Bí Tích Thánh Thể và Đời Sống Ki-tô Hữu

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

  

Nhớ và cột mốc giúp trí nhớ

Trong đời sống con người, trí nhớ là yếu tố quan trọng để có thể phát triển bản thân và quan hệ xã hội, để tạo nên mọi tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Bộ nhớ điện tử ngày nay đã trở nên thiết yếu trong đời sống, nó giúp ích rất nhiều cho khoa học, giao thông, liên lạc. Người ta đang chạy đua tạo những bộ nhớ siêu mạnh.

Con người sống trong thời gian và không gian, với bộ nhớ có giới hạn và tới tuổi nào đó bắt đầu quên, thâm chí mất trí nhớ. Vì thế con người luôn cần đến những “cột mốc” trong không gian và thời gian để “giúp trí nhớ”, hầu phát triển bản thân và xã hội.

Tôi sẽ lần lượt gợi vấn đề từ kinh nghiệm làm người, rồi kinh nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước với rất nhiều cột mốc trong thời gian và không gian để nhắc nhớ căn tính và mời gọi sống theo căn tình của mình. Bí Tích Thánh Thể.

1. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Bài hát rất thân thương “Quê hương là chùm khế ngọt…” kết thúc với một lời thật sâu sắc: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Những kỷ niệm về thời thơ ấu với những cột mốc nho nhỏ thân thương ngọt ngào như chùm khế ngọt, êm đềm như tiếng con đò nhỏ khua nước bên sông, thơ ngây như rượt bướm vàng bay, trên đường từ mái trường làng về mái tranh ấm áp thân yêu, với hình ảnh mẹ hiền về trên cầu nhỏ, nón lá nghiêng che. Những cột mốc còn mãi đó để gợi nhớ những kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, tạo nên tâm tính hiền hòa của người Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cá nhân, gia đình nào cũng có những ngày kỷ niệm, từ sinh nhật đến ngày giỗ, ngày cưới, ngày xây nhà, ngày thi đỗ…

Lễ của tập thể, cộng đồng thì có hội; lễ nào cũng có lạc kèm theo.

Dân tộc nào cũng cần những huyền thoại để nhớ cội nguồn xa xưa, bản sắc dân tộc. Huyền thoại không phải là chuyện bịa đặt, nhưng là một hình thức văn chương có vẻ đơn sơ nhưng thật sự rất súc tích để thâu tóm cả một dòng lịch sử lâu dài trong sự hình thành và phát triển của dân tộc. Chúng ta có huyền thoại mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân để nói về nguồn gốc cao đẹp của dân tộc, có huyền thoại Vua Hùng dựng nước, huyền thoại thánh Gióng… để nói lên ý chí quật cường bất khuất của dân tộc và giải thích tại sao chúng ta có thể đánh đuổi bao nhiêu đạo quân xâm lược ra khỏi quê cha đất tổ. Chúng ta có Đền Hùng, có ngày giỗ tổ Hùng Vương, có Chi Lăng, có sông Bạch Đằng như những cột mốc thời gian và không gian để không quên nguồn gốc và bản sắc hào hùng của dân tộc, và nhắc dân ta sống xứng đáng với Mẹ Âu Cơ, với công dựng nước của vua Hùng, với ý chí quật cường chống mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước, quê hương và nòi giống Con Rồng Cháu Tiên, mấy ngàn năm không để cho bất cứ kẻ xâm lược nào đồng hóa.

2. Cột mốc không gian và thời gian trong Cựu Ước.

Thiên Chúa tạo nên con người để sống và vươn lên trong tương quan với Ngài, trong thời gian và không gian. Vì thế trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa cũng tỏ mình ra cho con người bằng nhiều thể nhiều cách, từ chính công trình tạo dựng đến những giao ước, để dạy con người vươn lên trên cái thế giới vật chất “phù du” mà Ngài đã tạo lập như cái nôi, trước khi cho con người xuất hiện trên địa cầu.

