Bài 4 - Thánh Thể Và Việc Thờ Phượng

THÁNH THỂ VÀ VIỆC THỜ PHƯỢNG:

Sự Dấn Thân và Phục Vụ Theo Gương Thánh Phêrô Giulianô Eymard

 

Giới thiệu

Vào đêm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và tuyên bố rằng đây là Mình Người và sau bữa ăn, Người cầm chén rượu và tuyên bố đó là Máu Người đổ ra để tha tội. “Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy”. Tất cả các Kitô hữu đều nhận ra những lời này tuyên bố rằng Người tự hiến dâng chính mình là để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và cho họ được phục sinh vào ngày sau hết khi Chúa Giêsu ngự đến trong vinh quang.

Người Công giáo tin rằng Thánh Thể là một bí tích, là một phụng vụ thánh. Đó cũng là một hy lễ, không phải là một hy lễ mới, nhưng là một hy lễ bí tích. Việc cử hành phụng vụ này là sự tôn thờ (thờ phượng). Đó là của lễ giống như của lễ Chúa Giêsu dâng trên đồi Golgotha bởi Con Thiên Chúa, Tôi Tớ Chúa, Chiên Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại trong vinh quang cả hồn lẫn xác.

Thờ phượng là việc ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và dâng lời cảm tạ vì vinh quang của Chúa Cha toàn năng, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là lời cầu nguyện, việc tôn thờ, và việc phục vụ. Đó là sự “hiệp thông” với Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và vũ trụ, cùng tất cả những gì đang và sẽ hiện hữu. Sự thờ phượng được đòi hỏi trong bốn Điều Răn đầu tiên của Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa mới được tôn thờ, mỗi tuần một lần (ban đầu là Thứ Bảy, bây giờ là Chúa Nhật - Ngày của Chúa) chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta cùng với Chúa Giêsu Kitô tôn thờ Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần như Chúa Cha và Chúa Con ở trong chúng ta, là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Không có sự hiệp thông này thì không có cầu nguyện hay thờ phượng.

Thánh Thể là sự thờ phượng, sự tôn sùng và phụng vụ. Đó là việc cử hành và lãnh nhận bí tích được Chúa Giêsu Kitô thiết lập trong Bữa Tiệc Ly. Hạn từ Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn, một trong những khía cạnh của sự thờ phượng và sùng kính. Từ Do Thái là berakah có nghĩa là chúc tụng và tạ ơn.

Có một số từ và khái niệm có liên quan đến từ thờ phượng. Thánh Tôma Aquinô dùng từ Latinh servitium (sự phụng sự, nhân đức thờ phượng). Từ phục vụ (phụng sự) có trong các tác phẩm của Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Thể. Mối quan hệ của niềm tin tôn giáo và việc thờ phượng Thánh Thể là quan trọng và sẽ được giải thích. Cũng liên quan đến những khái niệm và từ ngữ này đó là tình yêu và lòng sốt mến vốn là trọng tâm của bí tích Thánh Thể.

Thờ phượng là gì?

Chúng ta nên định nghĩa từ “thờ phượng”: nó được tạo thành từ hai từ tiếng Anh cổ, worthyship. “Worthy” có nghĩa là tôn kính ai đó, đặc biệt là tôn kính, yêu mến và tôn thờ. “Ship” là phục vụ, ví dụ: tình bạn.[1] Trong Hiến pháp của Dòng Thánh Thể và nhiều thư từ và các ấn phẩm khác của Cha Thánh Eymard, ngài có nói về sự phục vụ. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra mối liên hệ với đức ái mang tính thần học.

Hughes Oliphant Old có cả một chương về thuật ngữ này và toàn bộ cuốn sách được dành cho các chiều kích rộng lớn của hạn từ “thờ phượng”. Ông viết, “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa vì Chúa đã dựng nên chúng ta để thờ phượng Người. Việc thờ phượng là trung tâm và cốt lõi cho lý do mà chúng ta hiện hữu.”[2]

Chúng ta được dựng nên để thờ phượng Thiên Chúa vì Người đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người để chúng ta có thể thờ phượng Người. Thánh Tôma Aquinô đã mô tả việc thờ phượng như là servitium (sự phục vụ, việc phụng sự), còn được gọi là nhân đức thờ phượng.[3] Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Tông đồ Thánh Thể đã coi việc tôn thờ Chúa Giêsu Kitô nơi bí tích Thánh Thể qua ba khía cạnh là cử hành, bí tích (Hiệp Lễ) và cầu nguyện. Hughes Oliphant Old, và cả ba người đều nhận thấy mối liên hệ cần thiết giữa sự thờ phượng và tình yêu của Thiên Chúa. Từ thờ phượng nhấn mạnh sự nối kết của nó với tình yêu.

