Bài 2 - Sự Hiện Diện Thật Của Chúa Kitô Nơi Bí Tích Thánh Thể

SỰ HIỆN DIỆN THẬT CỦA CHÚA KITÔ NƠI BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Niềm tin vào sự hiện diện thật của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể đã trải qua 2000 năm lịch sử của Giáo hội. Tuy nhiên, cách hiểu và lối giải thích về điều này đã có sự thay đổi đáng kể. Chúng ta có thể phân chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Ở thiên niên kỷ thứ nhất, mọi người tin điều đó khi họ đón nhận giáo lý Thanh Tẩy từ các Giáo phụ rằng: ở mỗi Thánh Lễ, họ được vinh dự đón nhận mình và máu Đấng Phục Sinh. Vào đầu thiên niên kỷ này và trong thời Trung Cổ, người ta bắt đầu suy tư nhiều hơn về cách thế Chúa Kitô hiện diện: Phải chăng Ngài hiện diện cách thể lý? Hay chỉ hiện diện bằng tinh thần? Có chăng đó là sự hiện diện cách bí tích? Hay đó chỉ là biểu tượng?

Vào thế kỷ XIII, Thánh Tôma Aquinô sử dụng thuật ngữ biến đổi bản thể vốn được dùng bởi Công đồng Latêranô lần thứ tư (năm 1215) và cũng có trong những phạm trù của Aristốt, để định nghĩa điều gì diễn ra nơi bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng Thánh Tôma Aquinô đã không nói về một số khái niệm khách quan về sự hiện diện thật. Ngài tập trung nhiều hơn về những gì mà sự hiện diện của Chúa Kitô đã làm và những gì bí tích này mang lại cho các Kitô hữu. Thuật ngữ này được đưa vào quy điển, như nó là, ở Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Thay vì phát triển một luận thuyết tích cực, toàn diện về bí tích Thánh Thể, thì Công đồng này đã tái khẳng định cách hiểu căn bản của thời Trung Cổ và không chấp nhận quan điểm của anh em Tin Lành. Điều này cần đến Công đồng Vaticanô II để xây dựng một nền thần học Thánh Thể hoàn hảo hơn, tích cực hơn và giúp định hướng cho thời hậu hiện đại mà chúng ta đang sống.

Thiên Niên Kỷ Thứ Nhất

Ngay từ đầu, Giáo hội đã tin rằng Chúa Kitô hiện diện khi cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật như là ngày thánh. Khi ấy không có sự tập trung duy nhất vào bánh và rượu; hơn nữa như chúng ta thấy trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 11,17-34), Thánh Thể bao trùm toàn bộ nghi thức của cộng đoàn đang quy tụ nơi bàn tiệc của Chúa, họ được nuôi dưỡng bằng chính Chúa Kitô để rồi họ có thể trở thành thân mình của Ngài ngay trên thế gian này. Do đó, Thánh Phaolô khẳng định rằng không có sự hiệp nhất, không quan tâm đến người nghèo, thì đây không phải là Thánh Lễ chúng ta đang cử hành.

Liên quan đến sự hiện diện thật của Chúa Kitô khi cử hành, các tín hữu sơ khai đã hiểu Thánh Lễ rất cụ thể. Chúa Giêsu nói rằng bánh và rượu chính là mình và máu Người, và họ hiểu câu nói này có nghĩa chính xác như thế. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia nói đơn giản thế này “Thánh Thể là thịt của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, Người đã chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta và bởi Chúa Cha trong ý định tốt lành của Ngài, Người đã sống lại từ cõi chết’ (Smyrn. VII, 1). Khoảng 50 năm sau, thánh Justinô Tử Đạo cũng nói rõ như vậy:

Chúng ta không đón nhận Thánh Thể như bánh thường hay thức uống bình thường. Nhưng, như Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, đã trở nên xác phàm bởi Lời của Thiên Chúa, Ngài đã trao hiến thịt và máu mình vì ơn cứu độ của chúng ta, cũng vậy, chúng ta biết rằng qua lời khẩn nguyện, chúng ta nhận được nơi Người của ăn Thánh Thể chính là thịt và máu của Chúa Giêsu nhập thể (1 Apol. 66, 2).

Điều này được lưu truyền trong niềm tin của Giáo hội từ thiên niên kỷ thứ nhất. Chẳng cần bỏ nhiều thời gian và công sức để giải thích việc này xảy ra như thế nào. Chỉ cần họ hiểu những lời của Chúa Giêsu theo đúng nghĩa của chúng là đủ rồi. Ví dụ ở thế kỷ thứ năm, Theodore Mopsuestia giải thích sự biến đổi Thánh Thể theo nghĩa đen bằng cách viết:

Chúa không nói, “Đây là biểu tượng của mình ta; đây là biểu tượng của máu ta” nhưng Ngài nói “Đây là mình ta, đây là máu ta”. Điều đó dạy cho chúng ta rằng chúng ta đừng xem xét bản chất của thứ gì được dâng tiến, nhưng nhờ sự can thiệp của kinh nguyện Thánh Thể mà có sự biến đổi thành mình và máu Người (In Mat. Hom., PG 66, 714).

Nhiều kinh nguyện Thánh Thể vốn là một phần trong di sản phụng vụ của chúng ta xuất hiện từ thế kỳ thứ tư và chúng đề cao về sự hiện diện của Chúa Kitô và việc tham dự của chúng ta. Các Giáo phụ khuyến khích giáo dân đi sâu vào các mầu nhiệm họ đang cử hành để có thể cảm nhận được sự hiện diện thật của Chúa Kitô. Họ được yêu cầu dìm mình bao nhiêu có thể vào cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Kitô, ngõ hầu họ có thể dâng hiến chính mình cho nhau và hơn nữa là dâng mình cho Thiên Chúa.

