ĐỨC MARIA SAU NGÀY PHỤC SINH
1. Đức Maria đã chịu đau khổ trong sự kết hợp với Con Mẹ chịu chết trên thánh giá thế nào, thì Mẹ cũng tham phần vào niềm vui và hạnh phúc của Ngài sau khi Ngài phục sinh cũng như vậy; đời sống của Đức Maria luôn luôn đồng dạng với đời sống của Chúa Giêsu và phản ánh trung thực đời sống đó.
Ai là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh viếng thăm? Chắc chắn đó phải là Mẹ Ngài! Chỉ nguyên sự kiện rằng Mẹ đã tham phần vào cuộc hy tế tử nạn của Ngài cách trọn vẹn hơn bất cứ ai khác, nên những tin tức, ân sủng, và niềm vui đầu tiên của cuộc Ngài Phục sinh hẳn phải dành cho Mẹ! Do đó, khi ra khỏi mồ khải hoàn vinh hiển, Ngài đã đi trực tiếp đến với Mẹ. Trước Ngài đã bỏ Mẹ mà đi trong nước mắt, nay trở về với Mẹ trong hân hoan! Thật là giây phút tuyệt vời cho Đức Maria, khi Chúa Phục Sinh ôm lấy Mẹ với tất cả tình yêu tôn kính mà Mẹ đáng được!
Điều gì đã xảy ra giữa Chúa và Mẹ trong cuộc hạnh ngộ ấy? Thánh kinh không nói rõ, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng nó rất tuyệt diệu. Trong căn phòng nhỏ bé của Mẹ, Chúa Giêsu đã được tiếp đón vinh hiển chừng nào! Chỉ có cái nhìn xuyên suốt của tình yêu mới có thể giúp ta tái tạo quang cảnh đó. Chắc chắn Chúa Giêsu đã hiện ra với mẹ trong tất cả vẻ huy hoàng phục sinh của Ngài. Không ai trong các Tông đồ đã được chiêm ngưỡng vẻ xinh đẹp của Chúa Giêsu như Đức Maria đã được; thị kiến thiêng liêng luôn luôn cân xứng với mức thánh thiện của linh hồn, cho nên Đức Maria đã thấu nhập vào tận vinh quang nội tại của Chúa Giêsu. Mẹ hẳn phải nhìn thấy Ngài trong tất cả ánh quang rạng ngời của thần tính Ngài trong giây phút hạnh phúc đó, vì theo các nhà thần học, thì vào lúc đó, Mẹ được nâng lên để chiêm ngưỡng Thiên Chúa diện đối diện. Chúa Giêsu đã đàm đạo với Mẹ, tỏ cho Mẹ xem thấy những dấu đinh, những vết thương mà Mẹ đã âu yếm hôn kính khi đưa Chúa từ trên thánh giá xuống. Nhưng bây giờ những thương tích ấy đẹp rạng rỡ; từng luồng ánh sáng phát ra từ những vết đinh trên tay chân cực thánh của Ngài. Cả các phần thân thể của Ngài đã chịu đau khổ, bây giờ cũng được rạng rỡ! Chắc hẳn Đức Maria đã hôn kính các thương tích thánh trong triều sóng hân hoan và cảm thấy thác nguồn ân sủng đang tràn ra từ các thương tích ấy! Hẳn Mẹ đã nhìn thấy Trái Tim Cực Thánh của Con Mẹ qua vết thương cạnh sườn Ngài. Bấy giờ Ngài cho Mẹ xem Trái Tim Ngài đang phập phồng chuyển lưu sự sống và phóng ra những ngọn lửa yêu thương. A! chúng ta dễ dàng tưởng tượng ra Đức Maria đã kề môi thắm trên thương tích thánh ở cạnh sườn Chúa một cách âu yếm yêu thương chừng nào. Và nếu thánh Gioan, khi được ngả đầu vào Trái Tim thần linh trong thân xác trần gian của Chúa Giêsu mà còn kéo được nhiều ân sủng dường ấy, thì còn có ơn gì mà Mẹ không lãnh được khi ôm ấp, hôn yêu Trái Tim ấy, Trái Tim đang mở toang và phập phồng dưới đôi môi Mẹ! Từ đó Mẹ đã hiểu một cách hoàn hảo hơn nữa rằng đau khổ và vinh quang, sự chết và sự sống được nối kết một cách mật thiết trong chương trình Thiên Chúa.
