Mầu Nhiệm Năm Sự Mừng

KINH MÂN CÔI:

NHỮNG SUY NIỆM THÁNH THỂ

VỚI CHA THÁNH EYMARD

Mầu Nhiệm Năm Sự Mừng

 

1. Chúa Giê-su Sống Lại

          Quả thật vinh quang của các thánh và các phúc nhân chính là hoa trái trổ sinh chỉ trong ánh thái dương của Thiên Đàng và trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta chẳng thể an hưởng vinh quang chói lọi này trên thế gian được; mọi người ắt sẽ cúng bái chúng ta đấy thôi. Nhưng chúng ta lãnh nhận hạt giống vinh quang vĩnh cửu còn tiềm ẩn mà trong đó chất chứa toàn vẹn ánh vinh quang rạng ngời, tựa như trong hạt giống lúa mì có chứa dé của bông lúa mì. Thánh Thể cất giữ trong chúng ta khối men phục sinh, nguồn mạch vinh quang riêng biệt và rạng ngời hơn, mà nó sau khi được gieo vào thân xác phải hư nát này sẽ chiếu sáng trong thân xác phục sinh và bất diệt của chúng ta.[1]

          Hiệu quả cuối cùng của Thánh Thể là sẽ làm cho chúng ta được chung phần vào vinh quang phục sinh của Người. Chúa Giê-su Ki-tô đã gieo hạt giống sự sống của chính Người trong chúng ta; Chúa Thánh Thần sẽ làm cho sự sống ấy tăng trưởng và qua đó sẽ truyền cho chúng ta một sự sống mới, một sự sống vinh hiển và chẳng bao giờ tàn lụi.[2]

Hãy Tin Vào Thầy

          Mầu nhiệm Chúa phục sinh dạy về ơn đức tin của chúng ta. Chúa Ki-tô sống lại đã hứa cho chúng ta cũng được sống lại với Ngài và Thánh Thể mà chúng ta rước lấy chính là hạt giống lời hứa ấy, lời hứa sự sống vinh hiển không bao giờ tàn lụi.

          “Thánh Thể giữ chúng ta trong khối men phục sinh”[3]. Chất men này chính là một sự hiện diện rộng khắp có khả năng lan tỏa khắp nơi và biến đổi mọi thứ trở nên tốt hơn. Cũng vậy, Thánh Thể là chính Chúa Phục Sinh sẽ gieo vào chúng ta hạt giống Thân Mình Ngài để biến đổi chúng ta trở nên điều chúng ta lãnh nhận.

          Chúng ta cần cẩn thận tìm kiếm chồi non nẩy mầm trong mỗi người giữa đám cỏ dại trong vườn mà không dẫm đạp lên những cây non ấy. Chúng ta cần tìm kiếm những sự thánh mà Chúa đã đặt để nơi bản thân mà vẫn chưa trổ sinh hoa trái và cần chúng ta chăm nom và bón phân mỗi ngày. Việc tương trợ lẫn nhau để phát triển trong sự thánh thiêng đòi buộc chúng ta phải ở lại gần bên Thánh Thể và khích lệ nhau hầu chúng ta được cùng thánh Phao-lô khẳng khái lên tiếng nói: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18).

          Chính ơn đức tin trong một cuộc đời vinh hiển với Chúa Ki-tô sẽ giúp chúng ta trưởng thành ở dưới thế. Ơn đức tin này sẽ giúp chúng ta chống chọi trước thử thách vì “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); do vậy, chúng ta không thể chỉ đón nhận mầu nhiệm phục sinh mà bỏ qua biến cố Chúa chịu chết vào thứ sáu tuần thánh. Chúng ta phải kiên nhẫn đợi chờ ánh sáng phục sinh sẽ xua tan đêm tối. Nhờ Thân Mình Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta có thể làm triển nở hoàn toàn hạt giống Phục Sinh được giữ kín trong mình. Như thế chúng ta sẽ nhận được ánh sáng được chiếu soi từ Thiên Đường, nơi có Chúa hiện diện.

