Mầu Nhiệm Năm Sự Thương

KINH MÂN CÔI:

NHỮNG SUY NIỆM THÁNH THỂ

VỚI CHA THÁNH EYMARD

Mầu Nhiệm Năm Sự Thương

 


1. Sự Buồn Rầu Đau Đớn Trong Vườn Ô-liu

          Chúa đã phải chịu đau khổ buồn sầu trong Vườn Ô-liu. Tại vườn Giệt-si-ma-ni, Chúa Giê-su lo buồn đến chết khi nghĩ về Cuộc Khổ Hình đầy ô nhục mà Người sắp phải chịu… Nhưng giờ đây tại Bữa Tiệc Ly, có một cuộc chiến nội tâm đầy cam go đang diễn ra trong Chúa Giê-su! Thật đau đớn thay! … Trái tim Chúa Giê-su thực sự đã không hề nao núng, càng không hề do dự, mà chỉ đau đớn. Người nhìn vào Cuộc Khổ Nạn với một chiều hướng mới mỗi ngày trong Bí tích Tình Yêu… Vậy Người đã làm gì? Người đã dâng hiến chính Thân Mình. Người đã cho đi chính mình như thế.[1]

          Người đã biết trước sự thờ ơ lãnh đạm của những kẻ đi theo Người: Người đã biết cả của tôi nữa; Người biết rõ chúng ta đã không sinh nhiều hoa trái sau khi Rước Lễ. Nhưng Chúa vẫn yêu chúng ta trước sau như một, đã muốn yêu nhiều hơn là được yêu, nhiều hơn bất cứ tình yêu nào mà con người có thể dành để đáp đền tình yêu của Chúa.[2]

Hãy Đến Đây

          Mầu nhiệm Chúa chịu đau khổ tại Vườn Ô-liu dạy chúng ta về sự sám hối đích thực (cũng gọi là ăn năn tội cách trọn). Khi chúng ta suy niệm về sự buồn sầu và đau khổ của Chúa, tâm hồn chúng ta rộng mở để thấu cảm với Người. Chúng ta thấy nhân tính của Chúa Giê-su đau khổ tột cùng, đến tận cái chết, và nhận ra rằng chính chúng ta là nguyên nhân của nỗi đau đớn ấy, từ đó chúng ta giục lòng sám hối thực sự, một “sự buồn sầu trong tâm hồn và chán ghét tội lỗi đã phạm, đồng thời quyết tâm chừa tội” (SGLCG, 1451). Ân sủng của Chúa sẽ cứu chúng ta thoát khỏi cơn tuyệt vọng và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Bằng một lời từ Thánh Tâm Chúa hiện diện trong Bánh Thánh, tâm hồn chúng ta được thấu suốt và được đổ tràn lòng thương xót của Người. Đau buồn trở thành niềm vui, và bằng một tấm lòng biết ơn chúng ta ca ngợi và tôn thờ Chúa.

          Thánh Ê-ma dạy rằng sự thương khó của Chúa chúng ta đã bắt đầu ngay tại Bữa Tiệc Ly. Đó là thời khắc mà Người đã hăm hở đợi chờ bấy lâu nay, lúc đó Người đã biết là sẽ bị đối xử như thế nào trong Thánh Thể và Trái Tim Người bị đau đớn. Chúa đã biết là có bao nhiêu người thờ ơ với Người. Chúa đã biết là có bao nhiêu Giu-đa phản bội Người, bao nhiêu Phê-rô chối bỏ Người. “Chúa đã biết trước sự thờ ơ lãnh đạm của những kẻ đi theo Người: Người đã biết cả của tôi nữa” [3]. Chúa Giê-su biết rõ tất cả những đau khổ Người phải chịu, nhưng dù sao đi nữa, Người đã chọn dâng hiến chính Thân Mình. Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Nơi Bí Tích Thánh thể, Người kiên nhẫn chờ đợi chúng ta đến và khóc dưới chân Người. Người muốn chúng ta đến với Người bằng sự đơn sơ giản dị của trẻ thơ.

