Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng

KINH MÂN CÔI: 

NHỮNG SUY NIỆM THÁNH THỂ

VỚI CHA THÁNH EYMARD

Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng

 

1. Mầu nhiệm Sáng: Chúa Chịu Phép Rửa

          Nơi Thánh Thể, chúng ta tìm được phương dược chữa lành bệnh tật và đền bù cho những món nợ do tội lỗi gây ra nhờ hợp tác hàng ngày với đức công chính thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa chúng ta dâng hiến chính Người mỗi ngày (thay vì mỗi sáng) như một Tế Vật đền thay tội lỗi thế gian.[1]

          Sự đền tội này bao hàm cả việc đền bù lại cho Chúa cũng như an ủi Chúa. Sự đền tội là một phần trong sứ vụ phổ quát của chúng ta, những người tôn thờ Thánh Thể. Chúng ta cần phải làm việc đền tội; chúng ta cần phải trở nên những người trung gian chuyển cầu và sám hối vì tội lỗi nhân loại. Tội lỗi thế gian quá nhiều đến độ cần phải có sự đền tội hơn là tạ ơn. Thánh Gio-an Tẩy Giả thực thi sự đền tội khi công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Thánh nhân đã loan báo và giới thiệu Đấng xóa tội trần gian. Gio-an Tẩy Giả đã khóc lóc và đau buồn vì sự thờ ơ của nhân loại đối với Đấng Cứu Độ. Hãy lắng nghe lời Người than vãn: “Có Đấng ở giữa các người, mà các người không hề biết.”[2]

Hãy Nhìn Xem

          Mầu nhiệm Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan dạy chúng ta về sự đền tội. Con yêu dấu của Chúa Cha đã khơi nguồn Phép Rửa cho chúng ta bằng cái chết của Người trên Thập Giá. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Những lời này của thánh Gio-an Tẩy Giả được lặp lại trong mỗi Thánh Lễ khi vị tư tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa. “Đức Ki-tô hiến tế hiện diện trên bàn thờ làm cho mọi thế hệ Ki-tô hữu trở nên hiệp nhất với hy tế của Người.” Chúng ta hãy dâng lên Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể lòng thần phục suy tôn để đền bù tội lỗi của bản thân và toàn thể nhân loại.

          “Tội lỗi thế gian quá nhiều đến độ cần phải có sự đền tội hơn là tạ ơn”[3]. Những lời này của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nhắc nhớ rằng chúng ta có thể và phải liên kết hy lễ của chúng ta với hy lễ của Đức Ki-tô. “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20). Khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với hy tế của Đức Ki-tô, thì mọi việc làm, lời cầu nguyện, sự đau khổ và cả lời ca tụng của chúng ta đều mang một giá trị mới. Chúng giờ đây trở nên phi thường trong quyền năng của Thiên Chúa và là phương thế thông chuyển ân sủng xuống những nơi tội lỗi lan tràn. Sự dữ và bóng tối sở dĩ tồn tại là vì thiếu vắng sự thiện và ánh sáng. Thiên Chúa đã đặt để mỗi người chúng ta ở một thời gian và không gian cụ thể, hầu chúng ta có thể mang ánh sáng của Người chiếu soi vào chốn tối tăm. Bằng sự liên kết từng khía cạnh của cuộc đời chúng ta với Thánh Thể, chúng ta đang hoàn trọn sứ vụ tư tế mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa để thánh hóa thế gian và dâng hy tế lên Thiên Chúa.

          Tất cả chúng ta là những tội nhân, và nơi Thánh Thể Chúa, “chúng ta tìm được phương dược chữa lành mọi bệnh tật, và sự đền bù cho những món nợ do tội lỗi gây ra nhờ hợp tác hằng ngày với đức công chính thánh thiện của Thiên Chúa.” Bằng sự nhìn nhận tội lỗi và ăn năn sám hối, chúng ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ, nhưng dù tội đã được tha, thì đức công bằng đòi buộc chúng ta phải đền bù tội lỗi của mình. Giáo Lý dạy chúng ta rằng “Việc đền tội vẫn tiếp tục thực hiện trong thân mình Đức Ki-tô và trong sự hiệp thông các thánh nhờ sự kết hiệp hành động đền tội của con người với hành động cứu độ của Đức Ki-tô, cả trong đời sống dương thế lẫn trong luyện ngục.” Vì thế chúng ta hãy tôn thờ và an ủi Chúa chúng ta trong Thánh Thể, Đấng mà thế gian không nhận biết. Chúng ta hãy hợp tiếng cùng với thánh Gio-an Tẩy Giả và thốt lên: Hãy nhìn xem!

