THÁNH THỂ VÀ TƯƠNG LAI CÁNH CHUNG
Thời điểm khi Chúa Giê-su quay trở lại được biết đến dưới nhiều tên gọi: Ngày tái lâm, Ngày của Chúa, Ngày phán xét và Ngày sau cùng. Niềm tin sâu xa xác tín rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại để khép lại lịch sử nhân loại trên trái đất. Ngày tái lâm trong Tân Ước là một sự kiện cụ thể để kết thúc lịch sử. “Vào ngày cuối cùng” (Ga 6:54), khi con người sống lại trong vinh quang, họ sẽ đạt được sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Ki-tô Phục Sinh. Đây là điều hiển nhiên, bởi khi đó, sự hiệp thông của con người với Chúa Ki-tô mới phù hợp với thực tại hiện sinh trọn vẹn của cả hai. Hơn nữa, khi lịch sử kết thúc, sự phục sinh của tất cả các tôi tớ Thiên Chúa và là anh chị em của họ sẽ hoàn tất nhiệm thể của Chúa Ki-tô (Kh 6:11). Trong niềm xác tín đó, Công đồng To-le-do lần thứ 11, vào năm 675, đã tuyên tín rằng sự phục sinh vinh hiển của kẻ chết sẽ không chỉ theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô mà còn theo “khuôn mẫu là Đầu của Nhiệm Thể”[1].
Tân Ước quy định một thời điểm cố định về sự sống lại của kẻ chết. Phao-lô, sau khi công bố rằng sự sống lại của kẻ chết sẽ chỉ xảy ra nhờ Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, đã nói thêm: “Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm (ἐν τῇ παρουσίᾳ αὐτοῦ) thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15:23).[2] Một biến cố cụ thể được ấn định là thời điểm kẻ chết sống lại. Theo hạn từ Hy Lạp “Parousia” có nghĩa là việc Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, khác với việc Ngài đến lần thứ nhất trong sự khiêm nhường[3]; sự biểu lộ vinh quang của Ngài (x. Tt 2:13) và sự biểu lộ của việc Ngài ngự đến lần thứ hai (x. 2Tx 2:8) đề cập đến sự sắp đến tương tự. Biến cố tương tự được diễn tả trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an 6: 54 với hạn từ “ngày sau hết” (x. Ga 6: 39-40). Mối liên hệ tương tự giữa các sự kiện được thể hiện một cách sống động trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca 4: 16-17.
Giáo Hội sơ khai mong cho những lời tiên báo của Chúa Giê-su được ứng nghiệm ngay lập tức. Họ mong đợi việc Chúa đến lần thứ hai sớm xảy ra. Các nghiên cứu Kinh Thánh đã tìm thấy bằng chứng về sự kỳ vọng này trong Tân Ước và các tác phẩm đầu tiên của Ki-tô giáo. Kinh nguyện Thánh Thể cổ xưa nhất còn tồn tại, trong Didache, kết thúc bằng hạn từ theo ngôn ngữ Aram là “Maranatha!” nghĩa là “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Sách Khải Huyền bắt đầu bằng lời hứa cho thấy “điều sắp xảy ra” (Kh 1:1) và kết thúc bằng những lời giống như sách phụng vụ Didache: “Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!”
Hạn từ “prolepsis” mang ý nghĩa đề cập đến một biến cố trong tương lai như thể biến cố này đã xảy ra rồi và do đó tồn tại như một điều kiện hiện tại. Tiên tri là một hình thức nhìn về phía trước, giả định điều gì đó đã xảy ra trước khi nó xảy ra, một kiểu báo trước hoặc thấy trước.[4] Các tiểu thuyết gia làm điều này khi họ gợi ý về những điều sắp xảy ra, hoặc khi họ bỏ qua thông tin, gần như thể họ tưởng người đọc đã biết rồi. Kết quả của việc tiên tri như vậy là người đọc hoặc người nghe tạo ra, thay vì tiếp nhận một cách thụ động, thông tin cần thiết để hoàn thành ngữ cảnh hoặc tình huống mà người viết hoặc người nói chỉ gợi ý. Như vậy, nó thể hiện sự mong đợi và bảo đảm về sự kiện trong tương lai. Đó là khi một người được mời đến một bữa tiệc và nói: “Tôi ở đó”, hoặc khi một tù nhân sắp bị xử tử được gọi là “người chết bước đi”. Trong khi các học giả và những người nghiên cứu Kinh Thánh nghiêm túc thừa nhận lối nói tiên tri là một lối nói tu từ trong Kinh Thánh, thì có quá ít người nhận ra rằng nó xuất hiện thường xuyên như thế nào trong các tác phẩm Kinh Thánh và tầm quan trọng của nó đối với thông điệp Kinh Thánh.
