Những Hình Thức Tôn Thờ Thánh Thể (1)

  1. CHẦU THÁNH THỂ

Chầu Thánh Thể là một hình thức diễn tả việc thờ phượng của Kitô hữu đối với phép Thánh Thể, là việc bộc lộ ra bên ngoài cách công khai niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.[i] Việc tôn thờ công khai Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể không phải chỉ là việc sùng kính đạo đức nhưng còn là một hành động phụng vụ. Chầu Thánh Thể phát sinh từ cử hành phụng vụ Thánh Thể [ii] và dẫn đưa trở lại với cử hành này: đó là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống của Giáo Hội. Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ, Ngài ở với loài người như của lễ hiến dâng và là thần lương cho chúng ta. Nhờ việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, chúng ta sẽ thêm lòng mến yêu Thánh lễ và làm cho nỗi khát khao lãnh nhận Mình và Máu Thánh trong chúng ta thêm mãnh liệt.[iii]    

Trong nghi thức Roma hiện nay, phụng tự nhiệm tích Thánh Thể công khai được nhìn nhận như là thành phần bình thường của đời sống phụng vụ trong giáo phận, tại giáo xứ và các cộng đoàn tu trì. Việc trưng bày Mặt nhật hay bình đựng Mình Thánh (Bình thánh) có thể diễn ra trong bất cứ Nhà thờ hay Nhà nguyện nào có lưu giữ Thánh Thể.[iv] Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã là một tấm gương cho Giáo Hội khi ngài thiết lập việc trưng bày Mặt nhật hằng ngày trong vương cung thánh đường thánh Phêrô. Sau đó, việc thực hành này lan truyền đến ba vương cung thánh đường vĩ đại khác tại Rôma.

Những ơn ích đặc biệt kèm theo với việc chầu trọng thể hàng năm [v] tùy thuộc vào phán quyết của đấng bản quyền giáo phận.[vi] Ngài có thể định ra một ngày dành để chầu trọng thể trong tất cả các Nhà thờ và Nhà nguyện nào có lưu giữ Mình Thánh. Hơn nữa, ngài cũng có thể duy trì hay phục hồi hình thức sùng kính “Chầu bốn mươi giờ” trong giáo phận của mình, hòa hợp giữa luật cũ với những điều kiện tại địa phương và với những thực hành phụng vụ hiện nay.

THỪA TÁC VIÊN

Thừa tác viên thông thường của việc đặt Minh Thánh chầu là đức giám mục, linh mục hay phó tế. Chỉ có những người có chức thánh mới được quyền ban Phép lành với Mặt nhật hay với Bình thánh. Tuy nhiên, vì những lý do mục vụ, đức giám mục có thể chính thức cho phép thầy giúp lễ, thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường hay một nam – nữ tu sĩ được trưng bày Thánh Thể để chầu và cất Mình Thánh trở lại Nhà tạm mà không ban Phép lành.[vii]

Nhằm gia tăng việc chầu Thánh Thể tại giáo xứ và cộng đoàn tu, như vừa nói trên, bản quyền địa phương có thể rộng phép cho giáo dân hay tu sĩ được đặt Mình Thánh chầu, nhưng các tác viên này không được ban Phép lành.[viii]

CÁC HÌNH THỨC TÔN THỜ THÁNH THỂ

Sự phát triển lòng sùng kính đối với Thánh Thể qua việc chầu Thánh Thể xét như một lối sống tại giáo xứ có thể bao gồm:

  • Viếng Thánh Thể lưu giữ trong Nhà tạm: là việc gặp gỡ Chúa cách ngắn ngủi, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Chúa đang hiên diện tại đây và hình thức này có đặc điểm là cầu nguyện trong thinh lặng. Viếng Thánh Thể cách riêng tư như thế được minh nhiên cổ súy trong Giáo luật 1983, trong đó Giáo Hội mong muốn các Nhà thờ phải mở cửa ít là vài giờ mỗi ngày cho dân chúng đến tôn thờ Chúa chúng ta;[ix]
  • Việc tôn thờ Thánh Thể được trưng bày ra bên ngoài: tức chầu Thánh Thể cách công khai theo những quyđịnh của phụng vụ qua việc chiêm ngắm Mình Thánh được đặt trong Hào quang hay Bình thánh trong một khoảng thời gian ngắn hay dài;[x]
  • Việc tôn thờ được gọi là Chầu lượt, cũng như việc tôn thờ được gọi là Chầu Bốn mươi giờ: động viên cả một cộng đoàn tu trì hay một hiệp hội thánh thể, hoặc cả một cộng đoàn giáo xứ, và đó là những dịp để phát huy nhiều hình thức khác nhau để làm nổi bật những cách biểu lộ lòng sùng mộ Thánh Thể.[xi]