Nhân Đức Thờ Phượng

Việc bàn luận về nhân đức thờ phượng rõ nhất có thể được tìm thấy trong tổng luận thần học (Summa Theologica) của thánh Tôma Aquinô, IIa IIa (q. 80-100). Từ Latin được dùng cho sự thờ phượng là servitium (phục vụ, phụng sự). Nó cũng có thể được dịch là tôn thờ (worship). Bài viết này sử dụng từ tôn thờ (worship), như tôi đã chỉ ra, và với sự giúp đỡ của nhiều tác giả khác nhau, nhiều khía cạnh của việc tôn thờ và Thánh Thể sẽ cho thấy sự phong phú của nó.

Trước tiên, thần học chỉ ra rằng có hai loại nhân đức, tự nhiên và siêu nhiên. Nhân đức tự nhiên là những gì người ta có thể làm một cách tự nhiên. Nghĩa là, trong tình trạng tốt lành, được coi là không cần sự trợ giúp của ân sủng từ Thiên Chúa. Nhân đức siêu nhiên có nghĩa là hành động cần sự trợ giúp của ân sủng từ Thiên Chúa.

Ngoài ra, còn có những nhân đức được gọi là nhân đức đối thần: đức tin và đức cậy và đức mến. Những nhân đức này không chỉ đòi hỏi ân sủng của Thiên Chúa, mà còn cần thiết để được cứu độ. Nhân đức thờ phượng không phải là nhân đức thần học, nhưng Thánh Tôma nói đó là nhân đức luân lý đầu tiên. Thánh nhân nói nó thuộc về nhân đức công bằng. Nó thường liên quan đến tình yêu/tình bác ái và khi nói về thờ phượng, Thánh Tôma chỉ ra rằng một trong những khía cạnh của việc thờ phượng là lòng sốt mến (sự sùng kính). Nhân đức thờ phượng không chỉ là một cái gì đó của ý chí và tâm trí, mà nó còn liên quan đến cơ thể. Cử chỉ, lời nói, tư thế là những cách thức giúp thể hiện sự thờ phượng và tôn thờ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong phụng vụ, lời kinh nguyện, các bí tích và những khía cạnh khác của việc thờ phượng.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Tông Đồ Thánh Thể

Thánh Phêrô Giulianô Eymard (1811-1868) thành lập Dòng Thánh Thể tại Paris, Pháp, ngày 8 tháng 5 năm 1856. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII gọi ngài là Tông Đồ Thánh Thể. Eymard được công nhận là nhà tâm linh, chuyên thuyết giảng, có những thư từ và nhiều ấn phẩm về Thánh Thể.

Eymard đã viết một số bản thảo Hiến pháp của Dòng Thánh Thể. Năm 1863, ngài cho ra bản Hiến pháp đầu tiên thể hiện cách rõ ràng những cảm nghiệm sâu xa của ngài về mối liên đới giữa việc thờ phượng và bí tích Thánh Thể:

CHƯƠNG X. RẰNG HỌ NÊN CAM KẾT VỚI MỘT LỜI TUYÊN XƯNG ĐẶC BIỆT VỀ NHÂN ĐỨC THỜ PHƯỢNG

1. Ước mong nhân đức thờ phượng là vương miện hoàng tộc của mọi tu sĩ của Dòng chúng ta, là tính cách và dấu ấn của cả cuộc đời họ, để nếu những người khác có thể vượt qua họ về sự nghèo khó, khoa học, sự nhiệt thành bên ngoài, nhưng họ sẽ không bao giờ thua kém ai trong việc phụng sự Chúa.

2. Xin cho họ nhận ra rằng, nhờ việc tuyên khấn nhân đức cao cả nhất này, họ cam kết và tận hiến cho việc phụng sự và tuyên xưng việc thờ phượng theo nghĩa rộng cũng như nghĩa đen, và do đó, họ phải hướng mọi thứ đến sự hoàn hảo của việc thờ phượng này.

