Bài 5 - Các Dấu Hiệu Truyền Thông Trong Cử Hành Thánh Thể

CÁC DẤU HIỆU TRUYỀN THÔNG TRONG CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Trình bày tổng quát

Việc Cử hành Thánh Thể có tất cả các quy tắc truyền thông nhằm hỗ trợ cho cuộc gặp gỡ tâm linh. Những quy tắc truyền thông cho phép mọi người hiểu nhau. Ví dụ: ánh sáng; màu sắc; từ ngữ; sự thinh lặng; những hình ảnh; lễ phục; việc sắp đặt; v..v.

Mục đích của ghi chú này nhằm làm nổi bật các dấu hiệu, biểu tượng và những quy tắc truyền thông mà chúng cho phép chúng ta đi vào trong mối tương quan giữa Chúa với chúng ta và chúng ta với Chúa.

Chúng ta hiểu về truyền thông như là việc chia sẻ những sự tốt lành, theo nguồn gốc của từ này. Trong ghi chú này, chúng tôi đề cập đến việc thông truyền những điều tốt lành riêng của đức tin Ki-tô giáo, [tức là] việc thông truyền đức tin được diễn tả ngang qua các dấu chỉ, biểu tượng và quy tắc của việc cử hành Thánh Thể.

Truyền thông phụng vụ diễn ra khi nào?

Nơi những Ki-tô hữu là những người tin, khi họ tiếp xúc với các dấu chỉ và biểu tượng phụng vụ, bề mặt của những hành vi truyền thông này gây căng thẳng. Truyền thông phụng vụ tạo ra nơi Ki-tô hữu một phản ứng, một âm vang, một sự căng thẳng nào đó giữa những đề nghị và đáp trả. Căng thẳng là “trạng thái của một cơ thể chịu tác động của các lực đối lập thu hút nó”.

Giáo lý về việc Cử hành Thánh Thể trình bày cho chúng ta thấy cách Đức Chúa tỏ mình ra để nó đạt được hiệu quả tốt. Đó là sự phản hồi giữa giáo lý viên và học viên giáo lý. Phương pháp sư phạm để thông truyền rất đa dạng. Trong ghi chú này, chúng tôi đề nghị thăm dò, đặt câu hỏi. Dấu chỉ và biểu tượng, vẻ đẹp và sự thật, cho phép sự ngưỡng mộ, đặt ra những câu hỏi mở và câu trả lời.

1. Những câu hỏi thăm dò

Họ đang tìm kiếm gì, họ muốn gì?

Ông Gio-an lại ở đó với hai môn đệ của mình, nhìn Chúa Giê-su đi ngang qua, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa. Khi Hai môn đệ nghe ông nói như vậy, thì đi theo Chúa Giê-su; Người quay lại, thấy họ đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì?” Họ nói với Người: “Rabbi”, nghĩa là: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Người nói với họ “Hãy đến mà xem”. Họ đến xem nơi Người ở, và ở lại với Người ngày hôm đó.” (Ga 1,35-39).

Chính câu hỏi của Chúa Giê-su đã đánh thức và thừa nhận nỗi khát khao của con tim nhân loại. Lời giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa” đã gây ấn tượng cho hai môn đệ.

Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giê-su đã dạy giáo lý để đưa ra câu trả lời cho bất cứ ai tìm kiếm Người. Người mời họ đến gặp gỡ Người. Thật ngạc nhiên là cách dạy giáo lý kiểu giao tiếp/truyền thông đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Người là Đấng ban sự sống trong bí tích Thánh Thể. Câu hỏi then chốt được đặt ra là: chúng ta tìm kiếm điều gì hoặc tìm kiếm ai trong việc cử hành Thánh Thể, trong Nhà thờ, trong Đền thánh?

Việc dạy giáo lý về các dấu chỉ và biểu tượng Thánh Thể cũng vậy, nó nhằm tạo ra mối tương quan giữa Chúa Giê-su và chúng ta. Giống như những dấu chỉ và biểu tượng, câu hỏi cũng gợi lên sự tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, tức là điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, để biết điều gì là quan trọng, nhằm đánh động nội tâm của con người.

  • Câu hỏi: Chúng ta tìm kiếm điều gì nơi Chúa Giê-su trong việc Cử hành Thánh Thể?

Phải chăng những câu hỏi này cần có những câu trả lời?

Đối với câu hỏi của dân Ít-ra-en, “Cái gì vậy?” thì câu trả lời là Man-na. Khi dân Ít-ra-en thấy vậy, họ hỏi nhau, “Đây là cái gì vậy?” Vì họ không biết nó là gì. Mô-sê đã giải thích cho họ: “Đây là bánh mà Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm lương thực” (Xh 16, 15). Man-na là lương thực Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en trong thời gian lưu lạc nơi hoang địa.

Dân chúng hỏi đây là cái gì. Câu trả lời: “Đó là bánh mà Đức Chúa đã ban cho họ”. Trong tiếng Hípri, “đây là gì?” được nói là “manna”; đó là cách giải thích tên gọi của nó; tên gọi nhấn mạnh đến đặc tính huyền nhiệm của nó và chuẩn bị cho việc mạc khải Bánh Đích Thực từ Trời[1].

Giáo hội luôn cố gắng trả lời những câu hỏi của con người, như Công đồng Vaticanô II đã trình bày. Từ câu hỏi cơ bản chúng ta là ai? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? và những câu hỏi khác nữa, phải chăng cũng được [Giáo hội] đánh giá cao và cố gắng trả lời những câu hỏi lớn của con người.[2]

Những câu hỏi tuy đơn giản nhưng có thể rất sâu sắc khi chúng giàu nội dung và nhiều quan điểm mở. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Bây giờ chúng ta hãy cố gắng tự hỏi mình một số câu hỏi đơn giản. Chẳng hạn, tại sao chúng ta làm dấu thánh giá và ý nghĩa của hành động sám hối vào đầu Thánh Lễ? Và ở đây tôi muốn hỏi ngoài lề một chút: Bạn đã thấy trẻ em làm dấu Thánh Giá như thế nào chưa? Và tại sao lại có những bài đọc này trong Thánh Lễ? Tại sao có ba bài đọc [cộng với thánh vịnh] được đọc vào Chúa Nhật và hai bài đọc vào các ngày khác? Tại sao chúng có mặt ở đó, và các bài đọc trong Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao chúng được đọc và Thánh Lễ có liên quan gì với chúng? Hay tại sao vào một lúc nào đó, vị linh mục chủ sự buổi cử hành lại nói: “Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên?”…[3]

  • Câu hỏi: Khi tham dự Thánh Lễ vừa qua, bạn đã có câu hỏi gì và đã nhận được câu trả lời như thế nào?

Tại sao có các câu hỏi đó?

Đặt câu hỏi là một phương pháp giảng dạy đặc biệt của Chúa Giê-su[4]. Những câu hỏi giúp trò chuyện, đối thoại; chúng có thể giáo dục và truyền giáo. Sách giáo lý có những câu hỏi để mở ra cho sự tham gia, phản biện và sáng tạo. Chúng dẫn đến sự phản ánh và phân tích.

