Bài 3 - Bí Tích Thánh Thể Nguồn Mạch Và Khuôn Mẫu Của Sự Tự Hiến

 

BÍ TÍCH THÁNH THỂ - NGUỒN MẠCH VÀ KHUÔN MẪU CỦA SỰ TỰ HIẾN 

“Trên hết, Kitô giáo là một quà tặng - Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói - Thiên Chúa tự hiến mình cho chúng ta, Người không ban tặng cái gì đó, nhưng lại ban tặng chính mình Người cho ta. Và điều này không chỉ xảy ra khi bắt đầu, lúc chúng ta hoán cải. Người mãi mãi vẫn là người trao ban. Người luôn ban cho chúng ta những ơn thánh của Người. Người luôn đi bước trước. Do đó, hành động trọng tâm của việc trở thành Kitô hữu là bí tích Thánh Thể: Đó là lòng biết ơn vì đã được đền đáp, đó là niềm vui vì cuộc sống mới mà Người ban cho chúng ta.”[1]

 Lời trích dẫn này của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vạch ra những đường nét cơ bản của sự trao hiến này. Toàn bộ sự tồn tại của con người chúng ta được đặt dưới dấu chỉ của quà tặng.

Thiên Chúa là Đấng trao ban, là Đấng tạo ra mọi ơn phúc (“Tất cả mọi ơn phúc tuyệt hảo và tốt lành nhất đều đến từ trên cao; chúng đến từ Cha của sự sáng”, Gc 1,17). Người tự hiến chính mình cho chúng ta cách đặc biệt qua Người Con là Đức Giêsu Kitô. Mọi sự trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô là một sự diễn tả của món quà từ Thiên Chúa Cha. Ở đỉnh điểm của đời mình, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta món quà là chính Mình và Máu của Người, món quà gói gọn trọn vẹn con người của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và Người dẫn chúng ta theo Người, mời gọi chúng ta hãy trở thành một quà tặng cho người khác, hiến dâng tất cả bản thân, cuộc sống của chúng ta cho tha nhân.

Chúa Giêsu Kitô: đời sống được ghi dấu là tặng phẩm

Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã nói: Chúa Giêsu Kitô là tình yêu hoàn hảo, Người là quà tặng đích thực;[2] Người là quà tặng Chúa Cha dành cho nhân loại; Người là món quà cụ thể; Người chính là “quà tặng”. “Sự hiện diện của Người trên trái đất và mối liên đới của Người với các thành viên trong Hội Thánh được thể hiện trong từ bé nhỏ này ‘quà tặng’”.[3]

Nếu chúng ta xem xét sự xuất hiện của động từ “trao ban” trong Tin Mừng của Thánh Gioan[4], chúng ta nhận thấy rằng nó được sử dụng cách rộng rãi trong mối liên hệ với Chúa Giêsu, Đấng được trình bày như là “quà tặng” tuyệt vời nhất của Thiên Chúa; nhưng Chúa Giêsu cũng cho và nhận quà tặng; hơn thế nữa, Chúa Cha luôn liên đới trong mối tương quan này.

Chúa Giêsu Kitô, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, khẳng định rằng Người đích thực là quà tặng của Thiên Chúa. Người tự xác định mình như một quà tặng bằng cách khẳng định thân phận của Người như một quà tặng do Chúa Cha ban cho.

Chính Chúa Cha là Đấng trao ban. Ngài là nguồn gốc của tặng phẩm: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một yêu quý của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).[5]

Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Đấng ban nước hằng sống. Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa đi xin, mà là Thiên Chúa ban cho. Chúa nói với người phụ nữ Samari: “Nếu chị biết ơn của Thiên Chúa, và biết ai là người nói với chị: ‘Xin cho tôi chút nước uống’, thì chị đã xin Người và Người sẽ cho chị nước hằng sống”. (Ga 4,10).

Món quà của Chúa Giêsu, dành cho người đón nhận nó, không ở trạng thái bất động, nhưng khơi lên tính năng động của món quà được lặp đi lặp lại: “Ai uống nước tôi cho, thì không bao giờ khát nữa; và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Ga 4,14).[6]

Sau câu chuyện hóa bánh ra nhiều, trong bài diễn từ dài của Chúa Giêsu tại Caphanaum, là vấn đề về món quà lương thực đem lại sự sống đời đời. Chúa Giêsu loan báo tặng phẩm bánh từ trời, bánh đích thực, trái ngược với manna. Đó là bánh do Thiên Chúa ban tặng, bánh ban sự sống.[7]

Không những bánh phải được trao ban mà chúng ta còn được Chúa Cha trao ban cho chính Người Con (x. Ga 6,37.39.65). Chúa Cha trao loài người cho Con của Người (“Tất cả những kẻ Chúa Cha ban cho tôi sẽ đến với tôi”, Ga 6,37), để cứu họ (“Đây là ý của Đấng đã sai tôi: tôi không để mất một ai trong những kẻ Người đã ban cho tôi, nhưng cho họ sống lại trong ngày sau hết” Ga 6,39).

Bánh mà Chúa Giêsu ban tặng là chính Người, đó là thịt của Người “được ban cho để thế gian được sống” (Ga 6,51).[8] Do đó, muốn lãnh nhận sự sống mà Chúa Kitô ban cho không thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải hiểu rằng Đức Kitô không chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng chính Người là nội dung của món quà này.

Do đó, Đức Kitô không ở ngoài lề của đức tin. Chính Người là nội dung của đức tin và đó là lý do tại sao chúng ta phải ăn bánh do Chúa Cha ban cho: thịt của Con Người.

Trong chương 10 của Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta nhận thấy một sự nhấn mạnh về món quà mà Chúa Giêsu đã làm bằng chính cuộc sống của mình. Người là mục tử nhân lành, mục tử đích thực, “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của mình” (Ga 10,11.15); Người “ban cho họ sự sống đời đời” (Ga 10,28).

Món quà sự sống này là một hành động mà Chúa Giêsu thực hiện một cách hoàn toàn tự do và đồng thời vâng phục mệnh lệnh của Chúa Cha, trong sự trao hiến tình yêu giữa Người và Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17-18).

Món quà mà Chúa Giêsu tự hiến là toàn thể con người của Ngài và trở thành sự diễn tả một tình yêu cao cả nhất, cũng là tình yêu duy nhất. Trong tính năng động của việc trao ban này, Chúa Giêsu đặt mình vào khả năng có thể bị từ chối; và trong chương 13 của Tin Mừng Thánh Gioan, khả năng này trở thành hiện thực đầy kịch tính.

Toàn bộ chương nói về việc trao ban. Chúa Giêsu ý thức rằng Chúa Cha “đã trao mọi sự (didomi/ trao ban) vào tay Người”, nên mọi sự Người trao ban đều tương ứng với tặng phẩm Chúa Cha đã ban cho Người, đó là: mọi sự (x. Ga 13,3).

