Chúa Nhật 22 Thường Niên A
THEO CHÚA
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 16,21-27
Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.
SUY NIỆM
Mặc dầu Hội Thánh là Nhiệm thể của Chúa Giêsu.
Mặc dầu Hội Thánh được gọi là thánh và thực sự là thánh.
Nhưng để Hội Thánh được thánh, từng thành phần Hội Thánh phải thánh.
Chính Chúa Giêsu là đầu Hội Thánh cũng phải tự thánh hóa mình. Mà công trình thánh hóa là:
Thanh tẩy, tinh luyện và kết hợp nên một với Thiên Chúa Cha, Đấng vô cùng thánh thiện và là sức thánh hóa những ai muốn làm con cái của Ngài.
Về thiên tính, Chúa Giêsu là Đấng thánh vô cùng thánh thiện. Nhưng nhân tính của Chúa mặc dù không phải thanh tẩy vì Ngài là chiên con vô tội của Thiên Chúa cũng đã được tinh luyện qua cuộc khổ nạn của Chúa.
Phương thế Chúa Giêsu dùng để tinh luyện mình là: Ăn chay và cầu nguyện, là roi vọt, là thánh giá, là đanh sắt, lưỡi đòng.
Chúng ta chỉ được thuộc về Chúa, nên giống Chúa nếu chúng ta chấp nhận để Chúa thanh tẩy và tinh luyện ta.
Để thanh tẩy tâm hồn, lý trí ta, Chúa dạy: Hãy học theo Ta: khiêm nhường và hiền lành.
Vì kiêu ngạo, Satan phải loại ra khỏi Thiên đàng. Vì thiếu hiền lành, nhân loại cấu xé nhau, hành hạ và tàn sát nhau, và vì đã không yêu thương nhau thì không được Thiên Chúa yêu thương.
Nhưng nếu theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa Cha yêu thương, và như nước chảy xuôi về trũng, ơn huệ Thiên Chúa cũng đổ tràn đầy xuống những ai khiêm nhường.
Vì khiêm nhường chúng ta sẽ thấy cần phải cầu nguyện, mà cầu nguyện là chìa khóa mở kho tàng Thiên Chúa.
Vì khiêm nhường chúng ta dễ nhịn nhục, dễ nhường nhịn tha nhân và đó là bí quyết của đức ái. Ở đâu có đức ái, ở đó có Đức Chúa Trời.
Hễ khiêm nhường và hiền lành, thì sẽ dễ dàng thực thi các đức tính khác như yêu người, nghèo khó, trong sạch, hiếu hòa, quảng đại và dĩ nhiên là dễ dàng đáp tình Chúa yêu.
CẦU NGUYỆN
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã gọi con: Muốn theo Chúa thì phải vác khổ giá mình mà theo. Xin cho con vững tin rằng khổ giá chính là bậc thang vinh quang Chúa dành cho con.
* Hát: Đức Kitô nguồn hy vọng vinh quang, niềm tin tưởng hân hoan. Chúa chuộc chúng con bằng bửu huyết của Người.
2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa gọi con vác khổ giá theo Chúa, nhưng con biết rằng khi con vui lòng chấp nhận khổ giá thì chính Chúa vác giúp con. Xin cho con ơn được luôn luôn chấp nhận mọi khổ giá Chúa gửi cho con.
* Hát: Đức Kitô nguồn hy vọng vinh quang, niềm tin tưởng hân hoan. Chúa chuộc chúng con bằng bửu huyết của Người.
3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khổ giá là bài học khiêm nhường và hiền lành. Xin vì khổ giá Chúa đã vác vì chúng con, cho chúng con biết sống khiêm nhường và hiền lành.
* Hát: Đức Kitô nguồn hy vọng vinh quang, niềm tin tưởng hân hoan. Chúa chuộc chúng con bằng bửu huyết của Người.
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chính Chúa trên đường Emau đã cho các môn đệ Chúa hiểu không có khổ giá thì không có vinh quang. Xin cho con được quý trọng khổ giá là mọi thử thách Chúa cho con gặp trong đời thường.
* Hát: Đức Kitô nguồn hy vọng vinh quang, niềm tin tưởng hân hoan. Chúa chuộc chúng con bằng bửu huyết của Người.
Lm. Phêrô Nguyễn Châu Hải,SSS