          Một lần nọ, một trong các con trai của tôi đã làm một việc khiến tôi rất buồn. Cậu bé đã cảm thấy xấu hổ và thất vọng về hành vi của mình, nhưng khi cậu thấy tôi buồn, cậu đã chạy lại ôm chặt lấy tôi và xin lỗi, cậu đã hứa sẽ không tái phạm, và sau cùng, cậu còn nài nỉ tôi đừng buồn chi nữa. Nỗi đau làm tôi bị tổn thương thì lớn hơn sự hổ thẹn vì vi phạm kỷ luật. Tình yêu thì lớn hơn nỗi sợ hãi của cậu bé và cậu đã tìm cách an ủi tâm hồn tôi. Tôi rất cảm động trong lòng và mẹ con tôi đã ôm chặt lấy nhau mà khóc. Khi đó không cần nói gì cả. Tim chúng ta nói trong lặng thinh và trong nước mắt. Cũng vậy, khi chúng ta chạy đến với Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể với một tâm hồn thống hối, khi chúng ta lấy tình yêu để đáp đền tình yêu của Chúa, thì tất cả mọi nỗi thống khổ sẽ tan biến và chỉ còn lại tình yêu.

2. Chúa Bị Trói Vào Cột Đá Để Chịu Đánh Đòn

          Thánh Thể là cột thu lôi thần linh giúp chúng ta tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Công Bình. Như một người mẹ hiền từ và tận tụy ôm chặt con mình vào lòng, dang đôi tay ra bảo vệ con, lấy thân mình che chắn con trước sự tức giận của người cha; một cách tương tự, Chúa Giê-su hiện diện khắp mọi nơi bằng nhiều cách khác nhau, bao bọc và che chở nhân loại bằng sự hiện diện đầy thương xót của Người. Đức Công Chính của Thiên Chúa không hề biết tấn công nơi đâu; không cần thiết.[4]

Hãy Cầm Lấy Mà Uống

          Mầu nhiệm Chúa chịu đánh đòn tại cột đá dạy chúng ta về sự kiềm chế, một đức tính kiên nhẫn chịu đựng phi thường trước sự hung hăng khiêu khích. Với nhân đức phi thường này, Chúa Giê-su đã trải qua cuộc thương khó vì tình yêu dành cho chúng ta. Bị trói chặt vào cột đá, Chúa Giê-su đã vui lòng hứng chịu roi đòn vì chúng ta, để chịu tội thay cho chúng ta và để dạy chúng ta nhân đức chịu đựng như Người. Trong Thánh Thể, Người tiếp tục trở nên mẫu gương chịu đựng cho chúng ta. Hiện diện dưới hình bánh rượu, Người chờ đợi chúng ta, và tiếp tục chuyển cầu cùng Chúa Cha cho chúng ta mãi đến ngày sau hết.

          Giữa những tấn công dữ dội của cuộc đời, và những roi đòn khổ đau vì tội lỗi của chính mình, chúng ta thoi thóp nhớ rằng “ơn phù trợ của tôi đến từ Đức Chúa” (Tv 121,2). Khi bị quá nhiều đau khổ, chúng ta sẽ trở nên thẫn thờ; giữa những tra tấn và máu me chúng ta tìm kiếm thánh nhan Chúa và cầu nguyện: Lạy Chúa! “xin che chở con dưới cánh của Ngài!” (Tv 17,8).

          Đòn roi vẫn còn đó, nhưng giờ đây chúng ta đã được bao bọc chở che bởi Thân Mình Chúa. Người bảo vệ chúng ta bằng chính Người để chúng ta được mạnh sức. Chúng ta thấy dung nhan tuyệt hảo của Chúa vẫn yêu thương chúng ta, mặc dù nỗi đau đớn làm cho nét mặt của Người nhăn nhó. Người vui lòng chịu khổ đau vì chúng ta, hầu dạy chúng ta điều nên làm. Người truyền chúng ta hãy uống Máu Người, máu đổ ra từ chính những thương tích của Người. Được ngây ngất say (mê say) trong chén máu cứu độ, chúng ta sẽ thốt lên: “Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc, hơn khi thiên hạ được mùa lúa rượu đầy dư” (Tv 4,8). Với niềm vui say thỏa thuê này, chúng ta sẽ nhận biết việc phải làm. Chúng ta cũng biết chịu đựng nhờ ơn Chúa giúp. Chúng ta trở nên giống như Chúa trong phận vụ của mình là yên ủi những người thân cận đang yếu nhọc. Chúng ta trao chén yêu thương và bảo họ: hãy cầm lấy mà uống, vì đây là Máu của Chúa đã đổ ra cho anh chị em.