2. Mầu nhiệm Sáng: Tiệc Cưới Tại Ca-na

          Tại sao Chúa chúng ta không là trung tâm của cuộc đời tôi? Bởi vì Chúa chưa là bản ngã của bản ngã tôi, vì tôi chưa hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Chúa và chưa thực thi ý muốn của Người; Vì lòng muốn của tôi vẫn còn trái ngược với ý muốn của Chúa trong tôi; Vì Người chưa là tất cả đối với tôi. … Vậy tôi sẽ phải làm gì? Tôi phải bước vào trung tâm đời tôi, ở lại đó, và hoạt động trong đó, không phải chỉ bởi sự êm ái ngọt ngào của Chúa mà còn nhờ vào những nỗ lực liên lỉ và hành động tôn kính.… Hãy ở lại trong Chúa chúng ta. Ở lại trong Chúa bằng sự nhiệt tâm, hoan hỷ, và sẵn sàng thực thi ý Chúa. Hãy ở lại trong Thánh Tâm và bình an của Chúa Giê-su Thánh Thể.[4]

Hãy Nghe Tiếng Tôi

          Mầu nhiệm Tiệc Cưới tại Ca-na dạy chúng ta về sự thanh thoát của lòng muốn/ý chí tự do. “Người bảo sao thì cứ làm vậy.” (Ga 2,5). Những lời này của Mẹ Ma-ri-a nói với gia nhân tại tiệc cưới vẫn còn vang vọng trong tâm hồn chúng ta ngày nay. Những lời này của Mẹ đưa ra cho chúng ta một thách thức và một chọn lựa. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Từ Bánh Thánh cũng như từ Thánh Giá, Chúa luôn luôn lôi kéo chúng ta đến với Người, đưa chúng ta lại gần “để ràng buộc chúng ta bằng mối dây tình yêu của Chúa”[5] và bao bọc chúng ta bằng sự bình an của Người. Chấp nhận lời Chúa mời gọi, để cho Thánh Thể thành trung tâm đời sống chúng ta và bước theo Chúa là tùy ở chọn lựa của chúng ta.

          Chỉ có trung tâm đích thực của vũ trụ mới có thể lôi kéo mọi thứ về với chính Người. Giống như các hành tinh xoay quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo nhờ lực hấp dẫn, chúng ta cũng vậy, bất cứ điều gì nếu được đặt làm tâm quy chiếu của cuộc đời chúng ta, thì chúng sẽ cuốn hút chúng ta đi theo hướng của chúng và gây ảnh hưởng trên hành trình của chúng ta. Khi chúng ta chọn lựa những điều tốt khác trên cả điều tốt nhất, thì đó là lúc chúng ta đang thờ các ngẫu tượng như là thần tiền tài, thần danh vọng, thần quyền lực, hay thần cái tôi. Những ngẫu tượng thấp hèn này sẽ lôi kéo chúng ta rời xa đường lối mà Chúa đã chọn lựa cho chúng ta, chằng phải vì chúng mạnh mẽ hơn, nhưng vì chính chúng ta muốn gần gũi với chúng hơn là gần gũi với Chúa. Vì vậy càng gần Thánh Thể, chúng ta sẽ càng mạnh mẽ hơn để chống lại thế lực của tà thần. Chúa Giê-su Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống chúng ta và chúng ta “phải bước vào trung tâm đó, hãy ở lại trong đó, và hãy hành động trong đó”[6]

          Việc ở lại trong Chúa chúng ta là hành vi của ý chí. Chúng ta phải luôn cố gắng thực hành nhân đức, tuân theo giáo huấn của Mẹ Giáo Hội, và thường xuyên lãnh nhận các bí tích. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong những thời điểm chúng ta cảm thấy nguội lạnh và bất an. Kẻ thù của linh hồn chúng ta sẽ luôn cố gắng cám dỗ chúng ta bằng những thụ tạo khác và những lời hứa hão huyền, cho nên chúng ta phải “tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.” (Hr 10,23). Chúng ta phải ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể, hãy rước Chúa hàng ngày và dành thời gian cho Người. Như thế Người sẽ kéo chúng ta lại gần Người bằng một giao ước tình yêu, và lòng chúng ta tràn đầy bình an. Chúng ta sẽ học cách nhận biết tiếng Chúa và sẽ không muốn gì hơn là theo lời Mẹ Ma-ri-a chỉ dẫn và thực hiện bất cứ điều gì mà Chúa bảo chúng ta. Có như thế Chúa sẽ mỉm cười và nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.” (Ga 10,2).