Niềm xác tín bánh và rượu biến thành mình và máu Chúa Kitô diễn tả niềm tin Công giáo ở thế kỷ này. Các Giáo phụ khẳng định Chúa Kitô hằng sống hiện diện nơi bí tích Thánh Thể. Giáo hội Tây phương có khuynh hướng quy sự biến đổi này cho những lời của Chúa Kitô nơi kinh nguyện Thánh Thể. Trong khi đó, Giáo hội Đông phương cho rằng sự biến đổi này do hành động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, sự hiện diện của Chúa Kitô gắn liền với việc cử hành Thánh Thể. Điều này vẫn nằm trong giáo lý của Hội Thánh cho đến thế kỷ thứ IX. Vào thời điểm đó, người ta bắt đầu tập trung ngày càng nhiều vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong các yếu tố làm nên Thánh Thể. Hai người có trách nhiệm về điều này là Paschasius Radbertus và đối thủ của ông là Ratramnus.

Paschasius bảo vệ mạnh mẽ giáo lý Chúa Kitô hiện diện thực sự nơi bí tích Thánh Thể. Mối quan tâm nhất của ông là giải thích giáo lý của các Giáo phụ. Tuy nhiên, ông đã nhấn mạnh đến sự đồng nhất giữa thân mình Thánh Thể của Chúa Kitô với thân mình tự nhiên (lịch sử) của Người bằng những thuật ngữ phóng đại đến nỗi sự khác biệt của hai phương thức tồn tại này không được làm sáng tỏ cách đầy đủ. Ông tin rằng sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể chính là xác thịt của Đức Maria, thân xác đó đã chịu khổ hình trên thập giá, chịu mai táng và đã sống lại (De Corp., 4.3 and 7.2). Ngài tin rằng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, sự hiện diện này được tạo ra một cách mầu nhiệm hoặc được nhân lên hàng ngày qua mỗi lần truyền phép (De Corp., 4.1 and 12.1).

Các đối thủ của ông nhận thấy cách trình bày giáo lý này quá thô thiển và vật chất. Đối thủ chính của ông trong thảo luận này là một đan sĩ tên là Ratramnus. Vị này sốc trước chủ nghĩa hiện thực của Paschasius. Ratramnus khẳng định rằng thân xác của Chúa Kitô phục sinh đang ở trên trời chứ không phân tán khắp trên thế giới. Vị đan sĩ này khẳng định Thánh Thể là một bí tích, là hình bóng của thân thể Chúa Kitô, là cái mà chúng ta đón nhận bằng đức tin. Hai kết quả của nền thần học này tạo nên sự khó phân biệt giữa bí tích và thực tại đến nỗi nó tiếp tục gây phiền não cho chúng ta mãi tận đến ngày nay. Kết quả thứ hai mà vị đan sĩ này đưa ra là sự phân biệt của giữa thân mình Thánh Thể của Chúa Kitô và những hình thức bên ngoài (mang tính bí tích) có thể cảm nhận được đã mở đường cho khái niệm biến đổi bản thể sau này.

Thời Trung Cổ

Hai thế kỷ sau, quan điểm của Paschasius được tiếp nối bởi một đan sĩ và là một nhà thần học khác tên là Berengarius thành Tours. Cuộc tranh luận này để lại những ảnh hưởng lâu dài trong nhiều thế kỷ sau. Berengarius bị buộc phải ký giấy từ bỏ giảng dạy giáo thuyết của mình tại Công đồng Rôma năm 1059. Lời cam kết của ông được đưa vào Sắc Lệnh Gratian và được lưu trong các tài liệu Giáo luật cho đến bộ luật mới được ban hành 1917. Trong đó có đoạn:

Tôi tuyên xưng….bánh và rượu được đặt trên bàn thờ sau khi truyền phép không chỉ là những dấu chỉ (bí tích) mà còn là mình và máu thật của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và rằng về giác quan, không chỉ là trong dấu chỉ (bí tích) mà còn trong sự thật. Chúng được cầm và bẻ ra bởi đôi tay của linh mục và bị nghiền nát bởi răng của tín hữu …[1]

Hầu hết những nhà thần học sau này giảm bớt ý nghĩa của lời cam kết này. Tuy nhiên, một trong những hệ quả chính của cuộc tranh luận này là sự thay đổi việc tập trung vào bí tích Thánh Thể từ việc cử hành phụng vụ sang sự diện điện của Chúa Kitô trong Thánh Thể dưới hình bánh rượu. Đối với người giáo dân, điểm nhấn mạnh chính bắt đầu từ bánh Thánh Thể (không lâu sau được coi là bánh cực Thánh) vì họ không được rước máu Thánh. Những lý do chính được đưa ra cho sự thay đổi này là do sợ bị đổ ra. Tuy nhiên, nó đưa đến một nền thần học Đồng Thời (Đó là: ai nhận bánh thánh hoặc máu thánh đều đón nhận trọn vẹn Chúa Kitô) và loại bỏ tính biểu tượng của Thánh Thể là bữa ăn, nơi chúng ta chia sẻ bánh và rượu với anh chị em mình trong Chúa Phục Sinh.

Vì việc nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Giêsu lịch sử (hay Đức Giêsu thể lý) nơi tấm bánh, nên các tín không dám lên rước lễ nữa. Bị báo động trước chiều hướng này, Công đồng Latêranô IV (năm 1215) cảm thấy tầm quan trọng để làm thành luật là các tín hữu nên rước lễ ít nhất mỗi năm một lần. Tuy nhiên, với đạo đức bình dân (được sự hỗ trợ và tiếp tay của phái Jansenius [chủ trương luân lý khắc khổ và quan niệm bi quan về thân phận con người]), ở nhiều nơi, người giáo dân cần được phép của cha giải tội mới có thể rước lễ thường xuyên. Phong tục này vẫn tồn tại nơi chúng ta cho đến khi có những sự cải cách trong Công đồng Vaticanô II.