2. Chúa Lên Trời

          Để chúng ta duy trì được niềm hy vọng Nước Trời và cho niềm hy vọng này triển nở, để có được sự kiên nhẫn mong chờ vinh quang Nước Trời và dẫn dắt chúng ta, Chúa đã làm ra Nước Trời này trong Thánh Thể. Vì Thánh Thể là Nước Trời tươi đẹp; đó là khởi đầu của Nước Trời. Đó chẳng phải là Chúa Giê-su được tôn vinh từ trời đến thế gian và Ngài được đem lại lên trời? Chẳng phải Thiên Đàng là nơi có Chúa hiện diện sao? Ngài ở đây dù giác quan không nhận thấy nhưng là một tình trạng vẻ vang, khải hoàn và vinh phúc. Ngài đã loại bỏ những điều huyền bí trong cuộc đời này; Khi đi vào sự hiệp thông, chính chúng ta lãnh nhận Nước Trời vì chúng ta đã rước Chúa Giê-su, Đấng là tất cả niềm hân hoan và vinh hiển trên Trời.

          Nhờ sự hiệp thông mà linh hồn Ngài được đưa lên với Thiên Chúa. Vì cầu nguyện được đinh nghĩa là nâng tâm hồn lên tới Chúa? Vậy cầu nguyện có giá trị gì khi so với sự hiệp thông? Điều khác biệt giữa sự siêu thăng suy nghĩ và ước muốn của chúng ta khi cầu nguyện và sự siêu thăng mang tính bí tích nằm ở nơi Đức Giê-su khi chính Ngài nâng chúng ta lên rất gần với Thiên Chúa.[4]

Nâng Tâm Hồn Lên

          Mầu nhiệm Chúa thăng thiên dạy chúng ta về đức cậy, niềm hy vọng Nước Trời. “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3). Chúa Giê-su nói những lời này ngụ ý về Thánh Thể vì “Để cho chúng ta duy trì được niềm hy vọng Nước Trời, Chúa đã làm ra Nước Trời này trong Thánh Thể.”[5]

          Trong niềm hiệp thông, Chúa Giê-su đã xuống thế để ở với chúng ta. Tình yêu tìm kiếm tình yêu. Ngài gõ cửa và tìm thấy một tâm hồn sám hối, một vườn cây đang bị bao phủ, Ngài đã bước vào, nâng chúng ta lên với Ngài, cho chúng ta “đến rất gần với Thiên Chúa.” Trong Thánh Thể, chúng ta tìm thấy tất cả sự ngọt ngào và êm dịu của Thiên Đàng, vì Thiên Đàng là nơi có Chúa Giê-su. Chúng ta nếm hưởng được Nước Trời hơn những gì chúng ta mong chờ. Mong ước của chúng ta sẽ đi liền với niềm hy vọng mỗi khi nghe người mình yêu nói: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!” (Dc 2,10).

          Sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Thánh Thể bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại (SGLCG, 1377), nói chung khoảng thời gian từ 10-15 phút sau khi chúng ta rước Chúa.[6] Chúng ta hãy giữ vững thực tại này trước mắt mình mỗi khi lãnh nhận Ngài. Chúng ta hãy để Ngài chiếm ngự toàn trái tim và tâm trí vì những giây phút quý giá Ngài vẫn còn hiện diện dưới hình bánh rượu ở nơi chúng ta, đây là tất cả vinh quang và bất diệt của Ngài ở với chúng ta. Chúng ta hãy nâng tâm trí và trái tim mình lên với Ngài như hương trầm bay lên Thiên Đường Thánh Thể vì chúng ta vẫn kiên nhẫn đợi chờ Ngài rước chúng ta lên Trời cao vinh hiển.