3. Chúa Giê-su chịu Đội Mão Gai

          Một người bạn hoặc một vị vua khi cải trang vi hành mà vẫn được tôn trọng, thì sự tôn trọng đó lớn lao hơn những thứ khác, bởi vì người đó thực sự là một nhân vị nên đáng được tôn trọng, chứ không phải là vì những trang sức hay y phục bề ngoài của họ. Cũng vậy đối với Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể; tôn vinh Người, tin vào thiên tính của Người dù cho thần tính đó bị che phủ bởi bức màn của sự yếu nhọc, là tôn vinh Ngôi Vị Thần Linh của Chúa Giê-su và kính trọng các mầu nhiệm bao phủ cuộc đời của Người.[5]

          Hiệp cùng bốn sinh vật và hai mươi vị Kỳ Mục là những người đã phủ phục xuống dưới chân Con Chiên, hãy đặt toàn bộ con người bạn, các năng lực của bạn, và mọi công việc của bạn mà phủ phục dưới ngai tòa Thánh Thể Chúa chúng ta và thưa rằng: “Mọi vinh quang và tình yêu đều quy về Ngài! … Hội Thánh ủy thác Thiên Chúa trong Thánh Thể cho bạn để bạn có thể đại diện Hội Thánh mà ở lại dưới chân Chúa; Hãy kính dâng Chúa sự tôn thờ của Hội Thánh.”[6]

Con có Yêu Ta không?

          Mầu nhiệm Chúa chịu đội mão gai dạy chúng ta về đức can đảm. “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.” (Is 53,3) Khi nhìn hình ảnh Chúa Giê-su đội mão gai, chúng ta nhận ra một sự trái nghịch; chúng ta thấy một con người đau khổ chứ không phải là một vị vua. Ngày nay sự nghịch lý đó vẫn còn hiện hữu nơi Thánh Thể. “Vẻ ngoài yếu nhọc nơi Người” khiến chúng ta không còn nhận ra dung nhan Chúa nữa. Liệu chúng ta có còn can đảm tôn vinh Chúa là Vua chúng ta nếu phải chứng kiến cảnh Chúa bị chế giễu và bị xỉ vả? Và ngày nay chúng ta có can đảm tôn vinh Người nơi Bí Tích Thánh Thể không?

          Một trong những hoa trái của Bí Tích Thêm Sức là “ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để loan báo và bảo vệ đức tin bằng lời nói và hành động như những chứng nhân đích thực của Đức Ki-tô, để dũng cảm tuyên xưng danh Chúa Ki-tô, và chẳng bao giờ hổ ngươi vì Thập Giá” (SGLCG, 1304). Trong sự nghịch lý của Thánh Thể, một thách thức được đưa ra cho chúng ta: hoặc Chúa đúng là Đấng như Người đã khẳng định Người là, hoặc không phải thế. Nếu chúng ta tin Người là Vua, thì chúng ta phải thần phục Người, và không bao giờ hổ thẹn vì Thập Giá.

          Một lần nọ khi đang chầu Thánh Thể, tôi ngồi ở phía cuối nhà thờ với ánh sáng mập mờ. Khói trầm hương bay cao ngào ngạt hòa cùng ánh nến trên bàn thờ. Khi nhìn xuống sàn nhà thờ từ Mặt Nhật, tôi đã thấy dáng dấp một ai đó trên sàn nhà thờ. Đó là vị linh mục đang phủ phục trước Con Chiên như cách người đã phủ phục khi được truyền chức linh mục. Cảnh tượng này đã gây ấn tượng sâu đậm đối với tôi. Thực tế đã quá rõ ràng trước mắt tôi, vị linh mục đã can đảm tuyên xưng Thánh Danh Giê-su bằng chính hành động của mình. Với bản thân, tôi cũng muốn sấp mình xuống trước Chúa Giê-su Thánh Thể nhưng lại e dè sợ hãi. Mọi người sẽ nghĩ thế nào về tôi? Liệu tôi có thể trỗi dậy một cách lịch sự khi phủ phục dưới sàn nhà thờ không? Tôi có nên trò cười khi phủ phục như thế không? Những băn khoăn này cứ dằn vặt trong tâm hồn tôi suốt giờ chầu và tôi thoáng buồn ra về. Nhưng khát khao được phủ phục trước Chúa Giê-su Thánh Thể vẫn chưa hề nguôi ngoai trong tôi, vài tháng sau đó, Chúa đã đổ đầy ơn can đảm trên tôi, để cuối cùng, tôi thực hiện được ước nguyện ấy, và thật sự đó chính là một khoảnh khắc ân sủng. Chúng ta không cần phải sấp mình xuống trước Thánh Thể Chúa về mặt thể lý để tỏ lòng thần phục Người, nhưng chúng ta cần cầu xin ơn can đảm để loan truyền với tất cả con người của mình rằng: “Mọi vinh quang và tình yêu đều quy về Ngài!”[7]

