THÁNH THỂ HY LỄ TẠ ƠN VÀ CẢNH VỰC MÔI SINH

THÁNH THỂ HY LỄ TẠ ƠN VÀ CẢNH VỰC MÔI  SINH

Cử hành Thánh Thể để tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc cử hành đó, cộng đoàn tín hữu dâng lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa cùng với Bánh và Rượu là những tặng phẩm của thiên nhiên. Như thế, phụng vụ có đặc tính phổ quát và hoàn vũ, vừa công bố hành vi giao hoà của Thiên Chúa với nhân loại, vừa nối kết đất với trời, để trời gặp gỡ đất, cho đất hướng về trời, đưa tình yêu cứu độ thấm nhập toàn thể thụ tạo. Đây là cuộc vận hành của tất cả công trình sáng tạo hướng tới đích điểm cuối cùng trong niềm hy vọng cánh chung, như được đưa vào cõi thánh thiêng, được “biến hình” đến với nguồn mạch sự sống một cách nhiệm mầu.

Trong Tông Huấn “Sacramentum Caritatis” về Bí Tích Thánh Thể, Đức Bênêđíctô XVI đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm “thánh hóa thế giới, bảo vệ vũ trụ”, và ước mong “những con người tạ ơn nhờ Thánh Thể là dân Kitô cần thiết phải có ý thức cử hành Thánh Thể nhân danh toàn thể vũ trụ”. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm thế giới tự nhiên như là “Nhiệm Thể của Đức Kitô”, hòa điệu cùng muôn thụ tạo, tiến dâng Chúa cả vũ trụ trong lịch sử tiến hóa và xác tín rằng sự hoàn kết tương lai của toàn nhân loại không thể tách rời sự thăng hoa biến đổi của tất cả tạo thành: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:1-5; Cv 2:2)

Chính nơi Bí Tích Thánh Thể tuôn trào nguồn ơn cứu độ, nhưng ơn cứu độ không chỉ mang ý nghĩa giải thoát, cứu chuộc hay cứu rỗi con người trong mọi thực tại nhân linh, mà còn là cứu thoát, độ trì và chuyển đưa cả thế giới tự nhiên từ cảnh hư  ảo vào cõi phúc vinh quang của Sáng Tạo Mới (Rm 8:20-21). Đó là sự thu tập, hoà giải, canh tân và hợp nhất vạn thể trong Đức Kitô, để tất cả được thông phần vào sự sung mãn của Người (Eph 1:10). Vì “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:20).      

Từ  nhận định trên, những bận tâm chính đáng liên quan đến điều kiện sinh thái tại nhiều nơi trên thế giới có điểm tựa rõ nét trong tương quan với niềm hy vọng Kitô giáo. Vấn đề là những vấn nạn môi sinh ảnh hưởng thế nào đến việc cử hành Hy Lễ Tạ Ơn và tâm tình chúc tụng của chúng ta đối với Đấng Sáng Tạo một cách chính đáng? Bí Tích Thánh Thể có liên hệ gì đến ý thức của con người và hành vi dấn thân chăm sóc môi sinh thay cho não trạng chinh phục, chiếm đoạt và tiêu thụ? Làm sao có thể tôn trọng và bảo tồn hệ sinh thái giữa một xã hội công nghệ hóa hiện đại?

Thật vậy, chưa bao giờ trong lịch sử, trước những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề môi sinh trở thành một trong những quan tâm hàng đầu, cấp bách đòi hỏi ý thức trách nhiệm chung của mọi người đối với sự sống và tương lai nhân loại. Hằng ngày, trên toàn thế giới, biết bao nhiêu phóng sự tường trình những hậu quả nghiêm trọng cảnh báo về thiên tai và những cơn sóng thần. Phải chăng vì thiếu vắng ý thức, thiếu hiểu biết về mối tương hệ sâu kín với vũ trụ và hòa đồng trong đại thể, hay vì những tham vọng lợi nhuận kinh tế mà con người không còn cảm thấy trách nhiệm đối với trái đất, để rồi gây ra những hiểm họa về môi sinh thảm khốc, đặc thù và phi lý nhất của thời đại?

