HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KI-TÔ TRONG THÁNH THỂ
Công đồng Vatiano II xác quyết Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống giáo hội nói chung nhưng cũng là nguồn mạch và chóp đỉnh của mỗi người chúng ta nói riêng hay nói như thánh Phêrô Juliano Eymard “Thánh Thể là tâm điểm đời tôi”. Đối với các tu sĩ Dòng Thánh Thể thì Thánh Thể chính là danh hiệu của dòng hay nói cách khác Thánh Thể là “dòng máu” của hội dòng để nuôi dưỡng và phát triển đặc sủng và sứ vụ của mình.
Vì vậy, trong dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa các tu sĩ Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, cũng như khắp nơi trên thế giới thường quy tụ lại để hồi tâm mừng lễ cách đặt biệt nhằm khơi nguồn và nhắc nhớ mỗi tu sĩ về ơn gọi và sứ vụ của mình là phải hiệp thông hay quy hướng về Thánh thể trong đời sống và mọi hoạt động của mình. Không chỉ các tu sĩ Dòng Thánh Thể mà mọi người đều được mời gọi liên kết hay hiệp thông với Đức Ki-tô nơi Thánh Thể.
Quả thật, khi rước Mình và Máu thánh, hoặc chỉ mình thánh hay máu thánh mà thôi chúng ta cũng trở nên một với Ngài, chia sẻ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Hay nói cách khác, nhờ hiệp lễ con người đi vào trong giao ước Vượt Qua, cùng với Ngài trở nên cùng một của lễ được Thánh Thần thánh hóa[1], gặp gỡ Đức Ki-tô trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Cũng nhờ kết hiệp với Đức Ki-tô trong Thánh Thể, chúng ta cũng được hiệp thông với Chúa Cha, Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta lại được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa mà tổ tông loài người đã đánh mất khi xưa. Hơn nữa, trong Thánh Thể, chúng ta được sáp nhập với Đức Ki-tô trong giây phút người được phục sinh, khiến chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha.
Mặc dù, Thánh Thể được cử hành trong không gian và thời gian nhưng toàn thể cộng đoàn được “thần hóa” tức là được đưa vào thế giới viên mãn nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Như vậy, trong Thánh Thể có một sự liên tục giữa thực tại trần thế và nước trời, thực tại nước trời mở rộng làm viên mãn thế giới chóng qua này, sự tuyệt vọng, sự chết của định mệnh nghiệt ngã của kiếp người nhường chỗ cho niền hy vọng phục sinh cùng với Đức Ki-tô[2].
Tuy nhiên, sự hiệp thông với Đức Ki-tô trong Thánh Thể không chỉ dừng lại trong mối tương quan thần linh giữa ta với Thiên Chúa mà nó còn là sự biến đổi cuộc đời chúng ta thành khí cụ của sự hiệp thông, mở ra với mọi người.
Vậy, qua việc mừng kính mình và máu thánh Chúa, chúng ta được mời gọi nhận ra và một lần nữa xác nhận lại tầm quan trọng của việc hiệp thông với Thánh Thể, giúp chúng ta thêm yêu mến Thánh Thể, siêng năng rước lễ khi tham dự Thánh lễ để chúng ta được kết hợp trọn vẹn với Chúa, được biến đổi thành những con người không phải sống cho chính mình mà là sống trong, sống cùng, sống cho Chúa khiến chúng ta có thể thốt lên lời đầy lòng tín thác như thánh Phaolô “tôi sống không phải là tôi sống mà là ĐKT sống trong tôi” (Gl 2, 20). Khi chúng ta mang tâm tình như thế chúng sẽ quyết tâm sống vì nhau, cho nhau tình yêu, bình an của Chúa. Như vậy là chúng ta đã, đang làm cho Thánh Thể được nối dài và lan rộng và tỏ rạng khắp nơi. Qua đó, chúng ta cũng tiếp tục tuyên xưng Thánh Thể là chóp đỉnh là nguồn mạch sự sống trong hành trình đức tin của chúng ta.
Ban truyền thông
[1] Xc. Rm 15, 16.
[2]Xc. ĐGM Phalô Bùi Văn Đọc Và Các Linh Mục Khác, Thần Học Về Bí Tích Thánh Thể, Tôn giáo, Hà nội, 2009, tr.132-154.