Các câu hỏi trong bài giáo lý là nguồn của những thắc mắc phong phú để có thể hỏi và khám phá những thông tin; chúng có thể là những chiến lược để hướng dẫn suy nghĩ của những người dự tòng; hoặc khiến họ chú ý đến nội dung nào đó; những câu hỏi đó mời gọi họ tìm hiểu những điều khác nữa hoặc khám phá kinh nghiệm của chúng ta. Trên hết, những câu hỏi có thể dẫn chúng ta đến sự gắn bó với Chúa.

Làm thế nào để khơi lên những câu hỏi? Chúng xuất hiện trong một cuộc đối thoại với nhau hoặc từ một sự kiện đang diễn ra, và từ sự tò mò khiến đặt ra những câu hỏi và cần có những câu trả lời.

“Hình thức đối thoại” của sách giáo lý thuộc về “thể loại giáo lý cổ xưa dựa trên những câu hỏi và câu trả lời” cho phép “khám phá những khía cạnh luôn mới của chân lý đức tin”. Hơn nữa, chúng giúp đạt đến “điều cốt yếu”, giúp ưu tiên “đồng hóa” và “ghi nhớ nội dung”[5].

Những câu hỏi được đặt ra luôn là để tìm cách thăm dò và để hiểu biết sâu hơn trong việc dạy giáo lý Thánh Thể, các câu hỏi có thể mở ra con đường tiếp xúc nhiều hơn với Thiên Chúa. Vì vậy, hỏi và trả lời là điều rất quan trọng.

  • Câu hỏi: Lạy Chúa, Chúa làm những dấu lạ nào để chúng con thấy và tin vào Chúa?

2. Dấu chỉ và Biểu tượng

Tại sao chúng ta sử dụng các dấu chỉ và biểu tượng?

Chúng ta luôn sử dụng các dấu chỉ và biểu tượng. Cũng vậy, trong đời sống Ki-tô hữu và đời sống Thánh Thể, đây là những phương thế nhạy cảm để đối thoại.

Việc cử hành bí tích “được đan xen với những dấu chỉ và biểu tượng”, và “phương pháp cứu độ của Thiên Chúa”[6] theo cách này đã được Công đồng Trentô diễn tả một cách hùng hồn. Thừa nhận rằng “bản chất con người là không dễ dàng suy ngẫm về những điều thiêng liêng nếu không có nguồn lực bên ngoài”, Giáo hội “sử dụng nến, hương, lễ phục và nhiều yếu tố khác do giáo huấn và truyền thống tông đồ truyền lại, nhờ đó sự uy nghi của một Hy lễ vĩ đại [Thánh Lễ] được nhấn mạnh; và tâm trí của các tín hữu được dẫn dắt từ những dấu chỉ hữu hình này của tôn giáo và lòng đạo đức, đến việc chiêm ngưỡng những điều cao cả ẩn chứa trong hy tế này” (Công đồng Trentô, khóa XXII, 1562, Doctrine of ss. Missae Sacrificio, c .5, DS 1746)[7].

Ví dụ, hai chữ cái Alpha và Omega (Α Ω) trong bảng chữ cái Hy Lạp hầu như đều có mặt trong tất cả các ngôi nhà thờ. Nó là một biểu tượng, trừu tượng thuần túy. Nó đến từ Khải Huyền 1,8; và Khải Huyền 22,13: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, Đầu tiên và Cuối cùng, Khởi đầu và Kết thúc”. Và điều đó có nghĩa là Đức Chúa là vĩnh cửu. Và các chữ cái Hy Lạp là những dấu chỉ của các con số; nó bắt đầu từ số nhỏ nhất đến số lớn nhất, nghĩa là một cách tượng trưng nó nói rằng Chúa là Đấng toàn năng.

Vào đêm Vọng Phục Sinh, ngọn nến cháy sáng được diễn tả bằng những lời này: “Ðức Ki-tô vẫn là một, Hôm qua cũng như hôm nay, là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là khởi nguyên và tận cùng. Người làm chủ thời gian, và muôn thế hệ, vạn tuế Ðức Ki-tô, Ðấng vinh hiển quyền năng, vạn vạn tuế. Amen”

  • Câu hỏi: Tại sao những dấu chỉ và biểu tượng Ki-tô giáo luôn dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa?

Phải chăng dấu chỉ được viết ra để có sự sống?

Tin mừng theo Thánh Gio-an cho chúng ta biết một số dấu chỉ. Những dấu chỉ được viết ra để làm gì?

Đức Giêu bảo Tôma : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người (Ga 20, 29-31).

Tin mừng theo Thánh Gio-an có ưu điểm là nó sử dụng rõ ràng nhất tính chất duy biểu tượng như một biểu hiện của một thực tại tâm linh và do đó mời gọi một cách giải thích ở mức độ lớn hơn so với cách giải thích trước đây.[8]

  • Câu hỏi: Tại sao các dấu chỉ trong Tin Mừng Gio-an lại mời gọi hướng đến sự siêu việt?

Các dấu chỉ bí tích đến từ đâu?[9]

Một số dấu chỉ bí tích đến từ thế giới được tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa, bánh, rượu, dầu); những dấu chỉ khác đến từ đời sống xã hội (rửa, xức dầu, bẻ bánh); những dấu chỉ khác nữa đến từ lịch sử cứu độ trong Cựu Ước (các nghi thức vượt qua, hy tế, đặt tay, thánh hiến). Những dấu chỉ này, một số mang tính quy chuẩn và bất biến, được Đức Ki-tô đảm nhận, trở thành những dấu chỉ mang tác động cứu độ và thánh hóa.

Sở dĩ Phụng vụ cần có các dấu chỉ riêng là do bắt nguồn từ bản chất con người, xét trong thực tế của con người cả về thể xác lẫn tinh thần; nó cũng bắt nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, nhờ đó có thể đến với Thiên Chúa vô hình qua nhân tính thực sự của Chúa Giê-su Ki-tô. Thật vậy, cũng như nhân tính của Đức Ki-tô là khí cụ tác động cứu độ của Ngôi Lời, thì các dấu chỉ phụng vụ cũng chứa đựng và thông truyền quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.[10]

  • Câu hỏi: Các dấu chỉ bí tích trong Việc Cử hành Thánh Thể là gì?

Đâu là ý nghĩa của ngôn ngữ phụng vụ?

Việc cử hành bí tích được đan kết với nhau bằng các dấu chỉ và biểu tượng. Theo khoa sư phạm cứu độ của Thiên Chúa, ý nghĩa của việc cử hành bí tích bắt nguồn từ công trình sáng tạo của Thiên Chúa kết hợp với văn hóa của con người, nó được khởi đi từ các biến cố của Cựu Ước và được mạc khải cách trọn vẹn nơi con người và sứ vụ của Đức Ki-tô.[11]

Để diễn tả điều không thể nói bằng lời, ngôn ngữ biểu tượng trong phụng vụ[12] (Liturgical symbolic language) được diễn tả một cách độc đáo. Nó có những quy tắc riêng. Các đặc điểm của biểu tượng trong phụng vụ là gì?

