Phần II Chương Chương V Tổ Chức Và Quản Trị

Chương V
TỔ CHỨC VÀ QUẢN TRỊ

 

24.01. Quản trị và các cơ cấu
từ trung ương đến địa phương
1. Đơn vị cơ bản của Huynh Đoàn Thánh Thể là Huynh Đoàn giáo xứ hay còn gọi là Huynh Đoàn địa phương.
2. Khi có nhiều Huynh Đoàn giáo xứ trong một hạt hoặc một vùng, nên tổ chức cho:
a. Nhiều Huynh Đoàn giáo xứ hợp thành Liên Huynh.
b. Nhiều Liên Huynh hợp thành Huynh Đoàn giáo phận.
c. Các Huynh Đoàn giáo phận hợp thành Huynh Đoàn giáo tỉnh.
d. Các Huynh Đoàn giáo tỉnh hợp thành Huynh Đoàn toàn quốc.
3. Mỗi cấp Huynh Đoàn có Ban Điều Hành và vị Hướng Dẫn riêng.
4. Trong tương quan với đại gia đình Thánh Thể thế giới, Huynh Đoàn toàn quốc có thể được gọi tên nhiều cách như sau:
a. Huynh Đoàn Thánh Thể Việt Nam hay Hội Thánh Thể Việt Nam.
b. Huynh Đoàn Thánh Thể tỉnh Việt Nam hay Hội Thánh Thể tỉnh Việt Nam.
c. Hội Thánh Thể tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để phân biệt với Hội Thánh Thể tỉnh Đức Mẹ Thánh Thể Việt Nam của chị em Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam.

24.02. Bổ nhiệm các vị Hướng Dẫn
1. Mỗi cấp được điều hành bởi một vị Hướng Dẫn, gọi lần lượt từ dưới lên trên là Hướng Dẫn địa phương, Hướng Dẫn liên huynh, Hướng Dẫn giáo phận, Hướng Dẫn giáo tỉnh và Hướng Dẫn toàn quốc.
2. Các Hướng Dẫn ở các đơn vị các cấp đều do Bề Trên Giám Tỉnh bổ nhiệm, ngoại trừ đối với Huynh Đoàn địa phương lập ở ngoài vùng thuộc nhà thờ hay nhà nguyện của Dòng.

24.03. Bổ nhiệm vị Hướng Dẫn
ngoài vùng thuộc Dòng
1. Thông thường, ở ngoài vùng thuộc nhà thờ hay nhà nguyện của Dòng, Cha Sở được thỉnh cầu làm vị Hướng Dẫn Huynh Đoàn.
2. Nếu Cha Sở chấp nhận, Bề Trên Giám Tỉnh sẽ xin Thường Quyền sở tại chính thức bổ nhiệm ngài.
3. Nếu Cha Sở không chấp nhận:
a. Ban Điều Hành làm đơn xin Bề Trên Giám Tỉnh bổ nhiệm một Tu Sĩ Thánh Thể vào trách nhiệm này.
b. Đơn xin có chữ ký ưng thuận hay hiệp thỉnh của Cha Sở.
c. Văn thư bổ nhiệm gửi tới ít nhất ba nơi: Thường Quyền sở tại, Cha Sở và Huynh Đoàn giáo xứ.

25.01. Lập đơn vị mới
Để lập một đơn vị mới tại các giáo xứ:
1. Ít nhất mười (10) thỉnh nguyện viên làm đơn gửi đến Bề Trên Giám Tỉnh, xin thành lập Huynh Đoàn Thánh Thể.
2. Đơn cần có chữ ký ưng thuận hay hiệp thỉnh của Cha Sở.
3. Sau khi nhận đơn, một trong những điều Bề Trên Giám Tỉnh cần xét đến là liệu Huynh Đoàn sắp thành lập có thể có một vị Hướng Dẫn hay không, nhất là khi Huynh Đoàn đó ở ngoài vùng thuộc trách nhiệm mục vụ của Tỉnh Dòng.
4. Nếu chấp thuận đơn xin, Bề Trên Giám Tỉnh gửi văn thư thành lập tới các thỉnh nguyện viên và tới Cha Sở liên hệ trong trường hợp vị này không làm Hướng Dẫn.
5. Trong mọi trường hợp, văn thư thành lập cần được Cha Sở công bố.

27.01. Nhiệm vụ của Hướng Dẫn địa phương
Hướng Dẫn địa phương:
1. Phụ trách về kỷ luật và đồng hành thiêng liêng với Huynh Đoàn như quy định trong Hướng Sống 27.
2. Quyết định cho các Tập Sinh được tuyên hứa.
3. Chủ sự nghi thức thâu nhận Thỉnh Sinh, Tập Sinh và nghi thức Tuyên Hứa.