Theo tiêu chí nghi thức và kỷ luật, chầu Thánh Thể có 3 hình thức sau:[xii]

  • Hình thức đơn giản: tác viên mở cửa Nhà tạm, đặt Bình thánh ra ngoài, trên bàn thờ.
  • Hình thức long trọng (trọng thể): đặt Mình Thánh trong Hào quang (Mặt nhật).
  • Hình thức kéo dài: việc trưng bày Thánh Thể có thể kéo dài nhiều giờ hay cả ngày (sau Thánh lễ Tiệc ly; chầu Bốn mươi giờ; chầu lượt)
  1. CHẦU TRỌNG THỂ

Khi Mặt nhật được trưng bày cho việc chầu trọng thể cách công khai, cần chuẩn bị những thứ sau đây:

  • Bàn thờ: đốt 6 hay 4 cây nến ở trên hay chung quanh Bàn thờ.[xiii] Ít là có một khăn phủ lấy Bàn thờ, một khăn thánh được trải ra trên Bàn thờ hay được gấp lại (đựng trong một túi nhỏ). Mặt nhật được đặt ở bên trái của khăn thánh. Hoa có thể được trưng bày ở trên hay gần Bàn thờ. Một tấm vải trắng có thể phủ xuống phía trước Bàn thờ. Một cái đế (bục nhỏ) có thể được đặt trên Bàn thờ, khăn thánh sẽ phủ lấy đế và Mặt nhật sẽ được đặt lên trên đế này.[xiv]
  • Nhà tạm: có chìa khóa sẵn sàng ở đó để có thể mở cửa Nhà tạm, 2 cây nến cháy sáng nếu Nhà tạm ở trong một Phòng nguyện hay một khu vực tách biệt với cung thánh.
  • Tại các bậc cấp gần Bàn thờ: sách nghi thức ban Phép lành, bình hương và chuông có thể đặt ở đây; khăn vai được gấp lại gọn gàng cũng nên đặt gần đấy.
  • Tại giảng đài: để Sách Bài đọc hay sách suy niệm, bài giảng…nếu chúng được sử dụng trong thời gian chầu. Có thể phủ phía trước giảng đài một tấm vải trang trí thích hợp màu trắng.
  • Tại ghế chủ tọa: Sách Kinh được đánh dấu nếu cử hành Phụng vụ các Giờ kinh trong khi chầu.
  • Trong phòng thánh: Chuẩn bị sẵn bình hương, nến cho người cầm nến; áo choàng (cope) cho vị chủ sự (áo phó tế và dây stola phó tế cho thầy phó tế hỗ trợ cùng áo trắng dài (alba) và áo các phép (surplice).

Một hay hai thầy phó tế có thể trợ giúp linh mục hay giám mục chủ sự. Họ mặc phẩm phục phó tế (dalmatica hay áo alba với dây stola). Ít nhất là có thêm hai người giúp lễ hỗ trợ, một người cầm bình hương, người kia cầm tàu hương. Có thể có đến 6 người cầm nến cháy trong nghi thức này. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết và nếu không có thầy phó tế hiện diện, chỉ cần một hai người giúp lễ được huấn luyện thành thạo là đủ.

Khi một phó tế ban Phép lành Mình Thánh, thầy làm mọi thứ theo nghi lễ y như một linh mục, nhưng bên dưới áo choàng, thầy đeo dây stola của phó tế.

Khi một giám mục chủ sự giờ chầu trọng thể và ban Phép lành thì hai phó tế mặc phẩm phục phó tế (dalmatica) hay hai linh mục mặc áo choàng (cope) sẽ trợ giúp ngài. Đức giám mục đội mũ mitra và mũ sọ (zucchetto) tiến đến Bàn thờ, trong khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, ngài bỏ cả hai mũ trên ra. Ngài có thể dùng gậy giám mục nếu cử hành trong Nhà thờ thuộc giáo phận của mình. Nếu đặt Mình Thánh tiếp tục sau Phép lành thì ngài không đội gì khi trở lại phòng thánh. Ba người hỗ trợ đi theo ngài sẽ cầm mũ mitra, mũ sọ, sách nghi thức và gậy giám mục.[xv] Có thể 8 người mang nến hỗ trợ trong nghi thức này.