Biểu tượng phụng vụ luôn đi kèm với ngôn ngữ phụng vụ như là yếu tố cấu thành để bảo đảm ý nghĩa của nó[13]. Ngôn ngữ biểu tượng này liên kết biểu tượng bí tích với biến cố lịch sử cứu độ và làm nền tảng cho nó. Chẳng hạn, những lời Chúa Giê-su nói về bánh và rượu, được linh mục lặp lại trong cử hành Thánh Thể, có liên quan đến mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa trong Bữa Tiệc Ly. Dự phần bánh và rượu Thánh Thể không chỉ là một hành động huynh đệ, mà trên hết là tham dự vào Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô.

Biểu tượng phụng vụ phải được hiểu trong bối cảnh Kinh Thánh là nơi mà từ đó nó bắt nguồn và đem lại ý nghĩa cho nó. Các biểu tượng phụng vụ được lấy ra từ trong đời sống của con người, trong tự nhiên, nhưng ý nghĩa của chúng cao hơn. Ví dụ, nước, nói về sự tươi mát, sự sống, làm dịu cơn khát, làm cho sạch sẽ[14]. Giờ đây, trong lời nguyện làm phép Nước Rửa trong Đêm Vọng Phục Sinh, nó thuật lại ý nghĩa hành động cứu độ của Thiên Chúa.

Biểu tượng phụng vụ luôn là một biểu tượng năng động, nó hướng tới hành động. Phép Rửa không chỉ là nước, mà còn là dìm mình trong nước. Việc ăn và uống Thánh Thể là ngôn ngữ tượng trưng và hữu hiệu để Chúa Ki-tô thông ban cho chúng ta Mình và Máu Người, và cả đức tin, để nhờ nó mà chúng ta đón nhận Người. Biểu tượng phụng vụ mời gọi chúng ta đi vào bối cảnh của nghi thức phụng vụ.

  • Câu hỏi: Ý nghĩa của nước trong Cử hành Thánh Thể là gì?

Những quy tắc trong truyền thông là gì?

“Phụng vụ, tự nó là truyền thông” (Puebla n. 1086)[15] dẫn đến sự thông hiệp giữa Thiên Chúa với nhân loại. Bản thân ngôi đền thờ và một hành động phụng vụ nào đó luôn tạo ra một cuộc đối thoại. Có những ngôi đền thờ, do [được trang trí với những] hình ảnh tưởng tượng mang tính xã hội của chúng, chính những qui tắc xây dựng tự nói lên công năng của nó. Với các hành vi phụng vụ cũng vậy.

Nói đến qui luật là nói về một hệ thống các dấu chỉ và quy tắc tạo nên có thể xây dựng và hiểu được thông điệp của những con người tạo nên một cộng đồng. Luật đối đáp trong phụng vụ nhằm để hiểu và đáp lại. Có sự tương ứng giữa những dấu chỉ và hành động mang tính biểu tượng, giữa những cử chỉ và sự tham dự trong phụng vụ. Phụng vụ là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người.

Trong đền thờ, nghi thức phụng vụ với các hành động của nó cuốn hút người tín hữu và các giác quan của họ, với đồ vật, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, ngôn ngữ và các cử điệu. Những quy tắc phụng vụ truyền thông này mặc khải và tạo ra sự truyền thông mới.[16]

Làm thế nào để luật phụng vụ được thông tri [đến tín hữu]? Có thể nói, trong bầu khí cử hành phụng vụ, những lời dẫn giải, các bài đọc được công bố, việc ca hát; những khoảnh khắc thinh lặng giúp tham gia tích cực; bài giảng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc cử hành này[17].

  • Câu hỏi: Hình ảnh hoặc cụm từ nào trong Kinh Thánh ẩn chứa hành động rước lễ?

Không gian thánh thiêng là gì?

Mô-sê [chứng kiến bụi gai cháy] tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” (Xh 3, 3-5)

Không gian thánh thiêng được phân biệt với không gian bình thường vì chúng làm gián đoạn thói quen của cuộc sống hàng ngày. Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 1179 dạy chúng ta rằng “Việc thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 24) của Giao ước Mới không bị ràng buộc vào một nơi độc quyền. Cả trái đất là thánh thiện và đã được giao phó cho con cái loài người. Khi các tín hữu quy tụ tại một nơi, điều cơ bản là họ là “những viên đá sống động”, được tập hợp lại với nhau để “xây dựng một tòa nhà thiêng liêng” (1 Pr 2,4-5).

Thân Thể Chúa Ki-tô Phục Sinh là đền thờ thiêng liêng, từ nơi đó tuôn chảy nguồn nước hằng sống. Được tháp nhập vào Chúa Ki-tô nhờ Chúa Thánh Thần, “Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6,16).

  • Câu hỏi: Những dấu chỉ nào cho phép chúng ta cảm nhận được một không gian thánh thiêng?

Khi nào chúng ta chuyển từ phàm tục sang thánh thiêng?

Vượt qua một ngưỡng có nghĩa là vượt qua một thực tại mới, vì mọi sự đều có cách diễn tả khác về những thứ khác nhau. Chúa Giê-su phán: “Ta bảo thật các ngươi, ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10, 7). Như vậy, đền thờ nói với chúng ta về một cộng đoàn đã bước qua ngưỡng cửa, Cửa là Chúa Giê-su, và tiến về nhà Chúa. Khi chúng tôi bước vào một sân vận động bóng đá, mọi thứ đều thay đổi. Nhà thờ là một không gian khác và khi chúng ta bước vào thì mọi thứ thay đổi, khi chúng ta bước ra thì khác với thái độ lúc chúng ta bước vào.

Romano Guardíni viết: Chúng ta thường đi qua nó [cánh cửa] để vào trong nhà thờ, và nó luôn cho chúng ta biết điều gì đó. Chúng ta có nhận thức được nó không? ... Bạn hãy nhìn xem; khi bạn đi qua khung cửa, bạn tự nhủ trong lòng: “Bây giờ tôi để mọi thứ bên ngoài; Tôi đi vào bên trong.” Bên ngoài là thế giới đang chuyển động, thật tươi đẹp, và tràn đầy sức sống; nhưng cũng không kém phần xấu xí và thấp hèn ... Qua cánh cửa, chúng ta bước vào một khu vực tách biệt với thế giới, nó im lặng và linh thiêng: [đó là] ngôi đền thờ ... Cánh cửa nằm giữa bên ngoài và bên trong; giữa thế giới và nơi tôn nghiêm; giữa cái thuộc về thế gian và nhà của Thiên Chúa. Và khi chúng ta đi qua nó, dường như nó muốn nói rằng: “Hãy bỏ lại bên ngoài những gì không xứng đáng với nơi bạn đang bước vào: những tư tưởng, những ham muốn, những lo âu, sự hiếu kỳ và những điều phù phiếm. Bỏ đi những gì không thánh thiêng. Hãy thanh tẩy bản thân, vì bạn đang bước vào đền thờ.