Con người bé nhỏ, mỏng giòn nhưng là đỉnh cao của mọi loài thụ tạo, vì chỉ con người mới có thể sống tương quan liên vị với Thiên Chúa, có thể “nghe”, “nhìn”, nhận biết, yêu mến và đối thoại với Thiên Chúa, đón nhận và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người lớn lên vừa như cá nhân, vừa như cộng đồng, nên Thiên Chúa lập Giao Ước, với những cột mốc ghi nhớ trong không gian: vật thể và nơi chốn - và trong thời gian: các ngày lễ hội, để giúp mỗi người và toàn dân của Giao Ước nhớ mình là ai và phải sống thế nào.

Sách Thánh kể cho chúng ta giao ước của Thiên Chúa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, ba ông tổ của dân Ít-ra-en. Áp-ra-ham được Thiên Chúa gọi ra khỏi nhà cha mẹ, khỏi quê cha đất tổ để đến một miền đất mới do chính Thiên Chúa chọn cho ông và trở thành thủy tổ của một dân được Thiên Chúa nhận làm dân riêng của Thiên Chúa, được biết và thờ phượng Thiên Chúa. Áp-ra-ham đáp lời Thiên Chúa, ra đi mà không biết mình đi đâu, chờ Thiên Chúa dẫn đi từng bước như lời Ngài hứa. Khi tới Si-khem, đến cây sồi Mô-rê ở đất Ca-na-an thì Thiên Chúa xác nhận: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi”. “Tại đây ông đã lập một bàn thờ để kính Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với ông” (St 12,1-9; Hr 11,8). Đó là cột mốc đầu tiên ông Áp-ra-ham dựng tại miền Đất Hứa.

Bấy nhiêu đã đủ cho ông trở thành “tổ phụ của những kẻ có lòng tin vào Thiên Chúa” (Rm 4,11). Nhưng ông còn phải lưu lạc và trải qua nhiều thử thách nữa. Thử thách cuối cùng là Thiên Chúa truyền cho ông đem đứa con một yêu dấu là I-xa-ác tới “ngọn núi Thiên Chúa sẽ chỉ cho” và dâng con làm của lễ toàn thiêu. Mọi lời hứa của Thiên Chúa như bị tan thành khói trong cuộc tế lễ này, thế mà ông cũng vâng theo.

Phút chót, Thiên Chúa nhận tấm lòng của ông chứ không để ông giết con, và Thiên Chúa long trọng xác nhận lại lời hứa cho ông thành cha của nhiều dân tộc:

“Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22,16-18).

3. Giao Ước với dân đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ

Dòng dõi Áp-ra-ham lưu lạc sang Ai-cập và rơi vào thân phận nô lệ. Thiên Chúa trung thành với giao ước đã lập với Áp-ra-ham nên can thiệp đưa họ ra khỏi Ai-cập. Thiên Chúa phán với ông Mô-sê:

“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

ĐỨC CHÚA phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút.  Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập.  Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”

Thiên Chúa đã can thiệp quyết liệt, khiến Pha-ra-ô buộc lòng phải cho đám nô lệ ra đi:

Con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con. Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo. (Xh 12,37-38).

Khi con cái Ít-ra-en và đám đông hỗn tạp tới núi Xi-nai thì Thiên Chúa lập Giao Ước để nhận tất cả làm dân của Thiên Chúa và ban cho họ Luật Giao Ước để họ biết sống làm “dân của Thiên Chúa”.

Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, ĐỨC CHÚA gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. (Xh 19,3-6).

Sách Xuất Hành kể tiếp. Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên núi để phán dạy.

Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.”  Ông Mô-sêchép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.  Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24,3-8)

Ông Mô-sê dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en để là cột mốc ghi nhớ ngày Thiên Chúa lập giao Ước với họ. Thiên Chúa còn cho một cột mốc di động khác, đó là hai Bia Đá do Thiên Chúa khắc luật Giao Ước và trao cho ông Mô-sê, gọi là Bia Chứng Ước, và truyền đặt trong một cái hòm (rương) do Thiên Chúa ra mẫu, gọi là Hòm Bia Chứng Ước (x. Xh 25,10-16), để họ khiêng theo suốt cuộc hành trình vào tận Đất Hứa (x. Gs 3,14-17).