3. Một sự thờ phượng, dù là vàng son, cũng sẽ tàn lụi nếu thiếu đi đời sống yêu thương đích thực. Ước gì những con người thờ phượng này sẽ bừng cháy lên như những tia sáng mặt trời; Xin cho họ tự hiến theo cách này cho vinh quang nơi bí tích của Chúa Giêsu để cuộc đời của họ không phải là sự chịu đựng và tụi tàn, nhưng ước gì đời sống của họ bay bổng hướng về phía vị Vua của họ như ngọn lửa của tình yêu thuần khiết.[4]

Nhân đức thờ phượng là nền tảng trong linh đạo của Thánh Eymard. Trong các bản thảo Hiến pháp trước đó, ngài sử dụng thuật ngữ “lời khấn” để mô tả một điều bổ sung dành riêng cho “sự dâng hiến bản vị (bản ngã) của mình”, nhưng Tòa Thánh không ủng hộ việc thêm thắt các lời khấn nào nữa cho các tu sĩ. Cha Thánh Eymard bắt đầu sử dụng ý tưởng về nhân đức thờ phượng như một nhân đức đặc biệt dành cho các môn đệ của mình. Linh đạo của Thánh Eymard chạm đến các nhân đức, lời kinh nguyện, sự chiêm ngắm Thánh Thể được trưng bày cách long trọng hoặc trong nhà tạm. Ngài có cảm nhận sâu xa về tính trung tâm của bí tích Thánh Thể nên đã khuyến khích hàng giáo sĩ và giáo dân đến chiêm ngắm và cầu nguyện trước Thánh Thể mỗi khi Bí Tích Cực Thánh được trưng bày.

Những số Luật Sống (Rule of Life) năm 1984 của Dòng Thánh Thể lặp lại Công đồng Vaticanô II như có thể thấy trong Luật Sống số 3:

Theo bước Cha Eymard, chúng ta đáp cứu những con người đang đói khát, bằng nguồn mạch phong phú của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ trong Thánh Thể.

Trong khi sống nhờ bánh được ban tặng để cho thế gian được sống, chúng ta vừa cảm tạ, vừa loan báo cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô. Chúng ta kéo dài giờ cầu nguyện theo hướng tôn thờ và chiêm ngắm, để đón tiếp Chúa Giê-su hiện diện trong Thánh Thể.

Được nắn đúc bởi Bí Tích của Giao Ước Mới, Bí Tích giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên chúng ta dấn thân xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô.

Bằng cuộc sống và qua các hoạt động, chúng ta tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh, ngõ hầu Thánh Thể được cử hành trong chân lý; cho các tín hữu được lớn lên trong mối hiệp thông với chúa, nhờ việc tôn thờ trong khung cảnh những buổi đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ; cho họ dấn thân vào việc canh tân các cộng đoàn Ki-tô hữu của họ, và cộng tác vào việc giải thoát con người cũng như xã hội khỏi thế lực ác thần.

Trong Thánh Thần, chúng ta liên kết với người nghèo và người thấp cổ bé miệng, chống lại mọi hình thức xúc phạm phẩn giá con người, loan báo một thế giới công bình huynh đệ hơn, trong khi chờ đợi Chúa đến.

Tương tự, Luật Sống số 4, “Tinh thần Dòng”, phát triển nhân đức bác ái/yêu thương. Sự dấn thân và tình yêu, như Thánh Tôma Aquinô đã chỉ ra trong Tổng Luận Thần Học của mình, sự sốt mến là nhân đức nền tảng cho nhân đức thờ phượng:

Chúng ta không thể sống Bí tích Thánh Thể nếu không được sinh động bởi tinh thần đã thúc đẩy Chúa Kitô thí mạng vì thế gian.

Khi Chúa loan báo Giao Ước Mới, bằng việc trao ban Mình Máu Người cho các môn đệ, thì chính vì yêu thương mà Chúa đã tự nộp mình.

Thông phần vào việc Người tự hiến mình cho chúng ta, chúng ta dấn thấn phục vụ Nước Trời, thực hiện lời của Thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Số thứ ba, Luật Sống số 25, “Công trình cứu độ”, nêu rõ:

Mỗi lần chúng ta cử hành lễ Tưởng Niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô là mỗi lần chúng ta tham gia vào công trình cứu độ chính chúng ta.