Tuy nhiên, có một hình thức tiên tri khác làm nền tảng cho cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giê-su và được hiện thực hóa trong mầu nhiệm Thánh Thể.[5] Trong Kinh nguyện Thánh Thể thứ ba đề cập đến việc Chúa Ki-tô đến lần thứ hai vào thời sau hết, khi Chúa Ki-tô sẽ trở lại trong vinh quang để thi hành việc phán xét sau cùng đối với kẻ sống và kẻ chết. Sau khi thánh hiến và công bố mầu nhiệm đức tin, lời cầu nguyện được dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta: “… khi chúng con mong đợi Người lại đến, chúng con dâng hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Cha”.
Trong khi Bí tích Thánh Thể hướng ngược thời gian về hành động cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, đồng thời sự hiện diện của Chúa Giê-su được cảm nghiệm trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể như một thực tại trong hiện tại và hướng về tương lai là thời điểm mà Chúa Giê-su sẽ lại đến. Tuy nhiên, việc hướng về phía trước này không làm giảm đi sự hiện diện của tương lai đã được tận hưởng trong hiện tại. Ngược lại với quan điểm phổ biến rằng trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được lệnh phải nhớ lại các công việc trong quá khứ của Chúa Ki-tô và coi chúng như đối tượng để ca ngợi và biết ơn, khái niệm “anamnesis” (Tiền sử) trong Kinh Thánh được miêu tả như một sự tưởng nhớ Thiên Chúa. Hành động trình bày bánh rượu Thánh Thể và cùng nhau ăn trước sự hiện diện của Thiên Chúa nhằm “nhắc” Thiên Chúa “nhớ” về hành động mà Ngài đã khởi xướng qua sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Con Ngài. Và hành động này là mối liên kết xác định trong toàn bộ lịch sử cứu độ - không chỉ từ việc nhập thể đến phục sinh, mà còn từ khi tạo dựng đến lúc trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Sự nhấn mạnh không phải là việc chúng ta hình dung lại cuộc Khổ nạn một cách chủ quan mà là nhấn mạnh vào hành động phụng vụ khách quan diễn ra trong cộng đoàn của những người tin vào Thiên Chúa tức là Hội thánh. Việc cử hành phụng vụ để tưởng nhớ hành động của Thiên Chúa nhân danh Hội thánh và trong mối liên hệ với nhân loại trong lịch sử, vừa là điểm khởi đầu cho việc thờ phượng, vừa bắt nguồn từ việc thờ phượng. Việc thờ phượng gắn liền với tiền sử (ἀνάμνησις) “anamnesis”. Danh từ tiếng Hy Lạp này, trong ngữ cảnh Tân Ước, thường được dịch sang tiếng Anh là “sự tưởng nhớ, sự hồi tưởng hoặc sự tưởng niệm”. Việc thờ phượng Ki-tô giáo về cơ bản là một lễ tưởng niệm, một khái niệm trọng tâm trong phụng vụ Ki-tô giáo.