Món quà mà Chúa Giêsu ban tặng là món quà ngày càng gia tăng. Trước hết, chúng ta có món quà là mẫu gương trong lúc rửa chân: “Thầy nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Sau đó, chúng ta có món quà là miếng bánh đưa cho Giuđa: “Chúa Giêsu đáp: ‘Chính là người mà Thầy sẽ trao miếng bánh chấm vào đĩa’. Người chấm một miếng đưa cho Giuđa, con ông Simon Ítcariốt” (Ga 13,26). Cuối cùng, chúng ta có món quà của điều răn mới, món quà của tình yêu thương nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Việc rửa chân, từ góc độ của sự phản bội, món quà nêu gương, món quà cắn rứt đối với Giuđa, kẻ hành động như một kẻ thù, lên đến đỉnh điểm là món quà của tình yêu, món quà của một điều răn mới, hàm ý một sự cho đi lẫn nhau (“người này và người kia”), dựa trên (“như”) tình yêu thương và việc thực hành của Chúa Giêsu dành cho những ai thuộc về Người. Tất cả những món quà này nhằm giúp các môn đệ có thể yêu như Chúa Giêsu, với cùng một sức mạnh, cường độ và chiều sâu.

Chương 17 của Tin Mừng Thánh Gioan bao gồm nhiều món quà.[9]

Chúa Cha trao cho Chúa Con một công việc để làm. Về điều này, Chúa Cha đã trao toàn quyền cho Chúa Con. Chúa Cha đã trao cho Con của Người “quyền trên mọi thụ tạo bằng xương bằng thịt (phàm nhân)” (Ga 17,2); Người cũng ban “sự sống đời đời” (Ga 17,2).

Các môn đệ, cũng như loài người nói chung, là quà tặng của Chúa Cha ban cho Con của Người (“tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con”, Ga 17,2.24; “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha” Ga 17,6).

Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha món quà là “Danh” của Ngài (Ga 17,11.12), lời của Ngài (Ga 17,8,14) và vinh quang của Ngài (Ga 17,22.24). Đến phần mình, Người (Chúa Con) ban tất cả những món quà này cho các môn đệ (“Bây giờ họ đã nhận biết rằng mọi điều Cha đã ban cho Con đều là của Cha, vì Con đã ban cho họ những lời Cha đã ban cho Con: họ đã nhận những điều đó và họ đã thực sự nhận ra rằng Con đến từ Cha, và họ đã tin rằng Cha đã sai Con”, Ga 17,7-8).

Chúa Cha ban bạn hữu cho Con của Người và Người Con hiến mạng sống mình cho những ai được trao ban cho Người. Hành động cho đi không phải dạng tầm thường, thứ yếu hay giai thoại; về cơ bản nó là một sáng tạo mới; cho đi là tạo ra một phương thức liên hệ mới.

Khi chúng ta kết thúc cuộc hành trình này qua Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta có thể thấy rằng món quà có liên quan đến một số yếu tố: nước, bánh, lời, sự sống, tình yêu, con người. Tất cả những điều này cho thấy sức sống của món quà mà Chúa Giêsu dành cho toàn thể nhân loại.

“Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh…”

Ở đỉnh điểm của đời mình, sống trong sự hiến thân trọn vẹn, Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta bí tích Thánh Thể.[10] Bí tích giống như một bản tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Người, xác nhận tất cả những gì Người là, nói cách khác, bí tích Thánh Thể chính là “điểm đặc trưng của Chúa Kitô”.[11]

Để hiểu được món quà mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, chúng ta phải nhớ lại bối cảnh của Bữa Tiệc Ly.

Thánh Phaolô, người đầu tiên kể cho chúng ta về trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể, đã diễn tả điều đó một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng: “Trong đêm Người bị trao nộp…” (1 Cr 11,23).[12] Bối cảnh lúc đó là tối đen, đầy sự đe dọa.

Đêm đó, Chúa Giêsu như một đối tượng bị Giuđa nộp vào tay các vị thượng tế. Sau khi trao nộp Người cho Philatô, Philatô lại trao Người cho quân lính, và cuối cùng Chúa Giêsu bị đưa đến cái chết trên thập giá.

Chúa Giêsu thấy mình đơn độc trước cái chết ô nhục đang đến với Người. Việc bắt giữ, xét xử, kết án và cái chết cho thấy một mạng lưới bạo lực không thể tách rời tồn tại xung quanh Người và vì Người: bạo lực thể xác, bạo lực chính trị và tư pháp, bạo lực tâm lý. Chúa Giêsu đã xoay chuyển tình cảnh bạo lực và chết chóc không thể tránh khỏi này. Người đã biến cái chết của mình thành một hành động tự do: Người bị trao nộp, nhưng đồng thời Người tự hiến mình; Ngài bị trao nộp và đồng thời Người tự nộp mình.[13]

Trong bối cảnh này, cử chỉ mà Chúa Giêsu “phát minh” ra có một sự thay thế nghịch lý, thật đáng kinh ngạc: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho. Người cũng làm như vậy với chén rượu. Người hiến tặng toàn bộ cuộc đời mình, Người cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha và cách hành động của Người. Bằng những lời Người công bố, Chúa Giêsu minh nhiên nói lên ý nghĩa cái chết của Người cho các môn đệ và cho thế giới.

Chúa Giêsu dâng mọi sự lên cho Thiên Chúa để biến đổi nó thành quà tặng, là cách duy nhất để biến đổi điều tiêu cực và xấu xa. Trong một hành động cao cả của tình yêu, Chúa Giêsu đã biến tất cả sự tàn bạo của thập giá thành một quà tặng.

Quyền năng của quà tặng của Thiên Chúa dưới dạng Thánh Thể là bánh và rượu. Bí tích Thánh Thể là nơi mà quà tặng hiến ban chính mình của Chúa Giêsu Kitô tiếp tục trở nên hiện thực và hữu hiệu cho toàn thể nhân loại.[14]

Khi Chúa Giêsu nói: “Đây là Mình Thầy và Thầy hiến trao cho anh em”, Người thông truyền món quà mà Người là: Người (chính hữu thể của Người, ngôi vị của Người) là quà tặng của Chúa Cha. Chúa Giêsu ban cho chúng ta món quà là thân mình của Người. Thân thể là bản ngã, là lịch sử, là sự sống. Điều mà Chúa Giêsu ban tặng là nhân tính của Người, với những khả năng và giới hạn của nó.

Bánh và chén rượu diễn tả trọn vẹn quà tặng của Chúa Giêsu, sự sống của Người đã hiến ban cho chúng ta. Sự hiện hữu của Chúa Giêsu là một sự hiện hữu được sống cho con người. Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, Người đã sống món quà này. Từ sự nhập thể cho đến thập giá, Chúa Giêsu là một quà tặng, Người hiến trao chính mình, Người là quà tặng tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại.

Khi Chúa Giêsu hiến ban chính Người cho chúng ta, Ngài không cân nhắc những gì Người cho, Người cho đi tất cả. Món quà nói với chúng ta về một tình yêu không cân đo đong đếm.[15]

Bí tích Thánh Thể là sự tưởng niệm về món quà của Chúa Kitô.[16] Qua các yếu tố bánh và rượu, Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng món quà được thực hiện cách trọn vẹn trong bí tích, không hối hận và không cần đền đáp. Thánh Thể là quà tặng của một người đã dấn thân hoàn toàn vào cử chỉ của mình, đến độ những của lễ mà Chúa Giêsu dâng lên được diễn tả là Mình và Máu Người. Đó là con người của Chúa Giêsu trong tất cả bề dày của nó (ước muốn, mối liên hệ, ký ức, lịch sử, những vết thương). Chúa Giêsu mở ra một con đường cho chúng ta. Ngài tự hạ để đến với phàm nhân thấp hèn, đến với loài thụ tạo chối từ Thiên Chúa và tự khép mình trong chốn tối tăm, để kêu gọi họ bước ra khỏi cõi chết mà tiến đến sự sống. Được ghi khắc nơi Người, chúng ta được chào đón vào Lễ Vượt Qua của Người, theo Người, và cùng đi với Người, Đấng đã đứng về phía chiến thắng. Các mối liên hệ mới được thiết lập.