Nhờ được chia sẻ Mình và Máu Người, chúng ta dần dần được dứt khỏi thế lực của ác thần.

Chúa cho chúng ta thấy tội lỗi nằm ngay trong tính ích kỷ, tính thụ động hay đồng lõa với bất công của chúng ta, và Người vẫn lôi kéo chúng ta hướng đến một cuộc sống mới.

Cũng trong việc cử hành đó, chúng ta dâng lên Cha cuộc đời riêng của chúng ta, dâng lên niềm hy vọng, nỗi khổ đau của những con người, mà chúng ta đang đồng lao cộng khổ, để xây dựng một xã hội trên nền tảng công bình và tình thương.

Thờ phượng: Truyền thống cải cách theo Kinh Thánh

Hughes Oliphant Old có nhiều tập sách về ngôn ngữ và lịch sử của việc thờ phượng. Ông là một thần học gia của Giáo hội Cải cách và là giáo sư giảng dạy tại Đại học Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ. Ông đã viết nhiều sách và nhiều bài báo về việc thờ phượng và ấn bản thứ hai của cuốn sách này về thần học của việc thờ phượng đã được xuất bản.[5]

Tôi muốn tóm tắt nghiên cứu của ông về chủ đề này. Trước hết, ông chỉ ra rằng chúng ta cần thờ phượng Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa, Ngài  không cần sự thờ phượng của chúng ta. Thật vậy, chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa vì Người là Đấng tạo tác muôn vật. Ba điều răn đầu tiên cho chúng ta biết chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa vào ngày Sabát (Chúa nhật đối với Kitô hữu). Và chúng ta không được sử dụng danh của Thiên Chúa cách bất kính. Oliphant Old, cũng giống như Thánh Tôma Aquinô, đều kể các bí tích như sự thờ phượng, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể. Lời cầu nguyện, ngợi khen và sử dụng lời của Thiên Chúa (ví dụ: Những Thánh Vịnh) đều là sự thờ phượng. Làm việc thiện và bố thí cũng là phượng thờ Thiên Chúa vì chúng được coi là tình yêu dành cho tha nhân. “Điều gì anh làm cho tha nhân là làm cho chính Thầy” (X. Mt 25,42).

Lòng Sốt Sắng và Tinh Thần Phục Vụ

Lòng Sốt Sắng

Chúng ta đã nói rằng các hành vi nội tâm của nhân đức thờ phượng thì quan trọng hơn và điều này là hiển nhiên. Thiên Chúa là thần linh và những ai muốn thờ phượng Thiên Chúa phải thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Thật vậy, tinh thần của con người là cao quý nhất và chính điều này phải được dâng lên Thiên Chúa trước hết. Điều đó cũng đúng khi ý chí của con người là động lực đầu tiên. Chính ý chí điều khiển chúng ta. Do đó, ý chí trước hết phải phục tùng Thiên Chúa. Và hành động đầu tiên của ý chí trong việc thực hành nhân đức thờ phượng là hành động với lòng sốt mến. Sự sốt sắng không gì khác hơn là sự mau chóng trong việc phục vụ Thiên Chúa. Chính điều đó và nhiều hơn nữa. Chính nhờ lòng sốt sắng mà toàn thể con người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Điều cần lưu ý ở đây cách đặc biệt là sự phát triển của Thánh Tôma Aquinô về những nguyên nhân của lòng sốt sắng. Tình yêu chính là nguyên nhân của lòng sốt sắng. Và tình yêu này (dilectio) đến lượt mình được gợi hứng bởi sự chiêm ngắm và suy niệm. Chính nhờ sự toàn năng và tốt lành của Thiên Chúa dành cho chúng ta mà tình yêu, nguyên nhân gần nhất của lòng sốt sắng, được gợi hứng; nhờ sự quan tâm tới nỗi thống khổ của chúng ta và sự phụ thuộc hoàn toàn của chúng ta, thì sự khuất phục của chúng ta đối với Thiên Chúa được đảm bảo. Nguyên tắc cơ bản của tâm lý học đơn thuần là “tri thức tốt là đối tượng của ý chí – bonus intellectus est objectum voluntatis”.

