MẸ MARIA VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. Đức Maria là người nữ thánh thể:
Vì lòng yêu mến Mẹ Maria, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không những đã giáo huấn chúng ta về Mẹ Maria một cách súc tích và đầy đũ trong thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Mater Redemptoris), mà còn có những tư tưởng và sáng kiến rất độc đáo trong tông thư Tràng Hạt Mân Côi của Trinh nữ Maria (Rosarium Virginis Mariae). Trong thông điệp về bí tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha để dành chương cuối cho Mẹ Maria và dạy chúng ta học yêu mến Thánh Thể nơi trường học của Đức Mẹ. Ngài đã gọi Đức Maria là người nữ thánh thể (femme eucharistique); nhận ra nơi con người và cuộc đời của Mẹ một tương quan rất sâu sắc và mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể.
Trong tông thư Rosarium Virginis Mariae, Đức thánh cha đã sáng kiến ra năm mầu nhiệm ánh sáng, và đã đặt vào đó mầu nhiệm Thánh Thể. Ngài muốn cho tất cả chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria học chiêm ngắm Chúa Kitô, và yêu mến bí tích Thánh Thể. Trong thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, ngài dạy chúng ta kỷ hơn và phân tích sâu sắc hơn nữa vai trò của Đức Mẹ trong tương quan với bí tích Thánh Thể, nhờ đó ta có thể chạy đến cùng mẹ, học nơi Mẹ cách yêu mến và gắn bó với Chúa Kitô Thánh Thể. Đừng ngại đến với Mẹ Maria, vì chắc chắn Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta đến với bí tích cực thánh này.
Trong tất cả các bài tường thuật của các sách Tin mừng về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, không có nhắc đến tên Mẹ Maria. Các sách Tin mừng nhất lãm chỉ nói về các tông đồ dọn lễ Vượt Qua và cùng ăn lễ Vượt Qua với Chúa; bí tích Thánh Thể được thiết lập trong bối cảnh và bầu khí lễ Vượt Qua, mặc dù ngày lễ Vượt Qua chính thức chưa đến. Trái lại, sau Phục Sinh, sách công vụ các tông đồ nói rất rõ là có Mẹ Maria hiện diện với các tông đồ trong nhà tiệc ly, cùng với các tông đồ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 14).
Như vậy chắc chắn là Mẹ Maria cũng hiện diện với các tông đồ và các tín hữu đầu tiên trong những lần họ họp nhau bẻ bánh. Họp nhau bẻ bánh là một trong những sinh hoạt cơ bản và thường xuyên của Cộng Đoàn Giáo Hội sơ khai: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2, 42).
Sự hiện diện hữu hình và thể lý của Mẹ Maria giữa các tông đồ và các tín hữu đầu tiên rất quan trọng và cóù tác dụng khích lệ rất lớn cho Giáo Hội sơ khai. Nhưng điều đó không phải là chủ yếu để ta gọi Mẹ là người nữ thánh thể điều chính yếu mà ta có thể suy ra là thái độ nội tâm của Mẹ đối với Chúa Kitô và Thiên Chúa. Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, Đức thánh cha viết: trong tất cả cuộc sống của Mẹ, Đức Maria là một người nữ thánh thể (xem số 53). Thái độ nội tâm ấy bao trùm, và thấm nhuần toàn thể con người và cuộc đời của Mẹ.
2. Chiều sâu đức tin của Mẹ Maria:
Quan trọng hơn cả là chiều sâu đức tin của Mẹ. Cuộc đời của Mẹ Maria là một đời sống đức tin trọn hão. Mẹ tin tưởng một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa. Mẹ không bận tâm gì khác ngoài việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Ta hãy ghi nhận lời bà Elisabeth khen tặng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."(Lc 1, 45)
Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin đòi buộc chúng ta phó thác hoàn toàn cho Lời Chúa, khi ta lập lại hành động của Chúa Kitô dưạ trên lệnh truyền của Người hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (Lc 22, 19). Đức thánh cha nối kết lệnh truyền của Chúa Giêsu với lệnh truyền của Mẹ Maria tại tiệc cưới Cana Người bảo gì thì cứ làm theo (Ga 2, 5). Mẹ Maria dạy chúng ta hãy làm theo Lời của Chúa Giêsu và tuyệt đối tuân theo lời ấy. Nếu Chúa Giêsu có thểõ biến nước thành rượu ngon, Người cũng có thể biến bánh và rượu trở nên thịt và máu Người. Mẹ Maria đã tin vào Chúa Giêsu và Mẹ dạy ta tin vào Chúa Giêsu.