Bí tích Thánh Thể khơi dậy động lực chào đón sự sống như một món quà vượt ra ngoài sự khép kín của chính chúng ta, cũng như khả năng đáp trả lại món quà sự sống này. Đối với chúng ta, đó là vấn nạn cần được làm sáng tỏ và cho phép bản thân được làm sáng tỏ theo luận lý mở ra khi chúng ta thực sự hiện diện với những gì được ban cho trong việc cử hành Thánh Thể.[17]

“Tình yêu đã khiến Người chết vì chúng ta, Romano Guardini đã viết, cũng chính là tình yêu đã khiến Người hiến mình làm lương thực cho chúng ta. Người không bằng lòng tặng ban cho chúng ta chỉ là những món quà, lời nói, lời khuyên của Người, nhưng Người còn cho đi chính mình. Chắc bạn sẽ phải hỏi một người phụ nữ, một người mẹ, một người tình để tìm một người có khả năng hiểu được nhu cầu này là cho đi không phải một thứ gì đó, mà là cho đi chính mình. Để hiến thân với tất cả con người của mình. Không chỉ tinh thần, không chỉ lòng chung thủy, mà cả thể xác và linh hồn, máu thịt của mình: mọi thứ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là tình yêu tột đỉnh khi muốn nuôi dưỡng người khác bằng những gì người đó là. Và Chúa đã tự hiến mình cho đến chết để, qua sự phục sinh của Người, bước vào trạng thái mà Người muốn hiến thân cho mọi người và trong mọi lúc.”[18]

Thánh Thể là quà tặng và là Đấng ban tặng

“Chúa Giêsu, trong bí tích Thánh Thể, không trao tặng ‘một cái gì đó’ nhưng trao ban chính mình Người; Người hiến thân mình và Người đổ máu mình ra. Bằng cách này, Người trao ban toàn bộ sự hiện hữu của mình, tỏ lộ nguồn mạch của tình yêu này. Người là Chúa Con hằng hữu được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta” (SC 7).

Chúa Giêsu có thể phân phát thân mình, vì Người thực sự trao ban chính mình người. Thánh Thể là món quà độc đáo. Cha Eymard viết: “Thánh Thể, còn hơn cả quà tặng, là chính Đấng tặng ban;[19] thật vậy, “Trái tim, tình yêu của Chúa Giêsu không bằng lòng với quà tặng, mà nó trao ban chính Đấng ban tặng.”[20] Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có quà tặng và Đấng tặng ban. Đấng ban tặng đến với chúng ta như một món quà và món quà chính là Đấng tặng ban.[21]

Bánh bị bẻ nát và rượu được đổ ra nơi bí tích Thánh Thể mặc khải Đấng trao ban: Chúa Kitô; đến lượt mình, trong sự tự huỷ (kenosis) của Người, tỏ lộ Đấng ban phát đầu tiên (Đấng là cội nguồn của mọi sự), đó là: Chúa Cha. Đây là đặc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải trao ban một thứ gì đó mà Người trao ban chính mình, Người chỉ có thể trao ban Tình Yêu bởi vì Người là tình yêu. Nếu Người tự trao ban chính mình theo những cách khác nhau, thì đó chỉ là những biểu hiện khác nhau của một Tình Yêu duy nhất.

Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô toàn hiến chính mình.

“Giáo hội có thể cử hành và tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể vì chính Chúa Kitô đã hiến mình trước cho Giáo hội trong Hy tế Thập giá. Khả năng cử hành (“làm nên”) bí tích Thánh Thể của Giáo hội hoàn toàn bắt nguồn từ việc Chúa Kitô tự hiến mình cho Giáo hội. Ở đây cũng vậy, chúng ta khám phá ra một khía cạnh thuyết phục trong công thức của Thánh Gioan: “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Như vậy, trong mọi cuộc cử hành, chúng ta cũng tuyên xưng tính ưu việt về món quà của Chúa Kitô. Nguyên nhân ảnh hưởng của bí tích Thánh Thể về nguồn gốc của Giáo hội cuối cùng tiết lộ tính có trước không chỉ về mặt thời gian mà còn về mặt bản thể học của sự kiện rằng Người đã yêu chúng ta ‘trước’. Người là Đấng yêu thương chúng ta trước đến muôn đời” (SCa, 14).

Bí Tích Thánh Thể có tất cả những đặc tính của một tặng phẩm đích thực.

Bí tích Thánh Thể là một món quà miễn phí, không vị kỷ, chân thành, được thực hiện không cần đặt trước, không tính toán;[22] bí tích Thánh Thể là một món quà cụ thể và nhập thể;[23] là một món quà trọn vẹn và vĩnh cửu, một món quà tổng thể và muôn đời;[24] bí tích Thánh Thể là một món quà luôn sẵn có, mà chúng ta có thể tiếp cận được; là món quà mang lại cho chúng ta sự sống;[25] đó là một món quà được cung cấp như một chất dinh dưỡng, một món quà có thể ăn được, là một món quà để xây dựng các mối quan hệ.[26]

Một đời sống quà tặng bản vị

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định mối liên hệ giữa con người với sự viên mãn của con người qua món quà bản vị: “Nhân loại, thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho Người, chỉ có thể tìm thấy chính mình một cách trọn vẹn nhờ việc hiến mình một cách vô vị kỷ” (GS 24).[27] Lời khẳng định này cho thấy một cách thiết yếu ý nghĩa của việc làm người: trao hiến chính mình một cách hoàn toàn và tự do.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Con người được dựng nên để cho đi; đó là món quà thể hiện và nhận ra chiều kích siêu việt của con người.[28]

Hiến tặng bản vị là đỉnh cao của con đường trưởng thành nhân bản và thiêng liêng của mỗi con người. Một con đường mà đích đến của nó là một sự hiện hữu có khả năng yêu thương như Chúa Kitô và yêu thương đến độ hiến mạng sống mình. Thánh Gioan nói: “Người đã hiến mạng sống vì chúng ta” (1 Ga 3,16).

Theo Chúa Kitô, yêu mến Chúa Kitô và bắt chước Chúa Kitô, là đi vào luận lý của quà tặng và một món quà mà Người đã tạo ra từ chính thân mình. Quà tặng bản thân định hướng cho cuộc sống của chúng ta và là điểm quy chiếu cho việc xây dựng nó.