3. Mầu nhiệm Sáng: Loan Báo Nước Thiên Chúa

          Tất cả ân sủng phát xuất từ Thánh Thể. Qua Thánh Thể, Chúa Giê-su thánh hóa thế gian bằng một phương thức vô hình và thiêng liêng. Người cai quản thế giới và Giáo Hội mà không cần hành động hay nói năng. Bởi vì Nước của Chúa Giê-su ở trong tôi, tất cả ở bên trong. Nên tôi phải hướng chính mình tôi bao gồm mọi năng lực, hiểu biết, ý muốn, và cảm xúc của bản thân đến Chúa Giê-su bao nhiêu có thể. Tôi phải sống nhờ Chúa Giê-su chứ không phải nhờ tôi, tôi phải sống trong Chúa Giê-su chứ không phải trong tôi. Tôi phải cầu nguyện với Người, dâng hiến bản thân cho Người, và chết đi cho tình yêu với Người. Tôi phải trở nên một ngọn lửa, một trái tim, một đời sống trong Chúa và với Chúa… Một cuộc đời trong Chúa Giê-su thì không gì hơn là tình yêu hy sinh cho Chúa, quà tặng bản thân làm gia tăng sự hiệp nhất với Người; qua đó chúng ta bám rễ sâu và hút lấy nhựa sống và dưỡng chất từ thân cây. Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta.[7]

Hãy Ở Lại Trong Tôi

          Mầu nhiệm loan báo Nước Trời dạy chúng ta về trung tâm điểm và tâm hồn của chúng ta. Giáo lý dạy rằng: “Niềm khát vọng Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn con người, vì họ được dựng nên nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; và Thiên Chúa luôn kéo họ về với Người.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [SGLCG]=, số 27). Cũng vậy, Ngôi Lời được ghi khắc vào tâm hồn con người trước cả khi vũ trụ được tạo thành, Người đã trở nên phàm nhân, đã cư ngụ giữa chúng ta, và tiếp tục ngự giữa chúng ta trong vương quốc Thánh Thể của từng tâm hồn chúng ta.

          Trước khi vũ trụ được tạo thành, Thiên Chúa đã cất giữ tâm hồn chúng ta trong tay Người và ghi tên Con yêu dấu của Người vào trong tâm khảm mỗi người chúng ta như là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta là những người được Chúa chọn. Ngôi Lời được khắc ghi vào tâm hồn chúng ta bằng một loại mực không thể xóa nhòa là Máu Con Chiên và được đóng ấn bừng lửa Chúa Thánh Thần. Đó chính là trung tâm điểm và là căn tính của chúng ta. Giáo Lý dạy rằng: “Tâm hồn là nơi thầm kín của riêng chúng ta, lý trí hay người khác không dò thấu được; chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thăm dò và thấu suốt được tâm can con người.” (SGLCG, 2563). Tất cả chúng ta đều có một ước muốn, một nhu cầu được nhìn nhận. Tâm hồn chúng ta luôn thao thức tìm kiếm hầu được thỏa mãn niềm ước mong.

          Tôi là ai? Tôi là một người mẹ, một người con, một người chị, một người bạn. Chúng ta định nghĩa căn tính của mình trong tương quan với người khác. Một đưa trẻ dựa vào tấm gương là ánh mắt yêu thương của cha mẹ mà biết rằng nó được yêu thương và ấp ủ. Cũng vậy, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta cần phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho tha nhân, nhưng tội lỗi đã làm cho hình ảnh Thiên Chúa trong ta bị méo mó. Chúng ta bước vào cuộc đời như thể bước vào một ngôi nhà đầy những tấm gương, ở đó chúng ta thấy mình quá cao, quá thấp, quá mập, hay quá gầy. Chúng ta nhìn vào những người thân cận cũng qua cùng những tấm gương đó và hình ảnh của họ cũng bị méo mó.