Đó là một sự tưởng nhớ ‘cách sống động’ về Mầu nhiệm Vượt qua, về ơn cứu độ của chúng ta qua cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, trong đó “hiện tại được tiếp xúc mật thiết với quá khứ” và ngược lại. Tuy nhiên, cách mô tả việc nhớ lại này giống với việc hiện thực hóa việc tưởng nhớ hơn là chỉ “tưởng nhớ ‘cách sống động’”.[6] Mệnh lệnh của Chúa không phải là “Hãy nghĩ về việc này”, mà là “Hãy làm việc này”. Và mạnh mẽ hơn nữa, “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.[7]
Hình ảnh tiên trưng của đức tin là thông điệp chính trong Kinh Thánh, “lời của Chúa Ki-tô”, là đối tượng và nội dung của đức tin, theo Rô-ma 10: 1, là hiện thực ở đây và ngay bây giờ của các sự kiện trong tương lai mà thông điệp của Người và là điều mà đức tin Ki-tô giáo dự đoán. Những sự kiện tương lai đó là “những điều được hy vọng” và vì chúng chưa xảy ra nên là “những điều chưa được thấy”. Vì vậy, nói một cách tin tưởng là nói về những sự kiện trong tương lai - cụ thể là việc Chúa lại đến, sự tái lâm trong tương lai của Chúa Giê-su phục sinh, sự sống lại của kẻ chết, ngày Phán xét và ngày Nước Chúa trị đến - như thể chúng đã có, đã xảy ra và đó là một “thực tế” trong hiện tại. Một thực tế không phải là sự thật mà là người có niềm tin tin vào điều đó, mặc dù chúng chưa xảy ra và chưa phải là sự thật có thể quan sát được, nhưng chúng sẽ xảy ra theo ý định của Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải ý định sẽ trở lại của Ngài trong lời hứa với Áp-ra-ham (St 12:1-3; 15:1-6; 18:18; Rm 4:13; Gl 3:8). Những điều Chúa đã hứa sẽ xảy ra. Như vậy, điều Thiên Chúa đã hứa là một thực tại của niềm tin hôm nay, điều đó chỉ có thể nhìn thấy được bằng con mắt đức tin, và điều đó sẽ là một thực tại trong tương lai, mà thực tại đó tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy được.
Nói một cách trung thành và tin tưởng là nói một cách tiên tri, nghĩa là nói về tương lai đã được Thiên Chúa hứa ban, được mạc khải trong sứ điệp Kinh Thánh về Chúa Giê-su và Nước Thiên Chúa, như thể nó đã xảy ra rồi, và do đó, là một thực tại hiện tại. Đó chính là sứ điệp Kinh Thánh mà Thánh Phao-lô gọi là “lời đức tin” (Rm 10: 8) bởi vì nó cấu thành nên điều người ta tin: Lời hứa của Thiên Chúa về sự sống lại từ cõi chết đến sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa, đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Lời hứa của Thiên Chúa, lời đức tin, là hiện thực mà Thiên Chúa đã hứa vì Thiên Chúa là Đấng thành tín, đó là định nghĩa trong Kinh Thánh về sự công bình của Thiên Chúa.
Đặc tính tiên trưng của đức tin theo Kinh Thánh cũng được mặc khải khi Phao-lô đề cập đến Thiên Chúa “Đấng mà Áp-ra-ham đã tin, Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rô-ma 4:17). Trong trường hợp này, “kẻ chết” mà Thiên Chúa “ban sự sống” không phải ở số ít mà là số nhiều, του νεκρούς, những người đã chết, và do đó, hoạt động ban sự sống cho người chết của Thiên Chúa ám chỉ sự sống lại trong tương lai của người chết cho đến đời đời trong vương quốc của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là bây giờ Thiên Chúa “ban sự sống cho kẻ chết” như một lời hứa, được thực hiện và do đó, được “người chết” trải nghiệm khi Chúa Giê-su phục sinh, Đấng Phục Sinh báo trước và bảo đảm cho sự sống lại của kẻ chết, Đấng đến để làm cho kẻ chết sống lại, đến để phán xét thế gian và đem vương quốc của Thiên Chúa đến.[8]
Như vậy, quà tặng ơn cứu độ của Thiên Chúa được trao ban dưới dạng lời hứa: Ân sủng của Thiên Chúa là lời hứa về sự sống ở đời sau, được bảo đảm bằng việc tha thứ tội lỗi đã được thực hiện qua cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá, được ban cho mọi người và được trao cho những người tin vào lời hứa trong Kinh Thánh. Như vậy, sự phục sinh của Chúa Giê-su chính là biến cố trong quá khứ, cho phép nói đến sự sống lại trong tương lai của người chết theo cách báo trước, nghĩa là, được nói đến như thể nó đã xảy ra rồi, và do đó, là một thực tại hiện tại (x. Eph 2: 4-7). Tương tự như vậy, việc Chúa Giê-su công bố Tin Mừng về Nước Trời cho phép Nước Thiên Chúa được nói đến một cách báo trước, như thể nó đang hiện diện, vì nó thực sự là một thực tại hiện tại của đức tin, cũng như sự hồi tưởng về quá khứ.