  1. TÓM LƯỢC NGHI THỨC ĐẶT MÌNH THÁNH CHẦU

1] ĐẶT MÌNH THÁNH

  • Vị chủ sự và giúp lễ tiến ra Bàn thờ
  • Vị chủ sự trưng bày Thánh Thể (Mặt nhật hay Bình thánh)
  • Bài hát về chủ đề thờ lạy Thánh Thể [Đang khi đó vị chủ sự xông hương nếu trưng bày Hào quang]
  • Thinh lặng một lát
  • Chủ sự và giúp lễ trở vào phòng thánh

2] THỜ LẠY THÁNH THỂ (Nên có chủ đề để suy niệm và cầu nguyện)

  • Các Bài đọc Kinh Thánh, Bài giảng, Lời nguyện, Thánh ca xen kẽ, sự thinh lặng cần thiết...
  • [Phụng vụ các Giờ kinh; việc đạo đức bình dân; lần hạt Mân côi suy gẫm các Mầu nhiệm Chúa Kitô...]

3] PHÉP LÀNH

  • Cộng đoàn hát (cầu cho Đức Giáo hoàng);
  • Lời nguyện cầu cho Đức Thánh cha

+ Chủ sự đọc Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng sự khôn ngoan Chúa mà bảo vệ vũ trụ, xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và rộng lòng nhân từ gìn giữ Đức giáo hoàng…………………………..Chúa đã chọn, để dân Kitô giáo nhận nơi Chúa sự dẫn dắt của người, được nhờ công phúc đức tin của người mà phát triển dưới triều đại giáo hoàng của người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

+ Cộng đoàn: Amen

  • Bài hát Thánh Thể [Đang lúc vị chủ sự xông hương Mình Thánh nếu chầu Thánh Thể với Hào quang]
  • Lời nguyện

+ Chủ sự: Chúa đã ban Bánh bởi trời cho nhân loại

+ Cộng đoàn: Bánh có đủ mùi vị thơm ngon

+ Chủ sự: Chúng ta hãy cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu nầy, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

+ Cộng đoàn: Amen

  • Ban Phép lành (Nếu là Linh mục hay Phó tế)

4] KẾT THÚC

  • Chủ sự cất Mình Thánh vào Nhà tạm
  • Cộng đoàn hát (chủ đề: Tung hô Chúa, Đức Mẹ...)
  • Chủ sự và giúp lễ trở vào phòng thánh
  1. CHI TIẾT
  2. ĐẶT MÌNH THÁNH

Cúi chào tượng Chúa chịu nạn hay ảnh tượng thánh ở trong phòng thánh, tất cả thừa tác viên đi trong đoàn rước ra Bàn thờ. Cuộc rước được dẫn dầu bởi người cầm bình hương, nhưng không có hương trầm bên trong. Những người cầm nến bằng tay phía ngoài đi tiếp theo, sau đó là người giúp lễ cầm tầu hương và vị chủ sự.

Khi tới cung thánh, người cầm bình hương đi qua phía bên phải, những người cầm nến làm cách nào đó để người giúp lễ cầm tàu hương có thể đi qua họ. Vị chủ sự đứng giữa, bên trái ngài là người giúp lễ cầm tàu hương, tất cả cúi chào Bàn thờ. Sau đó, trừ vị chủ sự, tất cả những tác viên này quỳ xuống trên các bậc cấp và nền phía trước Bàn thờ, khu vực ưu tiên cho nghi thức này.

Vị chủ sự sẽ đi đến Bàn thờ và mở khăn thánh ra nếu khăn này chưa được trải sẵn. Rồi ngài đi tới Nhà tạm để lấy Mình Thánh. Tuy nhiên, nếu Nhà tạm ở trong một Phòng nguyện tách biệt, thì trước tiên ngài cần mặc khăn vai vào để đi đến Phòng nguyện cùng với những người cầm nến đi trước.[xvi] Ở trước Nhà tạm, vị chủ sự mở khóa Nhà tạm, cúi sâu, và lấy hộp đựng Mình Thánh ra. Ngài khóa Nhà tạm lại và mang hộp đựng Mình Thánh đến Bàn thờ sẽ trưng bày Mặt nhật, đi trước ngài cũng là những người cầm nến. Ngài đặt hộp đựng Mình Thánh trên khăn thánh, di chuyển Mặt nhật sang bên trái của khăn thánh, quay hướng Mặt nhật về mình và mở ra. Ngài đặt Mặt nguyệt được lấy ra từ hộp đựng Mình Thánh và cẩn thận đặt vào Mặt nhật. Tiếp đó, ngài cung kính đặt Mặt nhật chính xác vào vị trí trung tâm của khăn thánh hay của cái đế. Ngài đóng nắp hộp đựng Mình Thánh rồi đặt nó qua phía bên phải của khăn thánh. Ngài cúi sâu, cả hai tay đặt trên Bàn thờ, rồi trở lại vị trí của mình ở phía trước bàn thờ.[xvii]