27.02. Ban Điều Hành địa phương:
Thành phần
Ban Điều Hành gồm:
1. Đoàn trưởng.
2. Đoàn phó.
3. Thư ký.
4. Thủ quỹ.

27.03. Ban Điều Hành địa phương:
Nhiệm vụ
Ban Điều Hành có nhiệm vụ:
1. Trợ giúp và cộng tác với vị Hướng Dẫn trong nhiệm vụ của ngài, nhất là :
a. Cổ võ lối sống Thánh Thể, đặc biệt là tinh thần hiệp nhất, yêu thương và đồng trách nhiệm.
b. Quan tâm đến các sinh hoạt huấn luyện các tiến cấp và hội viên cũng như các hoạt động thực hành việc tông đồ bác ái.
2. Điều động Huynh Đoàn vâng phục và cộng tác tích cực với Cha Sở trong mọi sinh hoạt thăng tiến giáo xứ.
3. Phát triển Huynh Đoàn không chỉ về số lượng mà còn về chiều sâu đức tin và lòng yêu mến Thánh Thể.
4. Thâu nhận các ứng viên vào các giai đoạn Dự Tuyển, Thỉnh Nguyện và Tập Sự.
5. Đề cử các Tập Sinh đủ điều kiện cho vị Hướng Dẫn để vị này chính thức thâu nhận vào Huynh Đoàn qua nghi thức Tuyên Hứa.
6. Thường xuyên thăm viếng, động viên và mời gọi hội viên hăng hái tham gia các sinh hoạt của Huynh Đoàn.

27.04. Ban Điều Hành địa phương:
Nhiệm vụ của mỗi thành viên

A. Đoàn Trưởng
1. Chịu trách nhiệm tổng quát về mọi sinh hoạt của Huynh Đoàn.
2. Duy trì tình hiệp nhất trong Huynh Đoàn.
3. Quan tâm đến mọi thành viên, đặc biệt là những người đau yếu, những người gặp thử thách, khó khăn.
4. Với đồng thuận của Ban Điều Hành, chính thức thâu nhận các ứng viên vào Dự Tuyển, Thỉnh Nguyện và Tập Sự.
5. Triệu tập và chủ tọa các buổi họp định kỳ của Huynh Đoàn và các phiên họp của Ban Điều Hành.

B. Đoàn Phó
1. Thay thế Đoàn Trưởng khi Đoàn Trưởng vắng mặt hoặc không thể thi hành nhiệm vụ.
2. Tổ chức và phân công các giờ chầu Thánh Thể, các việc đạo đức, hội họp, thường huấn, các công tác tông đồ…
3. Chịu trách nhiệm về Phụng Vụ trong Huynh Đoàn.
4. Tuyển mộ hội viên mới.

C. Thư Ký
1. Ghi chép các biên bản và lưu trữ các hồ sơ.
2. Sưu tầm và phổ biến tài liệu học tập, bài suy niệm Lời Chúa, mẫu chầu Thánh Thể, ấn phẩm liên quan đến Thánh Tổ Phụ…
3. Vào tháng mười một (11) dương lịch hằng năm, báo cáo tổng kết cuối năm cho Liên Huynh và văn phòng Huynh Đoàn toàn quốc.
4. Đặc trách về thông tin liên lạc.

D. Thủ Quỹ
1. Quản lý tài sản và sổ chi thu của Huynh Đoàn.
2. Báo cáo tài chánh ba (03) tháng một lần cho Huynh Đoàn.
3. Báo cáo tổng kết chi thu cuối năm cho Ban Điều Hành.

27.05. Ban Điều Hành địa phương:
Thành lập

A. Nguyên tắc chung
1. Có hai cách thành lập Ban Điều Hành:
a. Thông thường: Bầu cử theo thể thức đầu phiếu phổ thông, kín và đa số tuyệt đối.
b. Ngoại lệ: Khi có lý do đặc biệt, vị Hướng Dẫn toàn quốc chỉ định Ban Điều Hành địa phương sau khi tham khảo ý kiến những người liên hệ cần thiết.
2. Quyền bầu cử:
a. Mọi hội viên đã tuyên hứa và thường xuyên tham dự các sinh hoạt của Huynh Đoàn đều có quyền bầu cử.
b. Quyền bầu cử không thể uỷ thác cho người khác.
c. Không ai được bầu cho chính mình.
3. Quyền thụ cử:
Để được bầu vào các chức vụ trong Ban Điều Hành, các ứng viên phải:
a. Là hội viên chính thức của Huynh Đoàn.
b. Có nếp sống hội viên nhiệt thành.
c. Có khả năng điều hành Huynh Đoàn.
d. Có khả năng làm việc tập thể.