Cha André-Ignace Mennessier, OP, dịch từ Tổng Luận Thần Học (sách tham khảo tiếng Pháp) sang tiếng Pháp:

Trên thực tế, lòng sốt sắng đóng vai trò tương đối trong các hành động tiếp theo của nó, những hành động mà đối với chúng ta có nhiều cách để khẳng định lòng tôn kính và thể hiện sự phục vụ, vai trò của người sẵn sàng đầu tiên chuyển trao ý chí cho những người còn lại. Đó là quan điểm hành động chính yếu của sự thờ phượng. Không chỉ theo nghĩa rằng các hành động tâm linh là chủ yếu trong mối quan hệ với các hành động khả giác mà còn chính bởi vì chúng là nguồn phong phú của tất cả những hành động khác, chính việc cầu nguyện vốn là một hành động thuộc tâm linh. Bằng sự sùng kính, thờ phượng, một nhân đức của ý chí bắt đầu và do tính thiết yếu nó sẽ tự kích hoạt.[6]

Phục vụ

Thờ phượng là việc phục vụ Chúa. Phục vụ cần được nghiên cứu. Thánh Tôma Aquino và Thánh Phêrô Giulianô Eymard nói nhiều cho chúng ta thấy. Thánh Tôma Aquino nhấn mạnh rằng chúng ta không thờ phượng Thiên Chúa vì Người cần điều đó. Chính chúng ta cần đến Chúa và thờ phượng Người. Chúng ta không thay đổi ý định của Chúa; chính chúng ta phải thay đổi tâm trí và ý chí của mình để “Ý Cha được thực hiện”. Bởi vì chúng ta có hồn và xác nên chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa bằng cả thể xác lẫn tâm hồn. Chính vì chúng ta là con người nên chúng ta cần Chúa Giêsu Kitô, bởi vì Chúa Kitô, nhờ ân sủng của Người, giúp chúng ta biến đổi từ nhân tính của chúng ta thành sự thánh thiện của Thiên Chúa bằng mẫu gương của Người. Các thánh cũng giúp chúng ta trong việc “biến hình” đó.  Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng cầu nguyện và chiêm niệm là điều cần thiết vì chúng là hành vi của tâm hồn và tinh thần của chúng ta. Chúng ta chịu sự thúc đẩy của thân xác; đây là phần nhạy cảm của con người chúng ta.

Thánh Eymard trong các lá thư của mình, thường xuyên đánh giá tầm quan trọng của nhân loại chúng ta trong mối liên hệ với Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Thánh nhân bảo họ hãy trò chuyện với Chúa. Nói với Người những gì bạn đang nghĩ, cầu xin Người những gì bạn đang cần. Nói với Người rằng bạn yêu Người và hãy biết rằng Người yêu chúng ta. Việc chiêm niệm thậm chí còn quan trọng hơn việc cầu nguyện bằng lời. Chiêm niệm là đang nghĩ đến Chúa. Chúng ta âm thầm dành cho Người thời gian và sự chú ý để thấu hiểu và thay đổi thái độ của chúng ta. Do đó, chúng ta được biến đổi về mặt tâm linh và trở nên những Kitô hữu.[7]

Tình yêu và sự phục vụ

Hiến pháp Dòng Thánh Thể được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1863 nhấn mạnh đến sức mạnh mà tình yêu có được theo linh đạo Thánh Eymard. Thánh Tôma sử dụng từ Lòng sốt sắng để chỉ ra tình yêu là “nguyên nhân” cho việc thờ phượng như thế nào và do đó cho thấy mối liên hệ của hai nhân đức này.

Rõ ràng, Thánh Thể liên quan nhiều đến tình yêu. Đó là bí tích và việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chính tình yêu của Chúa Cha và sự hy sinh của Chúa Con, Đấng đã chết và phục sinh và hiện đang ngự trong vinh quang nước trời. Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và epiclesis (cầu khẩn Chúa Thánh Thần) và anamnesis (tưởng nhớ Cuộc Khổ nạn, Phục sinh và Thăng thiên của Chúa Giêsu Kitô) trong bí tích Thánh Thể.