Chúng ta phải ý thức rằng một sự tự do mới, mang tính vượt qua được hoàn thành trong sự hiến thân hàng ngày của chính chúng ta.[29] Chính con người với tư cách là một hữu thể tự do tìm thấy bản thân trong việc cho đi chính mình. Tự do là điều không thể thiếu để chúng ta có thể “tự hiến chính mình”, trở thành quà tặng cho người khác.[30]

Chúa Giêsu mặc khải, bằng chính cuộc sống chứ không chỉ bằng lời nói của Người, rằng sự tự do được hoàn thành trong tình yêu, nghĩa là trong sự tự hiến. Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13) tiến tới Cuộc Khổ nạn của Người cách tự do và trong sự vâng phục Chúa Cha, Người hiến mạng sống mình trên thập giá cho mọi người ( x. Pl 2,6-11).

Do đó, việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là con đường vương giả mà Giáo hội phải tiến tới mỗi ngày nếu muốn hiểu ý nghĩa trọn vẹn của sự tự do: tự hiến mình để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Và sự hiệp thông với Chúa chịu đóng đinh và phục sinh là nguồn mạch vô tận mà từ đó Giáo hội không ngừng kín múc để sống tự do, hiến thân và phục vụ.[31]

Thánh Thể làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô, giúp chúng ta tiếp xúc trực tiếp với tình yêu của Ngài, và làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Chúa Kitô yêu thương chúng ta, đến tột cùng của đức ái (x. Ga 13,1). Ân sủng của Thánh Thể nhằm dẫn người Kitô hữu đến tình yêu hoàn hảo: đến sự trao ban chính mình.[32] Bí tích Thánh Thể dẫn chúng ta đến việc nhận thức trọn vẹn về chính mình vì Thánh Thể giúp chúng ta đi vào luận lý của sự cho đi và dạy chúng ta cho đi chính mình.

a) Bí tích Thánh Thể quyến rũ, thu hút chúng ta và làm cho chúng ta đi vào luận lý của sự cho đi

Việc cử hành Thánh Thể giúp chúng ta tiếp xúc trực tiếp với chiều sâu của tình yêu Chúa Giêsu Kitô và qua món quà của Người là bánh và rượu, với tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói:

“Trong phụng vụ, Mầu nhiệm Vượt Qua tỏa sáng, qua đó chính Chúa Kitô lôi kéo chúng ta đến với Người và mời gọi chúng ta hiệp thông. (…) sự thật về tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Chúa Kitô, vươn tới chúng ta, hấp dẫn chúng ta và mang chúng ta đi, kéo chúng ta ra khỏi chính mình và hướng tới ơn gọi đích thực của chúng ta: tình yêu” (SCa, 35).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông thư Desiderio Desideravi (DD),[33] nhấn mạnh đến chiều kích của sự ngạc nhiên. Người mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị thu hút, lôi cuốn bởi quà tặng của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngài viết: “Sự chênh lệch giữa sự bao la của món quà và sự nhỏ bé của người nhận là vô hạn và không thể không làm chúng ta ngạc nhiên” (DD, 3).

Trong Bữa Tiệc Ly, “không ai dành chỗ trong bữa ăn. Mọi người đều được mời. Hay đúng hơn: tất cả đều bị thu hút bởi ước muốn cháy bỏng là Chúa Giêsu phải ăn Lễ Vượt Qua này với họ” (DD, 4).

Khi chúng ta tham dự bí tích Thánh Thể, “chúng ta được lôi cuốn bởi lòng khao khát của Người đối với chúng ta. Về phần chúng ta, sự đáp trả khả thi cũng là sự khổ hạnh đòi hỏi khắt khe nhất; và luôn luôn, chúng ta phó mình cho tình yêu của Người, để chúng ta được lôi cuốn đến với Người” (DD, 6).

Chắc chắn chúng ta bị đẩy đến thái độ kinh ngạc. Nhưng thật không may, điều có thể xảy ra là chúng ta trốn tránh sự lôi cuốn của vẻ đẹp nơi quà tặng của Chúa Kitô.

“Nếu thiếu đi sự kinh ngạc của chúng ta về Mầu Nhiệm Vượt Qua được hiện thực hóa trong tính cụ thể của các dấu chỉ bí tích, thì chúng ta thực sự sẽ có nguy cơ trở nên trơ lì, vô cảm trước đại dương ân sủng đổ tràn trên chúng ta mỗi lần Thánh Thể được cử hành. (...) Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không phải là kết quả của một cuộc tìm kiếm nội tâm cá nhân, mà là một sự trao ban: chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua thực tế mới của sự Nhập Thể, Đấng mà trong Bữa Tiệc Ly đã đi xa đến độ muốn trở nên của ăn cho chúng ta ăn” (DD, 24).

Khi chúng ta có khả năng kinh ngạc trước món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô, thì chúng ta nhận được “một động lực mới thúc đẩy chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người. Chúng ta trở thành nhân chứng khi, thông qua hành động, lời nói và hành vi của chúng ta, chính Đấng đó xuất hiện và tự giao tiếp trong ta. Chúng ta có thể nói rằng chứng tá là phương tiện mà qua đó sự thật về tình yêu của Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử, mời gọi con người đón nhận một cách tự do sự mới mẻ triệt để này. (...) Làm chứng đến độ tự hiến chính mình, đến độ tử đạo, trong lịch sử Giáo hội luôn được xem là tột đỉnh của sự tôn thờ mới trong thần khí: “Hãy hiến dâng thân mình” (Rm 12,1). Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện tử đạo của Thánh Polycarp thành Smyrna, một môn đệ của Thánh Gioan: toàn bộ diễn biến kịch tính được mô tả như một nghi thức phụng vụ, và thậm chí cuộc tử đạo của ngài được coi là cuộc tự hiến để trở nên Thánh Thể. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự ý thức về Thánh Thể mà Thánh Inhaxiô thành Antiokia bày tỏ trong cái nhìn về cuộc tử đạo của ngài: ngài coi mình là “hạt lúa mì của Thiên Chúa” và ngài ước muốn trở thành “bánh tinh tuyền của Chúa Kitô” trong cuộc tử đạo. Người Kitô hữu hiến mạng sống mình trong cuộc tử đạo sẽ được hiệp thông trọn vẹn với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô và như thế chính mình trở nên Thánh Thể với Người” (SCa, 85).

Chính việc cử hành Thánh Thể làm cho chúng ta đi vào luận lý của tặng phẩm cấu tạo mọi sự sống con người.[34] Bí tích Thánh Thể không cho chúng ta một khuôn mẫu sống để bắt chước. Bí tích Thánh Thể làm cho con người Thánh Thể trở nên sống động trong chúng ta. Vấn đề là trở nên như chúng ta đã là trong Chúa Kitô, nên việc cử hành Thánh Thể trở nên thiết yếu đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta. Bởi vì, trong bí tích Thánh Thể , căn tính sâu xa của chúng ta được cảm nghiệm, được xác định bởi thái độ đón nhận chính sự sống của Thiên Chúa và việc trở nên sống động theo phương thức duy nhất có giá trị, đó là tặng phẩm vì tình yêu.[35]

“Thân mình Thánh Thể” trước hết là một thân mình được trao ban và từ đó, cơ thể chúng ta được nuôi dưỡng bởi Thân Mình Chúa Kitô, nó cũng phải biết tự trao hiến.[36] Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên dấu chỉ “trong” bánh và rượu, và cũng “qua” bánh và rượu này. Bánh là thân xác bị trao hiến, rượu là máu được đổ ra, để trao ban sự sống. Trong bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện với tư cách là Đấng ban Mình và đổ Máu ra trong cuộc Vượt Qua, đó là món quà sự sống của Người.