Tuy nhiên, việc chúng ta tưởng nhớ Chúa trong Bí tích Thánh Thể mang ý nghĩa xã hội. Tưởng nhớ là một ký ức sống động về Đấng hằng chăm sóc và tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta, Đấng lắng nghe tiếng kêu than của dân mình và không để cho sự đổ vỡ và đau đớn của họ tiếp diễn mãi, Đấng thực sự biến sự chết thành sự sống và chiến thắng sự dữ bằng sự thiện.[9] Theo Morrill, việc tưởng nhớ như thế về “lời hứa của sự hiện diện”[10] của Chúa Ki-tô đối với chúng ta chỉ có thể thực hiện được nếu việc thờ phượng đặt nền tảng trên tình liên đới với Chúa Ki-tô, Đấng đã đổ máu ra trên thập giá vì chúng ta. Morrill phê bình phần lớn phụng vụ hiện nay chỉ tưởng nhớ Chúa Ki-tô Phục Sinh trong khi thiếu chú trọng đến Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Thay vào đó, theo hướng thần học của Johann Baptist Metz, Morrill đặt các Ki-tô hữu trước thách đố sống tinh thần tự hiến của Chúa Ki-tô, “bằng cách rập theo mẫu gương hủy mình ra không của Chúa Ki-tô để đem lại sự tự do cho mọi người, cả người sống lẫn kẻ đã chết”.[11] Chính Chúa Ki-tô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể khao khát được hiện diện nơi những người tham dự buổi cử hành Thánh Thể, hành động trong họ để họ dấn thân vì những người đang đối diện với những đau khổ và sự chết. Tình liên đới, với mệnh lệnh giải phóng như Thiên Chúa giải phóng con người khỏi đau khổ và sự chết, là sự nối kết giữa việc cử hành phụng vụ Thánh Thể với việc sống có trách nhiệm đối với nhau trong mối tương quan xã hội. Morrill nói rằng, chỉ như thế, người Ki-tô hữu mới thực sự loan báo, qua việc sống và tưởng nhớ một cách sống động, ký ức về “cái chết của Chúa cho đến khi Người lại đến”.[12]
Bí tích Thánh Thể không phải là sự đền bù cho việc trì hoãn ngày Chúa đến, mà là một cách cử hành sự hiện diện của Đấng đã hứa sẽ trở lại. Chính Chúa Giê-su là người đã mở ra niềm hy vọng cao độ cho cộng đoàn các tông đồ; và chính Ngài là người đã chỉ ra sự ứng nghiệm sắp xảy ra của nó. Trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích Thánh Thể được coi là một sự kiện cánh chung – việc Chúa ngự đến, sự xuất hiện của Nước Chúa. Những chi tiết quan trọng trong các câu chuyện Kinh Thánh về Bữa Tiệc Ly cho thấy điều này. Khi Chúa Giê-su cầm lấy bánh và rượu, Người nói với các tông đồ: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.” Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.” Khi Đức Ki-tô thiết lập bí tích Thánh Thể là Ngài thiết lập Triều Đại Nước Thiên Chúa. Sau đó, Đức Ki-tô nói về Nước Thiên Chúa hay vương triều của Thiên Chúa dưới dạng “bàn tiệc” (22: 27) và “bữa tiệc” (22: 30) – kiểu nói này sẽ được tái diễn trong những chương cuối cùng của Sách Khải Huyền. Ngoài ra, ở cuối Sách Khải Huyền có lời cầu nguyện “Maranatha!” Mặc dù có nhiều cách dịch khác nhau của “Maranatha!” (“Chúa chúng ta đến” hoặc “Chúa chúng ta đã đến”), vào thời điểm đó nó được hiểu là “Lạy Chúa, xin hãy đến!”. Bởi Người đã bảo đảm với dân của Người rằng Người sẽ sớm đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Khải huyền 22: 7, 12, 20), và kinh nguyện phản ánh niềm hy vọng về sự trở lại sắp xảy ra của Người.