Và chính ‘cánh cửa’ giới thiệu chúng ta vào không gian huyền nhiệm này. Nó nói, “Hãy vứt bỏ mọi sự nhỏ nhen; bỏ đi mọi hẹp hòi và bất an. Hãy thoát khỏi mọi áp lực. Mở lòng ra; mắt hướng lên cao; để tâm hồn được tự do. Đây là đền thờ của Chúa, và là hình ảnh của chính bạn. Vì thể xác và tâm hồn bạn là đền thờ sống động của Thiên Chúa. Hãy để cho tâm hồn bạn vươn ra xa, cho nó tự do bay bổng.”[18]

  • Câu hỏi: Để bạn bước vào Bàn tiệc Thánh Thể, việc Cử hành Thánh Thể đòi hỏi bạn điều gì?

Tại sao chúng ta phải sử dụng đền thờ để cử hành Thánh Thể?

Bởi vì dấu chỉ đền thờ tóm tắt và diễn tả một cách nào đó những khoảnh khắc và cách thức khác nhau về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Từ ngôi đền thờ vũ trụ ở Eden đến Đất Hứa (St 1,2; Tv 138), từ ngôi lều trong sa mạc đến đền thờ Giêrusalem (Xh 26; 1 V 8,10tt), từ nhân tính của Đức Ki-tô đến tòa nhà Giáo hội và từng thành viên của Giáo hội (Ga 2,19-21; 1 Cr 3,16-17).[19]

Vì “qua cái chết và sự phục sinh, Đức Ki-tô đã trở nên đền thờ đích thực và trọn vẹn của Giao ước Mới” (Ga 2, 21) và quy tụ dân riêng của Thiên Chúa lại với nhau.

Được hợp nhất bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dân thánh này là Giáo hội (xem Lumen Gentium [LG] 4), nghĩa là đền thờ của Thiên Chúa được xây lên bằng những viên đá sống động, nơi đó Chúa Cha được tôn thờ trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23).

Vì lý do đúng đắn này mà từ thời cổ đại, tòa nhà là nơi cộng đoàn Ki-tô hữu tụ họp để lắng nghe Lời Chúa, để dâng lời cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa, và nhất là để cử hành các mầu nhiệm thánh và cũng để lưu trữ Bí tích Thánh Thể; tòa nhà đó còn được gọi là “nhà thờ”.

Vì là một tòa nhà hữu hình, ngôi nhà này là dấu chỉ đặc biệt của Giáo hội đang lữ hành trên trần gian và là hình ảnh của Giáo hội đã đạt tới thiên đàng. Theo một phong tục rất cổ xưa của Giáo hội, thật thích hợp để cung hiến tòa nhà đó cho Chúa bằng một nghi thức long trọng, vì nó được xây dựng như một tòa nhà dành riêng và vững chắc để quy tụ Dân Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh.[20]

  • Câu hỏi: Tại sao Chúa Giê-su Ki-tô tìm cách kết hợp dân Chúa với tư cách là những viên đá sống động?

Việc tham dự Thánh Thể có được diễn tả bằng các dấu chỉ không?

“Để thúc đẩy sự tham gia tích cực, cần khuyến khích dân chúng tham dự có những lời tung hô, những câu đáp, Thánh Vịnh, đáp ca, những bài hát, cũng như những hành động hoặc cử chỉ và tư thế của cơ thể.... (và) [cũng cần có] một sự thinh lặng thiêng liêng” (Sacrosanctum Concilium [ SC] 30). Ngoài ra, có cả những hành động bên trong, vì nó rất quan trọng, chẳng hạn như các nghi thức và lời cầu nguyện, cũng như những hướng dẫn về Lời Chúa, nhằm chuẩn bị cho bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa; rồi có cả sự tạ ơn, và việc dâng mình cùng với Bánh Thánh để sống kết hiệp với “Chúa Ki-tô là Đấng Trung Gian trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và giữa chính các tín hữu với nhau”.[21]

Một số điều kiện cá nhân cần có để mỗi tín hữu sinh hoa trái qua việc tham dự cử hành Thánh Thể, đó là:

- Tinh thần hoán cải liên lỉ phải là nét đặc trưng cho đời sống của mỗi tín hữu; cần đặt câu hỏi về cuộc sống của chính mình để sống cho tốt.

- Hồi tâm và tinh lặng; ăn chay.

- Lãnh nhận Bí tích hòa giải. Một trái tim hòa giải với Thiên Chúa cho phép tham gia cử hành Thánh Thể thực sự.

- Đặc biệt, bạn có tham gia tích cực vào toàn bộ đời sống Giáo hội không? Bạn có dấn thân truyền giáo để đem tình yêu Chúa Ki-tô đến cho xã hội không?

- Nhưng thế nào là tham gia đầy đủ? Thưa, khi chúng ta đích thân đến gần bàn thờ để Rước Lễ[22], vì “Việc tham dự Thánh Lễ hoàn hảo nhất được đặc biệt khuyến khích, bao gồm việc các tín hữu rước Mình Thánh Chúa từ cùng một hy tế sau khi linh mục Rước Lễ”[23].

Sự tham dự này có thể được mô tả như thế nào? [Thưa, được mô tả qua] ba thái độ của người Ki-tô hữu: có lòng trí ngay thẳng, lời nói và hành động phải đi đôi với nhau và để ơn Chúa sinh ích trong đời sống mình. Nói tóm lại, đó là tham gia vào đời sống của Giáo Hội một cách có ý thức, hiệu quả và tích cực (xem SC 11; 48).

  • Câu hỏi: Bạn tham gia vào cộng đoàn phụng vụ như thế nào khi cử hành Thánh Thể?

3. Vẻ đẹp, giống như sự thật, dẫn đến điều kỳ diệu

Phải chăng là điều kỳ diệu có thể xảy ra trước Mầu nhiệm Vượt qua?

Vâng, với thái độ của trẻ thơ, điều kỳ diệu có thể xảy ra. Sự sợ hãi có thể được xác định, hoặc mô tả, nhưng chúng ta có thể hiểu được sự sợ hãi đó ngang qua gương sống. Dân Chúa đang đói và khi thấy manna trong sa mạc, họ đã tự hỏi: “Cái gì đây?” Mô-sê đáp: “Đây là bánh mà Đức Chúa ban cho các ngươi ăn” (Xh 16,15). Thật đáng ngưỡng mộ, đáng kinh ngạc.

Trong cuộc cử hành Lễ Vượt Qua của người Do Thái, người con út trong gia đình đặt những câu hỏi về những điều được thực hiện trong Lễ Vượt Qua. “Tại sao tất cả các đêm khác trong năm chúng ta ăn “chametz” (bánh mì) và “matzah” (bánh mì không men), nhưng vào đêm này chúng ta chỉ ăn “matzah” (bánh mì không men)?” “Tại sao các đêm khác chúng ta ăn các loại rau, còn đêm nay chỉ ăn rau đắng?” “Tại sao mỗi đêm không cần ngâm rau dù chỉ một lần, đêm nay lại ngâm hai lần!” “Tại sao cứ cách hai đêm chúng ta ăn ngồi thẳng hoặc nằm, trong khi tối nay tất cả chúng ta đều nằm ngả (trên gối)?”