Qua tấm bánh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên một với Người, cùng với ý định của Người để chuẩn bị bước vào Cuộc Khổ nạn, đó là đêm mà Người bị trao nộp, và thông hiệp với nhau qua việc tham dự vào ý định hiến trao mạng sống của Người.

Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta tham dự cách sâu xa hơn vào mầu nhiệm Vượt Qua, để cùng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, chúng ta dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa Cha.

b) Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta cách làm cho chính mình thành quà tặng cho người khác

Ý thức rằng nơi Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã hiến mình cho chúng ta cho đến chết, dẫn chúng ta đến việc không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Người và cùng với Người sống cho người khác.[37]

Đây là cách chúng ta nhận ra tình yêu: Chúa Giêsu, Ngài đã hiến mạng sống vì chúng ta. Chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống vì anh em mình” (1 Ga 3,16). Chúng ta, những người Ki-tô hữu đã nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu Kitô dành cho chúng ta qua sự hiện hữu của Người, qua cách Người hành động, giao tiếp (lời nói), liên hệ với những người mà Người gặp gỡ, nhất là, vì Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua. Tình yêu của chúng ta đạt đến độ hiến mạng sống vì anh chị em mình bắt nguồn từ gương sáng và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.

Trong câu này trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan, chúng ta có những tương ứng sau: “Người/chúng ta”, “Người đã cho/chúng ta phải cho”, “cho chúng ta/cho anh chị em của chúng ta”. Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta để chúng ta cũng làm như vậy, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể hiến mình cho người khác.[38] Đấng hiến mình thành tặng phẩm mời gọi chúng ta nên tặng phẩm cho người khác, Đấng trao hiến tất cả đòi chúng ta trao dâng tất cả. “Cuộc sống là một món quà được đón nhận bằng cách cho đi chính mình”.[39]

Chúng ta đã nói rằng sự tự hiến là đỉnh cao của con đường trưởng thành về nhân tính và về mặt thiêng liêng; do đó, sống theo bí tích Thánh Thể là cách duy nhất để sống và nhận biết sự hiện hữu của con người của chúng ta.[40]

Việc “tưởng niệm”, không ngừng được đổi mới và đào sâu về quà tặng của Thiên Chúa, làm nảy sinh khả năng tự hiến như một câu trả lời thích đáng nhất. Người nào hưởng lợi từ món quà thì được thúc đẩy để liều mình và hiến thân.

Bí tích Thánh Thể là bí tích dẫn đến sự kết hợp, biến đổi trong Chúa Kitô, đến độ ở lại trong nhau làm cho toàn bộ cuộc sống trở thành sự sống Thánh Thể (x. Ga 6,56-57).

Cử hành bí tích Thánh Thể làm nên sự hiện diện của Đấng mà chúng ta phải bắt chước; trong đó Đức Kitô hiện diện trong lễ vật hiến dâng lên Chúa Cha và cho nhân loại trong sự khiêm hạ, phục vụ, tận tụy và yêu thương. Tự hiến chính mình dẫn đến việc hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô để sống theo lối sống của Người, quy hướng cả cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô để được ở trong thế gian như Chúa Kitô.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã viết: “Để tiến bộ về các nhân đức, người Kitô hữu cần phải có một người mẫu chuẩn mực luôn hiện diện bên mình, một sức mạnh không ngừng gia tăng, thêm sức cho mình, một tình yêu luôn nâng đỡ mình. Giờ đây, chỉ trong bí tích Thánh Thể cực thánh, người đó mới tìm thấy ba điều tốt lành hoàn hảo này.”[41] Và ngài nói thêm: “Kitô hữu học cách tự hiến theo cách này qua việc Rước Lễ, nơi Chúa Giêsu hiến thân trọn vẹn và cá vị cho họ”.

Chúa Kitô trong Thánh Thể dạy chúng ta nói “xin vâng” với thập giá. Chúa Kitô dạy chúng ta rằng cái chết này là cái chết được sống trong tình yêu và sự trao ban, và vì lý do này, nó trở thành cái chết đem lại sự sống.[42] Bí tích Thánh Thể phá tan tính ích kỷ của chúng ta và giải phóng khả năng yêu thương của chúng ta, một tình yêu mạnh hơn sự chết (x. Dc 8,6).

Khi đã trở thành chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu, nhờ bí tích Thánh Thể, học cách sống cuộc sống như một quà tặng. Chúng ta sống theo luận lý của sức sống Thánh Thể. Nghĩa là, luận lý của một cuộc sống cho đi, cho đi thời gian và sức lực của mình, làm những cử chỉ quảng đại, phục vụ, đôi khi trong thinh lặng. Cho đi có nghĩa là chết đi cho chính mình và chỉ sống cho người khác, thậm chí đến mức hiến dâng mạng sống của mình.[43] Mục tiêu là sống một cuộc đời ngày càng giống với cuộc đời của Chúa Giêsu: cuộc đời hiến dâng cho thế giới.[44]

“Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta buông bỏ và hiến dâng chính mình. Không có Thánh Thể nào xứng đáng với Chúa Kitô nếu không có cam kết chia sẻ, tha thứ và hòa giải. ‘Bí tích hy tế’, hiện thực hóa món quà của Chúa Kitô nơi chúng ta, do đó, tiết lộ nhân tính cho chính chúng ta: ơn gọi tối hậu của chúng ta là chống lại mọi thứ có thể hủy diệt hoặc chia rẽ chúng ta, không phải là chinh phục và thống trị, mà là đón nhận và trao ban chính mình, để học hỏi qua từng ngày, để hướng tới một đời sống Thánh Thể. Tất cả những gì chúng ta sống trong tình yêu là cho đi và đón nhận, ngay cả những vết thương do bạo lực của thế giới gây ra đều có thể được Chúa Kitô đền bù lại trong bí tích Thánh Thể.”[45]

Vì thế, đó là một vấn nạn cho người đã trở thành chi thể của Chúa Kitô, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trở thành “đời sống được trao ban”, trong tất cả các phương thức, các hình thức và các cách diễn tả về tình yêu mà Chúa Kitô đã sống.