B. Tiến trình bầu cử
1. Ban bầu cử
a. Ít nhất một (01) tháng trước khi mãn nhiệm, vào một buổi họp định kỳ của Huynh Đoàn, sau khi xin ý kiến vị Hướng Dẫn, Ban Điều Hành đương nhiệm tổ chức bầu Ban Bầu Cử gồm:
i. một Chủ Tọa,
ii. một Thư Ký.
iii. hai người Kiểm Phiếu.
b. Có thể bầu bằng cách giơ tay.
2. Triệu tập bầu cử
a. Ngay sau khi có Ban Bầu Cử, Ban Điều Hành đương nhiệm chính thức triệu tập bầu cử bằng thư mời gửi tới từng hội viên, trong đó ấn định ngày giờ và địa điểm bầu cử.
b. Ban Điều Hành đương nhiệm đạt thư mời vị Hướng Dẫn địa phương, Cha Sở (nếu vị này không làm Hướng Dẫn) và đại diện Liên Huynh đến chứng kiến cuộc bầu cử.
3. Diễn tiến bầu cử
Ngày bầu cử, sau lời giới thiệu và chào mừng các thành phần tham dự, Ban Điều Hành đương nhiệm trao ghế chủ tọa cho Ban Bầu Cử và tiến trình bầu cử diễn ra như sau:
a. Cầu nguyện khai mạc.
b. Nêu những phẩm chất các ứng viên cần có.
c. Đề cử ứng viên.
d. Hỏi ý kiến mỗi ứng viên.
e. Tiến hành bỏ phiếu.
f. Công bố kết quả bầu cử.
g. Cám ơn và cầu nguyện kết thúc.
4. Bỏ phiếu và kiểm phiếu
a. Trong các cuộc bỏ phiếu, ứng viên được quá bán tổng số phiếu của các cử tri hiện diện sẽ đắc cử.
b. Nếu không có ứng viên đắc cử ở vòng đầu, thì vòng hai, cử tri sẽ chọn một trong năm (05) ứng viên cao phiếu nhất.
c. Nếu vẫn không có ứng viên đắc cử ở vòng hai, cử tri sẽ chọn một trong hai (02) ứng viên cao phiếu nhất.
d. Nếu hai ứng viên ngang phiếu nhau ở vòng ba, thì ứng viên tuyên hứa trước đắc cử. Nếu hai ứng viên tuyên hứa cùng một ngày, thì người cao tuổi hơn đắc cử.

C. Phê chuẩn và bàn giao
1. Biên bản bầu cử làm thành hai bản: một gởi về văn phòng Huynh Đoàn toàn quốc và một lưu tại Huynh Đoàn địa phương.
2. Ban Điều Hành tân cử được Bề Trên Giám Tỉnh chính thức công nhận khi phê chuẩn biên bản bầu cử.
3. Ban Điều Hành mãn nhiệm triệu tập Huynh Đoàn và bàn giao công khai cho Ban Điều Hành tân cử trễ nhất là một tháng (01) sau bầu cử.
4. Các thủ tục sau bầu cử nói ở phần C này cần được tiến hành sớm nhất có thể.

27.06. Ban Điều Hành địa phương:
Nhiệm kỳ
1. Nhiệm kỳ của Ban Điều Hành là bốn (04) năm.
2. Mọi thành viên đều có thể tái cử.

27.07. Ban Điều Hành địa phương mở rộng
Nếu có nhu cầu, Ban Điều Hành địa phương có thể được trợ giúp bởi:
1. Các Tổ Công Tác chuyên môn về: huấn luyện, bác ái, truyền giáo, giới trẻ, di dân…
2. Các Ban Điều Hành Huynh Đoàn giáo họ, giáo khu…
3. Mỗi Tổ hay Ban vừa nói gồm từ hai (02) tới bốn (04) hội viên do Ban Điều Hành địa phương chỉ định sau khi tham khảo ý kiến các hội viên liên hệ.
4. Các Tổ Công Tác chuyên môn và các Ban Điều Hành Huynh Đoàn giáo họ, giáo khu…, khi cần, hợp với Ban Điều Hành địa phương thành Ban Điều Hành địa phương mở rộng.

27.08. Ban Điều Hành
các cấp trên địa phương: Thành lập
Ban Điều Hành các cấp từ Liên Huynh đến Huynh Đoàn toàn quốc, về các mặt liên quan, từ thành phần, nhiệm vụ, đến việc thành lập và nhiệm kỳ, đều theo sát tinh thần của Quy Chế này từ số 27.02 - 27.06.

28.01. Quản trị và tham gia hoạt động bác ái
1. Huynh Đoàn các cấp, nhất là Huynh Đoàn địa phương, nên có Quy Chế riêng, áp dụng bản Hướng Sống của Hội Thánh Thể và bản Quy Chế toàn quốc này vào những hoàn cảnh riêng của Huynh Đoàn mình.
2. Quy Chế Huynh Đoàn ở các cấp cần có những quy định về:
a. Các sinh hoạt cụ thể của hội viên hay của các Huynh Đoàn liên hệ.
b. Các hoạt động tông đồ và bác ái.
c. Tài chánh: việc đóng góp, chi dụng và báo cáo.
3. Quy Chế riêng không đi ngược với các quy định của bản Hướng Sống và bản Quy Chế toàn quốc này.
4. Các bản Quy Chế riêng phải được sự chuẩn nhận của vị Hướng Dẫn liên hệ và phải được thông tri cho (các) Cha Sở liên quan không làm Hướng Dẫn.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.