2. Nhưng Chúa không đến viếng thăm Mẹ Maria một mình: có cả một đoàn tùy tùng gồm tất cả các thánh đã được sống lại với Ngài tháp tùng – từ các đấng thánh tổ phụ cho đến thánh Giuse và kẻ trộm lành. Tất cả đều theo chân Đức Vua Vinh Thắng đến bái chào Hoàng Thái Hậu. Ađam và Evà, những người mà Thiên Chúa đã hứa ban cho người con gái, người Mẹ của Đấng Messia này, giờ đây hai ngài đang sấp mình xuống dưới chân Mẹ. Sau Chúa Giêsu, Mẹ cũng được hai ngài mang ơn, vì chính Mẹ đã đem lại ơn giải phóng cho họ. Và với tất cả những lời ca tụng của các thánh trong Cựu luật đang tạ ơn Mẹ vì Mẹ đã ban cho họ Đấng Cứu Chuộc, chắc chắn Mẹ Maria đã đáp lại bằng bài ca “Magnificat” – “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Ngài đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ Ngài.” Còn thánh Giuse, thánh Gioakim và thánh Anna lại không đến dự cuộc viếng thăm đầy tôn kính và yêu thương này sao? Quả thực, ánh nhìn của Đức Thánh Trinh Nữ làm cho các thánh đầy tràn hân hoan, một cái nhìn tinh tuyền phản chiếu ánh sáng của Chúa Giêsu.
Khi phải lìa Mẹ để đi tỏ mình ra cho Maria Mađalena và cho các Tông đồ, Chúa không chỉ để Mẹ lại trong an ủi, mà còn trong cơn xuất thần vui sướng. Chắc chắn Chúa năng đến thăm Mẹ trong thời gian trước khi thăng thiên, để cùng Mẹ ôn lại những biến cố vui buồn sướng khổ mà Ngài đã trải qua trong cuộc đời trần thế.
3. Từ sự im lặng của các thánh ký liên quan đến việc hiện ra này, cũng như liên quan đến những sự kiện khác trong cuộc đời Mẹ, chúng ta có thể rút ra những bài học quí giá. Sau khi đã ban tặng Chúa Giêsu cho thế giới, nhất định Mẹ phải mờ xoá đi, phải rút lui vào bóng tối để trở nên mẫu gương cho những linh hồn nội tâm, nên vị quan thầy của những người sống đời ẩn dật, thấp hèn. Sứ mạng của Mẹ Maria sau khi Con Mẹ phục sinh là một sứ mạng yêu thương và cầu nguyện. Dường như Chúa đã giữ cho riêng mình bí mật đời sống Mẹ Ngài. Ngài muốn đời sống đó phải là hoàn toàn dành cho mình Ngài.
Cũng còn có lý do khác nữa. Bây giờ Chúa Giêsu ẩn mình trong phép Thánh Thể, ở đó Ngài còn dấu mình đi hơn cả trong cuộc đời dương thế của Ngài. Cho nên Đức Maria cũng phải bắt chước trạng thái đó, phải chia sẻ sự hủy mình đó. Đời sống ẩn dật là đời sống trọn lành hơn cả. Khi Chúa Giêsu tự khước từ khả năng nói năng, chuyển động và hoạt động khả giác, thì Đức Maria cũng không nói, không xuất hiện trước mắt thế gian nữa. Vì Chúa Giêsu đã phải trở nên Người Tù câm lặng, cho nên Đức Maria cũng phải tự hiến để bảo vệ Ngài trong sự kín đáo của cuộc sống hoàn toàn chuyên tâm cầu nguyện. Nếu Đức Maria không hiến mình vào bậc sống này, thì chúng ta, những người tôn thờ phép Thánh Thể có thể chẳng bao giờ tìm thấy nơi Mẹ một tấm gương soi. Nhưng Đức Maria, một nữ tì vô danh, một người canh coi phép Thánh Thể, là Mẹ chúng ta và đời sống Mẹ là ân sủng của chúng ta.