Chúng ta hãy lưu ý rằng mỗi câu hỏi diễn tả sự ngưỡng mộ.

Chính các trẻ thơ đã có thái độ ‘thắc mắc’ đó khi đối diện với thực tế. Chính Chúa Giê-su đã chỉ ra thái độ của trẻ thơ (Mt 18,3), đó là: ngạc nhiên trước thế giới, và nhìn về phía siêu việt. “Khi tôi nói đến điều ngạc nhiên trước Mầu nhiệm Vượt Qua, […] đó là điều ngạc nhiên trước sự kiện là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải cho chúng ta trong Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su (x. Ep 1,3-14), mà hiệu quả của nó vẫn tiếp tục để đến với chúng ta trong việc cử hành “các mầu nhiệm”, tức là cử hành các bí tích.”[24]

  • Câu hỏi: Điều gì làm cho bạn ngạc nhiên trong việc cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, hoặc trong các cử hành khác?

Lời cầu nguyện có hướng về Chúa không?

Khi đi ngang qua một đền thờ hoặc khi bước vào đó, chúng ta sẽ thấy hình ảnh cây Thánh Giá với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Đó là một dấu chỉ cho thấy nơi chúng ta sẽ phải đến. Cũng vậy, mọi cử hành Thánh Thể, mọi kinh nguyện đều hướng về Chúa. Ngài là trung tâm quy tụ chúng ta lại với nhau. Vào thời cổ đại, các ngôi đền thờ được xây dựng về phía đông, hướng về phía đông từ nơi mặt trời mọc, để ám chỉ Chúa Giê-su, Đấng mọc lên như Ánh sáng Mới.

Trong nhà thờ cổ, theo thông lệ, sau bài giảng, giám mục hoặc linh mục khuyến khích các tín hữu bằng cách thốt lên: “Giờ đây hãy quay về với Chúa”. Điều đó, trước hết, có nghĩa là họ quay về hướng đông, hướng mặt trời mọc như một dấu chỉ của Chúa Ki-tô trở lại, Đấng mà chúng ta sẽ gặp gỡ trong việc cử hành Thánh Thể. Ở đâu, vì một lý do nào đó, điều này không thể thực hiện được, thì họ hướng ánh mắt về hình ảnh của Chúa Ki-tô trên đỉnh tháp hoặc trên Thánh Giá, để nội tâm hướng về Chúa. Bởi vì, cuối cùng, tất cả là hướng về sự kiện bên trong này: hoán cải, hướng tâm hồn chúng ta về Chúa Giê-su Ki-tô và, theo cách này, hướng về Thiên Chúa hằng sống, hướng về Ánh sáng đích thực.[25]

Chúng ta biết rằng trong cử hành Thánh Thể có nhiều điểm định hướng khác nhau. Khi kết thúc bài ca nhập lễ, linh mục đứng tại chỗ, làm dấu Thánh Giá cho chính mình và cho cả cộng đoàn; sau đó, qua lời chào, ngài bày tỏ sự hiện diện của Chúa cho cộng đồng đang tụ họp.[26]

Trong Kinh Tiền Tụng của Thánh Lễ, chúng ta cầu nguyện rằng: “Hãy nâng tâm hồn lên. Chúng con đang hướng về Chúa”. Cha chủ tế mời gọi mọi người nâng tâm hồn lên cùng Chúa trong lời cầu nguyện và tạ ơn, đồng thời kết hợp với lời nguyện nhân danh toàn thể cộng đoàn, ngài ngỏ lời với Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu được hiệp nhất với Chúa Ki-tô trong việc ngợi khen các kỳ công của Thiên Chúa và trong việc dâng hy lễ. Nhân vật chính mà các Ki-tô hữu chúng ta hướng tới, đó là Chúa Giê-su Ki-tô trong cử hành Thánh Thể.[27]

  • Câu hỏi: Từ Bí Tích Thánh Thể, làm sao chúng ta biết rằng Chúa Giê-su giống như mặt trời, như ngọn đèn soi bước chúng ta đi (Tv 119, 105)?

“Lạy Chúa, ai sẽ ngự trên núi thánh của Ngài?” (Tv 15,1)

Đền thờ là nơi gặp gỡ của Gia-cóp với Đức Chúa được mô tả trong Sáng thế 28,17 như sau: “Nơi này thật đáng sợ, chẳng khác gì nhà Đức Chúa và cổng thiên đàng!”.

Đền thờ là một nơi khác biệt, dành riêng, và đó là nơi con người và Thiên Chúa có thể gặp nhau.

Gio-an 2,20-22 cho chúng ta biết đền thờ tượng trưng cho Chúa Giê-su phục sinh. “Hãy phá đền thờ đó đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”, nên các môn đệ ghi nhớ lời Chúa Giê-su. Đó là nơi diễn ra cuộc sống mới của những người được tái sinh nhờ Phép Rửa, trở nên con cái Thiên Chúa và được tháp nhập vào Giáo hội.

Khi bước vào đền thờ, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giê-su, chúng ta được hòa nhập. Chúng ta là những người thông phần vào Mình và Máu Người, và còn hơn thế nữa khi chúng ta dự phần vào việc cử hành Thánh Thể và Rước Lễ. Vì vậy, trước khi Rước Lễ, chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha Hằng Hữu rằng: “Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa Thánh Thần hiệp nhất tất cả những ai chia sẻ Mình và Máu Chúa Ki-tô” (x. Kinh nguyện Thánh Thể II).

Đền thờ là nơi để cộng đoàn Ki-tô hữu gặp gỡ Chúa Ba Ngôi. Đó là một nơi linh thánh để nhận ra mình đã được sống lại trong Chúa Giê-su Ki-tô. Đó cũng là nơi chúng ta Rước Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể; là nơi cao vời và là núi thánh quy tụ mọi người chia sẻ Bánh Hằng Sống và Rượu Tình Huynh Đệ; là nơi cầu nguyện, chầu Thánh Thể và dự lễ; là nơi của tự do và thăng tiến con người.

Từ đền thờ, chúng ta đi ra để chia sẻ đức tin và cuộc sống – một cuộc sống được mô phỏng theo khuôn mẫu Bí tích Thánh Thể, vốn là nguồn mạch và trung tâm của mọi hoạt động. Đền thờ là Nhà của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng quy tụ chúng ta, Đấng tự hiến và sai chúng ta đi chia sẻ và phân phát Bánh Tin Mừng.

  • Câu hỏi: Ai có thể ở trong Cộng đoàn Ki-tô giáo?

Bàn thờ có phải là Chúa Giê-su Ki-tô không?

Bàn thờ có ý nghĩa gì? Bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Ki-tô, hiện diện như của lễ hiến tế (bàn thờ-hy tế Thập giá)[28], và như lương thực từ trời được trao ban cho chúng ta (bàn thờ-bàn tiệc Thánh Thể). Đó là tảng đá hiến tế và bàn tiệc lương thực.