          Duy chỉ có tấm gương Thánh Thể mới giúp chúng ta nhận ra căn tính đích thực của bản thân. Chính nơi Thánh Thể chúng ta sẽ nghe được Đấng Chân Lý đang nói với tâm hồn chúng ta. “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.” (Tv 139,13). Chính nơi chân lý Thánh Thể, chúng ta sẽ được nghỉ yên và được thông hiệp với Chúa, ngõ hầu Nước Thiên Chúa sẽ bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta. “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17,26)

4. Mầu nhiệm Sáng: Chúa Biến Hình

          Như khi ở trên núi Ta-bo Chúa Giê-su đã che giấu thiên tính của Người, thì nơi đây Người che giấu thậm chí nhân tính của Người và biến đổi thành những tấm bánh, vì thế mà nhân loại thấy rằng dường như Chúa không còn là Thiên Chúa mà cũng chẳng còn là Con Người, và Người không còn hoạt động bề ngoài chi nữa. Người hiện diện dưới hai hình Bánh Rượu như thể đó là nấm mồ chôn giấu những năng lực của Người. Vì khiêm hạ nên Chúa cất giấu nhân tính rất hiền hậu và dễ thương của Người. Bánh và rượu đã đươc biến đổi thành Mình và Máu Con Thiên Chúa. Chúng ta liệu có thấy Chúa trong sự biến hình vì tình yêu và  khiêm nhường không? Chúng ta biết rằng mặt trời vẫn hiện hữu dù cho có bị che phủ bởi các đám mây. Cũng vậy Chúa Giê-su vẫn mãi là Thiên Chúa và là Con Người hoàn hảo, dù cho có bị che phủ bởi đám mây của bánh và rượu. Nếu lần biến hình đầu tiên mang đầy vinh quang thì lần thứ hai lại đầy vẻ đáng yêu. Chúng ta không còn thấy Chúa nữa, cũng không còn chạm vào Người bằng xương bằng thịt, nhưng Người vẫn hiện diện ở đó với tất ca hồng ân của Người. Chính tình yêu, ân sủng, và đức tin sẽ giúp chúng ta nhìn thấu các bức màn che phủ và nhận ra dung nhan của Chúa. Đức tin là đôi mắt của linh hồn; tin là thực sự nhìn thấy.[8]

Đừng Sợ

          Mầu nhiệm biến hình dạy chúng ta ý thức về sự biến đổi. Động từ biến đổi được định nghĩa: “là hành động biến đổi bên ngoài và thông thường là vì một điều tốt đẹp hơn.” Thật dễ nhận biết có một sự biến đổi bề ngoài vì một điều tốt đẹp hơn trong biến cố biến đổi hình dạng của Chúa Giê-su trên núi Ta-bo, tại đó Người đã mặc khải vinh quang của Người cách tỏ tường ra bên ngoài. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng trong Thánh Thể, Chúa Giê-su “biến đổi ngay cả nhân tính của Người thành các hình bánh.” Nhưng sự biến đổi này làm sao có thể là vì một điều tốt đẹp hơn được? Chúa Giê-su luôn thích sự khiêm nhường hơn vinh quang bởi vì mục đích của Chúa là đưa chúng ta đến gần bên Người. Nếu nhìn bằng đôi mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận thấy rằng “sự biến đổi vì tình yêu và khiêm nhường” là sự biến đổi vĩ đại nhất giữa các biến đổi. Giờ đây chúng ta có thể tiến lại gần Chúa, đến gần mà ăn uống Mình Máu Chúa, nhờ đó chúng ta bắt đầu biến đổi bản thân trở nên giống Chúa.

          Trong trình thuật Mát-thêu về cuộc biến hình của Chúa Giê-su, chúng ta thấy các môn đệ “đã kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : ‘Trỗi dậy đi, đừng sợ !’” (Mt 17,6). Một lần nữa, Chúa Giê-su đã gạt bỏ vinh quang của Người sang một bên để hạ mình và chăm lo cho các môn đệ. Người vẫn luôn làm như vậy trên bàn thờ mỗi ngày. Người hạ mình xuống với chúng ta, cho dù chúng ta có rơi vào vực sâu thăm thẳm, để chạm vào chúng ta, để chữa lành chúng ta, và để kéo chúng ta ra khỏi sự sợ hãi. Trong Thánh Thể, Chúa ban “muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3) được gói gém trong một tình yêu khiêm hạ. Chúa tặng ban chính Người cho chúng ta. Vì thế chúng ta chỉ cần nhìn bằng đôi mắt đức tin thì sẽ thấy được dung nhan Chúa.