Từ nhãn quan Thánh Thể, “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” được Chúa Thánh Thần biến đổi thành Thân Mình Đức Kitô và trao ban cho chúng ta. Tấm Bánh dâng hiến trở nên “bánh sự sống”, rượu tiến dâng trở thành “của uống thiêng liêng” nuôi dưỡng chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Thánh Thể là nghi thức cử hành sự thánh thiêng và toàn vẹn của cả vũ trụ, tuy được biểu hiện đơn sơ trong những yếu tố trần thế của bánh miến trắng tinh và rượu nho thơm nồng. Từ của ăn và thức uống tầm thường trên bình diện tự nhiên hạ giới, được nâng lên bình diện siêu nhiên thượng giới, trở nên chính Mình và Máu của Đấng Thánh mà chúng ta tưởng nhớ, tôn thờ và lãnh nhận.

Khi được mời đến ăn “bánh bởi trời” và uống “chén cứu độ” với lời đáp: “Amen”, chúng ta thực sự bước vào đời sống hiệp thông với Đức Kitô; và hiệu quả đặc biệt của Thánh Thể là đến lượt chính chúng ta được “đồng hóa” với Người trong huyền nhiệm của tình yêu tự hiến và tặng ban hoàn vũ này. Trong cuộc biến đổi huyền diệu của Thánh Thể như hy lễ thượng hiến, tất cả chúng ta và toàn thể tạo thành được thánh hoá, liên kết với nhau để cùng nhau quy hướng về Đấng là “Đầu” của vũ trụ (Eph 1:10; Cl 1:15-20).

Vì Thiên Chúa trong Đức Kitô đã giao hòa vũ trụ với chính Người (2 Cor 5: 19), nên từng vật thể, từng sinh vật, cho đến cả tạo thành, chứ không chỉ riêng loài người được Người mời gọi chia sẻ tình yêu và sự sống đó. Như vậy, thụ tạo cũng là hiện hữu của những gì xuất phát từ chính Thiên Chúa như quà tặng quý giá của Tình Yêu, một Tình Yêu sáng tạo và tự hiến. Tất cả môi trường sinh thái với muôn vàn vẻ đẹp của “đồi xanh núi biếc, hoa lá cỏ cây, suối nước tràn đầy, sông sâu biển cả, kình ngư cùng thuỷ tộc, mọi loài chim chóc, gia súc lẫn thú rừng” và “phàm nhân dương thế” (Đn 3:75-82) đều nằm trong sự hoà điệu bí ẩn, cùng đến với sự sống vi diệu và được hiện hữu nhờ lời chúc lành của Đấng Sáng tạo từ thuở thiêng liêng ban đầu: “Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều … trên mặt đất”.

Như thế, khi thừa lệnh Đức Kitô trong cuộc cử hành Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, chính ký ức Thánh Thể đó có hiệu lực làm sống lại trong chúng ta ý thức thụ tạo của mình. Con người là thụ tạo giữa muôn thụ tạo, ở vị trí duy nhất và riêng biệt trong công trình tạo dựng, nhưng có thể nói, được tuyển chọn làm “tư tế của tạo thành”, nhân danh Đức Kitô mà dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen và cảm tạ của tất cả. Chình vì vậy, chức tư tế của tạo thành chỉ có thể hiểu khi đặt vào trong mối liên hệ thiết yếu với ơn gọi làm “quản gia” trong tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, bảo vệ, duy trì sự sống và nâng niu môi trường thiên nhiên do Thiên Chúa tạo tác và trao tặng cho chúng ta.

Từ đó, có thể nói, khi được biến đổi thành Mình và Máu Thánh Đức Kitô, bánh và rượu trở nên “bí tích” đem tất cả dạng thức sống, muôn sinh thể, các yếu tố vật chất, tinh thần cũng như mọi thực tại nhân linh tháp nhập vào một nguyên lý “biến hình” tiệm tiến, nguyên lý dẫn tất cả tiến về mục đích tối hậu là sự “sáng tạo hợp nhất” khiến mọi loài mọi vật như được “đọng” lại trong Đức Kitô, Ngôi Lời hằng hữu, là Nguyên Lý phổ quát của tất cả nhân loại và tất cả tạo thành. Như thế, theo chiều kích sáng tạo hợp nhất này, Thánh Thể vừa minh chứng về “cảnh vực môi sinh”: vạn hữu trong vũ trụ đang tiến hóa, vừa làm nên “cảnh vực thần linh”, nơi mà Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta trong Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là “Trưởng Tử” sinh ra trước mọi loài thụ tạo nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (Cl 1:15-20)