4. Chúa Giê-su Vác Thập Giá

          “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Chúa chúng ta đã nói những lời này ngay khi Người còn ở với các môn đệ, nhưng Người muốn ám chỉ cho các ông hiểu là cần vượt xa khỏi khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời dương thế của Người. Những lời này áp dụng cho mọi thời; bởi Người có thể lặp lại những lời này trong Bí Tích Thánh Thể với đầy đủ ý nghĩa của chúng như tại Giu-đê-a xưa kia. … Trong Thánh Thể, Người không còn thể hiện các hành vi nhân đức, nhưng Ngài vẫn đảm nhận chúng như cách thế hiện hữu của Người. Chúng ta cần thực hiện các hành vi và như thế, một cách nào đó, chúng ta hoàn tất công việc của Chúa. Người trở thành một ngôi vị mầu nhiệm mà trong đó chúng ta là những chi thể sống động của Người, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa mà trong đó Chúa là Đầu và là Trái Tim; để rồi Người có thể nói: “Thầy hằng hữu.” Như thế là chúng ta hoàn trọn và làm cho Người sống mãi.[8]

Hãy Theo Thầy

          Mầu nhiệm Chúa vác Thánh Giá chỉ ra cho chúng ta con đường phải đi nếu muốn trở thành môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Chính việc ôm chặt Thánh Giá và đi trọn con đường khổ nạn (Via Dolorosa) lên đồi Can-vê, Chúa đã biểu lộ tất cả các nhân đức cần thiết để hoàn thành sứ vụ. Giờ đây Người vẫn biểu lộ các nhân đức ấy nơi Thánh Thể, để chúng ta là thân mình mầu nhiệm của Chúa có thể học đòi bắt chước Người mà “hoàn trọn và làm cho Người sống mãi.”[9]

          “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24). Những lời này của Chúa Giê-su để lại cho chúng ta một lược đồ rõ ràng về cách thế tìm ra kho báu Nước Trời. Đây là con đường thẳng tiến mặc dù là Via Dolorosa, tức là con đường đau khổ. Chúng ta không chỉ đi theo Chúa trên con đường đau khổ, nhưng còn chịu đau khổ là mang lấy thập giá của riêng mình hàng ngày. Mỗi sáng khi nhìn thấy thập giá đời mình, chúng ta hãy sẵn sàng mang lấy nó như Chúa đã làm, vì đó là chìa khóa giúp chúng ta tiến vào Nước Trời. Mỗi khi vấp ngã, chúng ta biết rằng Đức Mẹ vẫn luôn ở bên và phù trợ để đỡ nâng chúng ta đứng dậy. Đôi lúc bên cạnh chúng ta có một người như ông Si-mon thành Xi-ri hay bà Vê-rô-ni-ca để trợ giúp chúng ta, cũng có đôi lúc chúng ta được mời gọi trở thành những người đồng hành để ủi an người khác. Chúng ta sẽ bị chế giễu và bị lăng nhục; chúng ta sẽ ngày càng thêm mệt mỏi và tự hỏi rằng chúng ta có thể tiếp tục nữa không; rồi máu và mồ hôi sẽ tràn xuống khóe mắt chúng ta nữa. Chúng ta sẽ không còn thấy Chúa Giê-su trước mặt và tự hỏi liệu Người có còn ở bên chúng ta không.

          Chúa Giê-su biết những yếu đuối và những khó khăn trên đường đời thập giá của chúng ta, vì vậy Người không chỉ hướng dẫn chúng ta bằng cách trải qua con đường thập giá trước chúng ta, mà còn trối lại chính Người âm thầm hiện diện trong Thánh Thể để nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng ta. Từ nơi Thánh Thể, giọng Người vang vọng trong tim chúng ta: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Hãy nghiệm xem Chúa hiền lành biết bao và thầm lặng dường nào trong Thánh Thể. Hãy hiền lành như Chúa. Hãy nghiệm xem cách Chúa kiên nhẫn đợi chờ chúng ta nhận ra rằng có một điều vĩ đại hơn trong Thánh Thể, rằng Chúa là mọi sự mà chúng ta cần. Hãy trở nên kiên nhẫn giống như Người. Hãy nghiệm xem Chúa nghèo khó, dịu dàng, mạnh mẽ, tín trung, quên mình, và yêu thương biết dường nào. Hãy nên giống Chúa. Người muốn chúng ta rước lấy Người và trở nên một với Người, ngõ hầu khi chúng ta mang lấy thập giá của mình, thì có Chúa ở trong chúng ta và cùng vác với chúng ta. Khi Người hành động trong chúng ta và chúng ta hành động trong Người, thì chúng ta liên kết các đau khổ của mình với Người để hoàn trọn và làm cho Người sống mãi. Như thế chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