Một hậu quả khác là sự thay đổi tinh tế về sự nhấn mạnh liên quan đến cách người ta xem bánh thánh được cất giữ sau Thánh Lễ để cho bệnh nhân được rước lễ. Điều này sớm trở thành đối tượng của lòng sùng kính Thánh thể. Trong Thánh Lễ, giáo dân được toại lòng chiêm ngắm bánh thánh sau khi truyền phép; điều này quan trọng hơn là việc hiệp lễ. Bữa ăn thánh với Chúa Phục Sinh trở thành của lễ do linh mục dâng và chỉ cần linh mục rước lễ là đủ. Việc giáo dân có hiệp lễ hay không thì không quan trọng trong nghi thức cử hành. Từ thái độ này đã nảy sinh việc chuyển đổi lòng đạo đức của tín hữu từ sự hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ sang các việc sùng kính bình dân khác, chẳng hạn việc đặt Mình Thánh Chúa ra để chầu, việc sùng kính 40 giờ, dường như chúng được bắt đầu từ năm 1537. Ngay sau đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô III ban những ân xá cho những ai làm việc đạo đức này. Điều này chỉ có Giáo Hoàng ban mà thôi.[2]

Vị Tổng Đại diện của Tổng Giám mục thành Milan, theo lời khẩn nguyện của cư dân thành phố này dưới sự gợi ý của Thánh Juliana thành Liège và Thánh Tôma Aquinô, đã đệ trình lên Đức Giáo hoàng Urban IV xin cho thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô để chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể, nhằm nhấn mạnh đến niềm hân hoan của tín hữu trước sự hiện diện sống động của Chúa nơi Thánh Thể vì đó chính là Mình, Máu, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu. Vào năm 1264, khi thừa nhận tính xác thực của phép lạ Thánh Thể xảy ra ở Bonsêna, Đức Giáo Hoàng đang sống ở Orvieto, đã thành lập lễ Mình Thánh Chúa Kitô như một lễ trọng và được phổ biến trong toàn Giáo hội Công giáo Rôma. Thánh thi Tantum Ergo (hai câu cuối Pange Lingua) do chính Thánh Tôma Aquinô viết nhằm tôn kính Chúa chúng ta nơi bí tích Thánh Thể và vinh quang của Ngài nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho đến ngày nay, thánh thi này vẫn đóng một vai trò quan trọng khi đặt Mình Thánh Chúa để chầu và ban phép lành bằng Thánh Thể.

Từ một quan điểm thần học, sự nhấn mạnh cũng bị thay đổi thậm chí nhiều hơn hướng về bánh Thánh Thể - không chỉ là một phần không thể thiếu trong phụng vụ, mà còn nhằm suy nghĩ về cách thức hiện diện của Chúa Kitô và tìm lời giải thích về cách Chúa Giêsu hiện diện nơi đó.  Thuật ngữ biến đổi bản thể bắt nguồn từ câu trả lời của Lanfranc dành cho Berengarius đã sử dụng những thuật ngữ bản thể (substance) và bản tính (substantial) để nói về sự biến đổi của Thánh Thể. Những thuật ngữ này được Công đồng  Latêranô IV sử dụng khi yêu cầu những người theo phái Albi (phái này phủ nhận nhân tính của Chúa Giêsu, cuộc tử nạn và phục sinh của Người), phải tuyên xưng bản thể bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Tôma Aquinô đưa ra lời giải thích về bí tích này có tính khoa học hơn, ngài dùng những khái niệm bản thể và phụ thể của Aristốt. Khi những nhà thần học sau này áp dụng siêu hình học của Aristốt ở Tây Âu, họ giải thích sự biến đổi này vốn đã là phần giáo lý của Giáo hội Công giáo dựa theo những thuật ngữ bản thể và phụ thể của Aristốt.  

Thời Kỳ Cải Cách của Anh Em Tin Lành

Năm 1517, Matinô Luther (đã gắn 95 luận điểm của mình lên cánh cửa nhà thờ giáo xứ ở Wittenberg, khởi đầu cho điều mà ngày nay gọi là phong trào Cải Cách Tin Lành. Sau đó, phong trào này nhanh chóng chia thành nhiều nhánh khác nhau và giáo lý về Thánh Thể của Giáo hội Công giáo bị tấn công từ nhiều hướng. Cuối cùng, Công đồng Trentô được triệu tập để chống lại những lời tuyên bố của Tin Lành. Sự khởi đầu khó khăn và trải qua 3 kỳ họp kéo dài khoảng 20 năm đã tự giới hạn nó trong việc chống lại những gì được coi là những tuyên bố sai lạc của các Giáo hội Tin Lành. Chẳng có sự nỗ lực nào để xây dựng một nền thần học mạch lạc và tích cực về mầu nhiệm Thánh Thể.

Công đồng Trentô nhấn mạnh đến biến đổi bản thể diễn ra nơi bí tích Thánh Thể. Công đồng không áp đặt lý thuyết bản thể và phụ thể của Aristốt; nhưng khẳng định thuật ngữ biến đổi bản thể. Nói đơn giản thuật ngữ này là phù hợp và thích hợp để nói về sự biến đổi đó sau khi truyền phép bánh và rượu.

