Chúa Nhật 29 Thường Niên A
CỦA THIÊN CHÚA TRẢ VỀ THIÊN CHÚA
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 22,15-21
Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.
Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? "
Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! " Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."
SUY NIỆM
Các tư tế, luật sĩ và Pharisiêu nhất quyết loại Chúa Giêsu khỏi đời sống: Họ mời những người trong chính quyền Hêrôđê đi với họ, gài bẫy để chính những người trong chính quyền mắt thấy tai nghe Chúa bảo dân không nộp thuế cho nhà vua, như vậy là họ bắt quả tang một kẻ phản loạn.
Thời Chúa Giêsu còn tại thế, người Do Thái bắt buộc phải tiêu tiền của Roma. Đó là thứ tiền đúc có 2 mặt, một mặt có huy hiệu đế quốc Roma, mặt kia có hình ảnh hoàng đế Roma.
Để nuôi tinh thần quốc gia, cũng là tinh thần tôn giáo, thì trong khu vực đền thờ người ta phải tiêu tiền của đền thờ.
Trước mặt các cán bộ chính quyền Hêrôđê, họ hỏi Đức Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho Roma không? Để nếu Chúa nói nên hay phải thì họ sẽ nói ầm lên trước công chúng là Chúa không có tinh thần yêu nước và yêu quý tôn giáo quốc gia dân tộc. Nếu Chúa nói không thì có cán bộ chính quyền nghe tận tai và Chúa bị gán tội cấm nộp thuế cho Roma, tức tội phản động.
Nhưng Chúa đã biết lòng nham hiểm của họ, nên hỏi: Cho tôi xem một đồng tiền thuế. Họ đưa Ngài một đồng tiền Roma. Ngài coi rồi hỏi ký hiệu trên đồng tiền và hình ảnh trên đồng tiền là của ai. Họ đáp: Ký hiệu của đế quốc Roma và hình ảnh hoàng đế Roma.
Chúa bảo của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa, của hoàng đế thì trả cho hoàng đế.
Họ chưng hửng vì mưu mô mà họ cho là tuyệt hay đã bị vỡ và không làm gì được Chúa.
Nhưng chúng ta cũng cần hiểu thêm ý nghĩa của dụ ngôn này là: Trước hết Chúa dạy ta phải yêu quê hương, nhưng đừng vì yêu quá khích mà bỏ bê luật Thiên Chúa, giữ luật tự nhiên là phải làm tử tế những điều hay lẽ phải mà lương tâm ta bảo ta. Và những điều luật mà Chúa đã công bố, nhất là về mến Chúa và yêu người, cùng với luật Hội Thánh dạy như chỉ nam giúp ta sống công minh và thánh thiện.
CẦU NGUYỆN
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thiên Chúa đã cho chúng con một quê hương và với những phong tục tốt do tổ tiên trối lại. Xin giúp chúng con biết yêu mến quê hương và tôn trọng thuần phong mỹ tục của xứ sở chúng con.
* Hát: Từ muôn thuở Chúa đã yêu con. Một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền. Lòng từ ái Chúa vô biên.
2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con theo gương Chúa mà yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào và xin Chúa cho toàn thể dân tộc chúng con được tham dự tiệc vui của Thiên Chúa tổ chức cho chúng con được quây quần bên Chúa.
* Hát: Từ muôn thuở Chúa đã yêu con. Một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền. Lòng từ ái Chúa vô biên.
3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho những người giàu có trên quê hương đất nước chúng con được quảng đại chia sẻ và nâng đỡ người nghèo đồng hương.
* Hát: Từ muôn thuở Chúa đã yêu con. Một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền. Lòng từ ái Chúa vô biên.
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho mọi người nghèo khó trên đất nước chúng con đều có áo cưới là lòng mến Chúa yêu người, để được tham dự tiệc Thánh Thể.
* Hát: Từ muôn thuở Chúa đã yêu con. Một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền. Lòng từ ái Chúa vô biên.
Lm. Phêrô Nguyễn Châu Hải,SSS