Quà tặng hiến dâng chính mình thì nói lên nhiều điều hơn là chỉ cho đi.[46] Đó không chỉ đơn giản là vấn đề cho đi một cái gì đó, mà là cho đi chính mình. Theo một nghĩa khác, vấn đề không phải là cho đi những gì mình có, mà là cho đi những gì mình là: “sự giàu có đích thực”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “không hệ tại ở việc có một cái gì đó và cho đi một cái gì đó, nhưng là ở khả năng cho đi chính mình.”[47]

“Ở các cộng đoàn của chúng ta, khi chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể, phải ý thức hơn bao giờ hết rằng hy lễ của Chúa Kitô là dành cho tất cả mọi người và rồi Bí tích Thánh Thể thúc giục mọi người, những ai tin vào Ngài phải trở thành ‘tấm bánh bị bẻ ra’ cho người khác và do đó dấn thân cho một thế giới công bằng và tình huynh đệ hơn. Nghĩ đến việc hóa bánh và cá ra nhiều, ngay cả ngày nay, chúng ta phải công nhận rằng Chúa Kitô vẫn tiếp tục thúc giục các môn đệ của Người hãy tự dấn thân: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi của mỗi người chúng ta thực sự hệ tại ở việc cùng với Chúa Giêsu trở thành tấm bánh được bẻ ra vì sự sống của trần gian” (SCa, 88).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến sức mạnh của việc trao ban chính mình cho người khác, vốn xuất phát từ chính bí tích Thánh Thể:

“Biết bao nhiêu người cha, người mẹ, với miếng bánh mì hàng ngày được cắt ra từ bàn ăn ở nhà, đã dốc lòng giúp con mình trưởng thành và lớn khôn! Biết bao Kitô hữu, với tư cách là những công dân có trách nhiệm, đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, những người bị loại trừ và bị kỳ thị! Họ tìm thấy sức mạnh ở đâu để làm tất cả những điều này? Chính trong bí tích Thánh Thể: trong sức mạnh của tình yêu của Chúa Phục Sinh, Đấng hôm nay cũng bẻ bánh ra cho chúng ta và lặp lại rằng: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.[48]

“Đối mặt với sự dữ, đau khổ và tội lỗi, phản ứng duy nhất có thể có đối với môn đệ của Chúa Giêsu là hiến trao chính mình, kể cả mạng sống, để bắt chước Chúa Kitô.”[49]

Vì thế, tự hiến mình cũng có nghĩa là chấp nhận đánh mất chính mình, qua một quà tặng quảng đại, trong một tình yêu tự do và tự nguyện.[50] Cho đi một cách chân thành là cho đi chính mình mà không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào, nói cách khác, đó là sự cho đi mà không có bất kỳ điều kiện hay giới hạn nào và cho đi mãi mãi.

Cho đi chính mình là nhìn người khác như một con người và là dấn thân xây dựng gia đình nhân loại;[51] quà tặng của sự trao ban chính mình cũng là nền tảng của sự tha thứ và khước từ hận thù và bất công.[52]

Sự tự hiến không tìm mục đích trong chính nó nhưng là trong sự hiệp thông;[53] thực vậy, mục đích của việc cho đi là hiệp thông và nên bạn hữu với Thiên Chúa, và hiệp thông với người khác.

Chỉ có sự hiệp thông mới cụ thể hóa ước muốn này trong sự trao ban hỗ tương. Mẫu mực tuyệt hảo của việc tự hiến là đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị, nơi cho và nhận, thì toàn vẹn mà không tạo ra sự bất bình đẳng, là điều tạo nên mầu nhiệm sâu thẳm nhất.

Chúng ta được dựng nên để trao ban, thậm chí còn hơn thế nữa là để hiệp thông. Nếu hiệp thông là điểm đến, thì cách để đạt được điều đó là sự dâng hiến chính mình cách chân thành; chính nơi đó mối tương quan hiệp thông được sinh ra. “Sự hiệp thông luôn luôn và không thể tách rời có một ý nghĩa cao sâu: hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta. Hai chiều kích gặp nhau một cách mầu nhiệm trong quà tặng Thánh Thể” (SC. 76).[54]

Phần kết luận

Bí tích Thánh Thể đem lại cho chúng ta một sự biến đổi rất sâu xa. Đó là sự sống của Chúa Kitô, một sự sống được trao ban, sự sống đó tỏa sáng trong chúng ta. Cha Eymard nói:

“Một viên pha lê, đặt nó trong bóng đêm, nó chỉ là một viên đá, đặt nó trong ánh sáng nhỏ, nó trở nên trong suốt, đặt nó dưới ánh mặt trời, người ta không thể nhìn nó nữa, nó giống như mặt trời, đó là Chúa của chúng ta, Người mọc lên và khi đến chính ngọ, linh hồn trở nên trong suốt trong tình yêu đích thực của Người. Từng chút một, dần dần, Chúa cư ngụ trong chúng ta, nhưng để có thể trao ban chính mình, Người phải tự hiến mình theo mức độ tương ứng của chúng ta, giống như quặng tự giải phóng, tự thanh lọc, từng cấp độ loại bỏ hợp kim. Càng tiến sâu vào Thiên Chúa, chúng ta càng nên thánh, (...) sự thánh thiện của những người được tuyển chọn chỉ đạt được khi họ trở nên trong suốt, khi có Chúa Giêsu trong lòng, và khi họ không còn là gì nữa trừ dáng vẻ bên ngoài. Khi Chúa Giêsu Kitô ngự trong chúng ta, chúng ta không được kìm hãm Chúa Kitô, mà chúng ta phải để cho Chúa Kitô hành động qua chúng ta.”

 

Cha Manuel Barbiero, SSS

Ý, ngày 14/9/2022

Bản văn gốc bằng tiếng Pháp


 

[1] Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Tiệc Ly, ngày 20/3/2008. Trong Tông huấn, thành quả của Thượng Hội đồng về Thánh Thể, Đức Bênêđictô XVI đã viết: “Thực tại đầu tiên của đức tin về Thánh Thể là chính sự mầu nhiệm của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô, chúng ta tìm thấy một cách diễn đạt sáng chói về vấn đề này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một duy nhất của Người, để hễ ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Vì Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để xét xử thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ' (Ga 3,16-17). Những lời này cho thấy gốc rễ về món quà của Thiên Chúa”, SCa 7.

[2] X. Saint Pierre-Julien Eymard, Complete Works, ed. Centro Eucaristico - Nouvelle Cité 2008, PO 30,7.

[3] Alain Mattheeuws, The “gift of self” opens the door to the spouses’ hearts, in NRT 142 (2020), tr. 45.

[4] Trong Tân Ước, chúng ta có 377 lần động từ “ban cho” (trong tiếng Hy Lạp là “didomi”).

[5] Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã viết: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có và tất cả những gì chúng ta là. Chúa Cha đã ban Con Một của Người. Chúa Con đã hiến dâng chính mình. Chúa Thánh Thần đã trở thành Đấng thánh hóa thường xuyên của chúng ta”, Complete Works, NR 44, 102. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Trong hồng ân phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là sự nhập thể của Người Con, Chúa Giêsu, và trong việc tuôn đổ Thánh Thần”, Thông điệp cho Ngày Quốc Tế bệnh nhân 2019.

[6] Jean-Luc Marion (1946 - đang sống), triết gia và nhà sử học người Pháp, đã nói về hiệu ứng thác: “Món quà chỉ được nhận để rồi lại được cho đi. (...) Món quà chỉ có thể được nhận nếu nó được cho đi, nếu không nó sẽ không còn xứng đáng với tên gọi của nó”, J.-L. Marion, L'idole et la distance, éd. Grasset và Fasquelle, 1977.

[7] “Trong hoang địa, tổ tiên chúng ta đã ăn ma-na; như lời Kinh Thánh nói, Ngài đã ban cho họ bánh từ trời để ăn. Chúa Giêsu nói với họ: Amen, amen, Tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi, Đấng ban cho các ông bánh thật từ trời xuống. Vì bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,31-33).

[8] Mở đầu Tin Mừng của mình, phần mở đầu, Thánh Gioan đã viết: “Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14).

[9] Trong 26 câu của chương này, động từ “ban cho” xuất hiện ít nhất 17 lần.