3. Chúa Thánh Thần Ngự Xuống

          Thiên Chúa là tất cả tình yêu. Đấng Cứu Độ đáng kính luôn bênh vực cho chúng ta từ Bánh Thánh: “Hãy yêu Thầy như Thầy đã yêu con; hãy chịu đựng vì tình yêu Thầy! Thầy đến để ném lửa tình yêu vào thế gian và Thầy những mong muốn lửa ấy cháy bùng lên trong tâm hồn các con.” Ôi! Chúng ta nên nghĩ về Thánh Thể khi gần kề cái chết hay là sau khi đã chết đi vì chúng ta sẽ thấy và biết tất cả dịu ngọt, tất cả yêu thương và tất cả sự giàu có của Thánh Thể.[7]

Hãy Mở Lòng Ra Với Ta

          Mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống dạy chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, uy hùng như một con gió lớn đã ngự xuống trên các tông đồ và Mẹ Ma-ri-a dưới hình lưỡi lửa. Chúa Thánh Thần không phải lúc nào cũng xuất hiện cách ồn ào như vậy. Đây cũng là Chúa Thánh Thần đã dùng quyền năng biến đổi bánh và rượu trở thành Minh và Máu Chúa trong suốt Thánh Lễ và Ngài cũng đã nhẹ nhàng đi vào tâm hồn chúng ta để làm bừng lên ngọn lửa yêu mến Chúa nơi chúng ta.

          Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong suốt Thánh Lễ thì yên ắng và nhẹ nhàng giống như hạt sương rơi. Nhờ bàn tay của vị tư tế thừa tác trong thời khắc đó, Chúa Thánh Thần đã biến đổi của lễ do bàn tay con người trở thành Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô, điều nay vượt quá trí hiểu của chúng ta. Giống như khi chúng ta chọn đúng thời điểm để hấp thụ hết ánh sáng mặt trời, thời điểm Chúa Thánh Thần ngự xuống là lúc Ngài hoạt động cách hiệu quả và đầy quyền năng nhất. Sự hiện diện yên ắng và nhẹ nhàng này đã cùng Ngài đem lửa yêu thương của Thiên Chúa đến bởi vì chính Ngài là tình yêu của Thiên Chúa.

          Trong một Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta nghe thấy vị tư tế đọc: “Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này…,”[8] Khi Chúa Giê-su hiện diện trên bàn thờ, chúng ta hầu như nghe thấy chính Ngài nói trong tâm hồn chúng ta: “Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh, hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười!” (Dc 5,2). Ngài cử bồ câu của Thánh Thần cùng với Ngài trong Thánh Thể để gõ cửa tâm hồn chúng ta. Ngài muốn phủ đầy tình yêu của Ngài nơi trái tim chúng ta.

          Vậy làm thế nào chúng ta có thể đón nhận vị khách đặc biệt này? Chúng ta có thể liên kết lời cầu nguyện của mình với Kinh Nguyện Thánh Thể mà vị tư tế đọc để nài xin Chúa Cha gửi Thánh Thần của Ngài xuống hầu biến đổi và thánh hóa chúng ta, đồng thời để Con Ngài cư ngụ cách thích đáng trong tâm hồn mình. Vì vậy, khi chúng ta lãnh nhận Chúa Giê-su ngang qua Thánh Thể, chúng ta có thể để cho tình yêu Ngài hoàn trọn ước muốn mãnh liệt nhất, để thấu hiểu sâu sắc nơi sâu kín nhất trong tâm hồn ta đồng thời thắp lửa trong tâm hồn ta.

4. Đức Ma-ri-a Được Đưa Lên Trời

          Mẹ Ma-ri-a đã chết trong tình yêu. Vì mong ước được thấy Con Mẹ và được liên kết mật thiết với Ngài, Mẹ đã không màng đến mạng sống. Chúa Giê-su đã cho Mẹ được vinh thắng lớn lao. Thật tuyệt diệu làm sao ở thời khắc Chúa Giê-su và Mẹ tương phùng! Chúng ta qua biết rõ niềm vui của Mẹ và của Con Mẹ khi gặp nhau sau một thời gian dài xa cách.[9]