Lúc này, cộng đoàn hát một bài thánh ca thờ lạy Thánh Thể. Vị chủ sự, người cầm bình hương và người cầm tàu hương đứng. Vị chủ sự quay sang bên phải; người cầm bình hương sẽ đối diện với ngài, người cầm tàu hương di chuyển để đứng sát người cầm bình hương và đứng đối diện với Bàn thờ rồi đưa ra trước mặt vị chủ sự tàu hương đã mở nắp và có sẵn cái muỗng múc, vị chủ sự múc trầm hương cho vào bình hương, ban Phép lành trên hương.[xviii] Vị chủ sự quay lại phía Bàn thờ và quỳ xuống. Người cầm bình hương ở bên phải của ngài sẽ trao cho ngài bình hương. Đang khi quỳ, mọi người cúi sâu, và vị chủ sự xông hương Thánh Thể bằng cách xông thẳng 3 lần mỗi lần 2 cú (3x2).[xix] [Người cầm bình hương hay người cầm tàu hương có thể giữ lưng áo choàng của vị chủ sự để tay ngài thoải mái trong khi xông hương]. Xông hương xong, tất cả cúi lần nữa, chủ sự trao bình hương lại cho người cầm bình hương.[xx] Tất cả vẫn quỳ thinh lặng vào thời điểm này.

  1. THỜI GIAN CHẦU THÁNH THỂ

Phụng vụ các Giờ kinh, nhất là Kinh Sáng và Kinh Chiều, có thể được cử hành trước Mình Thánh được trưng bày.[xxi] Trong trường hợp này, vị chủ sự đi tới ghế chủ tọa để bắt đầu giờ kinh. Trong lúc xông hương Bàn thờ, vị chủ sự và người giúp lễ cùng nhau cúi sâu bất cứ khi nào đi ngang qua Mặt nhật. Áo choàng và dây stola nên đồng màu với màu của ngày lễ hay mùa phụng vụ, nhưng khăn phủ vai thì màu trắng.

Vì không theo một nghi thức cố định nào như Thánh lễ, cho nên những công việc khác trong thời gian chầu Thánh Thể có thể bao gồm: đọc Sách Thánh (từ giảng đài hay một nơi khác), bài giảng liên quan đến Thánh Thể, thánh ca thích hợp, nhạc suy niệm, cử hành á phụng vụ, làm tuần cửu nhật, thực hành lòng sùng kính bình dân hòa hợp với mùa phụng vụ và có thể lần hạt Mân côi.[xxii] Tuy nhiên, phải luôn dự liệu khỏang thời gian thật nhiều để cầu nguyện thinh lặng trước Chúa.

Trong thời gian trưng bày Mình Thánh, những nguyên tắc thực hành sau đây có thể được tuân giữ:

  • Luôn duy trì sự thinh lặng;
  • Không ai được ngồi hay đứng quay lưng lại với Mặt nhật;
  • Nên cúi sâu bất cứ khi nào đi ngang qua Mặt nhật hay khi vào ra cung thánh;
  • Trong cung thánh, giáo sỹ chầu Thánh Thể sẽ mặc áo chùm thâm + áo các phép + dây stola hay mặc áo alba + dây stola (nếu quen thực hành như vậy);
  • Không được phép cử hành Thánh lễ tại nơi đang chầu Mình Thánh và ngược lại;[xxiii] nếu Thánh lễ không có cộng đoàn tham dự mà phải cử hành trong Phòng nguyện hay tại Phòng thánh thì không rung chuông sau khi truyền phép.
  1. PHÉP LÀNH