Nhân đức thờ phượng có sự sốt sắng nhằm nhấn mạnh đến tính sẵn sàng và nhanh chóng để phụng sự Thiên Chúa. Lòng sốt sắng có bối cảnh là tình yêu, tức là, sự thờ phượng sẵn sàng gợi lên lòng sốt mến, sự phục vụ, và việc đáp lại tình yêu thương và sự tốt lành của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu vì Người muốn làm bạn với chúng ta. Linh đạo Thánh Thể và linh đạo Kitô giáo đòi hỏi nhân tính của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta thành thần tính, sự thánh thiện và hành động như Chúa Giêsu và các thánh, như Thánh Phêrô Giulianô Eymard, đáp lại tình bằng hữu và tình yêu thương của Con Thiên Chúa.

Chúng ta nên nói thêm rằng sự phục vụ/thờ phượng là một nhân đức nổi bật của Thánh Eymard. Ngài nói về Vương quốc Thánh Thể của Chúa chúng ta, những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể được đặt trong mặt nhật hoặc cầu nguyện trước Nhà Tạm, như một phần quan trọng của lòng sùng kính/sự thờ phượng được khuyến khích cho tất cả những ai tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thiên Chúa và con người – theo Kinh Thánh

Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Người; Thiên Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa dựng nên họ có nam có nữ” (St 1,27). Chúng ta biết rằng từ chương đầu tiên của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng nên toàn thể vũ trụ để sẻ chia. Lời của Thiên Chúa nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta có thể thờ phượng Thiên Chúa bằng nhiều cách; đó là ý nghĩa chúng ta là ai và tại sao chúng ta là vậy.

Thánh Phaolô cho chúng ta biết thêm về việc thờ phượng và mối liên hệ của nó với Bí Tích Thánh Thể:

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho đến khi Người đến (1 Cr 11,23-26).

Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.

Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. (1 Cr 12,12.13.27.28.31).

Chúng ta thờ phượng cùng với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, và chúng ta cũng thờ phượng Thiên Chúa Cha. Có một Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Karl Rahner, SJ (Dòng Tên) nhắc nhở chúng ta rằng vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và từ nhân tính của chúng ta, chúng ta có thể biết Thiên Chúa, và từ thiên tính của Thiên Chúa, chúng ta biết nhân tính của chúng ta. Thật vậy, chúng ta học biết về Thiên Chúa từ vũ trụ và chúng ta học về vũ trụ qua những gì chúng ta học về Thiên Chúa và vũ trụ trong Kinh Thánh.

Việc thờ phượng cá nhân và cộng đoàn

Michael Schmaus đặt ra câu hỏi về sự thờ phượng của cá nhân và của cộng đoàn. Schmaus viết:

Người ta đã chú ý nhiều đến câu hỏi liệu việc thờ phượng luôn được thực hiện bởi một cộng đoàn hay đó cũng có thể là hành động của cá nhân. Hầu hết các nhà thần học và sử gia về tôn giáo nghiêng về quan điểm cộng đoàn, nhưng khó có thể phủ nhận rằng cá nhân cũng có thể thực hiện các hành vi tôn thờ. Nhưng việc thờ phượng của cá nhân, giống như toàn bộ cuộc sống của cá nhân, được gợi hứng và đóng ấn bởi bối cảnh xã hội.

Rõ ràng rằng trong Kinh Thánh, việc thờ phượng là việc làm dành cho cả hai. Tuy nhiên, việc thờ phượng của cộng đoàn quan trọng hơn bởi vì chúng ta là một dân tộc và một thân thể. Chúa Giêsu Kitô và Thánh Phaolô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại cho tới thời cánh chung tức là ngay lúc này và trong thời gian tới. Trên thiên đàng, chúng ta sẽ tiếp tục thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần phải làm việc nhiều để biến đổi Hội Thánh trên trần gian và các thánh trên trời. Schmaus phát triển khía cạnh thờ phượng này.

Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) và Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vaticanô II nói rõ rằng thần học về Giáo hội như là Nhiệm thể của Chúa Kitô và dân Thiên Chúa, nhấn mạnh đến sự hiệp thông mà chúng ta có với Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như với các thiên thần và các thánh cùng toàn thể nhân loại.