          Trong tình hiệp thông, chúng ta chắc chắn lãnh nhận được lời hứa về sự sống bất diệt: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi sẽ được sống muôn đời.” Dù mất đi sự sống tạm bợ ở thế gian nhưng điều đó chẳng đáng giá gì vì đây chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình của sự sống đích thực.[10]

Hãy Vững Tin Ở Ta

          Mầu nhiệm Đức Mẹ được đưa về trời dạy cho chúng ta niềm tin vào thân xác phục sinh. “Sự kiện Đức Trinh Nữ được rước về trời là một sự tham sự cách riêng tư vào mầu nhiệm phục sinh của Con Mẹ và là sự hưởng trước niềm vui phục sinh của các Ki-tô hữu” (SGLCG, 968). Cũng giống như Mẹ Ma-ri-a được đưa về trời cả hồn lẫn xác, chúng ta sống trong niềm hy vọng phục sinh mà ở đó chúng ta được hiệp thông với niềm tin chắc chắn lãnh nhận được ơn sự sống vĩnh cửu.

          Trong cuốn sách Đức Mẹ Thánh Thể, cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đã khám phá ra sự sống của Mẹ Ma-ri-a trong Nhà Tạm vào thời Giáo Hội sơ khai. Ngài đã viết: “Mẹ Ma-ri-a đã bị lôi cuốn cách mãnh liệt bởi Thánh Thể đến độ Mẹ không thể sống xa rời Bí tích Cực Trọng này.” Chúng ta khó có thể mường tượng ra tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giê-su thậm chí lớn hơn cả khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng tình yêu khi được khởi nguồn từ Thiên Chúa nếu được dưỡng nuôi thì luôn triển nở. Tình yêu của Mẹ Ma-ri-a đối với Chúa Giê-su được dưỡng nuôi nhờ sự hiệp thông thánh thiêng và nhờ sự tôn thờ đã triển nở đến khi lòng ước muốn của Mẹ lớn hơn cả nỗi lo sợ cái chết, thậm chí Mẹ đã chết vì yêu thương.[11]

          Khi suy niệm mầu nhiệm Đức Mẹ được rước về Trời trong cánh tay yêu thương của Chúa Cha và được kết hiệp với Con Mẹ, chúng ta sẽ tràn đầy hy vọng. Mẹ luôn là Mẹ của ta và như thế Mẹ đang cầu bầu cho ta đồng thời dạy bảo và nâng đỡ ta. Chúng ta hãy noi gương Mẹ trong việc ở lại thật gần bên Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Chúng ta hãy rước lễ hàng ngày với một tình yêu lớn lao và hãy tôn thờ Ngài trong Nhà Tạm. Chúng ta hãy nhìn Thân Mình vinh quang của Ngài vì còn ẩn dưới hình Bánh Thánh và luôn nhớ rằng Ngài muốn gieo hạt giống sự sống của chính Ngài nơi chúng ta và nâng chúng ta lên vào ngày sau hết.

5. Đức Ma-ri-a Được Đội Mũ Triều Thiên

          Chúa Giê-su đã hướng dẫn Mẹ bằng cánh tay uy quyền của Thiên Chúa. “Ôi Lạy Cha! Xin đoái nhìn đến người nữ tỳ mà Con Cha đã ở cùng nhờ việc Mẹ làm Mẹ Con trên dường thế!” – Và Cha đã đội mũ triều thiên bằng những danh hiệu cao quý nhất: Nữ Hoàng, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Trung Gian. Trên vương miện của Mẹ Ma-ri-a có gắn ba ngôi sáng sáng với ba danh hiệu là khiêm nhương, khó nghèo và đau khổ[12].

          Tình yêu chính là ý hướng tối hậu trong sự liên kết của hai người yêu nhau, là sự tan chảy vào nhau, hai trái tim, hai tâm trí hai linh hồn trở nên một.