Trừ phi vị chủ sự và các giúp lễ đã có mặt ở đó rồi để cầu nguyện, bằng không, họ sẽ đến trước Bàn thờ và cúi sâu. Tất cả cùng quỳ gối y như lúc bắt đầu đặt Mình Thánh, hát một bài Thánh Thể thích hợp như “Tamtum ego”.[xxiv] Đang khi hát thì hương được chuẩn bị như lúc bắt đầu trưng bày Mình Thánh và vị chủ sự xông hương Thánh Thể (3x2).[xxv]

Kết thúc bài hát, vị chủ sự một mình đứng lên hát “Chúng ta hãy cầu nguyện” và tùy nghi chọn lựa sử dụng một trong 7 lời nguyện được cung cấp trong nghi thức.[xxvi] Trong khi đọc lời nguyện, chủ sự giữ lấy sách, hoặc tốt hơn, một người giúp lễ đứng bên phải chủ sự giữ sách để ngài có thể xướng đọc lời nguyện với đôi tay chắp lại. Tới khi gần kết thúc lời nguyện, người giúp lễ chuẩn bị sẵn khăn choàng vai và chờ ở bên vị chủ sự, giữ chặt mép khăn này bằng cả hai tay. Đọc lời nguyện xong, vị chủ sự quỳ xuống. Người giúp lễ đứng đằng sau ngài sẽ đặt khăn choàng vai lên lưng của vị chủ sự. Ngài sẽ thắt khăn choàng vai cho chắc bằng móc hay nút ở phía trước khăn. Ngài đứng lên và đi tới Bàn thờ, đến phía trước hay phía sau Bàn thờ cũng được để từ vị trí này ngài sẽ ban Phép lành cho cộng đoàn.[xxvii]

Ngài cúi sâu, hai tay đặt trên Bàn thờ, rồi đứng lên cầm Mặt nhật bằng cả hai tay đã được dấu dưới khăn choàng vai. Ngài chậm chậm đưa Mặt nhật lên và ghi hình Thánh giá trên cộng đoàn trong thinh lặng, hướng mắt nhìn vào Mình Thánh đang lúc ban phép. [xxviii] Độ cao nhất khi giơ Mặt nhật lên là trên tầm mắt, di chuyển Mặt nhật qua phải và qua trái ở tầm mức trên mắt một chút.[xxix] Sau cùng, đưa Mặt nhật trở về vị trí trung tâm và hạ Mặt nhật từ từ xuống Bàn thờ đối diện với cộng đoàn, cẩn thận đừng để khăn choàng vai bị kẹp hay dính với đế của Mặt nhật. Sau đó, buông tay khỏi Mặt nhật, cho khăn choàng vai treo xuống cách tự nhiên, ngài cúi sâu, hai tay đặt trên Bàn thờ, và trở về chỗ của mình. Ngài quỳ xuống, người giúp lễ tiến đến phía sau ngài để lấy khăn choàng vai đi.

Trong khi vị chủ sự nhận khăn phủ vai, người giúp lễ cầm bình hương có thể ra giữa cung thánh rồi quỳ xuống. Đang lúc Phép lành Mình Thánh được ban, người giúp lễ này sẽ xông hương Thánh Thể theo kiểu xông thẳng 3 lần mỗi lần hai cú (3x2), cúi chào Mình Thánh Chúa trước và sau khi xông hương. Theo thói quen địa phương, một người giúp lễ rung chuông 3 lần hợp với việc ghi dấu Thánh giá bằng Mặt nhật hoặc nhạc công có thể dạo đàn organ lúc này. Sau khi vị chủ sự đã đặt Mặt nhật trên Bàn thờ, người cầm bình hương đứng lên trở về chỗ của mình, ở bên phải của vị chủ sự. Theo thói tục hoặc theo chỉ dẫn của địa phận hay quốc gia, cộng đoàn có thể đọc hay hát những bài kinh mang chủ đề Chúc tụng Thiên Chúa đang lúc vị chủ sự còn quỳ.[xxx]

Nếu Mình Thánh tiếp tục được trưng bày, vị chủ sự đứng lên, cúi sâu và trở lại phòng thánh cùng với các tá viên phụng vụ. Tuy nhiên, nếu sử dụng ngai tòa, vị chủ sự trước tiên sẽ đi đến Bàn thờ, cúi sâu, lấy Mặt nhật khỏi khăn thánh và đặt Mặt nhật trên ngai tòa. Trong những trường hợp này, những ai ở trong phòng thánh phải giữ thinh lặng nghiêm ngặt vì lợi ích của những anh chị em đang tôn thờ Chúa tại Nhà thờ.