Kết luận

Từ những suy tư trên, chúng ta nhận biết mối liên hệ mật thiết giữa bí tích Thánh Thể và cảnh vực môi sinh. Trong cuộc cử hành phụng vụ, nhân danh Đức Kitô, chúng ta không chỉ dâng lên trên bàn thờ trái đất, lao công và khổ đau của con người, nhưng hơn thế nữa, có thể nói, vũ trụ là “Bàn Thờ” trên đó mọi lời Chúc Tụng và Tạ Ơn của muôn vàn thụ tạo được dâng lên Thiên Chúa.

Chiêm ngắm và cử hành Thánh Thể trong chiều kích hoàn vũ, chúng ta liên tưởng đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như là việc tất cả tạo thành được thông dự vào tình yêu và sự sống vĩnh hằng của Người. Như thế, hiện hữu của con người và vũ trụ không thể tách rời, nhưng tương tác tương thuộc, qui hướng về nhau xuyên qua tiến trình phức hợp của sự sống, để rồi tiến tới sự thống nhất của tất cả thực tại như là cùng đích vinh quang của thân phận thụ tạo trong Đức Kitô.

Thế nhưng, trên địa cầu của nền văn minh kỹ thuật hiện nay, dường như càng ngày con người càng tách rời khỏi thiên nhiên, trở nên kẻ xa lạ, nhìn thiên nhiên như “dụng thể”. Vì thế, những tai họa về ô nhiễm môi sinh, nạn phá rừng vô trách nhiệm, những sa thải hoá chất độc hại khiến cho, biển nhiễm độc, sông rạch, khoe suối cạn khô, những khí thải công nghiệp làm tăng nhiệt độ toàn cầu, tạo nên thiên tai lụt lội hoặc hạn hán thảm khốc tại nhiều nơi. Hệ lụy là con người dường như không còn nhận thấy mình là một phần tử khiêm tốn như “thân cận” của thiên nhiên, nhưng là một thực thể đứng ngoài, đứng trên, và tiếp tục xung đột với thiên nhiên. Chính trên bình diện này mà lối sống, cung cách cư xử theo quan niệm về con người như “chủ nhân ông” vượt trên mọi tạo vật bị đặt thành vấn đề, đặc biệt trong thời hiện đại. Nói cách cụ thể, là kêu gọi ý thức trách nhiệm: con người phải làm hay có thể làm được gì cho môi trường sinh thái? Vì bánh và rượu, như lời của Giáo Phụ Irênê, là “lễ vật tinh tuyền rút ra từ vạn vật do Người sáng tạo để tạ ơn Đấng Sáng Tạo”,

Ý thức được cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay, không thể giải quyết đơn thuần dựa trên những ý niệm hay tranh luận lý thuyết, nhưng tiên vàn là sự hoán cải toàn diện vì trái đất. Trước những đòi buộc hoán cải, từ lẽ suy tư đến chính kinh nghiệm trực tiếp nhất về Thánh Thể, có thể khuôn đúc nên một nền đạo đức sinh học, để từng hành động nhân linh có thể cứu vãn được tình thế nguy ngập hiện nay, khi biết lắng nghe và đáp lời “kêu cứu” của thiên nhiên. Điều cốt yếu là làm sao để việc cử hành Thánh Thể với muôn lời cảm tạ và ngợi khen Đấng Sáng Tạo “trong tinh thần và chân lý” trở thành động lực thúc đẩy chúng ta biết tôn trọng môi trường sinh thái, bảo vệ và chăm sóc mọi dạng thức, mọi cấp độ của sự sống. Vậy nếu Thánh Thể là “cảnh vực” khởi đầu cho tiến trình “thần hoá” hoàn vũ, phải chăng hướng đi, cách tồn tại và phát triển của con người đến thái độ sống có lương tâm và trách nhiệm, hài hòa và thân thiện hơn với cảnh vực môi sinh có thể tìm thấy nơi Thánh Thể, là bí tích tổng hợp Đức Tin, Niềm Hy Vọng và Lòng Mến Kitô giáo.

                   Lm. Phaolô  Vũ Chí Hỷ, SSS 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.