5. Chúa Chịu Đóng Đinh

          Quả thật Thánh Thể là hiệu quả của cái chết của Chúa Giê-su. Thánh Thể là một di chúc, một di sản chỉ sinh hiệu quả khi người làm di chúc mất đi. Vì vậy để chúc thư của Người có hiệu lực thì Chúa Giê-su phải chết đi. Mỗi lần chúng ta bước vào sự hiện diện của Thánh Thể, chúng ta có thể nói: Chúc thư quý báu này trả bằng chính mạng sống của Đức Giê-su Ki-tô; Người tỏ cho chúng ta tình yêu vô biên của Người, vì thế chính Người đã khẳng định rằng không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình.[10]

Hãy Cho Con Thấy Các Thương Tích của Ngài

          Mầu nhiệm Chúa chịu đóng đinh dạy chúng ta nhân đức anh hùng. Giáo lý dạy rằng “nhân đức anh hùng giúp chúng ta chiến thắng nỗi sợ hãi, thậm chí là sự chết khi đương đầu với gian nan và bắt bớ” (SGLCG, 1808). Khi chúng ta nhìn hy tế thập giá dưới lăng kính Thánh Thể, chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy những sự sau hết. Chúng ta có thể nhìn lên Thánh Giá với niềm hy vọng và không còn tuyệt vọng nữa.

          Chúng ta đến với Thánh Thể, bằng chứng sống động về tình yêu của Chúa, và hãy xin Chúa chỉ cho chúng ta con đường đến với Người; chỉ cho chúng ta con đường Thập Giá; chỉ cho chúng ta thấy những thương tích vinh hiển của Người, suối nguồn xót thương nhờ đó chúng ta được chữa lành; chúng ta nhìn thấy các thương tích và nhớ lại giá máu Chúa đã đổ ra vì chúng ta; chúng ta thấy Chúa đã chịu khổ đau biết bao nhiêu vì yêu thương chúng ta; chúng ta chạm vào các vết thương của Người và tuyên xưng như thánh Tô-ma rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28); chúng ta hiểu cái chết của Chúa Ki-tô là mệnh giá của quà tặng hiến thân của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, và tâm hồn chúng ta cảm động biết ơn. Lòng tri ân khiến chúng ta luôn muốn đền đáp lại ơn Chúa, nhưng chúng ta lấy gì mà đáp đền Chúa đây? Chúng ta chỉ có tấm lòng tan nát khiêm cung. Chúng ta hãy cho Chúa thấy những thương tích và nỗi đau của mình. Người mong chờ điều đó. Người chạm vào thương tích của chúng ta và cất giấu chúng vào trong các thương tích của Người; biến đổi chúng bằng tình yêu và xua trừ mọi nỗi sợ hãi. Qua đau khổ, chúng ta được liên kết trong sự ấp ủ thương yêu thâm sâu của Chúa. Chúng ta nhận ra sự dịu ngọt của thập giá, sự ngọt ngào vì được trở nên một với Chúa. Đau khổ của chúng ta vẫn còn đó, nhưng chúng ta không cô đơn và không sợ hãi.

          Khi nỗi sợ hãi tan biến, chúng ta có thể nhìn đau khổ dưới ánh sáng Thánh Thể. Chúng ta hiểu rằng nhờ sự liên kết nỗi đau khổ của chúng ta với nỗi đau khổ của Chúa mà chúng ta khám phá ra con đường thông chuyển lòng thương xót của Chúa đến với chúng ta, và từ chúng ta đến với tha nhân. Đó chính là Thánh Thể, ý muốn và di chúc cuối cùng của Chúa cho chúng ta, hầu chúng ta có thể tìm được sức mạnh cần thiết để dám chết đi cho ý riêng của bản thân và sẵn sàng đón nhận đau khổ trên đường đời.


[1] Ê-ma, Sự HIện Diện Thật, 40.

[2] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 152.

[3] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 152.

[4] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật,

[5] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 53.

[6] Sđd.

[7]

[8] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 187.

[9] Sđd.

[10] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 67.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.