Đức tin của Mẹ Maria là một đức tin chan chứa tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với Chúa Giêsu. Đức tin của Mẹ đón nhận tất cả và dâng hiến tất cả. Mẹ không ngừng đón nhận Lời Chúa và sống Lời Chúa. Đức thánh cha Phaolô VI gọi Mẹ là Trinh nữ lắng nghe (virgo audiens). Mẹ không ngừng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Trong biến cố Truyền tin, Mẹ đã đón nhận Lời của Thiên Chúa qua miệng thiên thần Gabriel và đã hoàn toàn vâng phục: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như Lời thiên thần nói (Lc 1, 38).
Mẹ không ngừng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa qua các biến cố xảy ra cho đời Mẹ. Mẹ lắng nghe các biến cố và đón nhận các biến cố. Sau khi tường thuật Mẹ Maria không có chỗ sinh Chúa Giêsu, đã sinh Chúa và đặt nằm trong máng cỏ, có các mục đồng đến thờ lạy Chúa, tác giả tin mừng Luca kết luận: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 19). Mẹ Maria đã không ngừng lắng nghe và đón nhận các lời của Thiên Chúa, nên cuối cùng Mẹ đã sẵn sàng đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa vào trong cung lòng Mẹ. Thánh Agostino dạy rằng Mẹ Maria đã cưu mang Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác.
3. Tình yêu dâng hiến của Mẹ Maria:
Tình yêu của Mẹ Maria là một tình yêu đón nhận, cũng là một tình yêu dâng hiến. Mẹ hoàn toàn dâng hiến cuộc đời ï, con người, trái tim của Mẹ cho Thiên Chúa. Mẹ đã dâng mình cho Thiên Chúa từ tuổi ấu thơ. Đức Gioan Phaolô II đã xem thái độ dâng hiến của Mẹ Maria như một thái độ cơ bản của đức tin thánh thể (foi eucharistique), và đã nối kết sự dâng hiến của Mẹ với hy tế Thánh Thể của Chúa Giêsu. Đức thánh cha viết: “Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã ứng dụng đức tin thánh thể của mình trước khi bí tích Thánh Thể được thiết lập, vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh khiết của Mẹ để Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể” (Ecclesia de Eucharistia, số 55).
Đức thánh cha đã nối kết mầu nhiệm Thánh Thể với mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô: “Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính thực tại thể lý thân xác và máu huyết, thực hiện trước trong Mẹ, những gì được thực hiện một cách bí tích, trong một mức độ nào đó, nơi mọi tín hữu lãnh nhận dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Chúa” (ib. số 55).
Đức thánh cha đã nối kết một cách mạnh dạn và kỳ diệu tiếng Fiat của Mẹ Maria lúc Truyền tin, với tiếng Amen của người tín hữu khi rước Mình Thánh Chúa (xem số 55). Tiếng Fiat của Mẹ đầy đức tin và tình yêu, thì tiếng thưa Amen của người tín hữu khi rước lễ cũng phải đầy đức tin và tình yêu. “Tiếp nối đức tin của Mẹ Maria, chúng ta phải tin rằng cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính dưới hình bánh rượu” (số 55).
Đức Maria cũng đã đi trước đức tin thánh thể của Giáo Hội trong biến cố viếng thăm bà Elisabeth. Mẹ đã mang trong Cung lòng Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã trở nên nhà tạm của chúa Giêsu đầu tiên trong lịch sử. Chúa Giêsu trong lòng Mẹ đã chiếu toả ánh sáng của Người qua ánh mắt và tiếng nói của Mẹ. (xem số 55)
Không những trong biến cố Nhập thể, mà cả cuộc đời Mẹ Maria sống với Chúa Giêsu, thấm nhuần tinh thần hy tế của Chúa. Theo Đức Gioan Phaolô II, Mẹ Maria đã nhận lấy chiều kích hy tế của bí tích Thánh Thể làm của mình. Khi Mẹ đem trẻ Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa (x. Lc 2, 34-35), thái độ nội tâm của Mẹ là thái độ hy tế: Con của Mẹ là hy lễ, tuy được thay thế bằng cặp bồ câu non, và Mẹ đã đưa trẻ Giêsu về nhà, nhưng trong tâm hồn Mẹ đã phó dâng Con hoàn toàn cho Thiên Chúa, điều sẽ được thể hiện mai ngày cách trọn vẹn trên đồi Canvariô. (xem số 56). Cảnh Mẹ đứng đó (stabat mater) trên đồi Canvariô như đã diễn ra rồi với lời của cụ già Siméon về lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim của Mẹ.