Schmaus viết một đoạn kể về những triết gia và thần học gia đối nghịch là những người không tin vào Thiên Chúa hoặc sự thờ phượng. Rõ ràng, họ nói rằng chỉ có con người mới là đối tượng và là thực thể và đáng thờ phượng mà thôi. Việc truyền lại kinh nghiệm đời sống thiêng liêng, sự cần thiết của việc thực hành luân lý trong đời sống con người đã được hầu hết mọi người công nhận kể từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại. Những bộ óc vĩ đại, những nghệ sĩ và các nhà khoa học vĩ đại nhất, đã nhận ra vũ trụ và bản chất tuyệt vời của thế giới do Chúa tạo ra. Thật vậy, trong nghệ thuật và âm nhạc, lịch sử và y học, các nhà tư tưởng và nhà văn đã chỉ ra cách chúng ta có thể thờ phượng Chúa theo vô số cách trong Thánh Vịnh, thơ ca, tranh vẽ, kiến trúc và vô số nền văn hóa cũng như những cách sáng tạo cho phép chúng ta bày tỏ những gì chúng ta tin tưởng, yêu mến và tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì đang tồn tại.

Cầu nguyện và chiêm niệm

Thánh Tôma Aquinô chỉ ra giá trị của lời cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là để thay đổi ý định của Thiên Chúa, Người biết con người sẽ cầu nguyện điều gì. Người biết điều đó từ muôn thuở. Thật vậy, Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta và với chúng ta. Như Kinh Thánh nói, cầu nguyện là hành động của lý trí và dẫn đến hành động của ý chí và biến đổi chúng ta về mặt tâm linh. Nói một cách đơn giản, chúng ta được thay đổi nhờ lời cầu nguyện. Đó là một phần của nhân đức thờ phượng. Thánh Tôma Aquinô cũng cho thấy giá trị của việc cầu nguyện bằng lời, tức là, nó bao gồm cả thể xác lẫn linh hồn. Giá trị của lời cầu nguyện tăng lên nếu đó là những lời cầu nguyện của cả cộng đoàn, như chúng ta đã đề cập.

Chiêm Niệm

Chiêm niệm không phải lúc nào cũng được hiểu rõ, Thánh Eymard nói: chúng ta hãy là chính mình khi vào nhà thờ hay nhà nguyện để cầu nguyện trước Thánh Thể. Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng chiêm niệm đòi hỏi sự thinh lặng. Lý do là vì nó cho chúng ta khả năng “nghe” được những lời nói hoặc ý kiến về điều mà Chúa Giêsu Kitô muốn chúng ta biết. Chẳng hạn, chúng ta lấy các bản văn của Thánh lễ mà chúng ta đã chia sẻ và bây giờ chúng ta suy niệm về những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta và giải thích cho chúng ta những gì Chúa Giêsu hoặc các thánh đang nói và những điều chúng ta cần kết luận từ bản văn.

Các nhà thần bí dễ dàng chuyển từ những lời cầu nguyện bằng lời nói hoặc những lời cầu nguyện vay mượn, chẳng hạn như từ các vị thánh. Họ không chỉ thấy thời gian trôi qua nhanh chóng, mà còn được trò chuyện với Chúa Giêsu và Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tôn Thờ

Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã dạy Hội Dòng và các đoàn thể của ngài về bốn tâm tình của Thánh Lễ: Tôn thờ, cảm tạ, đền tạ và xin ơn. Tôn thờ để nhận ra vinh quang, uy lực, sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cảm tạ (Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn (eu-charin trong tiếng Hy Lạp). Chúng ta nhận ra những món quà mà Chúa đã ban cho chúng ta: sự sống, ơn tái sinh qua phép Rửa, đức tin, đức cậy, đức mến và tất cả những gì chúng ta đã nhận được trong một ngày hoặc trong suốt cuộc đời của mình để tạ ơn Chúa. Việc đền tạ có thể là một hành động thừa nhận tội lỗi của chúng ta. Đó có thể là lời cầu xin lòng thương xót của Chúa cho những người đã làm hại chúng ta, hoặc với những người khác có thể là lời cầu nguyện nói với Chúa rằng chúng ta buồn về chiến tranh tội lỗi, bất công và những hành động vô nhân đạo khác trong một quốc gia hoặc trên toàn thế giới. Cầu nguyện là nỗ lực của chúng ta để cầu xin ân sủng, nhân đức và sự cải thiện cho bản thân hoặc người khác. Chúng ta được khuyến khích cầu nguyện cho Giáo hội, bao gồm Đức Giáo Hoàng, các nhà lãnh đạo trong Giáo hội, giáo dân, các nhà lãnh đạo của đất nước hoặc các thành phần khác trong chính phủ. Thời gian một người cầu nguyện trong giờ chầu [việc cầu nguyện trước Thánh Thể] không nhất thiết phải dành cho cả bốn tâm tình của Thánh Lễ. Lời cầu nguyện có thể là một hoặc nhiều trong số bốn tâm tình đó.

