Bài 9- Đức Maria Trong Cuộc Đời Thánh Eymard

 BÀI IX

ĐỨC MARIA TRONG CUỘC ĐỜI THÁNH EYMARD

Vào mùa hè năm 1968 tôi rất vui khi được tham gia vào một nhóm hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Walsingham ở Norfolk, nước Anh. Tôi còn nhớ, trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại khu vực đền thánh là ngôi nhà nguyện nhỏ bé và rất đẹp từ thời trung cổ, cũng gọi là “slipper chapel”. Trong khi tham quan ngôi nhà nguyện, chúng tôi được hướng dẫn viên cho biết là ngay đến vua Henry VIII, khi còn là một tín hữu Công giáo, cũng đã từng viếng thăm nhà nguyện này. Từ đây, chúng tôi bắt đầu bước bộ đến đền thánh Đức Mẹ. Một truyền thống lâu đời mà những khách hành hương khá đạo đức hay thực hiện, đó là đi bộ đến đền thánh bằng chân trần, nhưng thú thật tôi không thuộc vào số những người này. Tôi đã đồng tế trong một Thánh Lễ ngoài trời, sau lễ, nhóm chúng tôi tiếp tục tour tham quan một cách lý thú những tàn tích của một đan viện nhỏ dòng Augustinô, nơi mà trước đây từng bao gồm hình ảnh và đền thánh Đức Mẹ Walsingham. Những hòn đá của di tích được đẽo gọt một cách xinh xắn và những góc cạnh của chúng biểu lộ rõ ràng sự nguy nga tráng lệ của ngôi đền thánh tuyệt vời thời trung cổ này. Ngôi đền đã được dâng kính Thánh Mẫu Maria.

Trong giai đoạn hoàng kim của thời trung cổ, Walsingham chỉ là một trong nhiều đền thánh Đức Mẹ được coi là danh lam thắng cảnh của các quốc gia Châu Âu. Khoảng thế kỷ XIV, người ta thấy ở một số đền thánh Đức Mẹ, cũng như ở một số nhà thờ khác, một lối mới trong việc mô tả hay tạo hình Đức Maria: Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Con chí thánh theo kiểu truyền thống, nhưng Chúa Con cầm trong tay Chén và Bánh Thánh Thể. Lối trình bày này mời gọi những người chiêm ngắm suy gẫm về Đức Maria và mối tương quan của Mẹ với bí tích Thánh Thể. Và đây là điều mà tôi muốn thực hiện trong mục suy gẫm ở đây, bởi lẽ sự khám phá mầu nhiệm Thánh Thể và chứng tá của thánh Eymard sẽ không trọn vẹn nếu không nói đôi lời về Đức Maria và bí tích Thánh Thể.

Khi tiếp cận với chủ đề này, tôi đoan chắc rằng không có một nơi nào để bắt đầu tốt hơn là cảnh tượng được rút ra từ các chương một và hai của sách Công vụ Tông đồ. Trong cảnh tượng đó, thánh sử Luca, tác giả sách Công vụ Tông đồ, mô tả cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta rằng cộng đoàn này đã gặp nhau tại “phòng lầu trên,” có lẽ một nơi hội họp hay gặp gỡ quen thuộc và thường xuyên của các Kitô hữu. Tiếp đến, tác giả sách Tin Mừng thứ III cũng miêu tả những gì cộng đoàn này đã thực hiện tại căn phòng ở lầu trên đó – ngày nay chúng ta gọi là “Phòng Tiệc Ly”. Ngài nói: họ đã lắng nghe giáo huấn của các tông đồ như lắng nghe Lời Chúa; họ đã cử hành “lễ bẻ bánh” (một thuật ngữ ám chỉ bí tích Thánh Thể); và họ đã sống trong tình huynh đệ chân thành với tràn đầy kinh nguyện, hoan lạc, chúc tụng và bình an. Và rồi, một cách lưu tâm rất đặc biệt, thánh sử Luca đã chọn và nêu đích danh Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu, trong số những người phụ nữ có mặt trong cộng đoàn tông đồ này.

Từ sự miêu tả của Luca, chúng ta có lý do chính đáng để thấy ở đây một biểu tượng của tình mẹ thiêng liêng và nguyện cầu của Đức Trinh Nữ Maria trong Giáo Hội. Điều này có nghĩa là gì? Chúng ta có thể diễn tả như thế này: cộng đoàn các Kitô hữu còn nhỏ bé, non trẻ và thiếu kinh nghiệm, một cộng đoàn cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, cần có sự hiện diện của Đức Maria, cần đến tình chăm sóc mẫu tử của một người có thể nuôi nấng và khích lệ họ bằng một niềm tin kiên vững và một tình yêu cháy bỏng. Và cũng thật ý nghĩa là trong cộng đoàn Kitô hữu Công giáo, ngay từ những ngày đầu tiên ấy, đã có một sự xác tín kiên vững rằng Đức Maria vẫn tiếp tục chăm sóc Giáo Hội với trọn cả tình mẫu tử của Người. Sự hiện của Đức Maria trong Phụng vụ Thánh Thể của Giáo Hội luôn luôn được Giáo Hội thừa nhận. Chẳng hạn, mỗi Kinh Nguyện Tạ Ơn trong Thánh Lễ luôn có nói về Đức Maria như là đấng mà Giáo hội tôn kính và mong ước được kết hợp trong khi ca tụng Thiên Chúa.