          Chúa biến hình là để chúng ta được ơn biến đổi. Chúng ta rất đỗi khao khát vinh quang Thiên Chúa đến độ thường dễ dàng bị mê hoặc và thỏa hiệp với những sự thấp hèn. Chúng ta sẽ chạy theo những thứ sự hào nhoáng vô thường rồi chỉ để nhận ra rằng tất cả là ảo. Mạch nước trường sinh thì ẩn sâu trong giếng Thánh Thể dưới hình Bánh Rượu. Thánh Thể chính là nơi có thể làm no thỏa cơn khát của chúng ta. Khi ngụp lặn trong giếng tình yêu của Chúa, chính chúng ta sẽ được biến đổi và có thể tuyên xưng như thánh Phê-rô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!” (Mt 17,4).

5. Mầu nhiệm Sáng: Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể

          Vào ngày đó, Chúa chúng ta nhớ rằng Người là một người cha và Người đã muốn thực hiện ước muốn của mình; Người đã bằng lòng chịu chết. Đây quả là một hành động rất trọng đại trong một gia đình! Vì thế phải nên nói rằng đó là một hành động cuối cùng của một đời người, một hành động vượt lên cả sự chết. Người cha trao ban những gì ông có. Ông không thể trao ban chính mình ông vì ông không thuộc về chính mình. Ông trối lại một điều gì đó cho mỗi người con và những người thân cận của ông. Ông sẽ trao tặng những gì mà ông cho là quý giá nhất. Nhưng Chúa chúng ta đã trao ban chính thân mình Người!

          Chúa đã trở nên tấm bánh; Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa đã thay thế cho bản thể bánh được dâng tiến trên bàn thờ. Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta rước lấy Người. Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, chính là gia tài của chúng ta. Người muốn trao ban chính Người cho hết thảy mọi người, nhưng không phải ai ai cũng chấp nhận Người. Có nhiều người muốn đón nhận Chúa nhưng sẽ không tuân hành những đòi hỏi của một đời sống tốt lành và thanh khiết mà Chúa đã đặt ra; và chính sự gian ác của họ đã khiến cho di sản của Thiên Chúa trở nên vô hiệu và rỗng không.[9]

Các Con Là Của Thầy 

          Mầu nhiệm Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta về phẩm giá làm con Thiên Chúa. Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta cả giao ước mới lẫn di chúc mới bằng Máu Chúa. Nhờ Giao Ước Mới bằng Máu Đức Ki-tô, Người đã phục hồi mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, và nhờ ý muốn và di chúc cuối cùng của Chúa, chúng ta nhận được tặng ân hoàn hảo là chính Chúa trong Thánh Thể. Chỉ khi đón nhận tặng ân này và bước vào trong mối tương quan liên ngôi vị với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể vượt lên mối tương quan huyết thống trần thế và được biến đổi trong mối tương quan với Cha trên trời.

          “Chúa chúng ta đã nhớ rằng Người là một người cha.” Những lời này của thánh Ê-ma mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Giê-su trong một ánh sáng mới. Trong Thánh Thể, chúng ta có Thiên Chúa, có Chúa, có bạn bè, có anh em, có thầy cô và có bạn đời, nhưng chưa có cha, đúng không? Chúa Giê-su trả lời: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,7). Chúa Giê-su ban mọi ân sủng trong Thánh Thể; Người thông truyền cho chúng ta Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, cả hai Ngôi vốn hằng cư ngụ trong Người. Chúng ta được mời gọi đi vào trong mối tương quan thánh thiêng này, trong ánh mắt yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con, và trong sự ấp ủ thương yêu của Chúa Thánh Thần. “Phẩm giá con người trổi vượt tất cả là hệ tại ở việc họ được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa” (SGLCG, 27).

          “Ta sẽ là cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai và con gái của Ta” (2 Cr 6,18). Đây cũng là điều Thiên Chúa nói với chúng ta trong Thánh Thể. Người hoàn toàn trao ban chính Người cho chúng ta, và muốn chúng ta cũng hãy trao lại hoàn toàn chính bản thân chúng ta cho Người. Trong suốt Bữa Ăn Sau Cùng, Chúa Giê-su đã cầu nguyện rằng: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Đây là ý muốn của Chúa cho chúng ta. Người muốn chữa lành những vết thương trong các mối tương quan trần thế của ta, và phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa nơi chúng ta. Khi chúng ta tiếp rước Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Thánh và để Chúa nói với tâm hồn mình, chúng ta có thể nghe biết sự thật về chúng ta là ai. “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43,1).


[1] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 143.

[2] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 301.

[3] Êima, Sự hiện Diện Thật, 301.

[4] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 138.

[5] Sđd., 179.

[6] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 138.

[7] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 139.

[8] Ê-ma, Sư Hiện Diện Thật, 293.

[9] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 32.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.