Xét về khái niệm biến đổi bản thể, ở kỳ họp thứ XIII, Công đồng Trentô đã tái khẳng định và định nghĩa biến đổi bản thể như là sự biến đổi kỳ diệu và độc đáo của toàn bộ bản thể (substance) của bánh thành mình và bản thể của rượu thành máu, chỉ hình dạng bánh và rượu còn đó mà thôi. Quả thực, sự biến đổi này Giáo hội Công giáo gọi một cách đúng nhất là biến đổi bản thể. Giáo luật đầu tiên có viết:

Nếu như bất kỳ ai chối bỏ rằng nơi bí tích Thánh Thể cực thánh, được chứa đựng mình và máu cùng với linh hồn thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô và đó là toàn thể Chúa Kitô một cách đích thực, thực sự và bản thể; nhưng nói rằng Người ở đó chỉ như một dấu chỉ hoặc hình ảnh hay một nhân đức thì kẻ ấy bị vạ tuyệt thông (kỳ họp thứ XIII, Giáo luật 1).

Xét về sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể, Công đồng nói:

Trên hết, Thánh Công đồng dạy và tuyên xưng cách công khai và rõ ràng rằng sau khi truyền phép bánh và rượu, Chúa của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện cách đích thực và bản thể nơi bí tích Thánh Thể cực trọng dưới những hình thức mà ta có thể cảm nhận được.[3]

Sau Công đồng Trentô Thần học Triđentinô đã bắt đầu thống lĩnh trong các đại chủng viện. Cho đến ngày nay, thuật ngữ biến đổi bản thể vẫn còn được sử dụng trong Giáo hội Công giáo để khẳng định sự hiện diện thật của Chúa Kitô và sự biến đổi cách mầu nhiệm và tận căn, nhưng không thể giải thích cho con người ngày nay cách biến đổi như thế nào, vì điều này xảy ra ‘theo cách vượt quá sự hiểu biết của con người’.[4]

Công đồng Vaticanô II

Sự luận bàn chính thức đầu tiên mà chúng ta nhận được liên quan đến thần học bí tích, và dĩ nhiên, về sự hiện diện của Đứ Ki-tô nơi bí tích Thánh Thể đến từ Công đồng Vaticanô II. Kết quả từ những nghiên cứu phụng vụ ở những thế kỷ trước, kiến thức về lịch sử và Kinh Thánh tốt hơn, Công đồng này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và tuyên bố tín điều đầu tiên được ban ra là Hiến Chế Phụng Vụ Thánh vào ngày 9.12.1962.

Một khái niệm quan trọng mà Công đồng đưa ra là có nhiều hình thức hay cách thế khác nhau mà Chúa Kitô hiện diện thực sự nơi bí tích Thánh Thể và trong Giáo hội. Những lời của Công đồng như sau:

Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, trong con người của thừa tác viên, (như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục), và nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các bí tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Kitô rửa. Người hiện diện trong lời của Người vì chính Người nói khi Thánh Kinh được đọc lên trong Giáo hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo hội khẩn cầu và ca ngợi, như chính Người đã hứa: Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ. Thực vậy, trong hành động cao cả này, hành động tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô hằng kết hiệp với hiền thê rất yêu quý của mình là Giáo hội, những người đang khẩn cầu cùng Chúa và qua Ngài mà họ phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu.[5]

Trong khi thừa nhận rằng có một điều gì đó đặc biệt về sự hiện diện Thánh Thể, Công đồng, cũng như những tài liệu của Giáo hội sau này, muốn chúng ta quan tâm đến những cách hiện diện khác của Chúa Giêsu với chúng ta. Cuối cùng, chẳng có cái gọi là sự hiện diện không có thực! Thật quan trọng để nhấn mạnh rằng luôn có sự hiện diện liên chủ thể, không hề tĩnh lặng. Sự hiện diện trong Thánh Thể, và cụ thể nơi bánh, không phải là một vật thông thường, mà là vật thánh. Nó thể hiện mối tương quan giữa người với người. Chính Chúa Giêsu tự hiến mình cho chúng ta và mong chờ chúng ta đáp lại trong niềm tin.

Hãy nên nhớ rằng có nhiều hình thức hiện diện được đề cập tới trong việc cử hành Thánh Thể của chúng ta. Ngài hiện diện trong cộng đoàn họp nhau lại thành gia đình của Ngài (chứ không phải là những cá nhân), trong linh mục, người đóng vai trò chủ sự, và trong lời được công bố. Có lẽ điều đặc biệt cần thiết phải nhấn mạnh ở đây là có nhiều hình thức hiện diện khác nhau trong Phụng Vụ Lời Chúa. Giáo huấn của Công đồng về việc chúng ta được nuôi dưỡng nơi hai bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, cả hai tạo nên một hành vi thờ phượng thật quan trọng, lưu ý là do giáo huấn trước đây không coi Phụng Vụ Lời Chúa như là một phần quan trọng của Thánh Lễ. Khi đó người ta chỉ chủ yếu nhấn mạnh đến Phụng Vụ Thánh Thể gồm: dâng của lễ, thánh hiến lễ vật và hiệp lễ. Chẳng ai nghi ngờ rằng Chúa Kitô hiện diện nơi kinh nguyện Thánh Thể làm biến đổi những lễ vật bánh và rượu thành mình và máu Chúa Kitô. Ngài hiện diện trong chúng ta khi chúng ta hiệp lễ. Cuối cùng, Người cũng hiện diện khi chúng ta được sai đi nhân danh Người và làm vinh danh Thiên Chúa bằng chính đời sống của chúng ta, nhận ra Người nơi những người thân cận nhất, đặc biệt là nơi những người nghèo và những người cần giúp đỡ. Tất cả những hình thức hiện diện này đòi buộc chúng ta chấp nhận chúng trong niềm tin.