Cha Eugenio Nuñez Goenaga, SSS tóm tắt cách thức cầu nguyện này dựa trên linh đạo của Thánh Tôma Aquinô và Thánh Phêrô Giulianô Eymard bằng những lời này:

Tư Tưởng của Tiến sĩ Thánh Thể về việc tôn thờ Thánh Thể có thể được rút gọn thành những kết luận sau đây:

1. Việc tôn thờ Thánh Thể là một sự thừa nhận và kết quả thực tế của đức tin chúng ta vào sự hiện diện toàn vẹn của Chúa Giêsu Kitô, một sự hiện diện thay thế cho sự hiện diện trên mặt đất của Chúa Giêsu Kitô.

2. Tôn thờ Thánh Thể (do đức ái đòi buộc) là sống tình bằng hữu với Chúa Giêsu Kitô.

3. Tôn thờ Thánh Thể là trường dạy đức tin.[8]

Phần kết luận

Bài viết này được viết ra sau khi đã tham khảo về sự phát triển của những cảm nhận sâu xa trong đời sống nội tâm và những khía cạnh khác nhau của việc thờ phượng cũng như mối liên hệ của nó với Bí tích Thánh Thể, với nhân đức thờ phượng và linh đạo Thánh Thể, đặc biệt là của Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Việc thờ phượng, phục vụ, nhân đức, phụng vụ, các bí tích, những hành động cao thượng là một số hạn từ có mối liên hệ với nhau. Mối liên hệ này là nền tảng trong tình yêu thương hoặc đức ái liên quan đến việc thờ phượng.

Cha Ernest Falardeau, SSS

Cleveland (Highland Heights), Hoa Kỳ, 10.9.2022


 

[1] “Sự thờ phượng”, Từ điển Webster/Merriam ấn bản lần thứ 11, Springfield, MA: Merriam-Webster Incorporated, kindle, 2010.

[2] Hughes Oliphant Cũ (HOO). Thờ phượng: Cải cách theo Kinh Thánh (Louisville/London: Westminster John Knox Press), 2002, ấn bản Kindle.

[3] Thánh Tôma Aquinô. Tổng Luận Thần Học, IIa IIa, q. 80-100, tôn giáo. Xem thêm Ernest Falardeau, SSS. “Religion (Virtue of)”, New Catholic Encyclopedia (Washington, DC: Catholic University of America) 1967. Tập. 12, trang 270-271.

[4] Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Œuvres complètes, Vol. VII, Hiến pháp. RR 51t,11 (Chương X), Rôma: Dòng Thánh Thể, http://www.eymard.org. Để có thêm bình luận, xem Ernest Falardeau, SSS. Phụng vụ Thánh Thể trong các tác phẩm của Chân phước Peter Julian Eymard: một phân tích thần học. Trích luận án tiến sĩ tại Khoa Thần học (Rome, Italy: Pontifical Gregorian University), 1959, 61 trang.

[5] HOO, đặc biệt là chương 1.

[6] Phần sùng kính này lấy từ Tổng Luận Thần Học của Thánh Tôma, IIa IIa, q. 82, Ernest Falardeau, SSS, Phục vụ Thánh Thể trong các tác phẩm của Thánh Peter Julian - phần 3 và Thánh Tôma Aquinô, Phục vụ Thần học - Chương 3: Thánh Thomas Aquinas, tr.193-4. Ngoài ra, André-Ignace Mennessier OP “Somme Théologique – la religion” Ed.Rev. des Jeunes tt.1, tr. 249, (bản dịch tiếng Anh bởi Ernest Falardeau, SSS).

[7] Tôma Aquino, Tổng Luận Thần Học, IIa IIa q. 82 a 3, và E. Falardeau, Phụng Vụ Thánh Thể, SSS trong các tác phẩm của Thánh Phêrô Giulianô Eymard, trang 203-211.

[8] Eugenio Nuñez Goenaga, SSS. El valor y funciones de la presencia real integral de Jesucristo en el Sacramento, según la doctrina eucaristiclogica de Santo Tomas. Tolosa, 1949, pp. 120-124.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.