hội và bí tích Thánh Thể, bí tích Thánh Thể hình thành nên Giáo Hội và làm cho Giáo Hội thêm dũng lực. Chúng ta đã bắt đầu với một số lời lẽ được chắt lọc kỹ càng và cảm động từ ngòi bút của cha thánh Eymard. Chúng ta sẽ kết thúc cũng với những lời cảm động và được chắt lọc tương tự như vậy từ vị ' Tông Đồ Thánh Thể' : "Giáo Hội được mạnh sức và sinh hoa kết trái nhờ bí tích Thánh Thể ... (con cái của Giáo Hội) phải được nuôi dưỡng và chăm sóc. Có hạt giống thần linh trong họ. Hạt giống này phải được làm cho nảy mầm và lớn lên. Bí tích Thánh Thể chính là phương tiện, nhờ đó, Giáo Hội thành hình Chúa Giêsu Kitô nơi con cái mình...Giáo Hội luôn sắp sẵn cỗ bàn (tiệc Thánh Thể); Giáo Hội mời gọi con cái mình nhập tiệc, nài xin họ đến, kín múc sức sống và sức mạnh từ đó".

Lm. Bernard Camiré, SSS

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.