          Chúng ta hiện hữu trong Ngài và Ngài hiện hữu trong ta. Chúng ta nên một với Ngài trong mối hiệp thông khôn tả vốn đã được khởi đầu ngay ở dưới thế, được hoàn trọn nơi Thánh Thể và được thành toàn trên Thiên Quốc cùng với một tình hiệp thông đời đời và vinh quang. Vì thế tình yêu hằng hữu với Chúa Giê-su hiện diện trong Bí tích Cực Trọng này. Chúng ta được sẻ chia tất cả những gì thuộc về Chúa Giê-su, trở nên một với Chúa Giê-su, Vì trái tim chúng ta luôn muốn được thỏa mãn và chẳng cần bất cứ điều gì thêm.[13]

Hãy Ra Đi

          Mầu nhiệm Đức Ma-ri-a được đội mũ triều thiên dạy chúng ta về hạnh phúc viễn mãn. Vào ngày cánh chung, Chúa cho Mẹ Ma-ri-a được phần thưởng: Mẹ sẽ mãi mãi giữ được tước hiệu Nữ Hoàng cả trên Thiên Đàng và ở dưới thế nhờ Con Mẹ. Khi lãnh nhận và tôn thờ Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể với sự đồng hành của Mẹ, chúng ta có được một Người Mẹ, một Nữ Hoàng và một Đấng Trung Gian bầu cử dể dẫn ta đến với Chúa Ki-tô. “Mẹ Ma-ri-a, thiếu nữ Xi-on, sẽ phù trợ tất cả con cái của Mẹ, bất cứ nơi đâu và bất cứ điều gì họ cần để họ có thể tìm thấy Chúa Ki-tô trên con đường dẫn về nhà Cha.”[14] Con đường này chỉ có thể được tìm thấy trong Thánh Thể, nơi có tình yêu hiện hữu và thỏa mãn mọi ước muốn của tâm hồn ta.

          Mũ triều thiên của Mẹ Ma-ri-a với “ba ngôi sao sáng” chiếu soi để chúng ta có thể thấy và noi theo trên con đường chúng ta đi. Hai nhân đức đầu tiên của Chúa là khó nghèo và khiêm nhường trong Thánh Thể; nhân đức thứ ba chính là những đau khổ Ngài đã hứng chịu ở trần thế, tất cả muốn nhắc chúng ta rằng hiện giờ Mẹ được chia sẻ cách thân mật vinh quang của Ngài trên Thiên Đàng bởi Mẹ cũng đã chia sẻ cách rất gần với những đau khổ của Ngài dưới thế. Chúng ta có thể nhận thấy ba ngôi sao không phải chiếu soi chính nó nhưng phản chiếu anh sáng của nó từ Mặt Nhật. Nơi Mặt Nhật là Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, Đấng chúng ta đang tìm kiếm, Đấng sẽ làm no thỏa mọi khát khao trong tâm hồn ta.

          Chính đây là nơi chúng ta tìm kiếm bấy lâu. “Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,46). Chúng ta phải buông bỏ tất cả những gì nguy hại chia cắt tâm hồn ta vì giá của viên ngọc này là tất cả tâm hồn ta. Tình yêu đang cư ngụ trong Bí tích Thánh Thể đã mời gọi: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!” (Dc 2,10), vì mục đích tối hậu của tình yêu chính là sự kết hiệp của hai tâm hồn. Sự kết hiệp “được hoàn trọn nơi Thánh Thể”[15] sẽ làm no thỏa tâm hồn ta đến “Đâu ngờ tình đượm say sưa, bước lên xa giá ngọc ngà chúa tôi.” (Được 6,12)


[1] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 288.

[2] Sđd., 68.

[3] Sđd, 288.

[4] Ê-ma, Sự HIện Diện Thật, 286.

[5] Sđd.

[6] Sđd.

[7] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 154.

[8] Kinh Nguyện Thánh Thể II.

[9] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 166.

[10] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 242.

[11] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 166.

[12] Sđd.167.

[13] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 78.

[14] Thánh Gio-an Phao-lô II, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, 47.

[15] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 78.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.