[10] Thánh Phêrô Giulianô Eymard: “Và đây là hành động cuối cùng của Chúa chúng ta. Người đã hiến ban chính mình và không gì có thể làm hơn, Người không còn là của Người nữa, mà là của chúng ta”, ngày 9/4/1868, Œuvres Complètes, PP 56, 3.

[11] Etienne Grieu, Pertinence sociale et politique de l’Eucharistie, dans Études, novembre 2012 – n. 4175, tr. 499.

[12] Giáo hội không muốn quên bối cảnh này và đã tiếp nhận đoạn văn này của thánh Phaolô trong Kinh nguyện Thánh Thể III.

[13] Chúng ta có thể liên hệ động từ “giao” với động từ “cho”, gần như là những từ đồng nghĩa. Quan điểm về quà tặng, được tìm thấy trong “exinanivit” của Thánh Phaolô, được chuyển dịch trong cử hành Thánh Thể bằng các phân từ “được chuyển giao” và “đổ ra”, liên quan đến mình và máu. Xem Frédérique Poulet, Célébrer l'Eucharistie après Auschwitz, chủ biên. Cerf, Paris 2015, tr. 309.

[14] “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi, để thế gian được sống” (Ga 6,51). Với những lời này, Chúa mặc khải ý nghĩa thực sự của việc hiến dâng mạng sống của Người cho mọi người, cũng cho chúng ta thấy lòng trắc ẩn sâu xa của Người dành cho mọi người (...) Mỗi cử hành Thánh Thể hiện thực hóa món quà mà Chúa Giêsu đã thực hiện bằng cuộc sống của Người trên thập giá cho chúng ta và cho toàn thế giới. Đồng thời, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi anh chị em chúng ta. Như vậy, chung quanh mầu nhiệm Thánh Thể nảy sinh lòng bác ái phục vụ tha nhân (...) nơi những người tôi tiếp cận, tôi nhận ra những anh chị em mà Chúa đã hiến mạng sống vì họ, yêu thương họ 'cho đến cùng' (Ga 13,1)”, SCa 88.

[15] Thánh Phaolô viết, Con Thiên Chúa “đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). “Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và hiến mình vì chúng ta, dâng mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa như hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2).

[16] “Bí tích tình yêu, Thánh Thể là quà tặng mà Chúa Giêsu Kitô tự hiến, mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Trong bí tích đáng ngưỡng mộ này, tình yêu 'cao cả nhất' được biểu lộ, tình yêu thúc đẩy người ta “hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Thực vậy, Chúa Giêsu “yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Với cách diễn đạt này, Thánh sử giới thiệu cử chỉ khiêm nhường vô cùng mà Chúa Giêsu đã thực hiện: trước khi chết thay cho chúng ta trên thập giá, Người thắt một tấm vải ngang lưng và cũng vậy, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương chúng ta ‘cho đến cùng’, đến độ ban Mình và Máu Người” (SCa, 1).

[17] X. Etienne Grieu, Pertinence sociale et politique de l’Eucharistie, dans Études, novembre 2012 – n. 4175, tr. 500-508.

[18] Romano Guardini, Jésus-Christ, éd. Guadarrama, Madrid 1960, tr. 123.

[19] Eymard, Œuvres Complètes, PG 279, 3.

[20] Eymard, Œuvres Complètes, PO 7, 15.

[21] “Bí tích tình yêu, Thánh Thể là quà tặng mà Chúa Giêsu Kitô tự hiến, mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Trong bí tích đáng ngưỡng mộ này, tình yêu ‘cao cả nhất’ được biểu lộ, tình yêu thúc đẩy người ta ‘hy sinh mạng sống vì bạn hữu’ (Ga 15,13). Thực vậy, Chúa Giêsu “đã yêu họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Với cách diễn đạt này, Thánh sử giới thiệu cử chỉ khiêm nhường vô hạn mà Chúa Giêsu đã thực hiện: trước khi chết trên thập giá cho chúng ta, Người đã thắt khăn quanh thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương chúng ta ‘cho đến cùng’, đến độ trao ban Mình và Máu Người”, SCa, 1.

[22] Chúa Giêsu không xem xét những người mà Người hiến mình cho có xứng đáng hay không, tình trạng đạo đức hay khả năng trí tuệ và sự hiểu biết của họ ra sao. Hành động yêu thương của Người là tự do, không mong đợi được đáp lại. “Chúa Giêsu Kitô (...) thông ban cho chúng ta chính sự sống thần linh trong quà tặng Thánh Thể. Đó là một món quà hoàn toàn miễn phí.” SCa, 8.

[23] Chúa Giêsu đã không đưa ra những suy nghĩ của mình, nhưng là bản thể của Người, chính Người. Điều Chúa Giêsu ban cho chúng ta, nơi bánh và rượu, là sự hiện hữu cụ thể của Người.

[24] Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó trọn vẹn, với tất cả tình yêu và tất cả sự sống của Người, dành cho tất cả mọi người nam nữ, tất cả vì mỗi người. Người hiến thân cho đến cùng, đến độ bị bỏ rơi.

[25] Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có sự sống của Thiên Chúa, sự sống của Chúa Ba Ngôi, sự sống chiếm lấy chúng ta một cách hoàn toàn và làm cho chúng ta bước vào sự sống mới bên kia sự chết. “Trong bánh và rượu, dưới hình thức mà Đức Kitô hiến mình cho chúng ta trong bữa tiệc Vượt Qua (x. Lc 22,14-20; 1 Cr 11,23-26), chính toàn bộ sự sống thần linh đến với chúng ta và tham dự vào chúng ta dưới hình thức Bí Tích.” SCa, 8.

[26] Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trở thành bánh để thấm nhuần tất cả, để ‘nên một’ với tất cả. Món quà Thánh Thể dành cho tất cả mọi người, và tất cả đều có thể học cách cho và nhận, cho và đón nhận. Thánh Thể, biến chúng ta thành “một thân thể” (x. 1 Cr 10,16-17; Ep 4,15-16), tự thể hiện như một động lực sâu xa của tình yêu hỗ tương, của sự hiệp thông mật thiết và sâu xa, của sự hiệp nhất trong một “sự hài hòa đa dạng thu hút”. Ví dụ: 117.

[27] “Nhân loại, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và để hiệp thông với Chúa Kitô, chỉ có thể tìm thấy chính mình một cách trọn vẹn nhờ việc hiến dâng chính mình một cách vô vị lợi (GS 24). Việc hoàn thiện ngôi vị của mình qua sự tự hiến này, nghĩa là cởi mở với người khác, chấp nhận và tôn trọng sự sống”, bí tích Thánh Thể, Quà tặng của Thiên Chúa cho Sự sống của Thế giới, Tài liệu Thần học Cơ bản cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Thành phố Quebec, Tháng 6 năm 2008. Quà tặng là một khái niệm trọng tâm trong suy tư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, x. Pascal Ide, Thần học về quà tặng. Les occurrences de Gaudium et spes, 24 § 3 chez Jean Paul II, trong Anthropotes, 17/1 (2001), trang 149-178. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra ý tưởng này trong thông điệp Fratelli tutti (FT) của mình: “Con người được tạo dựng theo cách mà họ chỉ có thể nhận ra chính mình, phát triển bản thân và đạt đến sự viên mãn của mình thông qua việc tự hiến chính mình một cách vô vị lợi. Chúng ta thậm chí không thể nhận ra sự thật của chính mình ngoại trừ trong cuộc gặp gỡ với những người khác. FT, 87.