Điều đặc biệt trong sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bánh và rượu là nó vẫn còn kéo dài ngay cả khi Thánh Lễ kết thúc. Bánh Thánh Thể không trở lại thành bánh thường khi xong Thánh Lễ. Khi đó, sự hiện diện của Chúa Kitô không còn phụ thuộc vào niềm tin của chúng ta nữa – mặc dù đức tin là cần thiết để sinh ơn ích cho chúng ta. Suy nghĩ này không chỉ mới có gần đây. Ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất cũng đã có việc lưu giữ bánh Thánh Thể cho bệnh nhân rước lễ rồi. Đến thời Trung Cổ, bánh Thánh Thể được kính trọng qua việc cầu nguyện ngoài (hoặc không liên quan đến) buổi cử hành phụng vụ. Ngay cả trong Thánh Lễ, khi giáo dân ngày càng bắt đầu ít lên hiệp lễ, họ nhanh chóng chạy đến nhà thờ để nhìn Bánh Thánh khi nó được nâng lên sau lời truyền phép. Ngày nay chúng ta ý thức rằng việc tôn kính và cầu nguyện trước Bánh Thánh được lưu giữ không thể thay thế cho việc hiệp lễ (rước lễ) được. Đúng hơn, nó bắt nguồn từ toàn bộ phụng vụ và giúp chúng ta trân trọng một cách trọn vẹn những gì chúng ta vừa cử hành. Nó giúp chúng ta nội tâm hóa và kéo dài sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta. Về phương diện đối thoại, chúng ta đến chiêm ngắm Chúa Kitô mà chúng ta nói nhiều hơn là nghe Chúa nói. Chúng ta cần lắng nghe và suy niệm để đáp lại lời Ngài một cách thích hợp.[6] Cầu nguyện trước nhà tạm hoặc trước Thánh Thể, dù được lưu giữ hay trưng bày, giúp chúng ta làm được điều ấy cách có phương pháp và yêu mến như là sự kéo dài nghi thức phụng vụ.

Có một vài sự khác biệt sau khi Công đồng đưa ra khái niệm về những hình thức hiện diện khác nhau của Chúa Kitô. Trong nghị trình của Công đồng thì ban đầu hướng giải thích về những hình thức hiện diện lại khác với kết luận cuối cùng, cũng vậy, có sự khác biệt giữa những gì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong thông điệp Đây Là Mầu Nhiệm Đức Tin (Mysterium fidei) và những gì chúng ta đọc thấy trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Sự khác nhau đó đơn giản có lẽ là vì cách nhấn mạnh vấn đề. Raymond Moloney giải quyết điều này trong quyển sách Bí Tích Thánh Thể của ngài. Ngài kết luận bằng cách nói rằng có sự bổ sung cho nhau giữa các hình thức hiện diện khác nhau. Chúng chỉ ra cho chúng ta thấy những cách thức khác nhau khi chúng ta đáp lại sự hiện diện của Chúa Kitô đó là: phục vụ, tích cực tham dự Thánh Lễ hay ngợi khen và tôn thờ đấng đang ngự trong nhà tạm.[7]     

Lối tiếp cận thần học của Công đồng khác với truyền thống sách vở, điều được phổ biến cho đến mãi về sau. Căn bản nó dựa vào hai lối tiếp cận chính. Giáo huấn của Công đồng dựa vào Kinh Thánh cũng như dựa vào sự tiến triển của việc thực hành qua chiều dài lịch sử của Giáo hội. Với ý nghĩa này, nó mang tính quy nạp hơn là diễn dịch, bắt đầu từ giáo huấn trước đây của Giáo hội. Bắt đầu với Kinh Thánh, chẳng hạn, nếu chúng ta hướng về trình thuật thứ nhất về Thánh Thể được tìm thấy trong Tân Ước, một số hình thức hiện diện của Chúa Kitô được ám chỉ đến. Chỉ được viết khoảng 20 năm sau biến cố phục sinh, Thánh Phaolô đề cập đến giáo huấn trước kia của ngài ở 1Cr 10:16-17 và 11:17-34. Ở chương 10, ngài nói về sự hiệp thông (hiệp lễ hay rước lễ) làm cho chúng ta được thông phần vào Mình và Máu Chúa. Ngài tiếp tục khẳng định rằng điều này làm cho chúng ta trở nên một thân thể trong Chúa Kitô. Hai hình thức hiện diện nổi bật ở đây là: mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô không mang tính cá nhân, nhưng như những thành viên của một cộng đoàn mà Ngài đã thiết lập bằng giá máu hy tế của mình.

Thánh Phaolô tiếp tục ý tưởng này ở chương 11. Chúng ta cần tỏ lòng biết ơn đến các tín hữu Côrintô về đoạn này, nó được viết ra không phải để cho chúng ta biết bất kỳ điều gì về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhưng để sửa chữa sự thiếu hiểu biết tồi tệ về hành động của niềm tin chúng ta. Thánh Phaolô bắt đầu bằng cách chỉ trích ‘những lần quy tụ’ của họ. Các bản dịch khác nói rõ ra rằng ngài đang nói về cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Ngay từ đầu, điều lý tưởng là cả cộng đoàn – thân mình của Chúa Kitô – được quy tụ để cử hành hy lễ Tạ Ơn. Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn quy tụ nên một nhân danh Người. Thánh Phaolô củng cố điều này trong hai câu đáng sợ: “Bất cứ ai ăn bánh và uống chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến mình và máu Chúa” (c.27); “bất cứ ai ăn và uống mà không phận biệt được thân thể Chúa thì đang ăn và uống án pht cho chính mình” (c.29). Dĩ nhiên, điều này ngụ ý thừa nhận Thánh Thể của Chúa Kitô; nhưng điều đề cập trực tiếp nhiều hơn là cả đoạn văn: hành vi phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo của họ đã khiến thánh Phaolô giận dữ. Ngài cũng nói với họ rằng tất cả những ai làm và ngay cả đối xử khác biệt với người khác dựa trên địa vị xã hội đều không cử hành Thánh Thể mà đó chỉ là hành động tội lỗi mà thôi (câu 20-21). Chiều kích sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn sẽ mất nếu chúng ta tư nhân hóa sự hiện diện của Chúa Kitô theo linh đạo cá nhân.