“Golgotha” là tảng đá hiến tế, nơi Chúa Giê-su chịu đóng đinh và chịu chết. Chính Ngài đã trích dẫn Kinh Thánh để nói rằng đó chính là đá góc tường[29]. Bàn thờ làm bằng đá; còn nếu nó được làm bằng chất liệu khác thì bàn thờ sẽ được đặt một viên đá nhỏ đã được thánh hiến, và một số thánh tích của các thánh. Điều này có nghĩa là bàn thờ là tảng đá nơi dâng của lễ.

Các Giáo phụ xưa của Giáo hội, khi suy niệm Lời Chúa, đã không ngần ngại khẳng định rằng Chúa Ki-tô là tư tế, là hy lễ [lễ vật] và là bàn thờ hy tế của chính Người. Bàn thờ Ki-tô giáo, tự bản chất, là bàn hiến tế đặc biệt và bàn tiệc vượt qua: bàn thờ đặc biệt nơi hy tế thập giá được duy trì một cách bí tích cho đến khi Chúa Ki-tô trở lại; bàn thờ nơi hy tế thập giá được duy trì một cách bí tích cho đến khi Chúa Ki-tô trở lại; bàn thờ hy tế thập giá được duy trì một cách bí tích cho đến khi Đức Ki-tô tái lâm[30].

Những hy sinh, những lời cầu nguyện, v.v. của chúng ta có giá trị khi chúng được kết hợp với Chúa Giê-su, Đấng đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha. Của lễ của chúng ta sinh hoa trái khi chúng ta dâng hiến từ Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Ki-tô, với Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su Ki-tô là Bàn Thờ.

  • Tv 43,4 nói: “Và tôi sẽ đến trước bàn thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa chính là niềm vui của đời tôi.
  • Câu hỏi: Làm thế nào để tôi nhận ra rằng Thiên Chúa tạo ra niềm vui trong cuộc sống?

Đức Chúa hiện diện nơi đâu?

“Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34), hiện diện trong Giáo hội của Người bằng nhiều cách (x. LG 48): trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Giáo hội Người, “bất cứ nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhân danh Thầy” (Mt 18,20), nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, tù đày (Mt 25,31-46), trong các bí tích mà Người là tác giả, trong hy tế Thánh Lễ và trong con người của thừa tác viên. Nhưng, “trên hết, (ngài hiện diện) dưới hình Thánh Thể” (SC 7)[31].

Những lời này nói lên phần nào sự hiện diện của Thiên Chúa trong phụng vụ, trong xã hội, trong các bí tích, trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy chỉ ra một số dấu chỉ hữu hình của những sự hiện diện này.[32]

Chúa Giê-su Ki-tô “hiện diện trong hy tế của Thánh Lễ, hoặc trong con người của thừa tác viên, “hiện nay nhờ thừa tác vụ của các linh mục, chính Đấng đã tự hiến mình trên thập giá”, hoặc trên hết là dưới hình Thánh Thể.

Ki-tô hữu được quy tụ với những người khác trong đền thờ. Chúa Ki-tô hiện diện khi Giáo hội cầu khẩn và hát Thánh Vịnh; chính Người đã hứa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Khi bắt đầu cử hành Thánh Thể, chủ tế chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, để chỉ sự hiện diện của Chúa Giê-su trong cộng đoàn đó.

Tòa Giảng (Giảng đài) là không gian của Bài đọc phụng vụ. Nó là một phần bổ sung của bàn thờ và Ngai tòa (ghế ngồi giám mục). Từ nơi đây Lễ Vượt Qua của Chúa được loan báo, rằng: Chúa Giê-su Ki-tô chịu khổ nạn, chịu chết và hiện đang sống giữa các Ki-tô hữu. Khi chúng ta nhìn thấy giảng đài, chúng ta có thể nghe thấy nó, nó có khả năng làm cho Lời vang dội, ngay cả khi không có ai công bố Lời Chúa[33].

Chúa Ki-tô hiện diện trong Lời của Người, vì khi Kinh Thánh được đọc trong Giáo hội, thì chính Chúa Ki-tô lên tiếng. Được lấy từ Kinh Thánh, các bài đọc Lời Chúa nhắc nhở các tín hữu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng nói với dân Người. Vốn là dấu chỉ và biểu tượng của các thực tại trên trời được diễn tả trong hành động phụng vụ, tự bản thân các cuốn sách Kinh Thánh[34] là xứng đáng, trang nhã và đẹp đẽ[35].

Chúa Ki-tô hiện diện “đặc biệt dưới hình Thánh Thể”. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, các tín hữu Ki-tô tiến đến Bữa tiệc Vượt qua; và theo lệnh Chúa truyền, họ lãnh nhận Mình và Máu Người như của ăn thiêng liêng[36]. Hành động ăn uống [đón nhận của ăn/sự sống thiêng liêng được trao ban] này được bắt đầu bằng lời Kinh Lạy Cha, cử chỉ cầu chúc bình an (theo nghi lễ và cách thức tùy chọn), và phần bánh nhỏ [cho vào chén rượu] do chính Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện.

Chúa Ki-tô hiện diện trong dấu chỉ thinh lặng được cảm nghiệm trong việc Cử hành Thánh Thể. Ở đó, thinh lặng luôn được ưu tiên, để nội tâm lắng nghe Chúa, Đấng đang sống và hiện diện trong Bí Tích[37]. Ngoài ra, có nhiều khoảnh khắc thinh lặng khác nhau với những ý nghĩa và chức năng riêng tùy theo vị trí của chúng trong Thánh Lễ, chẳng hạn như:[38]

  1. Trước khi cử hành, hãy giữ thinh lặng thật trang trọng trong Nhà thờ, trong phòng thánh, để tất cả mọi người, kể cả linh mục và các thừa tác viên, có thể chuẩn bị cho việc cử hành một cách sốt sắng và đầy tâm tình thờ phượng;
  2. [Thinh lặng] Trong hành vi sám hối và sau mỗi lời mời cầu nguyện, trong nội tâm mỗi người, tất cả đều hồi tâm;
  3. Với lời mời gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện”, linh mục mời gọi cộng đoàn hồi tâm với ngài trong giây phút thinh lặng, để ý thức mình đang ở trước tôn nhan Thiên Chúa và để tâm hồn mỗi người bày tỏ những ý nguyện riêng lên Thiên Chúa trước khi tham dự Thánh Lễ;
  4. Sau bài đọc và bài giảng, họ [thinh lặng] suy niệm ngắn gọn về những gì họ đã lắng nghe;
  5. Sau khi Rước Lễ, [trong thinh lặng] họ ngợi khen Thiên Chúa trong tâm hồn.

Thinh lặng là một phần của mọi nghi thức mà con người cử hành, nó tạo bầu khí trang trọng giúp thể hiện được tầm quan trọng của các hành vi được thánh hóa. Thinh lặng là ánh sáng cho phép soi sáng giá trị biểu tượng của từng hành động, lời nói, cử chỉ và âm thanh khi không có nó.[39]

  • Hỏi: Dấu chỉ nào của Thánh Lễ giúp bạn nhận ra sự hiện diện của Chúa?

Hình ảnh Chiên Thiên Chúa có ý nghĩa gì?