[28] Benedict XVI, Love in Truth, 34.

[29] Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ lần thứ XV về Giới trẻ, Đức tin và Biện phân ơn gọi, 2018, 76.

[30] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Tự do được hoàn thành trong tình yêu, nghĩa là trong sự hiến thân”, Veritatis Splendor, 87.

[31] X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, 87.

[32] Tự hiến là tình yêu theo nghĩa đầy đủ của từ này. Yêu thực sự là hiến thân. Sự tự do của chúng ta được hoàn thành trong tình yêu, nghĩa là trong sự tự hiến.

[33] Francis, Desiderio Desideravi (DD), apostolic letter, June 29, 2022.

[34] X. Vie reçue, vie donnée. L'offrande eucharistique, Service National de la Pastorale Liturgique et Sacramentelle, Mame, Paris 2019, tr. 41.

[35] Vie reçue, vie donnée, p. 19.

[36] X. Emmanuel Falque, Les Noces de l’Agneau, éditions du Cerf, Paris 2011, tr. 227.

[37] X. Benedict XVI, Deus Caritas est, 33.

[38] Cf. Giuseppe Crocetti, Dare la vita per i fratelli, in Il Cenacolo, agosto-settembre 2022, n. 6, p. 25-26.

[39] Francis, Homélie dimanche des rameaux, 5 April 2020.

[40] “Tự hiến có nghĩa là để cho tất cả sức mạnh của tình yêu vốn là Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động trong chính mình và, do đó, nhường chỗ cho sức mạnh sáng tạo của nó. Và hiến thân ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất, như Thứ Năm Tuần Thánh của Chúa Giêsu, khi Ngài biết những phản bội và âm mưu đang diễn ra như thế nào, nhưng Ngài đã hiến dâng chính mình và chương trình cứu độ của Ngài cho tất cả chúng ta. Khi tự hiến chính mình, con người tìm thấy mình có căn tính thực sự là con Thiên Chúa. Giống như Chúa Cha và giống như Ngài, là người cho đi sự sống, là anh em của Chúa Giêsu, Đấng mà họ làm chứng”, Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ, Quito, Ecuador, ngày 7 tháng 7 năm 2015.

[41] Eymard, Œuvres Complètes, RA 17,14.

[42] “Đó là sự thúc đẩy vượt qua tiếng Xin Vâng của thập giá, nghĩa là, qua sự vâng phục hoàn toàn và không sở hữu... chúng ta phải tham gia với Người vào lịch sử của lòng tín trung, về Tình yêu trao ban và đón nhận, bằng cách chấp nhận chia sẻ ‘hy tế’ với Người, nghĩa là, trong hành động, qua đó Người tự nguyện hiến dâng mạng sống mình bằng cách đặt mọi sự dưới sự che chở của Chúa Cha... Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng làm cho mối liên hệ của chúng ta với Đức Kitô trở thành mối tương quan nội tâm, làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, Đức Ông Claude Dagens, Le sacrement du sacrifice, in Christus 242, tr. 159.

[43] Ví dụ rõ ràng nhất là cử chỉ của Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, khi Người rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-15).

[44] Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào tính năng động của mầu nhiệm Vượt Qua trong tính toàn thể của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể cử hành Thánh Thể trong sự thật nếu không có tự do và tự nguyện chấp nhận sống như Chúa Kitô đã chết cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi rước lễ, chúng ta đón nhận mầu nhiệm tự hủy mình ra không của Người. Qua đó, Người trở nên một trong chúng ta, thành nô lệ của chúng ta, đến nỗi rửa chân cho chúng ta và hiến mạng sống trên thập giá vì chúng ta (x. Pl 2,6-9). “Chiều kích tự huỷ cấu thành việc thiết lập bí tích Thánh Thể”, F. Poulet, Célébrer l'Eucharistie après Auschwitz, tr. 17.

[45] Đức ông Claude Dagens, Le sacrement du sacrifice, in Christus n. 242, p. 164.

[46] “Tự hiến mình thiết lập mối tương quan giữa các cá nhân không được tạo ra bằng cách trao tặng ‘đồ vật’, nhưng bằng cách trao tặng chính mình. Trong mỗi món quà, chính con người được dâng hiến”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giảng Thánh Lễ, Quito, Ecuador, ngày 7 tháng Bảy, 2015.

[47] John Paul II, Address to religious women, Cathedral of Our Lord in La Paz, 10-5-1988, n. 7.

[48] Francis, Corpus Domini Homily, May 26, 2016.

[49] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn tại Chặng Đàng Thánh Giá với Giới Trẻ, nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXXI, Ba Lan, 29 tháng 7, 2016.

[50] Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, đã viết: “Tôi có thể cho người đói tất cả của cải của tôi, có thể bị thiêu sống, nhưng nếu thiếu tình yêu thì tôi cũng chẳng ích gì” (1 Cr 13,3). ).

[51] “Tình bạn được gọi là ‘nhân ái’ khi chúng ta nắm bắt và trân trọng ‘giá trị lớn lao’ của người khác. Vẻ đẹp – ‘giá trị lớn’ của người khác không trùng với sự hấp dẫn về thể chất hoặc tâm lý của người đó - cho phép chúng ta trải nghiệm sự thiêng liêng của con người họ mà không cần bắt buộc phải sở hữu nó. (...) Tình yêu đối với người khác ngụ ý sở thích chiêm ngưỡng và đánh giá cao vẻ đẹp và sự thiêng liêng của cá nhân con người ấy, thứ tồn tại vượt trên nhu cầu của tôi. Điều này cho phép tôi tìm kiếm điều tốt cho anh ấy khi tôi biết rằng anh ấy không thể là của tôi hoặc khi anh ấy trở nên xấu xí, hung hăng hoặc phiền phức về thể chất. Đây là lý do tại sao khi chúng ta yêu một người là chúng ta cho họ một cái gì đó”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Amoris Laetitia, 127.

[52] “Qua việc tưởng niệm hy tế của Người, Người củng cố sự hiệp thông giữa các anh em và đặc biệt, Người thúc giục những người đang xung đột mau chóng hòa giải bằng cách mở lòng ra để đối thoại và dấn thân cho công lý”, SCa 89.

[53] “Tự do là sự tự chủ không thể chuyển nhượng và đồng thời là sự cởi mở phổ quát đối với tất cả những gì hiện hữu, bằng cách vượt ra khỏi chính mình để hướng tới sự hiểu biết và tình yêu của người khác. Do đó, nó bắt nguồn từ sự thật về nhân loại và lấy sự hiệp thông làm mục đích của nó”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, 86.

[54] “Nơi nào sự hiệp thông với Thiên Chúa, nghĩa là hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bị phá hủy, thì gốc rễ và nguồn mạch của sự hiệp thông giữa chúng ta cũng vậy. Và nơi nào sự hiệp thông giữa chúng ta không sống động thì sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng không sống động và chân thực”, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Buổi tiếp kiến chung, ngày 29 tháng 3 năm 2006.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.