Như ánh sáng và sức nóng gia tăng dần dần cho tới đúng ngọ, cũng thế, Đức Maria mỗi ngày mỗi trở nên hoàn thiện hơn. Những năm tháng cuối đời của Mẹ đầy ắp tình yêu đến nỗi chúng ta không thể nào hình dung ra được chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu ấy.
Sự phục sinh của Con Mẹ làm phát sinh ra trong Mẹ điều kỳ diệu này: nó thu hút sự sống của Mẹ, biến đổi sự sống ấy trong sự sống phục sinh của Chúa Giêsu – một sự sống hoàn toàn nội tâm, vô hình, tách biệt khỏi mọi vật thụ tạo và không ngừng kết hợp với Thiên Chúa. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ về điểm này. Chúng ta hãy nhớ rằng đời sống càng hướng nội càng hoàn hảo. Một ngọn lửa càng được che đậy càng cháy lâu nhưng khi mở toang ra sẽ rất mau tàn. Rất ít người thực sự muốn sống sự sống hủy mình này, bởi vì đó là sự sát tế tận tuyệt lòng tự ái. Nhưng đó là những linh hồn, giống như Đức Maria, muốn yêu duy mình Chúa và muốn được duy mình Ngài biết đến.
Ơn gọi của cha Hermann
Trong tiểu sử cha Hermann có kể rằng sau khi được ơn hoán cải, vị tu sĩ thánh thiện này đã nghe thấy Mẹ Maria mời vào dòng Carmel. Ngài đã ghi lại cho chúng ta những lời Ngài nghĩ rằng Mẹ đã nói với Ngài. Những lời đó rất đáng để làm bài học.
“Con hãy vào dòng Carmel! Ở đó Mẹ sẽ ban cho con bánh nhiệm mầu tạo nên giấc mơ thiên đàng: ở đó Mẹ sẽ ban cho con rượu nho sinh ra những kẻ đồng trinh; chính ở đó Mẹ sẽ sát tế một của lễ đầy hương thơm ngọt ngào khoái thú toả lên trước ngai Giavê. Con hãy đến ăn bánh mà Mẹ đã nào với sữa Đồng Trinh của Máu thánh khiết Mẹ; hãy đến uống rượu nho mà Mẹ đã rút ra từ Máu cực tinh tuyền Mẹ. Nếu muốn biết, con hãy chọn đi theo; hãy chú ý đến hoa trái, đến chất dinh dưỡng nó đem lại; hãy nhìn vào hoa trái của lòng Mẹ!”
“Và đồng thời, Mẹ Maria cho tôi xem mặt nhật đựng Bánh Thánh. Mẹ nói: ‘Đây là hoa trái của lòng Mẹ, và trái này là phép Thánh Thể.’” Cha Hermann kêu lên: “Ôi Thiên Chúa vĩ đại! Ôi Thánh Thể. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của Thánh Thể. Mẹ đang ban cho con Thánh Thể! Mẹ đang nuôi dưỡng con hàng ngày bằng Manna từ trời! Mẹ sẽ cho môi con nhấp c hén châu báu chứa đầy Máu của Thiên Chúa con! Con sẽ giữ tim con để yêu mến Chúa Giêsu trong Thánh Thể; để yêu mến Mẹ Maria, người đã ban Thánh Thể cho con.” (Tiểu sử, do Sylvain, trang 381).
Thực hành: Trong niềm kết hợp với Đức Maria, chúng ta hãy sống sự sống phục sinh mà Chúa Giêsu đã đem lại trong Thánh Thể.
Hoa thiêng: Kính chào Mẹ Maria, chén vàng rất tinh tuyền, chứa đựng chính sự ngọt ngào là Chúa Giêsu Thánh Thể, Manna của linh hồn chúng con!