Vậy, làm thế nào để mô tả sự hiện diện của Chúa Kitô?

Điều khiến cho các cuộc thảo luận thêm phức tạp hay sự cố gắng giải thích những nỗ lực của chúng ta để xác định về sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Thánh Thể mà môn siêu hình là môn học mà thần học từ thời Trung Cổ dựa trên đó để giải thích cũng chẳng mang lại gì nhiều hoặc chẳng có ý nghĩa gì với con người ngày nay. Nhìn chung, vấn đề phức tạp là chúng ta đã trải qua hai sự thay đổi lớn về tư tưởng. Thời kỳ Ánh Sáng được gọi là chủ nghĩa Hiện Đại. Các giả định của thời kỳ Ánh Sáng đã nâng cao vai trò của lý trí hay tính hợp lý hoặc lý luận khoa học đóng vai trò hướng dẫn sự hiểu biết của chúng ta về tình trạng của con người. Chỉ có khoa học và lý trí mới đưa đến những nền tảng hiểu biết chính xác, khách quan và đáng tin cậy. Nếu điều gì đó không được chứng minh cách khoa học, nó sẽ bị khước từ hoặc ít nhất bị gạt qua một bên. Lý trí thì siêu việt và tồn tại độc lập với bối cảnh văn hóa, lịch sử và hiện sinh của chúng ta. Nó mang tính phổ quát và ‘chân lý’.

Gần đây hơn, chúng ta đã đi vào giai đoạn (hoặc những giai đoạn) mới, được gọi là chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Chủ nghĩa Hiện Đại cho rằng lý trí đưa đến những chân lý phổ quát mà tất cả mọi nền văn hóa sẽ và nên nắm lấy. Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại quan niệm rằng không có chân lý phổ quát vĩnh cửu, không có trải nghiệm phổ quát về con người, không có nhân quyền phổ quát, không có câu chuyện nào quan trọng hơn về sự tiến triển của con người. Đó là vì chủ nghĩa Hiện Sinh, Hiện Tượng Luận, triết học Tiến Hóa (và những phong trào khác) ngày nay đang đối diện với triết học và thần học Công giáo với ý tưởng rằng không có phương tiện khách quan hay phổ quát để đánh giá bất kỳ khái niệm nào được cho là ‘chân lý’ bởi vì tất cả những đánh giá về chân lý đều nằm trong bối cảnh văn hóa (thuyết Tương Đối Văn Hóa). Do đó, nếu điều gì đó vô nghĩa đối với suy nghĩ của ai đó thì những cách giải thích về sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể vốn dựa trên môn siêu hình cổ xưa đều được xem như những di tích vô dụng của một thời đã qua.

Bởi sự không thỏa mãn với thuật ngữ: ‘biến đổi bản thể’ trong nền văn hóa hậu Hiện Đại đã dẫn đến việc tìm kiếm những thuật ngữ thay thế tốt hơn. Đã có một số nỗ lực để khắc phục những thiếu sót của nó. Nếu sự biến đổi nơi Thánh Thể không được giải thích cách thỏa mãn, chẳng hạn như việc giải thích về sự biến đổi bản thể, vậy thì sự biến đổi ở đây là gì? Hai trong số những lời giải thích nổi trội hơn đó là sự chuyển nghĩa và biến đổi mục đích. Có lẽ Edward Schillebeeckx - nhà thần học nổi tiếng ủng hộ ý tưởng chuyển nghĩa.[8] Chuyển nghĩa cho rằng mặc dù Mình và Máu Chúa Kitô không hiện diện trong bí tích Thánh Thể cách thể lý, nhưng chúng thật sự và khách quan như thế, như những yếu tố có trong bí tích Thánh Thể, ý nghĩa thực sự của Mình và Máu Chúa Kitô trở nên hiện diện cách bí tích. Lưu ý rằng chúng ta sử dụng thuật ngữ bí tích để đưa ra một lời giải thích và khẳng định điều này. Các bí tích mang tính biểu tượng; tuy nhiên, chúng không chỉ là biểu tượng.  

Thế nhưng, trong thông điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ vào năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã không chấp nhận thuyết này:

…..Không được phép …. thảo luận mầu nhiệm biến đổi bản thể mà không nhắc đến điều Công đồng Tren-tô đã nói về sự biến đổi kỳ diệu của toàn bản thể […] như thể chúng chẳng liên quan gì hơn là ‘chuyển nghĩa’ hoặc ‘chuyển đổi mục đích’ như chúng được gọi như vậy…[9]

Tuy nhiên, Schillebeeckx giải thích sự chuyển nghĩa không phải là sự thay thế sự biến đổi bản thể, mà là sự bổ sung cho nó. Ông nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô một cách khách quan, xuất hiện với chúng ta như dưỡng chất bí tích, nhưng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Thánh lễ mang lại một ý nghĩa hoàn toàn mới cho hành động cử hành và cho bánh và rượu được sử dụng trong việc cử hành đó.

Tương tự như thế, điều mong muốn được tìm thấy trong thông điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ là ý tưởng về việc chuyển đổi mục đích. Thông điệp này cố gắng giải thích sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể bằng cách khẳng định rằng mục đích hoặc kết quả cuối cùng của bánh và rượu là chúng được biến đổi khi truyền phép. Chúng phục vụ một mục đích mới, như là những yếu tố thiêng liêng để khơi dậy niềm tin của dân chúng vào mầu nhiệm tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô. Giống như sự chuyển đổi ý nghĩa, thuyết này cũng bị thông điệp Mầu Nhiệm Đức Tin lên án, khi sự chuyển đổi ý nghĩa được thực hiện để phủ nhận sự biến đổi bản thể bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.