Thiên Chúa lại truyền lập cột mốc nữa:

Khi toàn dân đã qua sông Gio-đan hết, ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê: “Hãy chọn mười hai người trong dân, mỗi chi tộc một người, và truyền lệnh này cho họ: từ nơi này, từ giữa lòng sông Gio-đan, nơi các tư tế đã đặt chân lên, anh em hãy lấy đi mười hai tảng đá, đem qua sông với anh em và đặt ở nơi anh em dừng lại nghỉ ngơi đêm nay.” Ông Giô-suê gọi mười hai người ông đã chỉ định trong hàng con cái Ít-ra-en, mỗi chi tộc một người. Ông bảo họ: “Hãy đến trước Hòm Bia ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, tận giữa lòng sông Gio-đan, và mỗi người vác một tảng đá trên vai, đúng theo số các chi tộc con cái Ít-ra-en, để làm dấu hiệu giữa anh em. Mai ngày khi con cái anh em hỏi: ‘Những tảng đá này có nghĩa gì đối với quý vị?’, anh em sẽ trả lời: ‘Là vì nước sông Gio-đan đã bị chặn lại trước Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA; khi Hòm Bia qua sông Gio-đan, nước sông Gio-đan đã bị chặn lại; và các tảng đá này là bia kỷ niệm đối với con cái Ít-ra-en cho đến muôn đời.’” Con cái Ít-ra-en làm đúng như ông Giô-suê đã truyền: Họ lấy đi mười hai tảng đá, từ giữa lòng sông Gio-đan, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông Giô-suê, đúng theo số các chi tộc con cái Ít-ra-en; họ đem theo qua sông đến nơi họ dừng lại, và đặt ở đó. 9Rồi ông Giô-suê dựng mười hai tảng đá ở giữa lòng sông Gio-đan, nơi các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước đã đặt chân lên; các tảng đá ấy vẫn còn ở đó cho đến ngày nay.

Sau khi chiếm lĩnh Đất Hứa, ông Giô-suê triệu tập đại hội toàn dân tại Si-khem, giữa hai núi Ga-ri-dim và Ê-ban, để toàn dân cam kết công khai cam kết tuân giữ Luật Giao Ước. [Xin nhắc lại: Si-khem là nơi Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban đất này cho dòng dõi ông, và ông đã lập bàn thờ như cột mốc đầu tiên: St 12,6-7]. Ông Giô-suê lập một cột mốc nữa:

Trong ngày ấy, ông Giô-suê thay mặt dân kết giao ước, ông đưa ra quy luật và điều luật ở Si-khem. Ông Giô-suê viết những lời đó trong Sách Luật của Thiên Chúa. Ông lấy một tảng đá lớn và dựng ở đó, dưới cây sồi trong nơi thánh của ĐỨC CHÚA. ÔngGiô-suê nói với toàn dân: “Đây, tảng đá này sẽ làm chứng về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời ĐỨC CHÚA phán với chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ Thiên Chúa của anh em.” ÔngGiô-suê giải tán dân chúng, ai nấy trở về phần đất họ đã nhận làm gia nghiệp. (Gs24,25-28)

4. Thoái hóa

Bấy nhiêu cột mốc cố định và Hòm Bia Chứng Ước, như cột mốc di động, cũng không đủ giữ cho dân trung thành với Giao Ước.

Bấy giờ ông Giô-suê giải tán dân chúng, và con cái Ít-ra-en ai nấy về nơi mình đã trúng thăm làm gia nghiệp, để chiếm hữu đất đai. Dân đã phục vụ ĐỨC CHÚA suốt thời ông Giô-suê và suốt thời các kỳ mục là những người sống lâu sau ông Giô-suê, và đã chứng kiến tất cả những công cuộc vĩ đại ĐỨC CHÚA đã thực hiện cho Ít-ra-en. Ông Giô-suê, con ông Nun, tôi trung của ĐỨC CHÚA, từ trần, thọ một trăm mười tuổi. Người ta chôn cất ông tại thửa đất ông đã nhận được làm gia nghiệp ở Tim-nát Khe-réttrong vùng núi Ép-ra-im, phía bắc núi Ga-át. Khi đến lượt cả thế hệ ấy về sum họp với tổ tiên mình, thì xuất hiện một thế hệ kế tiếp không hề biết ĐỨC CHÚA và những công cuộc Người đã thực hiện cho Ít-ra-en.