  1. CẤT MÌNH THÁNH

Nếu Mình Thánh được cất trở lại vào Nhà tạm, thì sau những lời tung hô chúc tụng Thiên Chúa bằng bài thánh vịnh, thánh ca, tung hô hay âm nhạc thích hợp, vị chủ sự hay một vị linh mục hoặc thầy phó tế nào khác đi đến Bàn thờ, cúi câu, quay Mặt nhật hướng về mình, lấy Mặt nguyệt ra khỏi Mặt nhật và đặt vào trong hộp đựng Mình Thánh (pyx) rồi đóng lắp hộp lại. Ngài di chuyển Mặt nhật sang bên trái của khăn thánh và có thể phủ lấy Mặt nhật lúc này. Tay cầm hộp đựng Mình Thánh, ngài tiến đến Nhà tạm và đặt hộp chứa Mình Thánh này vào trong Nhà tạm, cúi sâu trước khi khóa cửa Nhà tạm.[xxxi] Nếu Nhà tạm ở trong một Phòng nguyện, người giúp lễ nên đặt khăn phủ vai trên vị chủ sự trước khi ngài lấy Mặt nguyệt ra khỏi Mặt nhật. Những người cầm nến sẽ đi trước ngài đến Phòng nguyện và rồi cùng ngài trở lại cung thánh, trừ phi đi trực tiếp về phòng thánh tiện lợi hơn. Tất cả cúi sâu chào Bàn thờ, rồi được dẫn đầu bởi người cầm bình hương mà trở lại phòng thánh. Những người lo phòng thánh và/ hay những người giúp lễ thực hành những bổn phận của họ trong cung thánh và trong phòng thánh.

Nên chú ý đến một vài thay đổi trong hình thức trọng thể:

[a] Để khởi sự một thời gian trưng bày Mình Thánh Chúa lâu dài, hay chầu Thánh Thể hàng ngày, hay làm giờ thánh định kỳ tại giáo xứ, linh mục không cần mặc áo choàng khi đặt Mình Thánh; tuy nhiên ngài nên xông hương Thánh Thể và có sự hỗ trợ của những người giúp lễ. Ngài sẽ mặc áo choàng và cần nhiều hơn những người giúp lễ hỗ trợ ngài trong nghi thức ban Phép lành;

[b] Một thời gian dài chầu Thánh Thể không nhất thiết cần ban Phép lành khi kết thúc mặc dầu đôi lúc nên ban Phép lành trong thời gian chầu;

[c] Khi kết thúc việc trưng bày Mình Thánh, chẳng hạn như trước Thánh lễ, vị chủ sự sẽ cất Mình Thánh vào Nhà tạm, lúc này, ngài nên mặc áo alba hay áo chùm thâm kèm áo các phép và đeo dây stola màu trắng. Nếu chính ngài sắp dâng Thánh lễ, phải làm sao để hành động này phân biệt với phụng vụ, và ngài nên trở vào phòng thánh để mặc áo lễ rồi đi vào cuộc rước nhập lễ.  

  1. CHẦU THÁNH THỂ ĐƠN GIẢN

Hình thức chầu Thánh Thể đơn giản hơn khi “thời gian trưng bày Mình Thánh ngắn hơn”.[xxxii] Nghi lễ và nghi thức tương tự như ban Phép lành bằng Mặt nhật, tuy nhiên có thể sử dụng cả Bình thánh để ban Phép lành.

Chỉ cần đốt hai hay bốn cây nến; có thể xông hương; hai người cầm nến hỗ trợ. Vị chủ sự mặc áo alba, hay áo chùm thâm kèm áo các phép và đeo dây các phép mầu trắng. Ngài có thể mặc áo choàng, nhưng dường như mặc áo choàng thích hợp hơn cho hình thức chầu trọng thể. Bình thánh được lấy khỏi Nhà tạm và đặt ở trên Bàn thờ, chính giữa khăn thánh.[xxxiii] Khăn phủ vai được sử dụng như trong hình thức ban Phép lành trọng thể.