“Nói thật, trong Mười Điều Răn, Thiên Chúa đã cấm tạo hình ảnh của chính Ngài. Nhưng sở dĩ Thiên Chúa cấm như thế là do, sống trong bối cảnh ngoại giáo, người tín hữu có thể bị những cám dỗ thờ ngẫu tượng và trưng bày những ảnh tượng để thờ.

Tuy nhiên, vì Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong Đức Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập thể, nên việc mô phỏng khuôn mặt của Đức Ki-tô là hợp luật. Những hình ảnh thánh thiêng dạy chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong khuôn mặt của Chúa Ki-tô. Do đó, sau khi Con Thiên Chúa nhập thể, người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong hình ảnh của Chúa Ki-tô và cả trên khuôn mặt của các thánh, trên khuôn mặt của tất cả những người đã được sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa.”[40]

Trong các đền thờ và nhà thờ, chúng ta tìm thấy hình ảnh của các vị thánh. Ý nghĩa của “Sự sùng bái hình ảnh của Ki-tô giáo là một cái gì đó có liên quan đến một thực tại khác. Chúng ta không tôn kính chính hình ảnh, nhưng là tôn kính những gì mà hình ảnh đại diện.[41] Sự tôn kính đối với ảnh tượng ám chỉ tới việc tôn kính những con người mà ảnh tượng đại diện cho.” Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hình ảnh Chiên Con của Thiên Chúa.

Theo lời giảng của mình, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Chiên Thiên Chúa: “Chúa Ki-tô đã chịu sát tế, là Lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5, 7). Biểu tượng trung tâm của lịch sử cứu độ - con chiên Vượt Qua - được đồng hóa ở đây với Chúa Giê-su, được gọi chính xác là “Lễ Vượt Qua của chúng ta”.

Lễ Vượt Qua của người Do Thái, lễ tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi chế độ nô lệ Ai-Cập, theo luật Mô-sê, đã quy định nghi thức hiến tế con chiên, mỗi gia đình một con chiên. Trong cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giê-su tỏ mình là Chiên Thiên Chúa “bị hiến tế” trên thập giá để xóa tội trần gian; Ngài đã bị giết đúng vào giờ, theo tục lệ, hiến tế các con chiên trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Chính Chúa Ki-tô đã tiên liệu ý nghĩa của hy tế này trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã đặt mình vào vị trí - dưới hình thức bánh và rượu - là các yếu tố nghi lễ của bữa tiệc Lễ Vượt Qua. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giê-su đã thực sự kiện toàn truyền thống Lễ Vượt Qua cổ xưa và biến nó thành Lễ Vượt Qua của Người.[42]

Hình ảnh tượng trưng của Chiên Thiên Chúa có thể được nhìn thấy trong nhiều đền thờ, gần nhà tạm hoặc bên cạnh nhà tạm, nơi lưu giữ Mình thánh. Khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh đó, nó nhắc cho chúng ta về các chức năng khác nhau của nó, chẳng hạn, qua một số ví dụ sau:

-  Trong cử hành Thánh Thể, khi bẻ bánh đã được truyền phép, trong kinh nguyện được lặp đi lặp lại và xin bình an: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”.

- Trong phần trình bày của Gio-an Tẩy Giả (Ga 1,29) và được nhắc lại trong phần Cử Hành Thánh Thể, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Con”.

- Hãy nhớ khi Hội thánh cầu nguyện, thờ phượng Chúa, có các thiên thần, các sinh vật, các kỳ mục và Dân mới của Chúa tuyên xưng: “Chiên Con đã chịu sát tế đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan và sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc” (Kh 5,11-12).

- Máu Giao Ước với Thiên Chúa. “... Chén Máu Thầy, Máu của Giao ước Mới và Vĩnh Cửu…”, được báo trước tại tiệc cưới Cana (Ga 2,11). Với “dấu chỉ” này, Chúa Giê-su tỏ mình ra như chàng rể thiên sai đến để cùng với dân Người, đóng ấn Giao ước Mới và vĩnh cửu (Is 62,5). Và rượu là một biểu tượng của niềm vui yêu thương này; nhưng nó đề cập đến máu mà Chúa Giê-su sẽ đổ ra vào lúc cuối cùng, để đóng ấn hôn ước của Ngài với nhân loại.[43]

  • Hỏi: Những hình ảnh giúp tôi gặp Chúa như thế nào?

4. Tạo tiếng vang

Tiếng nói chính là sự truyền thông/giao tiếp bằng lời mạnh mẽ tạo ra âm thanh và tiếng vang. Dạy Giáo Lý là lớn tiếng giảng dạy về cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giê-su. Ở đây, chúng ta cần bỏ ngỏ chủ đề này về các dấu hiệu truyền thông trong Cử hành Thánh Thể, bởi vì còn nhiều điều nữa có thể được chỉ ra. Như Tin Mừng Gio-an nói, Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều dấu lạ khác và những dấu lạ này đã được viết ra để chúng ta có thể tin vào Chúa Giê-su và có sự sống nhân Danh Ngài.

Giới hạn của bài biết chỉ cho phép chúng tôi nêu ra một số dấu chỉ, biểu tượng và quy tắc. Những điều được chỉ ra ở đây sẽ giúp chúng ta khám phá thêm nhiều điều nữa. Điều cốt yếu là chúng giúp chúng ta lớn lên trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Chúng ta hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su phục sinh với ông Tô-ma. Sự kiện rao giảng Tin Mừng đó cho chúng ta biết rằng đức tin Ki-tô giáo và Thánh Thể đi vào qua đôi tai, qua những gì chúng ta thấy và cảm nhận.

Các dấu chỉ, biểu tượng và quy tắc rất nhạy cảm. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta các giác quan và khả năng sử dụng các yếu tố này để đến với Ngài.

Cha Andrés L. Taborda, SSS

Cenáculo de Buenos Aires, Argentina,

ngày 2/8/2022

Bản văn gốc bằng tiếng Tây Ban Nha


 

Tham khảo:

  • Aguilar Infante Jenny Elisabeth, La función comunicativa del silencio dentro del ritual católico. Pontificia Universidad Javeriana, Bogotá, 2012.
  • Benedict XVI, post synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis, 2 February 2007.
  • Benedict XVI, General Audience, dates are indicated at the bottom of the page.
  • Bravo Arturo, El estilo pedagógico de Jesús: las preguntas, REXE. Revista de Estudios y Experiencias en Educación, núm. 12, 2007, pp. 123-128. Universidad Católica de la Santísima Concepción. Concepción, Chile.
  • Catechism of the Catholic Church (CCC), Compendium, Librería Editrice Vaticana, 2005.
  • Congregation for Divine Worship, Directory on Popular Piety and the Liturgy, Principles and Orientations, Madrid: BAC, 2002.
  • Second Vatican Council, Dogmatic Constitution Dei Verbum on Divine Revelation, 18 November 1965.
  • Second Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, on the Church in the modern world, 7 December 1965.
  • Second Vatican Council, Constitution Sacrosanctum Concilium, on the Sacred Liturgy, 4 December 1963.
  • Second Vatican Council, Dogmatic Constitution on the Church, Lumen Gentium, 21 November 1964.
  • Celam: II Conferencia General del Episcopado Latinoamericano y del Caribe (1979), Bogotá, 2004.
  • Conferencia Episcopal Argentina, Misal Romano, Instrucción General del Misal Romano, Oficina del Libro, 2009.
  • Conferencias Episcopales de Argentina, Chile, Paraguay, Uruguay, Leccionario I, Notas Preliminares, Principios Generales para la Celebración Litúrgica de la Palabra de Dios, 1999.
  • Conferenza Episcopale Italiana, Benedizione degli Oli e Dedicazione della Chiesa e dell'Altare. Editrice Vaticana, 1980.
  • Conferenza Episcopale Italiana, La progettazione di nuove Chiese, nota pastorale della Commissione Episcopale per la Liturgia, 1993.
  • Conferenza Episcopale Italiana, Comunicazione e missione. Direttorio sulla comunicazione sociali nella missione della Chiesa, Libreria Editrice Vaticana, 2004.
  • Conferência Nacional dos Bispos do Brasil - CNBB -99- Diretório de Comunicação da Igreja no Brasil, Paulinas, 2014.
  • Dizionario Liturgia, San Paolo, Torino, 2001.
  • Duigou Daniel, The Signs of Jesus in the Gospel of John, Desclée de Brouwer, Bilbao, 2009.
  • Francis, Homily, Vatican Basilica, Tuesday, 1 January 2019.
  • Francis, Apostolic Letter Desiderio Desideravi to the Bishops, Priests and Deacons, to Consecrated men and women and to the Lay faithful on the Liturgical Formation of the People of God, 29 June 2022.
  • Guardini Romano, Los Signos Sagrados, Editorial Litúrgica Española, S. A. Barcelona (España), 1965.
  • Lameri Angelo, Segni e simboli riti e misteri, Dimensione comunicativa della liturgia, Paoline, Milano, 2012.
  • Sacra Congregatio pro Sacramentis et Cultu Divino, Ordo dedicationis ecclesiae at altaris (1977) [Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Ritual of the Dedication of Churches and Altars, 1977].

[1] X. Xavier Leon-Dufour, Vocabulary of Biblical Theology (Accessed: ngày 12 tháng 10 năm 2002, https://hjg.com.ar/vocbib/art/mana.html).

[2] X. Vatican II, Gaudium et Spes 10.

[3] ĐGH Phanxicô, General Audience, ngày 8 tháng 11 năm 2017.

[4] Arturo Bravo, El estilo pedagógico de Jesús: las preguntas, REXE. Revista de Estudios y Experiencias en Educación, Universidad Católica de la Santísima Concepción, Chile, Số tháng 12 năm 2007, tr.128.

[5] SGLHTCG, Bản Toát Yếu, Dẫn Nhập, 2005.

[6] SGLHTCG, số 1145.

[7] X. https://www.vatican.va/news_services/liturgy/details/ns_lit_doc_20120404_come-celebrare_sp.html. Office for Liturgical Celebrations of the Supreme Pontiff, How to Celebrate / 1: Signs and Symbols, Words and Actions (CCC 1145-1155), truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2022.

[8] Daniel Duigou, The Signs of Jesus in the Gospel of John, Bilbao: Desclée de Brouwer, 2009, tr.15.

[9] SGLHTCG, Bản Toát Yếu số 237.

[10] Cardenal Jorge Medina Estévez, “Participation in the Holy Liturgy,” in Humanitas 34, Fall 2004, Year IX, Revista de la Pontificia Universidad Católica de Chile, truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2019.

[11] SGLHTCG, số 1145.

[12] Angelo Lameri, Signs and symbols rites and mysteries, Milan: Paoline, 2012, từ tr.64.

[13] Vatican II, Dei Verbum 2, ngày 18 tháng 11 năm 1965.

[14] ĐGH Phanxicô, Desiderio Desideravi (DD) 13.

[15] CELAM, III General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops (Puebla 1979), Bogotá, 2004, 1086.

[16] X. Italian Bishops’ Conference, Communication and Mission. Directory on social communication in the mission of the Church, LEV, 2004, 60.

[17] CNBB-99-Directory of Communication of the Church in Brazil, 81.

[18] Romano Guardini, The Sacred Signs, tr. 49-59.

[19] Italian Bishops’ Conference, Blessing of the Oils and Dedication of the Church and Altar, LEV, 1980, Forward, tr.12.

[20] X. Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Ritual of the Dedication of Churches and Altars, 1977, chap. II, 1-2. (In Argentina, the Episcopal Conference published a Pontifical Roman I, Buenos Aires, 8 February 1978. In this volume, parts of the text of the above-mentioned Ritual are found.

[21] Benedict XVI, Sacramentum Caritatis (SacCar), ngày 22 tháng 2 năm 2007, 52.

[22] SacCar 55.

[23] Vatican II, Sacrosanctum Concilium (SC), 55.

[24] DD 25.

[25] ĐGH Phanxicô, Easter Vigil Homily, ngày 22 tháng 3 năm 2008.

[26] Hướng Dẫn Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) 50.

[27] X. Lameri, Signs and Symbols, tr 78 và 81.

[28] SGLHTCG, Bản Toát Yếu 288.

[29] X. Is 28,16; Mc 12,10; Hr 7,26-27.

[30] X. CEA, Ritual of the Dedication of Churches and Altars, Nature and Dignity of Churches.

[31] SGLHTCG số 1373

[32] SC 7: Presence of Christ in the Liturgy

[33] IEC,Designing New Churches 9.

[34] Điều thú vị mà Công đồng Vaticanô II mở rộng “cánh cửa” cho sự sáng tạo của con người là: “Giáo Hội hằng đặc biệt lo lắng sao cho vật dụng thánh góp phần trang trọng vào việc phụng tự một cách xứng đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất liệu, về hình thức, cũng như về trang trí do tiến triển kỹ thuật trải qua các thời đại đem đến,” SC122. Hình thức của Sách Bài Đọc hoặc Sách Lễ Rôma trong tương lai sẽ như thế nào?

[35] X. Ordination of the Readings of the Mass, Prenotandos 35.

[36] GIRM 80-89.

[37] ĐGH Bênêdictô XVI, Homily, ngày 7 tháng 6 2012.

[38] X. GIRM 45 và 54. ĐGH Phanxicô, General Audience, ngày 10 tháng 1 năm 2018.

[39] Jenny Elisabeth Aguilar Infante, La función comunicativa del silencio dentro del ritual católico, Bogotá: PUJ, 2012, tr. 13.

[40] ĐGH Bênêdictô XVI, General Audience, ngày 29 tháng 4 năm 2009; và ngày 16 tháng 1 năm 2013. X. SGLHTCG 2129-2132.

[41] Congregation for Divine Worship, Directory on Popular Piety and the Liturgy, Principles and Orientations, Madrid: BAC, 2002, 241.

[42] ĐGH Bênêdictô XVI, Homily, Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 12 tháng 4 năm 2009.

[43] ĐGH Bênêdictô XVI, Angelus, Chúa Nhật ngày 20 tháng 1 năm 2013.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.