 Có một vài kết luận mà chúng ta có thể rút ra từ những điều đã nói ở trên. Điều quan trọng nhất có lẽ là:

Nói rằng Chúa Kitô hiện diện cách bản thể nơi bí tích Thánh Thể có nghĩa là sự biến đổi thực sự diễn ra nơi bánh và rượu và, đúng là, trong toàn bộ việc cử hành Thánh Thể. Sau khi cử hành Thánh Lễ thì bánh và rượu đó không còn là bánh rượu thường nữa. Bánh và rượu này là những biểu tượng của một thực tại nằm sâu trong chúng; đó là Chúa Giêsu Kitô hằng sống và đích thực đang hiện diện ở đó. Có lẽ phép loại suy tốt nhất sẽ là về chính con người của Đức Giêsu khi Người sống trong thế gian này. Hầu hết mọi người khi nhìn thấy Người thì chỉ thấy Người là một người phàm. Tuy nhiên, Người vượt xa hơn điều đó; Người chính là Lời của Thiên Chúa, là con người của tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Thân xác con người của Ngài là một biểu tượng, là bí tích của Con Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Ở sự hiện diện cách bí tích nơi Thánh Thể, người ta có thể nghĩ đến tất cả điều họ thấy là bánh và rượu; tuy nhiên, bánh và rượu và những biểu tượng của lương thực từ trời mà Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta tại bàn tiệc nơi Người vừa là chủ nhà vừa là của nuôi dưỡng. Như khi Người còn ở thế gian, Đức Giêsu tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta bằng lời, thịt và tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Người không phải là tĩnh lặng hay chỉ ở một nơi nào đó, nhưng là trong mối tương quan (hiện diện) liên tục và yêu thương.

Những hình thức hiện diện khác nhau được Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh làm cho chúng ta nhận ra rằng tất cả đều quan trọng và chúng ta không thể bỏ qua bất kỳ hình thức nào cả. Không có sự cạnh tranh nào giữa chúng, mà là những cách khác nhau, trong đó Chúa Kitô và thân thể Người trên thế gian này trở nên một. Mỗi hình thức khác nhau, nhưng nhằm kéo các môn đệ vào sự hiệp thông sống động của Giáo hội và đòi hỏi chúng ta phải đáp trả. Cách mà chúng được liên kết với nhau thì được thấy rõ trong Thánh Lễ. Ngay từ đầu, điều quan trọng nhất là sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn, một sự hiện diện đòi chúng ta phải đón nhận nhau như là anh chị em. Trở thành một tín hữu không phải là vấn đề tôn giáo cá nhân mà là trở thành chi thể của Chúa Kitô. Rồi chúng ta được mời gọi để đáp lại sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Thánh Kinh được công bố trong Thánh Lễ bằng cách lắng nghe sốt sắng.

Bước vào phần Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta được mời gọi để đáp lại sự hiện diện của Chúa Kitô với sự tham dự tích cực, ý thức và trọn vẹn. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần hai ơn lành, đó là: biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô và cũng biến đổi những người trong chúng ta, những người sẽ chia sẻ những hồng ân này, trở nên thân thể thật của Chúa Kitô. Đây là mục đích tối thượng của Thánh Lễ, không phải là làm cho Chúa Kitô hiện diện trên bàn thánh, nhưng là làm cho Người hiện diện trong chúng ta. Điều này được Thánh Augustinô nói rất rõ trong bài giảng thứ 272: “Vị tư tế nói, ‘Mình thánh Chúa Kitô’ và anh chị em thưa, ‘Amen!’ Đó là mầu nhiệm riêng của anh chị em, mầu nhiệm mà anh chị em đặt trên bàn thánh; anh chị em thưa ‘Amen’ với những gì anh chị em đang là. Do đó, anh chị em hãy trở nên thân mình Chúa Kitô để lời thưa ‘Amen’ của anh chị em trở thành sự thật.”

Điều quan trọng là hiểu rõ tính biểu tượng của bữa ăn được thể hiện trong bánh và rượu. Không phải là dạng bữa ăn nhanh, nhưng là một bữa ăn mà chúng ta quy tụ với những người bạn, giống như Đức Giêsu đã làm với những người bạn thân thiết nhất của Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Những bữa ăn kiểu này mang đậm tính quan tâm, chia sẻ, tha thứ (nếu cần thiết) và niềm vui được ở bên nhau. Điều quan trọng nhất không phải là đồ ăn, mà là mọi người cùng ăn trong an bình và hòa thuận. Chúng ta không thể trân trọng bí tích Thánh Thể nếu chúng ta không trân trọng những bữa ăn vừa được chia sẻ, để rồi chúng ta nhận lại ra sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ và túng thiếu và để công bố Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả những ai cần.

Bánh Thánh còn lại sau Thánh Lễ về bản chất vẫn còn liên quan đến Thánh Thể mà chúng ta đã cử hành. Bánh Thánh có được từ việc cử hành Thánh Lễ và đưa mọi người trở lại với Thánh Lễ. Như với những hình thức khác của sự hiện diện, điều này cũng đòi hỏi sự đáp lại từ phía chúng ta. Sự đáp lại ấy sẽ diễn ra trong chính Thánh Lễ. Nơi đó, bí tích Thánh Thể đưa đến việc tôn thờ và ngợi khen Thiên Chúa vì sự vĩ đại của Người và tất cả những gì Người ban cho chúng ta trong Chúa Kitô; chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người ban cho chúng ta; chúng ta cũng xin lỗi Người vì những tội lỗi chúng ta gây ra và xin Người ban cho Giáo hội và thế giới những ơn lành cần thiết.