Con cái Ít-ra-en đã làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, và đã làm tôi các thần Ba-an. Họ đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận ĐỨC CHÚA. Họ đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA để làm tôi thầnBa-an và các nữ thần Át-tô-rét. (Tl 2,6-13).

Hòm Bia Chứng Ước thay vì nhắc họ trung thành với Giao Ước, trở thành “đồ thờ”, và họ coi như “bùa hộ mạng”. Lúc lâm nguy trong cuộc chiến với người Phi-li-tinh thì họ khiêng Hòm Bia Chứng Ước ra trận để Thiên Chúa chiến đấu giùm họ. Nhưng

Người Phi-li-tinh giao chiến. Ít-ra-en bị đánh bại và ai nấy chạy trốn về lều của mình. Đó là một đòn rất đau: về phía Ít-ra-en có ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai con ông Ê-li là Khóp-ni và Pin-khát bị giết. (1 Sm4,10-11).

Sau này vua Salomon xây Đên Thờ làm nơi Chúa ngự và đặt Hòm Bia Chứng Ước trong nơi cực thánh. Nhưng rồi chính Salomon cũng không trung thành:

ĐỨC CHÚA nổi giận với vua Sa-lô-môn, vì lòng vua rời xa ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều ĐỨC CHÚA đã truyền.

ĐỨC CHÚA phán với vua Sa-lô-môn: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi. (1 V 11,9-11)

Ba trăm năm sau, ngôn sứ Giê-rê-mi-a tố cáo dân:

Đây là lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giê-rê-mi-a: Ngươi hãy đứng ở cửa Đền Thờ ĐỨC CHÚA và tuyên bố những lời sau đây: Tất cả những người Giu-đa qua cửa này vào thờ phượng ĐỨC CHÚA, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA. ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa của Ít-ra-en phán: Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đã có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA!” Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bằng với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời. Nhưng các ngươi lại ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!”, sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Vậy các ngươi hãy đi đến Si-lô, nơi đã một thời thuộc về Ta, nơi Ta đã lưu ngụ thuở ban đầu. Hãy xem: vì tội ác của dân Ta là Ít-ra-en, Ta đã làm gì cho nơi ấy. Bởi vì các ngươi đã làm tất cả những việc ấy –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–, và bởi vì Ta đã không ngừng nói với các ngươi mà các ngươi chẳng thèm nghe, Ta gọi các ngươi, các ngươi chẳng trả lời, nên giờ đây, Ta sẽ đối xử với Đền Thờ này, nơi danh Ta được kêu khấn, nơi các ngươi tin tưởng, nơi mà Ta đã ban cho các ngươi cũng như cho tổ tiên các ngươi, Ta sẽ đối xử với nó như đã đối xử với Si-lô. Ta sẽ xua đuổi các ngươi khỏi mặt Ta như đã xua đuổi tất cả anh em các ngươi, toàn thể dòng dõi Ép-ra-im. (Gr 7,1-14)

Cuối cùng, thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị phá, dân Giu-đa bị lưu đày:

Ngày mồng bảy tháng năm, – đó là năm thứ mười chín triều Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lon, vào Giê-ru-sa-lem. Ông đốt Nhà ĐỨC CHÚA, đền vua và mọi nhà cửa ở Giê-ru-sa-lem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. Toàn thể đạo quân Can-đê, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. Quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Ba-by-lon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác. (2 V 25,8-12).