ĐẶT MÌNH THÁNH LÚC KẾT LỄ

Không bao giờ được cử hành Thánh lễ trước Mình Thánh được trưng bày (trong cùng khu vực Nhà thờ hay nguyện đường nơi Thánh Thể được trưng bày),[xxxiv] việc đặt Mình Thánh chầu có thể tiến hành ngay sau Thánh lễ. Hành động này nên được nhìn nhận là tuôn tràn từ Phụng vụ Thánh Thể; do đó, một Bánh Thánh được truyền phép trong Thánh lễ vừa dâng được trưng bày lập tức ngay sau Hiệp lễ.[xxxv] Lời nguyện sau Hiệp lễ được đọc từ ghế chủ tọa. Bỏ phần ban Phép lành và giải tán. Những gì được mô tả dưới đây theo những hạn từ của nghi lễ kết thúc Thánh lễ Mình Máu Chúa Kitô (Corpus Christi). Tuy nhiên, bởi vì không có đoàn rước nào, cho nên sau khi xông hương và cầu nguyện thinh lặng, tất cả mọi người cúi sâu rồi trở vào phòng thánh, trừ phi có những việc đạo đức theo sau, nhưng không được ban Phép lành Mình Thánh Chúa ngay lập tức sau Thánh lễ.

  1. NHỮNG HÌNH THỨC CHẦU THÁNH THỂ KHÁC

Tại một số giáo xứ hay cộng đoàn tu Thánh Thể Chúa được trưng bày thường xuyên bởi các tu sĩ hay giáo dân đã được ban phép nên tuân giữ cẩn thận những nguyên tắc đã được nêu ra ở trên liên quan đến cúi sâu cung kính dấu chỉ và biểu tượng, thừa tác viên ngoại thường đặt Mặt nhật hay Bình thánh trên một khăn thánh đã được trải sẵn trên bài thờ. Cộng đoàn hát bài ca tôn thờ Thánh Thể nhưng không xông hương.

Tuy nhiên, với phép của đức giám mục gíao phận, một số Nhà tạm được thiết kế được sử dụng cho việc đặt Mình Thánh chầu hoặc là với cửa bên trong thứ hai mang hình thức của một Mặt nhật hoặc một Nhà tạm có giữ Mặt nhật để khi mở của Nhà tạm hay xoay Nhà tạm ra thì xuất hiện Mặt nhật ngay. Cửa bên ngoài Nhà tạm không bao giờ trong suốt vì điều này là một hình thức trưng bày thường xuyên bất hợp pháp.

Trong thời gian Mình Thánh được trưng bày phải có ít nhất đốt 4 cây nến hay đèn và trưng hoa ở gần Bàn thờ hay trên Bàn thờ, phải sắp xếp trước để lúc nào cũng có người hiện diện chiêm ngưỡng trước nhan Chúa. Tất nhiên, nếu không có ai trong cộng đoàn hiện diện thì nên cất Thánh Thể đi lập tức vào lúc kết thúc giờ chầu. Nếu một linh mục hay phó tế không hiện diện ở đó để ban Phép lành, việc cất Mình Thánh có thể được thực hiện vào Giờ kinh Phụng vụ thích hợp hay vào giờ thực hành sùng kính Thánh Thể chẳng hạn như đọc kinh cầu hay hát thánh ca.


 

[i] Xc. Eucharisticum Mysterium (25/05/1967) số 49.

[ii] Nếu trưng bày Mặt nhật để chầu ngay sau Thánh lễ thì nên sử dụng Mình Thánh vừa mới được truyền phép trong chính Thánh lễ đó để đặt vào Mặt nhật.

[iii] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1378-1381; Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis Sacramentum) [25/03/2004] số 134-135.

[iv] Giáo luật số 941# 1: Trong các nhà thờ hay nhà nguyện được phép lưu trữ Thánh Thể, có thể đặt Bình thánh hay Hào quang ra ngoài để Chầu Mình Thánh; miễn là phải tuân giữ các quy luật phụng vụ.

[v] Xc. Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ (Eucharistiae Sacramentum) [21/06/1973] số 86.

[vi] Giáo luật số 942: Trong các nhà thờ và nhà nguyện, khuyên nên tổ chức hàng năm một buổi chầu Mình Thánh trọng thể suốt một thời gian xứng hợp, cho dù không liên tục, ngõ hầu cộng đoàn địa phương suy niệm và thờ lạy mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn. Tuy nhiên, buổi chầu Mình Thánh như vậy chỉ nên tổ chức khi biết trước có đông giáo dân đến tham dự, và phải giữ trọn các quy luật đã ban hành.

[vii] Xc. Giáo luật số 943; Redemptionis Sacramentum số 139.

[viii] Eucharistiae Sacramentum số 91.