Bốn hành động đáp lại sự hiện diện đó giúp cho lời cầu nguyện của mỗi cá nhân có thể củng cố ân sủng mà Bí tích Thánh Thể mang đến khi nó được cử hành, và điều đó làm sâu sắc thêm sự đánh giá cao về những cách thức khác nhau mà Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải chính mình cho dân của Người.

Bốn bước đó cũng được áp dụng tương tự đối với sự hiện diện của Chúa nơi bí tích Thánh Thể khi cầu nguyện riêng tư trước Thánh Thể để giúp đào sâu sự hiểu biết về những cách thức khác nhau mà Chúa Giêsu tiếp tục tỏ mình ra cho dân Người.

Cha Paul Bernier, SSS

Richfield, Ohio, Mỹ


 

Sách Tham Khảo:

Bermejo, Luis. Body Broken and Blood Shed (Chicago: Loyola University Press), 1987.

Irwin, Kevin. Models of the Eucharist (New York: Paulist Press), 2005. 

Keretszty, Roch. Rediscovering the Eucharist (New York: Paulist Press), 2003.

_____________. Wedding Feast of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications), 2004.

Moloney, Raymond. The Eucharist (Collegeville: Michael Glazier, Liturgical Press), 1995.

O’Loughlin, Frank. Christ Present in the Eucharist (NSW, Australia: St Paul Publications), 2000.

Schillebeeckx, Edward. The Eucharist (London: Burns & Oates), 2005.

Tạp Chí:

Appleyard, J.A., “How Does a Sacrament ‘Cause by Signifying’?” Science et Esprit, Montreal, 2011.

Kurek, Dominica Alicia. “Some Recent Interpretations of Transubstantiation”, Quodlibet Liturgica 84, 2003, pp. 128-136.

McCue, James, “The Doctrine of Transubstantiation from Berengar through Trent”, Harvard Theological Review 61 (1968), pp. 385-430.

Macy, Gary, “The Paschasian Approach to the Eucharist”, Theologies of the Eucharist in the Early Scholastic Period. Oxford University Press, 1974, pp. 44-175.

Macy, Gary, “Berengar’s Legacy as Heresiarch”, Treasures from the Storeroom. New York: Barnes and Noble, 1999, pp. 59-119.

Osborne, Kenan, “Eucharistic Theology Today”, Worship 61 (1987), pp. 98-126.

Stebbins, J. Michael. “The Eucharistic Presence of Christ: Mystery and Meaning”, Worship 64 (1990), pp. 225-236.

Volleert, Cyril, “The Eucharist: Controversy in Transubstantiation”, Theological Studies 22 (1961), pp. 391-425.

Witczak, Michael, “The Manifold Presence of Christ in the Eucharist”, Theological Studies 59 (1998), pp. 680-702.


 

[1] Trích đoạn từ tác giả Gary Macy, Treasures from the Storeroom, (Collegeville: Liturgical Press, 1999), tr. 21.

[2] “Vì con trai yêu dấu của chúng tôi, Tổng đại diện của Tổng giám mục Milan với thỉnh nguyện của cư dân của thành phố này, để xoa dịu cơn giận của Thiên Chúa do những tội xúc phạm của các Kitô hữu và để vô hiệu hóa những nỗ lực cũng như âm mưu của người Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn hủy diệt Kitô giáo, giữa những việc làm đạo đức khác, đã thiết lập những lời nguyện và cầu xin để tất cả các tín hữu của Chúa Kitô dâng lên cho Ngài cả ngày lẫn đêm, trước mình cực thánh của Chúa chúng ta, trong tất cả các giáo xứ của thành phố này, theo cách mà những lời cầu nguyện xoay vòng và khẩn cầu này được thực hiện bởi chính các tín hữu thay phiên nhau trong 40 giờ liên tục trong các giáo xứ, thứ tự sẽ được cha Tổng đại diện sắp xếp….chúng tôi, trong Chúa của chúng ta, chấp thuận lời thỉnh nguyện đạo đức ấy và xác nhận điều tương tự với thẩm quyền của chúng tôi, ban cho và trao quyền” v.v (Sala, “Documenti”, IV, 9).

[3] Công đồng Trentô, phiên họp thứ XIII, chương 1. Công đồng cũng khẳng định: “Nhưng vì Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta, tuyên bố rằng thực sự thân thể Ngài được hiến dâng dưới hình bánh và rượu nên Hội Thánh của Thiên Chúa luôn có niềm tin vững mạnh và thánh Công đồng giờ đây tuyên bố lại điều này rằng qua việc truyền phép bánh và rượu, làm cho toàn thể bản thể của bánh biến thành bản thể mình và máu Đức Kitô, Chúa chúng ta, và toàn thể bản thể của rượu thành máu Ngài. Sự biến đổi này được Hội thánh Công Giáo gọi một cách chính xác và thích hợp là biến đổi bản thể” (Phiên họp thứ XIII, chương 4).

[4] SGLHTCG, Bí Tích Thánh Thể số 1333.

[5] Second Vatican Council, Sacrosanctum concilium 7.

[6] Michael J. Witczak, “The Manifold Presence of Christ in the Liturgy”, Theological Studies 59 (1998), tr. 701.

[7]Raymond Moloney, The Eucharist, Problems in Theology (Collegeville: Liturgical Press, 1995), tr. 234-235.

[8]Edward Schillebeeckx, The Eucharist (London: Burns & Oates, 2005), tr. 150-151.

[9]https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_03091965_concilium.html.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.