Trong số các tác giả tu đức của thế kỷ XIX, tôi tin rằng chính thánh Eymard là người đã có được sự thấu hiểu lớn lao nhất trong việc nhìn nhận vai trò làm mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội dưới chiều kích Thánh Thể. Trong thư gởi cho các nữ tu Dòng Thánh Thể, thánh Eymard viết như sau: “Sứ vụ lớn lao của Đức Maria là làm cho Đức Giêsu được hình thành trong chúng ta; người là mẹ dạy dỗ chúng ta … Hãy hăng hái với tinh thần của Đức Maria. Tinh thần của Mẹ cũng giống với tinh thần của Đức Giê-su … Chính đời sống của Mẹ nơi Phòng Tiệc Ly sẽ là cảm hứng và là kiểu mẫu cho các con.” Thánh Eymard đã nhấn mạnh và nghiền ngẫm ý tưởng về Đức Maria nơi Phòng Tiệc Ly, nơi cử hành Hy Lễ Tạ Ơn. Thánh Eymard cũng dạy rằng ở cấp độ đời sống bí tích của Giáo hội, Đức Maria giúp chúng ta cảm nhận được vị trí trung tâm của bí tích Thánh Thể trong đời sống cá nhân chúng ta và trong đời sống Giáo Hội. Đức Maria, nơi Phòng Tiệc Ly, ngay giũa lúc Giáo hội đang cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, sẽ dạy chúng ta biết cách đi vào sự hiệp thông sâu sắc với Con của Mẹ cả trong Phụng Vụ lẫn trong việc tôn thờ Thánh Thể. Hơn nữa, theo ý tưởng của thánh Eymard, Đức Maria không chỉ là người có thể dạy chúng ta biết cách đi vào đời sống hiệp thông sâu xa hơn với Đức Giêsu Kitô, biết cách để cảm nếm đời sống nội tâm, nhưng Mẹ còn là người có thể bày tỏ cho chúng ta thành quả, thành quả của việc tông đồ, của đời sống Kitô hữu vốn được nuôi dưỡng thường xuyên bởi bí tích Thánh Thể. Có những lý do chính đáng để nhìn nhận rằng có một mối liên hệ giữa sức mạnh truyền giáo cũng như mãnh lực bành trướng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi với sự hiện diện của Đức Maria trong cộng đoàn này, đấng mà chúng ta xưng tụng là “Nữ Vương Phòng Tiệc Ly.”

Dựa theo giáo huấn của cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (chân phước), chúng ta có thể thấy tính cách chắc chắn của những thấu hiểu xác thực nơi thánh Eymard. Trong Tông huấn Bí Tích Tình Yêu, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói: “Trong Phụng vụ Thánh Thể, mỗi lần lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô, chúng ta cũng hướng về Mẹ, Đấng đã đón nhận hy tế của Đức Kitô cho toàn thể Giáo hội bằng sự trung tín hoàn toàn của Mẹ. … Đức Maria thành Nagiarét, icon của Giáo Hội vừa được khai sinh, là kiểu mẫu của mỗi chúng ta, Mẹ đã được mời gọi lãnh nhận ân ban là chính Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể.” Và cách đây ít năm, trong Tông thư về bí tích Thánh Thể, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng: “Nếu chúng ta muốn tái khám phá mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và bí tích Thánh Thể trong tất cả sự phong nhiêu của bí tích này, chúng ta không thể không chú ý đến Đức Maria, Đấng là Mẹ và là Gương Mẫu của Giáo hội. … Đức Maria là ‘người nữ hướng tới bí tích Thánh Thể’ trong suốt cuộc đời của Mẹ. Giáo Hội, trong khi nhìn ngắm Đức Maria như là gương mẫu, cũng được mời gọi để bắt chước Mẹ trong mối tương quan của Mẹ với nhiệm tích cực thánh này.”

Nếu có bao giờ bạn đến nước Anh, bạn nên tham gia nhóm hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Walsingham, hẳn nó sẽ là một kinh nghiệm thiêng liêng phong phú và khó quên. Trong khi bạn tham quan các di tích của tu viện dòng Augustinô, hãy dừng lại, tĩnh lặng trong giây lát, và để mình trở về với thế kỷ XV. Con mắt tâm trí của bạn sẽ thấy gì? Dĩ nhiên, sẽ thấy phía bên trong nguy nga tráng lệ của ngôi nhà thờ đan viện theo lối kiến trúc Gôtíc. Và ở phía bắc của nhà thờ, bạn sẽ thấy một bức tượng Đức Mẹ với Chúa Con tuyệt đẹp bằng gỗ nhiều màu. (Đáng buồn thay, mùa hè năm 1538, những người bài trừ thánh tượng theo cùng cách làm của vua Henry VIII; thế là bức tượng đã được chuyển về London và bị đốt cháy). Gần bức tượng Đức Mẹ, con mắt tâm trí của bạn sẽ thấy bàn thờ hy tế với Mình Thánh Chúa được lưu giữ và được phủ bằng một khăn lụa trắng, treo phía trên bàn thờ. Hãy dừng lại trên hình ảnh này mà con mắt tâm trí của bạn đang chăm chú nhìn: này đây Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và cả bí tích Thánh Thể nữa! Trong nhãn quan công giáo, luôn luôn tồn tại sự thích hợp tương đồng tự nhiên giữa cả hai.

Lm. Bernard Camiré, SSS

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.