Cả cuộc đời của Mẹ Maria chuẩn bị cho hy tế thập giá của Chúa Giêsu. Mẹ đã sống trước mầu nhiệm Thánh Thể bằng thái độ không ngừng hiến dâng của Mẹ. Tâm hồn Mẹ không ngày nào mà không hiến dâng Chúa Giêsu Con của Mẹ lên cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu là của lễ quý giá nhất của Mẹ dâng lên Thiên Chúa, để chúc tụng ngợi khen và biểu lộ lòng yêu mến biết ơn Thiên Chúa. Mẹ đã thông phần cách thiêng liêng với hy tế thập giá của Chúa Giêsu bằng cả cuộc đời của Mẹ.
4. Mẹ Maria với Giáo Hội cử hành Thánh Thể:
Sau Phục Sinh, Mẹ Maria được tham dự vào việc cử hành Thánh Thể mà các Thánh Tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa như lời Chúa đã dạy. Chắc những buổi cử hành này để lại trong Mẹ những kỷ niệm kỳ diệu không thể phai mờ. Thân thể được hiến dâng làm lễ tế được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích cũng là thân thể của Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong lòng. Nhận lấy bánh Thánh Thể, đối với Mẹ Maria, là đón nhận một lần nữa vào trong cung lòng trái tim đã đồng nhịp với trái tim của Mẹ, và Mẹ như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá. (Ecclesia de Eucharistia, xem số 56)
Tất cả những gì Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc Khổ nạn và cái chết đều được tưởng nhớ trong mầu nhiệm Thánh Thể, kể cả việc trao phó Mẹ Maria cho môn đệ Chúa yêu và trao phó môn đệ cho Mẹ (Ga 19, 26-27). Muốn sống mầu nhiệm Thánh Thể, mỗi người chúng ta hãy sẵn sàng đón Mẹ Maria và đưa về nhà mình theo gương Thánh Gioan. Mẹ Maria là hồng ân Chúa Kitô Thánh Thể ban cho ta. Ta hãy đón nhận Mẹ hằng ngày để học với Mẹ, để cho Mẹ hướng dẫn chúng ta tin yêu Chúa, gắn bó với Chúa. (xem số 57)
Đức Maria hiện diện với Giáo Hội và là Mẹ của Giáo Hội trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể. Giáo Hội và bí tích Thánh Thể gắn liền với nhau, thì Mẹ Maria với bí tích Thánh Thể cũng vậy. Chính vì thế mà từ thời xa xưa, các Giáo hội đông phương và tây phương đều kính nhớ Mẹ Maria trong Thánh Lễ. (xem số 57) Khi cử hành Thánh Thể, Giáo Hội mặc lấy tinh thần của Mẹ Maria, kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và hy tế của Người.
Bài ca Magnificat của Mẹ đầy ứ những tâm tình tạ ơn, chất chứa một linh đạo thuần nhất với linh đạo tạ ơn (spiritualité eucharistique) của Giáo Hội. Bí tích Thánh Thể trước hết là một lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Khi cử hành Thánh Thể Giáo Hội loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người, mà quan trọng nhất là mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Chúa Kitô, mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc của Người. Kinh Magnificat cũng như bí tích Thánh Thể còn hướng chúng ta đến Trời mới đất mới, nơi mà “kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”, “người giàu có Chúa đuổi về tay trắng.”
Kết thúc chương 6 về Đức Maria người nữ thánh thể, Đức thánh cha viết: “Bí tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống của chúng ta giống như cuộc sống của Mẹ Maria, trở thành một bài ca Magnificat. (xem số 58)
Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc