Thường Huấn cho Anh Em Dòng Thánh Thể

Thường Huấn cho Anh Em Dòng Thánh Thể

 

NGÔI NHÀ THÁNH THỂ 

 

“Giáo hội cử hành Thánh Thể, nhưng Thánh Thể làm nên Giáo hội”

Tôi mượn câu nói của nhà thần học Mathêô Spick để nói về mối tương quan giữa Thánh Thể và Hội Dòng của chúng ta như sau: “Dòng Thánh Thể chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng Thánh Thể làm nên Hội Dòng của chúng ta”. Nói một cách cụ thể hơn là chính Chúa Giêsu Thánh Thể liên kết anh em chúng ta thành một gia đình, mà tôi gọi là NGÔI NHÀ THÁNH THỂ.

Bây giờ, chúng ta sẽ hình dung Ngôi Nhà Thánh Thể mà chúng ta sẽ cùng nhau góp sức xây dựng như thế nào?

Thưa anh em, Thánh Thể làm nên Ngôi Nhà Thánh Thể theo ba ý nghĩa sau:

  1. Thánh Thể phải là mô thức của Ngôi Nhà

Chính Chúa Giêsu đã lập ra Giáo hội theo mô hình của Thánh Thể, thì thánh Tổ phụ Eymard của chúng ta cũng lập Dòng Thánh Thể trên mô hình Thánh Thể như thế.

Bánh và rượu là dấu chỉ của Thánh Thể. Bánh được làm từ những hạt lúa, được xay và được nướng; Rượu được làm từ những trái nho chín, được ép và ủ lên men. Nhưng rồi quan trọng là Bánh và Rược phải được “truyền phép”, nghĩa là được thánh hóa và thánh hiến. Là tu sĩ Thánh Thể, chúng ta cũng phải được đổi mới như hạt lúa, như những trái nho. Nếu như Bánh và Rượu được biến thể thành Mình và Máu Chúa nuôi dưỡng nhân loại; thì tu sĩ Thánh Thể chúng ta cũng có thể được gọi là “biến thể” theo nghĩa là được biến đổi thành những tu sĩ Thánh Thể, thông phần bản tính với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cho nên, người tu sĩ Thánh Thể nào không sống cho anh em mình thì không thực sự là tu sĩ Thánh Thể. 

  1. Thánh Thể xây dựng Cộng đoàn

“Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10,17)

Tấm bánh mà chúng ta chia sẻ ra và chia nhau; ly rượu mà chúng ta cùng uống, chính là Thịt và Máu Thánh Chúa Kitô, Đấng đã nhập thể làm người, đã chịu khổ nạn và chịu chết. Không làm người, không chết đi, thì Chúa Giêsu không thể trở nên của ăn cho chúng ta, cũng như hạt lúa phải chết đi mới có thể trở thành cây lúa, sau đó trổ bông, kết hạt, rồi bị nghiền nát và nướng chín thì mới thành bánh có thể ăn được. Cuộc đời Chúa Giêsu là một quá trình hình thành tấm bánh, dâng lên Thiên Chúa làm hiến lễ Tạ ơn, và được bẻ ra nuôi gia đình nhân loại.

Như vậy, chúng ta thấy rõ Thánh Thể Chúa Giêsu đã xây dựng Hội Thánh, Thánh Thể Chúa Giêsu là nền tảng của Hội Thánh, là chính Hội Thánh (thân mình Chúa Kitô). Chúng  ta cũng xác tín rằng Thánh Thể Chúa Giêsu là nền tảng của Dòng Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu Thánh Thể là Ngôi Nhà Hội Dòng Thánh Thể của chúng ta. 

  1. Thánh Thể nuôi sống Cộng đoàn

Trung tâm điểm của đời sống Hội Dòng chúng ta chính là Thánh Thể. Có thể nói, mọi ngày sống của chúng ta là hướng về Thánh Thể, hay là phải khởi đi hay kết thúc từ Thánh Thể. Nếu chúng ta bắt đầu ngày mới bằng việc cử hành Thánh Thể, thì đó là khởi đi từ Thánh Thể; con nếu chúng ta cử hành Thánh Thể vào chiều tối, thì được coi là kết thúc ngày sống Thánh Thể của cộng đoàn chúng ta. Vấn đề thời điểm không quan trọng, cho bằng, việc cử hành đó có thực sự đã qui tụ cả cộng đoàn chung quanh bàn tiệc Thánh Thể Chúa chưa? Giống như một gia đình bữa ăn là giờ phút ấm cúng nhất, vì là giờ phút qui tụ đông đủ mọi thành viên trong gia đình, là dịp để mọi người chia sẻ với nhau.

Điều đáng tiếc là nhiều khi việc cử hành Thánh Thể của chúng ta chưa thực hiện trọn vẹn được ý nghĩa của sự chia sẻ này. Nó vẫn nặng về hình thức, mà chưa thể hiện được bầu khí “đơn sơ và vui vẻ”, chưa củng cố và nuôi dưỡng tình yêu huynh đệ giữa những người tham dự. Nói cách khác, buổi cử hành thiếu sự hiệp nhất, thiếu tình bác ái yêu thương, thậm chí còn tồn tại cả những chia rẽ, thù nghịch với nhau. Nếu cứ như vậy, thì chỉ có số ít cá nhân được Thánh Thể nuôi dưỡng, và do đó không thể gọi là cộng đoàn hay dòng tu Thánh Thể.

Anh em thân mến! Thánh Thể không chỉ là của ăn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người trong cộng đoàn, mà thực sự là của ăn nuôi dưỡng toàn thể cộng đoàn, giúp cộng đoàn được liên kết gắn bó và sống cho nhau, làm cho tất cả trở nên một nhiệm thể duy nhất của Đức Kitô, xứng với danh hiệu của Hội Dòng chúng ta.

Câu hỏi gợi ý để chia sẻ

  1. Nhìn lại công tác mục vụ nói chung, và cách riêng của mỗi người, chúng ta đã làm được gì để tự giới thiệu mình hay để người ta nhận ra chúng ta là linh mục, tu sĩ Dòng Thánh Thể?
  2. Anh nghĩ gì về câu nói: “Bạn đừng hỏi nhà Dòng hay anh em trong Dòng đã làm gì cho tôi, nhưng hãy tự hỏi tôi đã làm được những gì để xây dựng nhà Dòng hay đã làm gì cho anh em trong Dòng?

Lm. Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu,sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.