Bản văn trên không cho biết số phận Hòm Bia Chứng Ước. Theo sách 2 Ma-ca-bê:

vị ngôn sứ [Giê-rê-mi-a], khi được Thiên Chúa dạy bảo, đã truyền phải đưa Lều và Hòm Bia cùng đi với ông lên núi [Nê-bô] ông Mô-sê đã lên để nhìn ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa. Khi đến đó, ông Giê-rê-mi-a gặp thấy một cái nhà giống hình một cái hang; ông đưa Lều, Hòm Bia và bàn thờ dâng hương vào đấy, rồi bít cửa lại. Sau đó, một số người đồng hành với ông tính trở lại để đánh dấu con đường, nhưng họ không thể tìm ra. (2 Mcb 2,4-6)

Ngoài Hòm Bia Chứng Ước và các cốt mốc, còn có những ngày lễ làm cột mốc thời gian, nhưng ngôn sứ I-sai-a cũng vạch rõ:

Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán.

Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo.

ĐỨC CHÚA phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì?

Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!

Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta?

Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa.

Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình.

Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi.

Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa.

Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe.

Vì tay các ngươi đầy những máu.

Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

ĐỨC CHÚA phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!

Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.

Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.”

Miệng ĐỨC CHÚA đã phán như vậy. (Is 1,10-20)

Họ đã từ chối và phản nghịch, nên đã phải ăn gươm ăn giáo! Không thể mua chuộc Thiên Chúa. “Vì Ta, Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu. (Hs 6,6)

Cũng không thể lấy vải sô che mắt thánh: “Ta, Ta thấy rõ hết!” (Gr 7,11)

Sách Đệ Nhị Luật, cuốn cuối cùng trong bộ Luật Mô-sê, viết sau khi vương quốc phía Bắc đã bị lưu đầy (năm 722 trCGS), ghi lại điều răn đứng đầu các điều răn (x. Mc 12,28-30):

Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất.5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em). (Đnl 6,4-9)

Điều răn chỉ gọn trong một hàng, còn các phương thức giúp ghi tạc vào lòng dài bốn hàng. Người Do Thái đạo đức ngày nay vẫn thực hành sát các lời căn dặn giúp trí nhớ này.

Nhưng sách Đệ nhị Luật cũng cho thấy tại sao dân Cựu Ước đã rơi vào tình trạng lãng quên Thiên Chúa và Luật Giao Ước. Ngày nay có 9 triệu người Do Thái sống tại đất Ít-ra-en, thì 48% hoàn toàn không tin Thiên Chúa, còn 52% thì trải dài trên những mức độ khác nhau, từ đậm tới nhạt. Lý do là:

“Nhưng cho đến ngày hôm nay, ĐỨC CHÚA đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3).

Chúa bảo ghi tạc vào lòng, nhưng chưa có thì ghi vào đâu. Các cột mốc cần có mắt để thấy, tai để nghe, nhưng chưa có mắt để thấy, tai để nghe…

Các ngôn sứ đã loan báo giải pháp quyết liệt của Thiên Chúa trong Giao Ước Mới. Giê-rê-mi-a loan báo Thiên Chúa sẽ khắc luật trong tim:

Này sẽ đến những ngày –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. (Gr 31,31-34)

Ê-dê-kien loan báo Thiên Chúa sẽ ghép cho quả tim bằng thịt, đặt thần khí vào lòng và sẽ làm cho họ bước đi theo thánh chỉ của Ngài:

Chúng đã làm cho danh Ta bị xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến, khiến người ta nói về chúng rằng: “Đó là dân của ĐỨC CHÚA, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người.” Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà Ít-ra-en xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến. Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Ít-ra-en: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng– khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng. Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. (Ed 36,20-27).

Thiên Chúa sẽ thực hiện những lời hứa ấy như thế nào nhờ Đức Giê-su Ki-tô? Dân của Giao Ước Mới là Hội Thánh do Chúa Giê-su thiết lập (Mt 16,13-18) có nguy cơ thoái hóa hay không? Xin đón đọc phần thứ hai của bài này. : Giao Ước Mới......

 

L.M. Nguyễn công Đoan S.J.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.