“Maranatha!” cũng được tìm thấy ở phần cuối của Kinh nguyện Thánh Thể thời Giáo hội sơ khai, có thể nó được biết đến như là bản văn cổ nhất ngoài Tân Ước, Didache 9, 10. Điều này liên đới với sự trở lại của Chúa để ngự đến nơi với Bí tích Thánh Thể. Những dòng khác của lời cầu nguyện vẫn chưa xác định rõ ràng: Chẳng hạn, “Xin hãy để thế giới hiện tại này qua đi”, có thể ám chỉ sự hiểu biết theo nghĩa đen về ngày tận thế hoặc về sự trở lại của Chúa, hay xin tác động để biến đổi thực tại của Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, “Maranatha!” trong cử hành Thánh Thể rõ ràng là đang cầu nguyện cho sự xuất hiện của Chúa trong sự viên mãn của Vương quốc được giải phóng bởi Chúa Ki-tô.
Nếu chúng ta đang tìm kiếm ngôn ngữ khải huyền quen thuộc thì chúng ta sẽ thấy nó xuất hiện rất nhiều trong trình thuật Bữa Tiệc Ly của Thánh Lu-ca và nó luôn được diễn tả bằng thuật ngữ Thánh Thể. “Maranatha!” là kinh nguyện Thánh Thể nguyên thủy của Giáo Hội. Điều này liên kết sự trở lại của Chúa trong cử hành Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm về cái chết ban sự sống của Đấng chiến thắng sự chết. Điều này được diễn tả rất rõ ràng trong Lễ Vượt Qua được cử hành vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh của Phụng vụ Byzantine khi Giáo hội tuyên bố: Chúa Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, qua cái chết của Người, Người đã chiến thắng sự chết, và những ai ở trong mồ được Người ban cho sự sống.
John Keenan, SSS
Highland Heights (Cleveland), Ohio, USA
[1] Denzinger, Schönmetzer. Enchiridion Symbolorum, *540, 287, p.180.
[2] Ἕκαστος δὲ ἐν τῷ ἰδίῳ τάγματι· ἀπαρχὴ Χριστός, ἔπειτα οἱ τοῦ Χριστοῦ ἐν τῇ παρουσίᾳ αὐτοῦ.
[3] Cf. Nicene-Constantinople Creed, Denzinger, Schönmetzer *150, 86, p. 66: “and he will come again in glory”.
[4] Britannica, T. Editors of Encyclopaedia (2016, April 1). prolepsis. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/art/prolepsis-literature.
[5] See Joachim Jeremias. The Eucharistic Words of Jesus (Norwich: Hymns Ancient and Modern Ltd, 2012).
[6] Bruce T. Morrill. Anamnesis as Dangerous Memory: Political and Liturgical Theology in Dialogue (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 2000), p.177.
[7] Dennis C. Smolarski. Liturgical Literacy: From Anamnesis to Worship (New York, NY/Mahwah, NJ: Paulist Press, 1990), p.11.
[8] Τοῦτο ἤδη τρίτον ἐφανερώθη Ἰησοῦς τοῖς μαθηταῖς ἐγερθεὶς ἐκ νεκρῶν. Cf. Jn 21:14
[9] Margaret Scott, The Eucharist and Social Justice (New York, NY/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2009), p. 69.
[10] Morrill, Anamnesis as Dangerous Memory, p. 34.
[11] Morrill, p. 34
[12] Morrill, p. 179