[ix] Xc. Giáo luật số 937; Redemptionis Sacramentum số 135; Sách Nghi lễ Giám mục (Caeremoniale Episcoporum) [14/09/1984] số 71.

[x] Xc. Giáo luật 941.

[xi] Ibid., 942.

[xii] Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Học viện Đaminh, 2002), 289-290.

[xiii] Eucharistiae Sacramentum số 85; Số nến cũng tương tự như trong cử hành Thánh lễ vậy để chứng tỏ mối liên hệ giữa chầu Thánh Thể và Thánh lễ. Tuy nhiên, số nến này không nhất định phải như thế, có thể thay đổi tùy theo thói tục địa phương và để nhấn mạnh mức độ chầu Thánh Thể là đơn giản hay trọng thể.

[xiv] Tốt nhất là đặt Mặt nhật để chầu Thánh Thể ở những nơi có bàn thờ cử hành Thánh lễ hoặc ở trên chính bàn thờ để cho thấy mối liên kết giữa chầu Thánh Thể và cử hành Thánh Thể.

[xv] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1102-05.

[xvi] Xc. Ibid., số 1108.

[xvii] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 93.

[xviii] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1109: trước đây, vị chủ sự không ban phép lành cho hương trước sự hiện diện của Thánh Thể được trưng bày.

[xix] Eucharistiae Sacramentum số 93-94.

[xx] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1109.

[xxi] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1111; Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 1178; Eucharistiae Sacramentum số 96.

[xxii] Eucharisticum Mysterium (25/05/1967) số 62; Eucharistiae Sacramentum số 89. 95; Inaetimabile Donum số 23; Redemptionis Sacramentum số 137 cho phép lần hạt Mân côi trong khi chầu Thánh Thể ( trích lại trong Rosarium Virgmis Maria (16/10/2002) số 2 của Đức Gioan Phao lô II.

[xxiii] Xc. Eucharisticum Mysterium số 61; Eucharistiae Sacramentum số 83; Giáo luật số 944#2.

[xxiv] Theo tập tục, mọi người sẽ cúi đầu khi đang hát câu thứ hai (veneremur cernui) của bài "Tamtum ego" hoặc trong tiếng Việt thì cúi đầu khi đang hát câu "Nào chúng ta phục bái tôn thờ" của bài "Đây Nhiệm tích".

[xxv] Eucharistiae Sacramentum số 97.

[xxvi] Về các hoạt động có thể được thực hiện trong giờ chầu, quyển "Compendium Eucharisticum" (Tổng lược Bí tích Thánh Thể), do Thánh Bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích  ấn hành năm 2009, đưa ra nhiều gợi ý cho các bài hát và kinh nguyện, cũng như khả năng khôi phục lại một số tập quán cũ đã bị loại ra khỏi nghi thức. Ví dụ, Thánh Bộ đã phục hồi câu tung hô "Panem de caelo praestitisti eis. R. Omne delectamentum in se habentem" (Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại. Đáp: Bánh có đủ mọi mùi vị thơm ngon) sau thánh ca Tantum Ergo, hoặc bài hát khác khi ban Phép lành và trước lời nguyện "Deus qui nobis sub sacramento..." (Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Chúa…).

[xxvii] Xét về phương diện thẩm mỹ, ban phép lành từ phía trước bàn thờ thì tốt hơn.

[xxviii] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 99; Caeremoniale Episcoporum số 1114.

[xxix] Độ rộng của hình thánh giá tùy theo kích thước của cộng đoàn tham dự, của Nhà thờ, Nhà nguyện cũng như tùy theo kiến trúc của chúng.

[xxx] Không nhất thiết cộng đoàn phải lặp đi lặp lại những lời của vị chủ sự lúc này.

[xxxi] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 100.

[xxxii] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1115.

[xxxiii] Khi "Phép lành giản đơn" được ban từ Bàn thờ mà trên đó thiết định vị trí của Nhà tạm, thì Bình thánh nên được đặt trên Bàn thờ (mensa) và trên một khăn thánh, hơn là chỉ mở cửa Nhà tạm rồi di chuyển Bình thánh ra phía trước cửa một chút.

[xxxiv] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 83; Giáo luật điều 941# 2 cho phép cử hành Thánh lễ nơi một khu vực khác của Nhà thờ chẳng hạn tại một phòng nguyện bên cạnh.

[xxxv] Hiển nhiên là điều này không thực tế đối với những nhà thờ thực hành việc chầu Thánh Thể hàng ngày và thường xuyên liên tục.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.